Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Ngựa ơi là Ngựa!

Ngựa ơi là Ngựa!
Đoàn Văn Khanh: Sở dĩ có mấy con vật cứ được đem ra làm đề tài bàn tới bàn lui, chẳng qua cũng chỉ vì mấy cụ con Trời ngày xưa nhờ xem thiên văn địa lý mà biết chế ra niên lịch để dùng, nhưng khi đặt tên cho 12 chi được dùng để tính cái vòng luẩn quẩn của trời đất thì lại đi chọn mấy con vật để tượng trưng cho nên dân ta mới gọi nôm na ra là 12 con giáp. Rồi cũng vì mấy cái con giáp này cứ đuổi nhau lòng vòng hoài mới đẻ ra cái màn năm nào nói chuyện con ấy. 
Thế nhưng, trong số 12 con vật tiêu biểu cho 12 con giáp thì ngoại trừ con rồng được coi như một con vật linh thiêng cao quý mà hình như cũng chỉ có trong huyền thoại, còn lại 11 con vật kia toàn là những con vật rất thông thường và cũng rất gần gũi với con người, trong đó có con ngựa, cho nên năm nay là năm ngựa thì cho dù có dốt về ngựa, tôi cũng phải lếu láo một chút về ngựa cho vui với đời.

Mặc dù theo các nhà khảo cổ học đã từng bỏ công ra nghiên cứu thì thời xa xưa ở phương Tây ngựa thường sống hoang từng đàn và đầu tiên người ta bẫy ngựa để ăn thịt, cho đến khi con người văn minh ra và cái kho trời chung kia cũng cạn dần thì người ta mới tiến đến chỗ bắt ngựa để nuôi và thuần hoá giống ngựa để cỡi, để kéo xe, kéo cày và sau cùng là để đi chinh chiến. Thế nhưng ở Á Ðông thì dân tộc ta vốn nổi tiếng "chịu ăn", có nghĩa là hầu như con gì nhúc nhích là đều "hẩu xực", cho nên dân ta mới xơi xả láng từ heo bò gà vịt cho đến chó mèo rắn chuột hay là con gì đi nữa cũng không chê, có điều lạ là riêng có món thịt ngựa thì hình như lại không nghe ai nói đến.

Ngoài ra dân ta chỉ nuôi ngựa để cỡi, để kéo xe chứ không kéo cày vì đó là phần việc dành riêng cho trâu bò: "Trâu cày, ngựa cỡi", cái túi khôn bình dân của dân ta cũng đã từng dạy cho con người biết phân định đành rành như thế, vì ngựa nhanh nhẹn và chạy khỏe chứ không nặng nề chậm chạp như trâu bò. Mà quả là đúng như thế thật, ngựa chỉ thích chạy chứ không thích đi, chỉ thích đứng chứ không thích nằm, ngay cả lúc ăn hay lúc ngủ cũng đứng chứ không giống như loài trâu bò, hễ được tháo ách ra thì ưa nằm nhai lại, hoặc dầm mình trong vũng bùn mà ngẫm nghĩ sự đời.

Hơn nữa, ngựa là một con vật có vóc dáng thon dài, bốn chân cao và nhờ có được bộ dáng đẹp và sắc lông có nhiều màu như đen, đỏ, trắng, vàng, nâu, khoang đốm... làm cho ngựa không những được người lớn ham thích mà cả con nít cũng mê. Người lớn thì thích cỡi ngựa thật, còn con nít thì cỡi ngựa gỗ hoặc bắt người lớn làm ngựa cho mình cỡi. Cùng lắm thì kiếm tàu cau, tàu dừa hoặc cán chổi giả làm ngựa mà cỡi cũng vui ra phết. Chính vì thế mà ngựa cũng thường được người ta chọn làm đề tài để vẽ tranh ảnh hay là điêu khắc: nào là ngựa phi, ngựa chồm, ngựa hý... nghĩa là ngựa với những màu sắc lộng lẫy nhất cũng như trong tư thế dũng mãnh oai phong lẫm liệt nhất của loài ngựa, vì đó cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho niềm mơ ước được sống tự do và phóng khoáng của con người.

Tuy tranh ảnh về ngựa thì muốn nói lên cái tinh thần yêu cuộc sống tự do và phóng khoáng nhưng trong thực tế thì kể từ khi ngựa bắt đầu được người đem về nuôi nấng cho học tập cải tạo để biết sống chung với người và biết phục vụ - dĩ nhiên phục vụ đây là phục vụ cho loài người chứ không phải cho loài ngựa - thì ngựa cũng đã phải hy sinh cái bản chất tự do phóng khoáng của mình để chỉ còn biết phục tùng. Nhưng dù thế nào đi nữa thì thỉnh thoảng vẫn có những con ngựa cứng đầu cứng cổ không chịu thuần phục nên mới bị con người khép cho cái tội là ngựa hoang, ngựa chứng, ngựa bất kham.

Mặc dù ngựa có được loài người ưa thích và nâng niu hơn loài trâu bò, thân phận loài ngựa cũng chẳng hơn gì trâu bò cho nên người ta mới hay ví những người phải sống làm lụng cực khổ cho người khác hưởng thụ thì cũng chẳng khác nào như phải mang cái "thân trâu ngựa". Ngay cả thi hào Nguyễn Du cũng phải nhìn nhận như thế cho nên mới để cho nàng Kiều khi vì chữ hiếu phải bán mình chuộc cha mà đành lỗi hẹn với Kim Trọng thì cũng đã thốt ra mấy lời rằng:

Biết bao duyên nợ thề bồi
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì
Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.

Vẫn biết rằng khi con người vì lợi ích của con người mà bắt ngựa phải lao động thì ngược lại con người cũng phải hầu hạ ngựa trong một giới hạn nào đó như là phải lo cắt cỏ cho ngựa ăn, lo tắm rửa cho ngựa khỏi bị ngứa ngáy mà dở chứng. Dù thế nào đi nữa thì ngựa vẫn còn một chút qúy phái hơn trâu bò cho nên chăn ngựa vẫn sang hơn chăn trâu hay chăn bò. Không sang sao lại có chuyện vào cái thời còn vua chúa thì nếu anh chàng dân giã nào may mắn được làm rể của vua, tức là chồng của công chúa, cũng chỉ được gọi là "phò mã", nghĩa là đi hầu bên con ngựa. Mà tại sao lại đi hầu bên con ngựa chứ không phải là đi hầu bên công chúa nhỉ? Hay công chúa là ngựa vì ca dao ta vốn có câu:

Ai về đường ấy hôm nay
Ngựa hồng ai cưỡi? dù tay ai cầm?
Ngựa hồng đã có tri âm
Dù tay đã có người cầm thì thôi!


Còn trong văn chương chữ nghĩa bề bề như Hồ Xuân Hương khi làm thơ mô tả cảnh chàng và nàng rủ nhau "đánh cờ người" đã viết như sau:

Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa
Thiếp giật mình vội ghểnh sĩ lên...


Lại nữa, khi đang cùng nhau "đấu cờ người" mà chàng bỗng quay lơ ra đi đoong luôn thì người ta cũng gọi đó là "thượng mã phong".

Cũng trong cái ý đó mà khi thấy cô gái nào đó ưa xí xọn, thích làm đỏm làm dáng là y như rằng không bị bà mẹ thì cũng mấy bà hàng xóm láng giềng mắng cho là "ngựa". Còn khi các bà các cô nổi cơn tam bành mà nhảy chồm lên đừng đựng chửi rủa nhau, thì cũng chẳng khác nào những con ngựa đang lồng lộn. Họ cũng không tiếc lời mắng nhau là: "đồ đĩ ngựa", "đồ cái thứ voi giày ngựa xé" v.v... Ca dao cũng có câu ví von:

Gái có chồng như gông đeo cổ
Gái không chồng như ngựa gỗ long đanh
Ngựa long đanh anh còn chữa được
Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi.


Ngựa gỗ đây là mấy cái chân gỗ dùng để kê bộ ván gỗ mà dân ta thời xưa hầu như nhà nào cũng có để dùng làm nơi tiếp khách, chỗ ngồi ăn cơm, hay dùng làm chỗ nằm ngủ thay cho cái giường cũng được. Nếu mấy con ngựa gỗ này mà không được chêm chặt thì khi ngồi lên bộ ván người ta sẽ có cảm giác gập ghềnh chẳng khác nào ngồi trên lưng con ngựa đang phi vậy.

Mặc dầu ngựa có khoẻ thật nhưng vì bản chất ngựa chẳng có món võ nào khác hơn là ngón đá hậu cho nên mấy cô gái "ngựa" cũng hay học theo ngón võ này để đối phó với mấy chàng trai không được mình thích mà cứ theo luẩn quẩn bên mình, cũng giống như người nào không được ngựa coi là bạn mà lảng vảng lại đằng sau đít ngựa hay táy máy sờ vào dái ngựa là thế nào cũng bị ngựa đá cho một phát bể mặt. Tục ngữ vốn có câu: "mồm chó, vó ngựa", tức là gặp chó thì coi chừng bị chó cắn, còn gần ngựa thì coi chừng bị ngựa đá. Ngựa càng tơ thì càng háu đá cũng giống như mấy cô gái trẻ có tính "ngựa" thì cũng hăng đá mấy chàng trai nai tơ hơn mấy cô gái lỡ thì.

Cũng vì cái nết "ngựa" này mà có những cặp trai gái trót thề non hẹn biển nhưng rồi chàng trai vì nợ nước đành phải đi theo "chí làm trai dặm nghìn da ngựa" khiến cho cô nàng ở nhà không cầm lòng chờ đợi người tráng sĩ trở về e rằng uổng phí mất cái tuổi thanh xuân bèn đi tìm vui nơi duyên mới. Tuy nhiên đôi khi nhớ lại người tình cũ dù có phải xông pha trận mạc nhưng chưa đến nỗi "da ngựa bọc thây" thì cũng thấy lòng phấp phỏng không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó chàng bất chợt về phép và...

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi người ấy có buồn không?
Hay là xách súng tìm "con ngựa"
Ðể tặng cho tôi phát đạn đồng?

(Nhại thơ T.T.Kh.)

Ngoài ra không biết có phải để trả thù giùm cho những anh chàng nai tơ bị các cô ngựa non xử dụng chiêu võ đá, khiến cho khuôn mặt cứ dài thườn thượt ra như mặt ngựa vì thất tình mà xã hội cũng nảy sinh ra mấy anh chàng chỉ thích chơi màn "cỡi ngựa xem hoa", xong rồi thì "quất ngựa truy phong" theo kiểu anh chàng họ Sở? Ôi! Cái chuyện "ngựa" kiểu này thì có nói tới tận thế cũng không hết chuyện cho nên chi bằng quay về với mấy con ngựa bốn vó cho xong.

Ðể cho ngựa quen vui với văn minh loài người mà quên đi nếp sống tự do hoang dã của mình, người ta đã sắm cho ngựa nào là yên cương, lục lạc đeo cổ để ngựa an tâm mà phục vụ. Người ta lại còn sợ ngựa chạy hoài không mang giày sẽ bị mòn hết móng thì coi như tiêu tùng nên con người mới sắm giày sắt cho ngựa mang và đóng đinh cho dính cứng luôn vào móng cho chắc ăn. Thế là ngựa có chứng cũng bắt đầu trở thành hiền và ngoan ngoãn để cho người leo lên ngồi trên lưng, hay bị đóng vào càng xe còn người thì chễm chệ ngồi bên trên mà tha hồ ra roi quất vào mông bắt kéo cho xe chạy.

Không biết cái vành sắt đóng vào móng ngựa này có tượng trưng cho cái gì không nhưng cái khung dành cho những người được gọi là bị cáo khi phải ra đứng trước toà để trả lời những cáo buộc vì đã không chịu sống đúng theo khuôn khổ xã hội cũng lại được đóng giống cái hình thù ấy và cũng được gọi là cái vành móng ngựa; và ra trước vành móng ngựa có nghĩa là ra trước toà để cho các vị được coi là đại diện cho công lý xét xử. Thông thường thì chẳng có ai thích mình phải ra đứng trước cái vành móng ngựa này cả. Thế mà lạ thay! Có những người lại chỉ mong đòi hỏi được ra đứng trước cái vành móng ngựa này một lần để chứng tỏ là xã hội đó có công lý mà vẫn không được. Không tin qúy vị cứ hỏi thăm mấy người có sao cờ đỏ chiếu mệnh đang được Ðảng và Nhà nước ưu ái nuôi cho ăn học dài dài trong các trại cải tạo để trở thành con người tốt ở cái xứ gọi là Thiên đường trần gian là rõ ngay điều ấy có nói ngoa không. 


Về khoản thông minh thì mặc dù ngựa không đến nỗi bị coi là "ngu như bò" nhưng có lẽ loài ngựa cũng không thông minh hơn trâu bò bao nhiêu cho nên tục ngữ mới có câu 'ngựa quen đường cũ". Câu này khi nói về ngựa không biết có phải vì khi bị dẫn ra đường, ngựa thường bị người bịt mắt che khuất bớt tầm nhìn cho nên không còn thấy con đường nào khác ngoài con đường chủ dắt dẫn, riêng khi ám chỉ vào con người thì quả là người ta có ý chê những người chỉ biết hành xử theo những thói quen đã tập thành. Tuy nhiên, khi nói "thẳng như ruột ngựa" thì người ta lại có thể coi câu đó ngụ ý khen hay là chê cũng được vì người có tính tình "thẳng như ruột ngựa" là người thật thà ngay thẳng, nghĩ sao nói vậy, chứ không hề biết lắt léo, không thông minh kiểu "quân tử khôn nói đi nói lại" để mà tùy cơ lươn lẹo.

Nếu về mặt thông minh ngựa không có gì xuất sắc thì về mặt tình cảm ngựa lại có thừa. Tục ngữ có câu: "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ". Câu này bắt nguồn từ một nhận xét về cái bản tính của ngựa đối với đồng loại. Có lẽ cũng vì cái bản chất tình cảm này mà một khi ngựa đã quen sống với người rồi thì cái tình cảm của ngựa đối với người cũng trở thành khắng khít. Chả thế mà trong văn học hay trong những lời truyền tụng trong dân gian không thiếu gì những câu chuyện ngựa có nghĩa với chủ.

Ngoài ra trong văn chương bác học người ta cũng thường hay nhắc đến tích "ngựa Hồ, chim Việt", gốc từ điển tích Trung Hoa "Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi". Vào thời phong kiến xa xưa, khi các chư hầu còn phải giữ cái lệ hàng năm triều cống đặc sản địa phương cho Thiên tử của xứ Tàu để được ngài ban cho hai chữ bình an, rợ Hồ ở phương Bắc vẫn thường dâng hiến giống ngựa hay của mình. Vốn quen sống ở vùng thảo nguyên gió lộng nên khi bị đem về ở đất Trung nguyên, mỗi khi đến mùa gió bấc thổi, loài ngựa này lại cất tiếng hí ai oán nhớ vùng đất hoang dã xa xưa. Còn chim Việt thì do các chư hầu phương Nam triều cống, cho nên khi làm tổ, chúng luôn chọn cành ở hướng Nam. Cái điển tích này vẫn thường hay được các vị anh hùng lỡ vận lưu vong của ta hiện nay đem ra nghiền ngẫm để an ủi cho cái nỗi niềm xa xứ của mình.

Sở dĩ ngựa có tài chạy nhanh hơn các loài vật khác là nhờ vào bộ vó, do đó một khi ngựa mà què thì cũng đành coi như vứt đi. Chính vì nắm được yếu điểm này của ngựa chiến, mà vua Quang Trung đã có sáng kiến đối phó với kỵ binh của quân nhà Thanh rất thần sầu, tạo nên chiến thắng vẻ vang trong lịch sử chống xâm lăng của dân tộc. Khi tiến quân ra chiếm lại Thăng Long, nhà vua đã cho đội quân sảo mã nằm lăn dưới đất chờ ngựa của kỵ binh Thanh lướt tới là dùng song đao chặt đứt bộ vó của ngựa. Thế là cả đám thiên lý mã bỗng chốc biến thành bầy ngựa què và đoàn kỵ binh Thanh hết còn xông xáo mà chỉ còn đua nhau té xuống ngựa như sung rụng để cho quân Tây Sơn chồm dậy thọc tiết luôn.

Kể ra cái chuyện ngựa được dùng để đánh giặc thì dân ta đã biết xử dụng từ lâu đời lắm, ngay cả trước khi những đoàn kỵ binh Nguyên Mông đi xâm lược dẫm nát không biết bao nhiêu vùng đất từ Á sang Âu nữa kia! Con ngựa nổi tiếng và đi vào lịch sử đầu tiên của dân ta lại là con ngựa sắt! Tiếc rằng vì một ngàn năm bị Tàu đô hộ, rồi lại một trăm năm bị Tây cai trị, dân ta vì cứ lệ thuộc mãi nên cứ phải nay khen con ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường, mai thì lại ca ngợi con ngựa gỗ thành Troie mà hầu như không còn hãnh diện với con ngựa sắt tự ngàn xưa của ta. Ðây quả là một điều đắc tội đối với lịch sử dân tộc.

Tục truyền rằng vào thời đại Hùng Vương, tức là hàng ngàn năm trước công nguyên, lúc vua Hùng Vương thứ 6 đang cai trị nước Văn Lang thì bỗng nhiên có giặc Ân tràn vào quấy nhiễu. Nhà vua lo quá bèn sai sứ giả đi truyền rao khắp chốn dân gian tìm người tài giỏi ra cứu nước. Cũng vào thời gian này thì ở làng Gióng có hai vợ chồng nọ hiếm muộn đến lúc về già mới sinh được một đứa con trai. Tuy đứa bé mặt mũi khôi ngô nhưng từ lúc mới sinh ra cho đến khi lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi biết đứng gì ráo, cứ đặt đâu thì nằm đấy.

Khi sứ đến làng này rao lời hiệu triệu của vua thì đứa bé bỗng dưng cất tiếng nói: "Mẹ hãy ra mời sứ giả vào đây cho con gặp". Bà mẹ bỗng nhiên nghe con nói được lời rành rẽ thì vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ bèn theo lời chạy ra đường mời sứ giả vào.

Sứ giả bước vào nhà thì chỉ nhìn thấy một đứa bé lên ba nằm trong nôi bảo: "Ông hãy về tâu với vua sắm ngay cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, rồi mang lại đây cho ta thì ta sẽ giúp nhà vua phá tan lũ giặc này". Ðồng thời đứa bé cũng xoay qua đòi mẹ đi mượn ngay mấy cái nồi bung lớn về để nấu cho mình một nong cơm thật to. Khi cơm đã chín và được đổ ra đầy cái nong thì chú bé liền ngồi dậy ăn một hơi hết sạch. Sứ giả rất lấy làm kinh ngạc, nhưng vì thấy hiện tượng lạ mới cho rằng đứa bé là người trời sai xuống nên cũng vội vàng trở về tâu lại mọi chuyện với vua. Nhà vua nghe tâu lại tự sự liền truyền cho thợ ngày đêm làm gấp những vật đứa bé đòi hỏi.

Trong khi ấy thì giặc không ngừng tràn sâu vào bờ cõi cướp phá giết hại dân lành khiến cho người người hoảng hốt. Vừa lúc đó thì sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến. Ðứa bé thấy sứ giả đã mang đầy đủ các thứ mình đòi thì lập tức vùng dậy, vươn vai mấy cái liền và biến thành một tráng sĩ cao lớn, dáng dấp oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ mặc ngay áo giáp vào, nhảy lên lưng ngựa và ra roi. Ngựa bắt đầu chồm lên, hí vang dội mấy tiếng còn mồm thì khạc ra lửa làm cháy sém cả cái lũy tre của làng bên cạnh. Tráng sĩ lập tức thúc ngựa phi thẳng vào giặc, dùng roi sắt quật ngã hết lớp này đến lớp khác. Giặc chết như rạ. Ðánh một hồi thì roi sắt bị gãy, tráng sĩ bèn nhổ luôn mấy bụi tre dọc đường làm roi đánh tiếp. Quân giặc khiếp đảm giẫm đạp lên nhau mà chạy trốn như bầy vịt. Tráng sĩ đuổi theo cho đến chân núi Sóc Sơn thì không còn giặc nữa bèn một mình phóng ngựa lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời.

Vua nhớ công ơn người tráng sĩ đã giúp vua giữ vững sơn hà và mang lại cuộc sống thanh bình cho muôn dân bèn phong là Phù Ðổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay ở quê nhà. Ngài còn được dân chúng tôn là Thánh Gióng. Hiện nay ở làng Phù Ðổng, tục gọi là làng Gióng vẫn còn đền thờ. Mỗi năm đến tháng tư làng đều có mở hội. Còn cái làng có lũy tre bị ngựa sắt khạc lửa cháy sém thì từ đó tre cứ có màu ngà ngà cho nên dân chúng về sau mới gọi nôm na là làng Cháy.

Nhưng thời của những con ngựa được dùng để cỡi, để kéo xe, hay để đi chinh chiến cũng đã qua lâu rồi, từ ngày con người phát minh ra các loại động cơ thì người ta không còn phải dùng đến sức ngựa để làm phương tiện giúp mình di chuyển, canh tác hay đánh giặc nữa. Tuy nhiên để tưởng nhớ cái công lao hãn mã của loài ngựa đã có công giúp người trong hàng bao thế kỷ nên người ta vẫn hay dùng hai chữ "mã lực" hay nôm na là "sức ngựa" để làm đơn vị tính công suất của các loại động cơ. Ngựa thực ngày nay chỉ còn được nuôi để làm cảnh, để chơi thể thao và để đua.

Ngựa được dùng để đua có lẽ cũng đã có từ lâu lắm, lúc mà các vua chúa La Mã lập nên cái đấu trường đồ sộ để xem mấy dũng sĩ đấu với thú dữ thì cũng đã có tổ chức những màn đua xe ngựa. Riêng ở nước ta thì ngày xưa có lẽ người ta cũng đã từng biết đua ngựa rồi nhưng cái thú ngồi trên khán đài hồi hộp theo dõi mấy con ngựa đua để chờ hy vọng lãnh giải trúng chỉ mới có về sau này khi mấy ông Tây mũi lõ qua bảo hộ xứ ta và cho thiết lập ra mấy cái trường đua ngựa để truyền bá nghệ thuật... "đánh cá độ" thì môn đua ngựa mới trở thành một ngành kinh doanh. Chính cái nghệ thuật đua ngựa có cá độ này đã giúp làm giàu cho mấy tay tài phiệt nhưng cũng làm cho rất nhiều thầy thông thầy ký chân chỉ hạt bột trở thành chuyên viên thụt két cho đến khi sự việc đổ bể ra thì đành gửi vợ con nhờ thiên hạ trông nom hộ, còn mình thì ra đứng trước vành móng ngựa để lãnh cái giấy đi nghỉ phép ở khách sạn không trăng sao.

Thật ra cái tài chạy của ngựa chỉ là môn võ tự vệ của ngựa vì ngựa không có khả năng đối phó với mọi tấn công của kẻ thù nên chỉ có cách cao bay xa chạy là hay hơn cả. Lại nữa, dù cho là ngựa chiến đi nữa thì chẳng qua cũng chỉ có người ngồi trên lưng ngựa mới đánh đấm nhau thôi chứ ngựa chỉ biết chạy. "Ngựa phi đường xa" và "Ðường dài mới biết ngựa hay" là thế! Trong cuộc đua ngựa giải "thống nhất giang sơn" vào hậu bán thế kỷ 20 của đám con Rồng cháu Tiên, người ta càng hiểu thấm thía những câu chuyện về ngựa hơn bao giờ hết khi nhìn thấy hồi kết thúc, đám cỡi ngựa Hồ rược đám cỡi ngựa nhà Nam chạy loạn xà ngầu tứ tán, nhiều vị quan to quyền lớn phe nhà Nam đã nhanh chân bỏ ngựa bộ, nhảy lên "ngựa bay" phi nước đại một lèo tới chân trời xa thẳm, bỏ rơi đám thuộc hạ cỡi ngựa què, ngựa xi cà que ở lại tập làm trâu bò kéo cày trả nợ máu. Cũng may là đám thuộc hạ này sau khi ngã ngựa phải làm kiếp trâu ngựa, nhưng qua mười mấy năm vẫn còn nhiều tên chưa siêu thăng tịnh độ nên cuối cùng cũng được trời thương ban cho cái sao Thiên Lý Mã chiếu vào cung Di để lần lượt được cỡi con "ngựa bay ngàn dặm" tới miền đất xa lạ và gặp lại mấy quan tướng cũ của phe ta trước đây mà nhìn nhau muốn... rụng rời! Ca dao vốn có câu:

Ðường dài ngựa chạy biệt tăm
Người thương có nghĩa trăm năm cũng chờ.


Năm con ngựa lại đến cho nên có nhiều vị trí giả cũng đang háo hức bàn với nhau chuyện "mã đáo công thành" để cho dân ta được sống tự do và hạnh phúc. Thế nhưng, cũng có kẻ trải qua bao dâu biển nay nhìn lại mọi sự chỉ còn thích nghiền ngẫm cái triết lý "Tái ông mất ngựa" để mà an vui phận mình. Kể ra thì khi những "yêng hùng ngã ngựa" mà luận về ngựa thì cứ như là đám bụi mịt mờ sau đàn ngựa. Vậy chi bằng tốt nhất là nên kết thúc chuyện ngựa ở đây kẻo không có người lại mắng "ngựa ơi là ngựa!"

ÐOÀN VĂN KHANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét