KINH TẾ TRUNG QUỐC VÀ ẢNH HƯỞNG TOÀN CẦU
I. TỔNG QUÁT - Trung Hoa Cộng Sản, dưới sự cai trị của Mao Trạch Đông, là một nước cô lập với các nước bên ngoài. Đặng Tiểu Bình đã thay đổi nền kinh tế của Hoa Lục, để rồi chỉ trong hơn ba thập niên đã trở thành 1 cường quốc kinh tế. Trung Quốc đã đã mở cửa cho tư bản ngoại quốc vào đầu tư và du nhập kỹ thuật Tây Phương. Đặng Tiểu Bình là người có công trong việc biến Trung Quốc - từ 1 quốc gia lạc hậu, chậm tiến và bị cô lập - thành 1 quốc gia kỹ nghệ.
Sau nhiều năm thúc đẩy xuất khẩu đầu tư và tích lũy vốn, tiềm lực kinh tế Trung Quốc giờ đã lớn mạnh lên rất nhiều. Cho đến hôm nay, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã lên đến trên 3,000 tỷ USD mà Hoa Kỳ là con nợ lớn nhất. Đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã thay Đức Quốc trong vị thế cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới. Trong quý hai năm 2010, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Các kinh tế gia thế giới đã bắt đầu bàn đến một ngày Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, đây chỉ là sự tâng bốc có tính toán để Trung Quốc ngủ quên trên tình trạng thật sự của quốc gia mình. “Mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang ẩn chứa nhiều rủi ro”. Đây là nhận định trong 1 báo cáo vừa được công bố trên website của Strategy and Reform (Chiến lược và Cải cách) – 1 nhóm chuyên gia kinh tế Trung Quốc bao gồm các học giả, lãnh đạo công ty, các nhà tư vấn chính sách và cả 1 số quan chức chính phủ. Tình trạng bất ổn về kinh tế kéo theo sự bất mãn với tình trạng tham nhũng tràn lan, lấn chiếm đất đai cùng với nhu cầu về phúc lợi xã hội chưa được thỏa mãn đang đe dọa sẽ gây nên những bất ổn về chính trị. Gánh nặng đang đè nặng lên đôi vai của thế hệ lãnh đạo của Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Từ Đại hội 18, họ cứ nói đến tái cân bằng cơ chế kinh tế, cụ thể là nâng sức tiêu thụ nội địa và giảm dần sự lệ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu. Họ chưa làm được chuyện ấy mà vẫn cố bán hàng nhiều hơn trong khi đó thị trường lao động không còn hấp dẫn đối với Hoa Kỳ và các nước Tây Phương. Nền kinh tế đang tiến tới tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Thật sự, tỷ giá đồng Nhân dân tệ, thị trường chứng khoán, nợ công và nguy cơ vỡ bong bóng địa ốc Trung Quốc đều có sự liên hệ với nhau và Trung Quốc đang bị khó khăn cả trong 4 lãnh vực này. Bài viết có mục đích giúp độc giả các tin tức để có cái nhìn đầy đủ và khách quan về những vấn đề của nền kinh tế, tài chánh Trung Quốc.
II. SỰ CHẬM LẠI CỦA NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC
Kể từ 2014, kinh tế Trung Quốc bắt đầu chậm lại. Một điều mọi người đang lưu ý là trong năm 2015, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ còn 7%, các công ty ngoại quốc tiếp tục rút ra khỏi Trung Quốc để chuyển về nội địa hay qua các nước Đông Nam Á, thị trường chứng khoán bốc hơi hơn 3,000 tỷ USD trong tháng 7, nợ công khiến chính phủ Trung Quốc sẽ phải áp dụng hệ thống bảo hiểm cho hơn 100 ngàn tỷ Nhân dân tệ – tương đương 16 ngàn tỷ USD – trong hệ thống ngân hàng của mình và nguy cơ vỡ bong bóng địa ốc sẽ là điều mà Hoa Kỳ và đồng minh phải lưu tâm trong mặt trận kinh tế để đương đầu với Trung Quốc. Thật sự, các chuyên gia quốc tế tỏ ra nghi ngờ chính phủ Trung Quốc đã thổi phồng các con số. Theo họ, mức tăng trưởng thật sự trong quý II vừa qua của nền kinh tế thứ hai thế giới khó có thể đạt tới 7% như thống kê của Bắc Kinh. Giám đốc của Viện Văn hóa, Kinh tế và Địa-Chính trị Pháp cho biết những con số thống kê của Trung Quốc nằm trong số những thống kê ít tin tưởng nhất trên thế giới. Theo thăm dò của Bank of America Merrill Lynch, 75% các nhà đầu tư tin rằng tỷ lệ tăng trưởng thật sự của Trung Quốc đạt chưa tới 6%. Trong bài phỏng vấn nhà tỷ phủ Ray Dalio ngày 29/8, người sáng lập quỹ đầu tư (hedge fund) hàng đầu Bridgewater lo ngại: “Trung Quốc sẽ kềm hãm kinh tế thế giới”. Đối với nhà tỉ phú trên, tăng trưởng Trung Quốc sẽ không thể vượt quá 4.5%. Kinh tế trưởng ngân hàng Citigroup William Bulter, tin chắc là kinh tế Trung Quốc đang bên bờ suy thoái. Suy thoái kiểu Trung Quốc, theo định nghĩa của ông, là một tỉ lệ tăng trưởng 4%. Ngân hàng Trung ương Mỹ (Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ FED) đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế của Trung Quốc.
Do kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, giới phân tích lo ngại về nguy cơ phát sinh nợ xấu và dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính có khả năng lan rộng ra phạm vi toàn cầu, giống như những gì đã xảy ra ở Mỹ hồi năm 2008. “Một cuộc khủng hoảng tài chính… có khả năng nhấn chìm cả thế giới vào suy thoái, đặc biệt là nếu cuộc khủng hoảng này lan ra khắp châu Á”, chuyên gia hoạch định chiến lược đầu tư toàn cầu George Hoguet thuộc State Street Global Advisors cảnh báo. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 50 năm qua kinh tế thế giới suy thoái mà không gắn liền với sự suy giảm của kinh tế Mỹ. Những điều đang xảy ra cho nền kinh tế Trung Quốc:
- Xuất khẩu giảm: Lần đầu tiên từ nhiều tháng qua, xuất khẩu của Trung Quốc giảm trong khi nhập khẩu cũng giảm, gây lo ngại rằng kinh tế nước này thực sự bước vào đà giảm tốc độ tăng trưởng. Dù đa số các nhà phân tích tin rằng kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, nhưng mức độ sụt giảm 3.1% về xuất khẩu trong tháng 6 năm nay, tính từ một năm trước đó gây lo ngại. Lý do thứ hai là các công ty đầu tư ngoại quốc bắt đầu rút các công ty về lại quốc nội hoặc qua các nước Đông Nam Á. Theo Boston Consulting, cứ 1 USD sản xuất tại Mỹ sẽ tương đương với mức chi phí 96 cent tại Trung Quốc. Rất khó cho Trung Quốc để chuyển đổi khuynh hướng này. Trong bảy tháng đầu năm 2014, đầu tư từ Nhật Bản giảm 45.4% xuống còn 2.83 tỉ USD, từ Liên minh châu Âu (EU) giảm 17.5% xuống còn 3.83 tỉ USD và Mỹ giảm 17.4% xuống còn 1.81 tỉ USD. Trung Quốc cũng có thể bắt chước các quốc gia Âu-Mỹ đầu tư vào các nước ASEAN nhưng các nước này đã lập nền tảng vững chắc trong việc giao thương chiến lược với các nước ngoài Trung Quốc và việc đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc lại tăng thêm nạn thất nghiệp trong nước.
- Thị trường chứng khoán: Chỉ trong 12 tháng tính đến tháng 6/2015, chỉ số chứng khoán Trung Quốc tăng 150% vào cuối năm 2007 và trở thành một hoạt động kinh tế hấp dẫn, thu hút đến hơn 90 triệu nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến. Riêng trong năm 2014, chứng khoán đã tạo cơ hội cho hơn 1 triệu người trở thành triệu phú (bằng đồng nhân dân tệ). Nếu tại Mỹ chỉ có khoảng 3% nhà đầu tư đi vay để "chơi" chứng khoán thì tỷ lệ đó tại Trung Quốc là 8%. Chỉ có điều là phần lớn nhà đầu tư chứng khoán, không có nhiều kiến thức về thị trường, cứ thấy giá lên là mua vào rồi vài tuần sau lại bán ra khi thấy giá xuống. Tâm lý đám đông có thể "thổi" giá cổ phiếu tăng gấp ba trong thời gian rất ngắn nhưng vì không có giá trị thực nên trò chơi may rủi ấy đã làm hơn 3,000 tỷ USD tan thành mây khói chỉ trong ba tuần cuối tháng Sáu và tuần đầu tháng Bảy 2015, đưa thị trường chứng khoán trở lại mức ban đầu vào năm 2007. Bắc Kinh đang gấp rút đưa ra những biện pháp mạnh để cứu thị trường.Công ty Tài chính Chứng khoán Trung Quốc (CSF) giữ trong tay lượng vốn sẵn có lên tới 3 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 483 tỷ USD - nguồn tin thân cận tiết lộ với hãng tin Bloomberg. Đây là số vốn sẵn sàng được tung ra để cứu thị trường chứng khoán Trung Quốc trong trường hợp cần thiết.Tuy nhiên, những biện pháp này có thể tác động tiêu cực đến giới đầu tư, những người đã hy vọng Bắc Kinh làm cho các thị trường Trung Quốc tự do hơn. Giá chứng khoán trên thị trường chính của Trung Quốc ở Thượng Hải ngày 25/8 lại tuột dốc, giảm 7.6% và xuống tới mức thấp nhất trong vòng 8 tháng. Thị trường chứng khoán Thượng Hải mất 37% trong hai tháng, cho thấy những thách thức to lớn về mặt cơ cấu mà Trung Quốc phải đối mặt.
- Nợ công và vỡ bong bóng địa ốc: Hiện Trung Quốc đang là nước có khối nợ quốc gia thuộc diện lớn nhất thế giới, bao gồm cả nợ công chính phủ và địa phương lẫn nợ doanh nghiệp, vào khoảng 282% GDP, tương đương với 28,000 tỷ USD. Theo Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey công bố hồi tháng 2/2015, công bố này dựa trên báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới của IMF, Ngân hàng thanh toán quốc tế và Haver Analytics. Theo báo cáo này, danh sách 10 quốc gia nợ nần nhiều nhất còn có Ireland (tổng nợ/GDP 390%), Singapore (382%), Bồ Đào Nha (358%), Bỉ (327%), Hà Lan (233%), Hy Lạp (317%), Tây Ban Nha (313%) và Đan Mạch (302%). Cũng theo McKinsey, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, năm 2014 tổng nợ/GDP là 233%, xếp thứ 16 thế giới. Vấn đề quan trọng nhất là các nước này có chiến lược tài chánh để trả nổi số nợ này hay không. Bắt đầu từ Hoa Kỳ, chính phủ nước này đã tìm cách giảm ngân sách quốc gia, đồng thời chính phủ cũng ra những luật lệ để hạn chế những sự vay mượn của người dân, để không bị lâm vào cảnh vay rồi không có tiền trả. Bắt chước HK , Âu Châu cũng tìm cách giảm ngân sách nhà nước , chính phủ không được quyền chi tiêu quá 3% ngân sách đã quyết định, luật lệ này đã từ từ được các nước Âu châu áp dụng và đã thành công .
Bong bóng bất động sản của Trung Quốc, được cho là lớn nhất thế giới nếu tính vào số lượng dự án đã hoàn thành nhưng không có người ở, có đang xì hơi nhưng cũng chưa đến mức bị vỡ, theo National Interest. Khả năng trả nợ của Trung Quốc đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay nhất là những khoản nợ ngắn hạn. Đa số khoản nợ lại thuộc hệ thống kinh tế và ngân hàng của nhà nước, đã cấu kết với nhau nên dễ gây tác động dây chuyền và có thể dẫn tới vỡ nợ hay phá sản đồng loạt. Biến cố vỡ bong bóng địa ốc của Nhật Bản đã xảy ra năm 1991 và của Hoa Kỳ năm 2008. Tầm quan trọng của vấn đề vỡ bong bóng địa ốc của Trung Quốc đang được các phân tích gia về tài chánh quốc tế theo dõi kỹ càng.
- III. BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT CỦA TRUNG QUỐC
Cũng như Nhật Bản và Hoa Kỳ, Trung Quốc đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ cùng một lúc:
- Giảm giá Nhân dân tệ: Quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ 1.9%,1.6% và 1.1% trong 3 ngày liên tiếp từ 11 đến 13 trong tháng 8 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sau khi xuất khẩu giảm 8% trong tháng 7 sẽ mang hại nhiều hơn lợi. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 27/8 đã ấn định tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ ở mức 6.4085 nhân dân tệ/USD, mức thấp nhất kể từ năm 2011. Thông thường, biện pháp phá giá tiền tệ thường được thực hiện để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa nhằm cải thiện cán cân thanh toán vãng lai. Tuy nhiên, điểm yếu của phá giá là sẽ làm tăng giá hàng hóa trong nước, ảnh hưởng lên lạm phát. Do đó, để hạn chế lạm phát, các biện pháp thường được sử dụng là đồng thời phải giảm thâm hụt ngân sách và thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc sẽ không còn như xưa. Nhiều hãng tin tài chính lớn như Financial Times, Bloomberg, cho rằng hành động của Bắc Kinh đang châm ngòi cho một 'cuộc chiến tiền tệ' trong khu vực, khi hàng loạt các quốc gia châu Á bất ngờ phải đối mặt với áp lực phá giá tiền tệ để giữ tính cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu.
- Bơm tiền dự trữ: Trung Quốc chi gần 600 tỷ USD kích thích kinh tế và kéo dài cho đến hôm nay. Trung Quốc đã cấm các nhà báo đưa tin về quy mô của bong bóng nợ 28 ngàn tỷ USD, phần lớn là đầu tư địa ốc, đang được coi là một quả bom nổ chậm trong bối cảnh lãi suất trong nước tăng nhanh. Bắc Kinh cũng đã chi rất nhiều tiền để ngăn đà tụt giảm của thị trường chứng khoán trong nước và Ngân hàng Trung ương nước này đã giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Sự chi tiêu mạnh tay của Trung Quốc dựa vào những nguồn dự trữ sau:
- Ngân sách dự trữ của đảng Cộng Sản Trung Quốc: Không ai biết được Ngân sách dự trữ của đảng Cộng Sản Trung Quốc vì điều này được xem như bí mật quốc gia. Phần lớn ngân sách này được dùng trong việc canh tân và phát triển quân lực Trung Quốc. Ngân khoản này cũng có thể được dùng trong trường hợp khẩn cấp.
- Lượng dự trữ tiền mặt: khoảng 4,000 tỉ USD trong nước và tiền dự trữ tại nước ngoài nhất là tại Hoa Kỳ dưới dạng Công khố phiếu với giá trị tương đương.
- Dự trữ vàng: Dự trữ vàng của Nga và Trung Quốc đã mất giá kể từ giữa tháng 7/2015, khi thị trường xuống đáy 5 năm vì USD mạnh lên và Mỹ sắp tăng lãi suất. Giá vàng giảm ảnh hưởng lớn tới Nga và Trung Quốc - những nước mua vào nhiều nhất trong 6 năm qua. Ngày 17/7, Trung Quốc thông báo đã tăng dự trữ vàng lên 1,658 tấn. Đây là lần đầu tiên nước này cập nhật số liệu từ năm 2009. Theo IMF, Nga cũng mua vàng nhiều hơn trong tháng 7 và hiện nắm giữ khoảng 1,275 tấn. Dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng gần 60% từ năm 2009, còn tại Nga là gấp đôi. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giá trị vàng dự trữ của Nga hiện chỉ còn khoảng 44.5 tỷ USD, so với 47 tỷ USD giữa tháng 7. Số liệu của Trung Quốc giảm từ 61 tỷ USD xuống 58 tỷ USD.
- Giảm lãi xuất: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo chính sách nới lỏng tiền tệ kịch tính hôm 27-8 bằng cách giảm 0.25% đối với lãi suất cho vay và tiền gửi, đồng thời giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại từ 18.5% xuống còn 18%. Chính sách này được cho là nỗ lực cầm cương thị trường chứng khoán nước này sau những ngày trượt dốc ác liệt vừa qua. Đây cũng là lần cắt giảm lãi suất lần thứ 5 của Trung Quốc kể từ tháng 11-2014.
Cả Nhật lẫn Mỹ đều phải mất 7-8 năm để vực dậy nền kinh tế của mình. Giữa năm 1990, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã đưa ra mức lãi suất ngân hàng ở mức dưới 1% để tạo điều kiện cho người dân vay tiền và từ đó khơi thông thị trường nhà đất. Năm 1995, Bộ Tài chính Nhật Bản đã ban hành sắc lệnh tăng thuế tiêu dùng từ 3% lên 5% và giảm 20% thuế thu nhập cá nhân nhằm kích thích nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản còn yêu cầu công ty quản lý nợ mua lại các khoản nợ xấu liên quan đến BĐS. Chính phủ Mỹ cũng có những quyết định tương tự. Trong năm 2008, chính phủ Mỹ chi 200 tỷ USD tiếp quảnFreddie Mac và Fannie Mae để tránh khỏi nguy cơ phá sản. Chính phủ cũng đã buộc phải bơm 85 tỷ USD vào AIG, tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới, để tránh cho thị trường tài chính nước này một kết cục tồi tệ hơn. Vào tháng 10, quốc hội Mỹ bắt buộc phải thông qua gói 700 tỷ USD để mua nợ xấu nhà băng và cứu các công ty xe hơi. Chính phủ Hoa Kỳ phải cho GM và Chrysler, hai tập đoàn nguy ngập nhất, "vay nóng" 14 tỷ đôla, được trích từ nguồn hỗ trợ này. Tháng 11, chính phủ Mỹ chi thêm800 tỷ USD hỗ trợ kinh tế. Mỹ kể từ đầu năm đã 8 lần cắt giảm lãi suất, từ đó lãi suất cơ bản từ 5% đã xuống chỉ còn 0.25%. Điều cần để ý là trong lúc Hoa Kỳ chuẩn bị tăng lãi xuất vì nền kinh tế khá ổn định thì Trung Quốc vẫn còn loay hoay giảm lãi xuất.
- IV. ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI HOA KỲ VÀ TOÀN CẦU
Theo các chuyên gia, nếu tình hình kinh tế Trung Quốc sa sút thì Hoa Kỳ và các nước khác sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên ảnh hưởng đối với các nước trên thế giới sẽ ít hơn nhiều so với những thiệt hại của Trung Quốc. Nếu mức xuất cảng của Trung Quốc giảm, điều này sẽ kéo theo sức nhập cảng bao gồm cả hàng hóa của Mỹ. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì cường quốc này hiện không quá lệ thuộc vào hoạt động giao thương với nước ngoài.
- Giao thương chững lại: Trong vòng 2 năm tới, kim ngạch thương mại Mỹ - Trung được dự đoán sẽ vượt kim ngạch thương mại giữa Mỹ - Canada để trở thành kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới, theo báo cáo của State Street Global Advisors, chi nhánh của tập đoàn quản lý tài sản hàng đầu thế giới State Street có trụ sở tại Mỹ. Tuy nhiên, xuất khẩu chỉ chiếm 13% GDP của Mỹ, trong khi sức tiêu thụ nội địa chiếm đến hơn 2/3, theo CNN. Điều này đồng nghĩa với việc miễn là người tiêu dùng trong nước không bóp chặt hầu bao, kinh tế Mỹ vẫn đủ sức vượt qua những thời điểm “giông bão”. “Mỹ tách biệt hơn những nước khác. Nếu Trung Quốc bị cảm sốt, Mỹ có thể chỉ bị hắt hơi”, Kristina Hooper, chuyên gia phân tích chiến lược đầu tư của tập đoàn quản lý đầu tư Allianz Global Advisors (Đức), nhận định.
- Một số doanh nghiệp Mỹ chịu tổn thất: Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ gây thiệt hại cho các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Hồi tuần trước, tập đoàn công nghệ United Technologies (Mỹ) đưa ra dự đoán bi quan về tình hình kinh doanh năm 2015, lấy lý do là vì kinh tế Trung Quốc. Tập đoàn đa quốc gia này cho rằng số lượng đơn đặt hàng mới trong mảng kinh doanh thang máy hiệu Otis tại Trung Quốc giảm đến 10% trong quý 2 vừa qua. “Suy thoái tại Trung Quốc tồi tệ hơn chúng tôi dự đoán”, CNN dẫn lời Akhil Johri, Giám đốc Tài chính của United Technologies. Chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh hồi tuần trước, với chỉ số Dow Jones giảm gần 3% do nhà đầu tư lo ngại về tình hình kinh tế châu Á. Tuy nhiên, nhìn chung, giới lãnh đạo các tập đoàn Mỹ không quá bấn loạn về biến động tài chính tại Trung Quốc, CNN bình luận. Một số tập đoàn lớn như Apple và Nike cho biết họ vẫn “ăn nên làm ra” tại cường quốc châu Á này. Hoa Kỳ có một nhược điểm kinh tế mà lại là ưu điểm xã hội là có mức tiêu thụ quá cao, tới 70% Tổng sản lượng GDP. Đây là ưu điểm xã hội vì cho thấy tư thế và khả năng chọn lựa của người dân, là điều Trung Quốc không có vì tiêu thụ bị đè nén và giảm dần từ nhiều năm qua. Thế dân Mỹ tiêu thụ những gì? Họ chủ yếu mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, xin tính tròn cho dễ nhớ là tới 88% tổng số tiêu thụ là của nội địa, chỉ có 12% là nhập từ ngoài, trong số này nhiều sản phẩm lại do doanh nghiệp Mỹ góp phần làm ra và xuất ngược về Mỹ. Nghĩa là chỉ có 12% thị trường tiêu thụ của Mỹ mà lại là nguồn sống cho rất nhiều quốc gia trên thế giới.
- 3. Thế mạnh của Hoa Kỳ và Liên Âu: Kể từ năm 2014, Hoa Kỳ đã và đang rút các công ty đang đầu tư tại Trung Quốc về lại nội địa và các nước thuộc ASEAN. Một ví dụ nữa là hãng bán lẻ khổng lồ Wal-Mart đầu năm 2013 tuyên bố sẽ chi ra 50 tỷ USD để mua các loại hàng hóa do Mỹ sản xuất trong thập kỷ tới với lời hứa thúc đẩy nền kinh tế của nước này. Như vậy, dân chúng Hoa Kỳ lại có thêm công ăn việc làm và ASEAN sẽ là một thị trường mới bù đắp vào các thiệt hại gây ra từ Trung Quốc. Hiệp ước TPP không có Trung Quốc, nếu được hoàn tất cuối năm này, sẽ góp phần cho sự tăng trưởng thế giới. Ngoài ra, vì sự bất định trong thị trường chứng khoán Trung Quốc, dân chúng Trung Quốc đã tung tiền mua bất động sản tại Hoa Kỳ. Chỉ trong 6 tháng đầu 2015, những người đầu tư Trung Quốc đã bỏ ra 5 tỷ USD để mua nhà cửa tại Hoa Kỳ so với 4 tỷ USD cho toàn năm 2014. Kịch bản tệ hại nhất là khi sự suy sụp của kinh tế Trung Quốc đi kèm với việc Mỹ tăng lãi suất – có thể diễn ra bất cứ lúc nào, khiến vốn đầu tư chảy về New York và Washington. Ngược lại, việc giá nguyên vật liệu giảm làm các nước tiêu thụ hưởng lợi, tức hầu hết các quốc gia công nghiệp hóa.
- V. ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI ASEAN VÀ VIỆT NAM
Trong ngắn hạn, ASEAN cũng chịu những khó khăn như của Hoa Kỳ và các nước khác. Trong dài hạn, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, là một thực thể kinh tế chung, sẽ là nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới với GDP kết hợp đạt 2,400 tỷ USD trong năm 2013, và có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2050 nếu xu hướng này tiếp tục phát triển. Về thương mại và đầu tư, ASEAN chiếm 153 tỉ USD đầu tư của Mỹ - nhiều gấp ba lần mức 45 tỉ USD vào Trung Quốc và gần 10 lần mức 16 tỉ vào Ấn Độ. Con số này thậm chí còn chưa tính tới đầu tư vào ngành dầu khí, với số lượng có thể làm tổng số tiền tăng gấp đôi. Mỹ là thị trường lớn nhất của ASEAN và ASEAN là thị trường lớn thứ tư của Mỹ, sau NAFTA, EU và Nhật Bản. Năm 2014 đầu tư trong khu vực ASEAN đã đạt 136 tỉ USD, tăng trưởng hằng năm xấp xỉ 15.7%. Trong năm 2010, tổng số lượng xuất cảng của Trung Quốc là 1,581 tỷ USD. Trong thời gian gần đây, số lượng các công ty Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên Âu đang đầu tư từ Trung Quốc chuyển qua ASEAN tăng gia rất nhiều. Lấy số đơn giản là 1/4 số tiền đầu tư vào Trung Quốc được đưa qua ASEAN thì số tiền này cũng đã là 316 tỉ USD. Chắc chắn là ASEAN vẫn giữ quan hệ thương mãi với Trung Quốc nhưng với dân số 600 triệu người, ASEAN là một thị trường quan trọng cho Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên Âu. Điều quan trọng nhất, ASEAN sẽ là đối tác chiến lược lâu dài với Hoa Kỳ, Nhật Bản không như Trung Quốc, muốn bành trướng để trở thành thế lực độc tôn trong vùng. Việt Nam có thể là nước đầu tàu trong nỗ lực phát triển toàn vùng.
- VI. KẾT LUẬN
Những gì xảy ra cho Trung Quốc trong 2 năm 2014, 2015 là những điều có thể tiên liệu được. Sau gần 3 thập niên phát triển vượt bực trong vai trò công xưởng của thế giới, kinh tế Trung Quốc đang đi vào ngã rẻ khi giá nhân công không còn cạnh tranh nổi với các quốc gia láng giềng. Cái gọi là kinh tế thị trường trên định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là một chiêu bài của đảng Cộng Sản. Sự chống đối của phe nhóm bảo thủ, hủ lậu và tham nhũng của cựu TBT Giang Trạch Dân và đàn em đối với những cải cách của nhóm Cộng Sản “thuần khiết” do tân TBT Tập Cận Bình lãnh đạo có thể trầm trọng hơn nhiều người đã nghĩ. Có thể Trung Quốc cũng tiên liệu được những điều xảy ra cho nền kinh tế của mình (thị trường chứng khoán, bể bong bóng địa ốc, kinh tế chậm lại) tuy nhiên cải cách cần phải giải quyết cùng lúc vấn đề chính trị và kinh tế. Nếu hệ thống chính trị không thay đổi, thì bộ máy quan liêu và tham nhũng sẽ chỉ đưa Trung Quốc vào vòng luẩn quẩn.
Cũng không nên thổi phồng những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc. Hoa Kỳ và các đồng minh không muốn và không thể đánh gục Trung Quốc bằng kinh tế. Kinh tế thế giới sẽ có giai đoạn điều chỉnh để phù hợp với tình trạng thật sự của Trung Quốc. Trung Quốc có những nguồn lực dự trữ tài lực khổng lồ sẽ vượt qua những khó khăn này nhưng cũng như Hoa Kỳ và Nhật Bản, Trung Quốc sẽ mất trên dưới 10 năm để hồi phục lại và lúc đó Trung Quốc chỉ là một cường quốc tương tự như Nhật Bản, Đức Quốc, Nga Sô, Liên Âu v.v.. Giấc mộng thiên triều và chia đôi Thái Bình Dương với Hoa Kỳ chỉ là ảo tưởng. Hoa Kỳ, Liên Âu, các đồng minh trong vùng như Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Ấn Độ có đủ sức ngăn chận hành động bành trướng của Trung Quốc. Điều quan trọng Hoa Kỳ và các Đồng minh phải làm là không để Trung Quốc dùng chiến tranh để giải quyết các khó khăn nội bộ của mình.
File: NMT-083115-CHINA-Kinh te Trung Quoc va Anh huong toan cau.doc
Nguyễn Mạnh Trí
E-Mail: prototri2012@yahoo.com
Tu chỉnh: 31 tháng 8 năm 2015
https://vietbao.com/p112a242319/kinh-te-trung-quoc-va-anh-huong-toan-cau
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét