Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

Kinh tế 2014: Một năm của được và mất

Kinh tế 2014: Một năm của được và mất
Tư Hoàng (TBKTSG Online) - Nhìn lại năm 2014, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam tỏ ra tương đối lạc quan về những diễn biến kinh tế, song họ vẫn không hết ưu tư về những yếu kém mang tính cơ cấu chưa được giải quyết.
Xuất khẩu là một trong những điểm sáng của nền kinh tế 2014. Ảnh TL.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng, Giáo sư Vương Đình Huệ nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: “Nhiều đánh giá trong nước và quốc tế về kinh tế Việt Nam vừa qua là khá thống nhất, và không có mâu thuẫn. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định hơn, và được củng cố vững chắc hơn năm 2013”.

Theo ông Huệ phân tích, lạm phát thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của Quốc hội, trong khi tăng trưởng lại vượt chỉ tiêu của Quốc hội là những điểm sáng lớn nhất trong bức tranh 2014.

Bên cạnh đó, thị trường tài chính tiền tệ ổn định hơn, biểu hiện ở một số yếu tố như lãi suất huy động và cho vay đều giảm; tỷ giá của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ ít biến động, giúp củng cố tâm lý thị trường; dự trữ ngoại hối tăng khá mạnh; và thị trường chứng khoán nằm trong tốp 5 thị trường có tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Ông Huệ cũng đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong năm qua.

Chẳng hạn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã có bước tiến triển nhanh, đặc biệt là sau khi Chính phủ có Nghị quyết 15 cho phép áp dụng thoái vốn theo cơ chế thị trường. Số vốn mà các doanh nghiệp nhà nước thoái khỏi các doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành trong 10 tháng đầu năm nay gấp 3,5 lần trong năm ngoái.

Bên cạnh đó, ông nhận xét, tái cơ cấu đầu tư công cũng đang giúp giảm dần sự phân tán, dàn trải; và giúp hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng lên.

Hệ số Icor (hệ số sử dụng vốn) toàn bộ nền kinh tế dự kiến giảm xuống 6,5 trong giai đoạn 2011-2015 từ 6,96 trong giai đoạn 2006-2010. Trong khi đó, Icor trong khu vực nhà nước đã giảm xuống 7,5 trong giai đoạn 2011-2013 từ 9,6 của giai đoạn 2006-2010.

Mặc dù vậy, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Đảng cũng thừa nhận hàng loạt các thách thức đặt vẫn còn đó trong nền kinh tế.

“Dù tình hình đã ổn định hơn, nhưng một số cân đối vĩ mô còn thiếu vững chắc, đặc biệt là cân đối ngân sách”, ông Huệ nói, và khẳng định, lẽ ra cơ cấu chi ngân sách hợp lý là 50% cho chi thường xuyên, khoảng 25-30% chi cho đầu tư phát triển, còn 15-20% cho trả nợ.

Tuy nhiên, chi thường xuyên hiện nay tới 68%, nên phần còn lại cho đầu tư, và trả nợ rất ít.

Bên cạnh đó, nợ công cao, áp lực trả nợ ngân sách lớn cũng đang là vấn đề rất đáng quan tâm.

Trích dẫn số liệu từ Tổng cục Thuế, chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp đang hoạt động nộp thuế thu nhập, ông Huệ nhìn nhận tình hình doanh nghiệp còn rất khó khăn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, điều đáng ghi nhận nhất là Việt Nam đã ổn định được kinh tế vĩ mô trong vòng 3 năm sau khi có Nghị quyết 11.

Ông nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: “Bây giờ, việc ổn định kinh tế vĩ mô luôn thường trực trong đầu các nhà lãnh đạo các bộ, ngành và cấp cao hơn. Đó là bài học tốt được rút ra”.

Tuy nhiên, ông Vinh tỏ vẻ nuối tiếc về hệ quả: “Nếu chúng ta điều chỉnh trong thắt chặt tiền tệ để lạm phát không tụt quá nhanh, kèm theo đó là có giải pháp khác hỗ trợ doanh nghiệp, thì nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn. Nếu chúng ta lường trước nợ xấu, vấn đề mà chúng ta đang phải xử lý, thì hệ lụy cũng đỡ hơn”.

Trong khi đó, một số nhà kinh tế vẫn tỏ vẻ kém lạc quan. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2014 cao hơn năm 2013 chủ yếu do bán thêm 1 triệu tấn dầu thô, và khoảng 500.000 tấn than.

“Việc này không chỉ năm 2014 mà cả mấy năm trước nếu không đạt tăng trưởng theo kế hoạch thì phải khai thác thêm dầu thô, than đá để đạt chi tiêu…Điều này lãnh đạo các Bộ, các chuyên gia đều biết”, ông Ân nói.

Bên cạnh đó, ông Ân phân tích, những tín hiệu tốt lên của nền kinh tế trong năm 2014 chủ yếu là do các biện pháp xử lý tình huống như giãn, giảm thuế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông nghiệp; do đầu tư trực tiếp nước ngoài mà chủ yếu là của một số tập đoàn lớn đang gia công, lắp ráp tại Việt Nam…

Ông cho rằng, xuất khẩu tăng chủ yếu là do gia công, lắp ráp, sử dụng nhân công giá rẻ. Trong lúc năng suất lao động đang ở mức thấp nhất so các nước trong khu vực và đang có xu hướng đi xuống; thì ứng dụng khoa học kỹ thuật và tiến bộ để tăng trưởng đang ngày càng sụt giảm.

"Đây là những vấn đề nền tảng chưa được giải quyết của nền kinh tế," ông nói.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế vẫn là tăng trưởng xuất khẩu và thặng dư thương mại, nhưng đóng góp của khu vực doanh nghiệp trong nước là rất hạn chế.

Ông Cung nhận xét, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn nhiều khó khăn do khó tiếp cận tín dụng, nợ xấu và lãi vay giảm chậm, nhà nước có xu thế mở rộng tiền tệ để kích thích đầu tư.

Ông cho rằng, những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô trong nửa cuối thập niên 2000 đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

CIEM cảnh báo, việc chuyển chính sách sang thúc đẩy tăng trưởng – dựa nhiều vào mở rộng đầu tư công và nới lỏng tín dụng – sẽ đặt ra quan ngại rằng những rủi ro ấy có thể bùng phát trở lại.

Vì lẽ đó, việc kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh cần được tiến hành song song với những cải cách mang tính nền tảng và vi mô, hướng đến tăng sản lượng tiềm năng. Tư duy cải cách về phía cung phải được nhận thức đầy đủ và thể hiện rõ nét hơn.

Tuy nhiên, ông Cung cho rằng, thời gian đến hết năm 2015 chính là thời kỳ thử thách cho nền kinh tế Việt Nam phục hồi và hướng tới một chu trình tăng trưởng vững mạnh hơn.

Xem thêm:

Đồng vốn đã hiệu quả hơn?

http://www.thesaigontimes.vn/124826/Kinh-te-2014-Mot-nam-cua-duoc-va-mat.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét