Năm mới nói chuyện 'Tâm niệm đầu năm'
Hà Giang/Người Việt
WESTMINSTER, CA (NV) - Sáng sớm của ngày làm việc cuối cùng trong năm, mọi người xúm quanh bình cà phê, chờ đến lượt mình, rồi sẽ rót một ly cà phê thật nóng để giữ cho đầu óc minh mẫn, làm việc thật nhanh để còn về quây quần quanh gia đình, bạn bè, đón mừng năm mới.“Nhanh thật, mới đó đã hết một năm nữa rồi. Mọi người đã sẵn sàng cho năm 2014 chưa?” Một người hỏi.
“ Nhanh thật đấy chứ!” Có tiếng trả lời.
“Thế New Year's resolution của mọi người là gì?”
Câu hỏi đơn giản này không ngờ được mọi người nhao nhao hưởng ứng. Mỗi người một câu, một ý.
“Tôi thì hứa với bà xã sẽ nhớ mang thùng rác ra trước cửa cho đúng ngày, còn bà xã tôi thì hứa sẽ bớt đi shopping.”
“Tôi nhất định sẽ đi gym đều đặn.”
“Tôi sẽ bớt đi nhậu với bạn bè.”
“Tôi sẽ làm cho xong hết todo list của vợ giao cho.”
“Tôi sẽ vẫn cố gắng làm việc mỗi ngày y như năm trước. Đừng coi thường điều này à nhe. Mình càng già thì càng yếu đi, mà vẫn làm y như trước là đâu phải dễ.”
“Tôi ấy à, nếu sáng ngày New Year tôi ngủ dậy mà thấy mình còn sống thì mới tính đến chuyện làm New Year's Resolution.”
“Còn em, em sẽ thực hiện new year resolution của năm trước!”
Mọi người cùng cười ồ trước câu nói dí dỏm mà sâu sắc của người trẻ nhất trong nhóm.
Tâm niệm đầu năm
New Year's resolution, tạm dịch là tâm niệm đầu năm, là những điều người ta tự hứa với lòng hay người thân sẽ thay đổi cho năm mới, là một tập tục từ lâu đã ăn sâu trong văn hóa của người Mỹ.
Thật vậy, thói quen này thông dụng đến nỗi thậm chí trang web http://www.usa.gov của chính phủ đã dành hẳn một trang để liệt kê danh sách những điều tâm niệm thông dụng nhất, theo thứ tự, gồm: Giảm cân, làm việc từ thiện, bỏ hút thuốc lá, lấy thêm một mảnh bằng, tìm việc làm tốt hơn, để dành tiền, tập thể dục đều đặn, bớt căng thẳng, đi du lịch, giảm dùng credit card, bớt uống rượu v.v...
Kết quả một cuộc thăm dò của Đại học Marist University, thực hiện năm 2011, cũng cho thấy "giảm cân" đứng đầu danh sách, theo sau là "đi gym đều đặn hơn," và "chi tiêu ít hơn hay tiết kiệm nhiều hơn" và "bỏ hút thuốc" đồng xếp hàng thứ ba.
Nhưng đó là tâm niệm. Còn người ta có thực hiện được những tâm niệm này hay không lại là một chuyện khác.
Và thường thì “lực bất tòng tâm.”
Nhiều thống kê cho thấy hầu hết mọi người chẳng thực hiện được những điều tâm niệm này là mấy, ai giỏi lắm thì cũng chỉ thực hành được vài tháng đầu năm, rồi thì lại đâu vào đấy.
Richard Wiseman, nhà tâm lý học, cũng là một tác giả chuyên thực hiện những thí nghiệm về thói quen của quần chúng, khám phá ra rằng 52 phần trăm những người có New Year's Resolution, tin là họ sẽ thực hiện được, nhưng trên thực tế, chỉ 12% giữ đúng được lời hứa với bản thân.
Nếu thế thì tại sao người ta phải bận tâm lập danh sách làm gì cho phiền toái?
Tâm niệm đầu năm, theo nhận định của như tác giả Emrys Westacott, một giáo sư triết học tại đại học Alfred University, là “một chiến thắng của hy vọng trên kinh nghiệm thực tiễn."
Giáo sư Westacott giải thích thêm rằng nghị quyết đầu năm là một cách để con người bầy tỏ những gì họ ao ước cho chính bản thân mình, hay những gì chúng ta chưa hoàn toàn hài lòng về mình, một ước muốn thay đổi.
“Quan trọng nhất, New Year's resolution là một cơ hội để người ta xóa đi làm lại, xóa bỏ những khiếm khuyết của năm cũ, làm lại một năm mới hoàn chỉnh hơn.” Ông Westacott nói.
Làm sao để thực hiện?
Theo giới chuyên gia, New Year' resolution, tâm nguyện đầu năm, hóa ra, không chỉ là một sản phẩm của người Mỹ hiện đại. Từ 4,000 năm trước, cứ mỗi giao thừa, hay sáng sớm của ngày đầu năm, người Babylon đã thầm thí khấn hứa với Thượng Đế, để hy vọng sẽ được ngài chúc lành cho năm mới.
Thời đó, đa số người Babylon đều có một ước mơ được thoát khỏi cảnh nghèo khổ, và họ hứa sẽ làm việc thiện, tu thân tích đức, để mong Thượng Đế sẽ cho họ một năm sung túc hơn.
Ước mong thoát khỏi cảnh nghèo?
Nghe quen tai quá. Nhiều người trong chúng ta ngày nay vẫn mong ước như thế, nhưng nói theo ngôn ngữ ngày nay, nó là ước mong giảm nợ, một tâm niệm đứng hàng thông dụng thứ ba trong danh sách tâm niệm đầu năm.
Soạn danh sách xem ra rất dễ. Nhưng chỉ ngồi liệt kê những điều mình muốn hay định thay đổi, thì chẳng thay đổi được gì. Còn cần phải quyết tâm thực hiện điều tâm nguyện của mình. Và đây là điều khó nhất.
Một lần nữa thống kê đưa ra những con số không khả quan lắm: 67% người có New Year's resolution đưa ra một danh sách dài hơn ba điều tâm niệm trong năm mới. Và chỉ 63% nói rằng họ chỉ giữ được lời hứa đầu năm mới trong vòng hai tháng. Rồi kể từ tháng Ba trở đi, mọi việc lại đâu vào đấy.
Theo Giáo sư Joe Ferrari, dậy môn tâm lý học tại DePaul University ở Chicago thì có một cách giúp người ta thực hiện, đó là chia xẻ tâm niệm của mình với bạn bè người thân.
"Khi bạn giữ bí mật tâm niệm của mình thì không ai giúp bạn theo dõi tiến triển của mình. Và cái gì không được theo dõi thì sẽ rơi vào quên lãng.” Giáo sư Joe Ferrari nói.
Vẫn theo giáo sư Ferrari, công bố tâm niệm đầu năm của mình là một cách hữu hiệu để mừng năm mới. Với email, và những trang mạng xã hội ngày nay, việc chia xẻ không khó tí nào.
Đồng ý với Giáo Sư Ferrari, ông Michael Kitchens, giáo sư tâm lý học tại Lebanon Valley College nhấn mạnh:
“Một khi bạn nói cho người thân biết tâm niệm của mình thì chẳng chóng thì chầy cũng có một người nào đó hỏi thăm xem mười điều tâm niệm bạn đã thực hiện được đến đâu. Điều này giúp động viên bạn.”
Theo ông Kitchens, có một số bí quyết giúp bạn thực hiện những điều tâm niệm.
Chẳng hạn đừng làm một danh sách dài lê thê, mà hãy giới hạn trong chỉ vài điều tâm niệm thôi, thậm chí chỉ có một thôi, lại càng tốt.
“Thường thì khi hứng chí, bạn sẽ lập một danh sách dài, nhưng khi có nhiều điều phải thay đổi quá thì khi cơn hứng nguội đi, bạn sẽ thấy bị áp đảo, thối chí và bỏ cuộc trước khi bắt đầu.” Ông Kitchens giải thích.
Cũng đừng có những tâm niệm mơ hồ, mà phải có mục tiêu cụ thể, tỳ dụ như: “Tôi muốn thụt 10 lbs trước ngày 1 tháng Hai.” hay “tôi muốn để dành mỗi kỳ lương thêm $100.”
Giáo sư Ferrari đồng ý:
“La Mã không thể xây xong trong một ngày. Một mục tiêu quá tham vọng có thể làm chúng ta mất sự tự tin, khi không thể đạt được.”
Thay vào đó, nên chia mục đích lớn thành những mục tiêu nhỏ, và không cần biết mục tiêu của bạn là gì, cần phải thường xuyên theo dõi sự tiến bộ của mình. Nếu muốn giảm cân, hãy cân mỗi tuần lễ để xem mình đã đi được bao xa trên đoạn đường gay go này.
Richard Wiseman, người chuyên thực hiện những cuộc trắc nghiệm về thói quen của quần chúng, đưa ra một vấn đề ít người nghĩ đến. Ông nói:
Những tâm niệm thông thường nhưng khó thực hiện như bỏ hút thuốc, ăn ít lại, hay bớt uống rượu rất khó thực hiện, bởi vì khi buồn bực chúng ta thường dựa vào những thói quen khó bỏ này để giúp mình bớt căng thẳng.
Vì vậy, theo ông Wiseman, chúng ta cần có một nhóm bạn hữu để động viên tinh thần. Chẳng hạn khi thấy buồn hay căng thẳng, hãy đến thăm hay gọi điện thoại nói chuyện với một người bạn nào đó, thay vì hút thuốc liên miên, hay khui chai rượu vang ra uống hết ly này đến ly khác.
Nhà nghiên cứu Wiseman cũng đề cập đến một ngộ nhận khác. Ông cho biết nhiều người nghĩ rằng chỉ cần khoảng ba tuần là con người tạo được một thói quen mới. Thật ra theo một cuộc nghiên cứu mới, con người phải cần cần phải có 66 ngày mới tạo được một thói quen mới, và gắn bó với thói quen mới đó.
Bí quyết đã nắm trong tay rồi, bạn còn đợi gì mà không có New Year's resolution. Nhưng lập danh sách ngắn thôi nhé. Và cùng nhau chia xẻ tâm niệm đầu năm của mình./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét