Kinh tế Việt Nam trong Thế giới 2014
Nguyễn Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng, RFA
Kinh tế Trung Quốc sẽ không tìm lại đà tăng trưởng 9-10% của quá khứ mà chỉ được 7% là mừng. Việt Nam cũng vậy, đà tăng trưởng trên 7% đã thấy từ 1995 đến năm 2007 sẽ không còn nữa, may lắm thì được 5%...
Ảnh chụp từ bên trong hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn
Trong chương trình đầu tiên của năm 2014, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vị trí kinh tế của Việt Nam đặt vào bối cảnh kinh tế toàn cầu. Bối cảnh ấy là gì? Đâu là những đổi thay so sánh với tình hình của những năm trước? Những đổi thay ấy có gì là thuận lợi hay lại tạo thêm vấn đề mới cho kinh tế Việt Nam? Xin kính mời quý thính giả theo dõi phần trao đổi của Vũ Hoàng với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa....
Liều thuốc đổ bệnh
Khi kinh tế suy trầm như một cơ thể bị suy yếu thì người ta có biện pháp kích thích như bơm thuốc bổ, nhưng nếu bơm quá nhiều và trong giai đoạn quá lâu thì đấy là liều thuốc đổ bệnh. -Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa trong buổi phát thanh đầu năm 2014 của mục Diễn đàn Kinh tế. Thưa ông, chúng tôi được biết là ông phụ trách tiết mục này từ năm đầu tiên hoạt động của ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do, phát thanh vào ngày Tết Đinh Sửu năm 1997, với mục đích phân tích vấn đề kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, nhất là Châu Á, với những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học được từ các quốc gia khác.
Trong buổi phát thanh đầu năm và với tinh thần vừa tổng kết tình hình đã qua vừa đưa ra những dự đoán cho năm tới, chúng tôi xin đề nghị ông phân tích cho thính giả của chúnh ta hoàn cảnh của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới. Xin ông trước hết nói về bối cảnh đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm 2014 đánh dấu bước ngoặt của kinh tế toàn cầu sau sáu năm khá đặc biệt kể từ nạn Tổng suy trầm năm 2008. Trong giai đoạn suy trầm chung của thế giới, nhiều biện pháp kích thích khá bất thường đã được đưa ra, đứng đầu là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bây giờ, các biện pháp sẽ lần lượt được thu hồi, nên những gì đã thấy trước đây sẽ không còn nữa và đấy là điều các nước, kể cả Việt Nam, nên tự chuẩn bị để tránh bị biến động bât ngờ.
Về bối cảnh chung thì trong năm 2014, kinh tế toàn cầu ra khỏi suy trầm nhưng chưa tìm lại tốc độ tăng trưởng tốt đẹp thời trước năm 2007. Như Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo đà tăng trưởng 2013 là gần 3% và qua năm 2014 là 3,6% thay vì hơn 5% như trước. Chi tiết đáng chú ý là định chế này đã sáu lần giảm thấp dự báo vì thực tế không được sáng sủa như họ đã tính. Điều ấy cho thấy người ta rất khó đoán một cách chính xác và vẫn nên chờ đợi nhiều bất trắc.
Chuyện thứ hai về bối cảnh, khối công nghiệp hoá Âu-Mỹ-Nhật đã có chỉ dấu hồi phục dù chưa mạnh. Trong khối này, Hoa Kỳ dẫn đầu với đà tăng trưởng có thể mấp mé 3%. Ngược lại, các nền kinh tế đang lên không được khả quan như vậy, đứng đầu vẫn là Trung Quốc với đà gia tăng từ mức 7,8% bị đánh sụt xuống 7,3%. Trong khung cảnh đó, đà tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở khoảng 5,4%, so với bình quân là hơn 7% trong những năm từ 1995 đến 2007 thì đấy là vấn đề.
Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì dù tình hình chưa thật tốt đẹp, hai nền kinh tế dẫn đầu vẫn lần lượt thu hồi các biện pháp kích thích, vì sao lại như vậy và ảnh hưởng của điều ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Như chúng ta có trình bày nhiều lần trên diễn đàn này, khi kinh tế suy trầm như một cơ thể bị suy yếu thì người ta có biện pháp kích thích như bơm thuốc bổ, nhưng nếu bơm quá nhiều và trong giai đoạn quá lâu thì đấy là liều thuốc đổ bệnh.
Từ sáu năm qua, Mỹ tăng chi và đi vay để kích thích kinh tế khiến gánh nợ của quốc gia tăng từ 62% lên tới 100% của Tổng sản lượng GDP và gây khủng hoảng chính trị về bội chi ngân sách mà kỳ trước chúng ta nhắc tới như một rủi ro của Hoa Kỳ. Song song, Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng cắt lãi suất tới số không và bơm ra một lượng tiền cao gấp ba so với sáu năm trước. Biện pháp bất thường, quá mạnh và kéo dài quá lâu có thể thổi lên bong bóng đầu tư nên sẽ phải được thận trọng thu hồi khi tình hình thất nghiệp có cải thiện.
Vũ Hoàng: Xin ông cho hỏi ngay một câu về nguy cơ đổ bệnh của biện pháp này là gì?
Ảnh chụp bên bờ sông Sài Gòn |
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lãi suất duy trì quá thấp và quá lâu dễ thổi lên bong bóng mà lại không khuyến khích tiết kiệm vì được tiền lời quá ít. Quan trọng hơn vậy, biện pháp bơm tiền có nâng lợi tức của các hộ gia đình tới 60% trong sáu năm qua mà kinh tế lại chẳng tăng nhiều như vậy và thất nghiệp chưa giảm. Điều ấy có nghĩa là người có tiền hoặc giới đầu tư thì lời lớn mà thành phần trung lưu và người nghèo vẫn chưa khá. Liều thuốc có thể đổ bệnh vì thổi lên bong bóng về kinh tế và gây bất công về xã hội. Một quốc gia thuộc loại dân chủ nhất, đang có một đảng lãnh đạo theo xu hướng xã hội mà lại gặp vấn đề này thì đấy cũng là điều nên suy ngẫm khi liên tưởng đến trường hợp Việt Nam.
Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua trường hợp Trung Quốc mà ông đã nhiều lần nhắc tới. Xứ này đã kích thích kinh tế ra sao và đang gặp vấn đề gì mà phải giảm dần việc kích thích đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trường hợp Trung Quốc lại còn tệ hơn thế vì đã chẳng có dân chủ mà chiến lược kinh tế của một đảng xưng danh xã hội chủ nghĩa còn đào sâu bất công xã hội trong khi gây thất quân bình trầm trọng trong cơ chế. Về biện pháp kích thích, Trung Quốc đã ào ạt bơm tiền vào kinh tế qua ngả tín dụng và lượng tiền lưu hành đã tăng thêm hơn 170%, là con số kinh hoàng nên dễ thổi lên lạm phát. Đó là nói về lượng, về phẩm thì những kênh bơm tiền lại không phân minh và khó kiểm kê rủi ro, bên trong là khối tín dụng của ngân hàng chui. Đa số khách nợ lại là doanh nghiệp nhà nước và công ty đầu tư của chính quyền địa phương. Vì vậy, kinh tế Trung Quốc bị nguy cơ khủng hoảng tài chính, đi cùng lạm phát và bể bóng đầu tư nên chính quyền Bắc Kinh đã có quyết định nâng lãi suất để giảm dần lượng tín dụng bơm ra. Chi tiết cần nhớ hơn cả là biện pháp kích thích lớn lao ấy không đóng góp gì cho đà tăng trưởng bền vững và từ năm nay trở đi, lãnh đạo còn phải chuyển hướng và điều chỉnh lại toàn bộ cơ chế.
Viễn ảnh kinh tế năm 2014
Viễn ảnh kinh tế năm 2014 của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sẽ là mức tăng trưởng thấp hơn, bất trắc nhiều hơn. -Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Thưa ông, trong bối cảnh chung như vậy, tương lai rồi sẽ ra sao kể từ năm nay?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng nếu kể từ năm 2008, người ta đã kích thích kinh tế trong sáu năm liền với lượng tiền rất lớn thì khi cần thu hồi, biện pháp đảo ngược sẽ khó hoàn tất êm thắm qua vài năm ngắn ngủi mà có thể kéo dài bảy tám năm, thậm chí cả chục năm. Đấy là lẽ thứ nhất để mình nhìn ra chuyện lâu dài. Trong ngắn hạn thì khi hai đầu máy kinh tế của thế giới cùng xiết lại lượng tiền đã bơm ra và nâng lãi suất thì các thị trường thế giới đều dễ bị biến động.
Cụ thể là vì lãi suất quá rẻ tại Mỹ, tư bản từ thị trường Hoa Kỳ đã chảy qua nhiều xứ khác, kể cả Việt Nam, có khi là dưới dạng người ta gọi sai là "kiều hối". Khi lãi suất tăng bên Mỹ thì đô la lên giá và dòng tiền nóng chảy ngược về Mỹ nên vừa có tác dụng suy trầm sản xuất cho xứ khác, vừa gây rủi ro khủng hoảng về ngoại hối. Vì thế, viễn ảnh kinh tế năm 2014 của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sẽ là mức tăng trưởng thấp hơn, bất trắc nhiều hơn.
Sau cùng, dù ngần ngại đưa ra dự báo, tôi vẫn nghĩ là các nước đang phát triển tại Á Châu đều có chung một xu hướng là tích trữ vàng. Cho nên dù giá vàng thế giới có hạ từ năm 2012 làm nhiều mỏ vàng bị lỗ và đóng cửa, số cầu về vàng của các quốc gia này vẫn tăng. Từ năm 2014, vì Hoa Kỳ sẽ xiết tiền, các nước bị chấn động về ngoại hối và còn gặp nguy cơ lạm phát nên vàng vẫn là phương tiện tàng trữ tài sản được họ chiếu cố. Điều ấy có nghĩa là giá vàng sẽ tăng trong nhiều năm tới và tôi cho là tăng mạnh vì nhiều mỏ vàng đóng cửa đã làm giảm số cung.
Vũ Hoàng: Chúng ta trở lại chuyện Việt Nam trong bối cảnh dài kể từ năm 2014 trở đi. Thưa ông, Việt Nam nên chú ý đến những điều gì khi thế giới chung quanh đang xoay chuyển như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nhắc lại là trong giai đoạn lâu dài đó, kinh tế Trung Quốc sẽ không tìm lại đà tăng trưởng 9-10% của quá khứ mà chỉ được 7% là mừng. Việt Nam cũng vậy, đà tăng trưởng trên 7% đã thấy từ 1995 đến năm 2007 sẽ không còn nữa, may lắm thì được 5%. Người ta có thể rút tỉa được những điều gì trong khung cảnh đó?
Thứ nhất và như diễn đàn này của chúng ta nhiều lần trình bày, mọi quốc gia nghèo đói đều có cơ hội tăng trưởng cao nếu chuyển hướng kinh tế theo quy luật tự do hơn và nếu học hỏi được từ các quốc gia tiên tiến. Nhờ vậy, xứ nào cũng hy vọng vươn lên từ quá khứ lầm than và lầm lạc, nhưng chỉ được trong mươi mười lăm năm là cùng. Việt Nam đã có cơ hội đó kể từ năm 1995.
Thứ hai, khi có cơ hội gọi là "cất cánh" như vậy, các nước đang lên phải nhìn vào phẩm chất của tăng trưởng và tạo điều kiện phát triển vững bền hơn, qua việc cải tổ cơ chế lạc hậu cũ. Đa số các nước đi sau lại không như vậy mà cứ tưởng đà tăng trưởng này sẽ kéo dài, vì vậy, dù mức sống người dân có cải thiện so với ngày trước, cả nước vẫn chưa vươn lên trình độ gọi là có lợi tức cao, như các nước tiên tiến khác. Họ rơi vào cái bẫy của lợi tức trung bình, chỉ là loại quốc gia trung bình. Việt Nam gặp tình trạng đó và nếu không rút tỉa bài học thì ở lại đó khá lâu.
Vũ Hoàng: Ông giải thích thế nào về hoàn cảnh này của Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sau cả chục năm sai lầm với ảo tưởng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam chỉ đổi mới từ năm 1992 sau khi Liên Xô tan rã, đấy là điều đáng tiếc nếu so với các lân bang. Sau đó, Việt Nam hội nhập vào khối ASEAN và tái lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ từ năm 1995 và quả nhiên là bắt đầu cất cánh với tốc độ tăng trưởng hơn 7%. So với quá khứ của mình thì đấy là một thay đổi tốt đẹp hơn nhưng so với các nước Đông Á thì chưa là gì cả.
Sau khi ký kết Hiệp định Thương mại với Mỹ vào năm 2001 rồi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007, Việt Nam có nhiều cơ hội cải cách dứt khoát hơn trên cái trớn cao hơn, mà lại để hụt. Kết quả là một sự hồ hởi sảng vào năm 2008 với nhiều đợt khủng hoảng về giá cả và ngoại hối, khi thế giới lại bị Tổng suy trầm. Mãi đến năm 2011 Việt Nam mới chịu công nhận là phải sửa sai, nhưng việc tái cơ cấu ba lĩnh vực kinh tế được để ra từ hai năm qua vẫn tiến hành quá chậm, trong khi nền kinh tế lại tích lũy thêm nhiều vấn đề mới trong hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước và y như Trung Quốc, lại có tình trạng bất công cao hơn.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, ông tổng kết và dự đoán thế nào về tình hình năm 2014 này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đầu tiên, so với thế hệ lãnh đạo thời cách mạng thì lớp người lãnh đạo ngày nay không ác bằng mà lại giỏi kiếm tiền hơn. Đấy không là một lời khen hay một chuyện đáng mừng vì người dân xứng đáng có một tương lai khác. Trong giai đoạn sắp tới, tình trạng sa sút của Trung Quốc khi họ phải chuyển hướng có tạo ra cơ hội thuận tiện hơn cho Việt Nam, là điều ta sẽ tìm hiểu thêm trong những kỳ tới, với điều kiện là lãnh đạo kinh tế của Việt Nam phải cải cách nhanh hơn Trung Quốc. Cải cách như thế nào thì quốc tế đã nói tới và tôi nghĩ rằng giới cầm quyền cũng biết, nhưng mình cũng sẽ nhắc lại.
Rốt cuộc, Việt Nam sẽ qua thời kỳ tăng trưởng thấp hơn trước, theo kiểu mình hay nói là "ăn ít no lâu". Đầu năm mới, tôi xin kính chúc là đảng ăn ít hơn, cho người dân được no lâu hơn.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông Nghĩa về cuộc trao đổi này và xin hẹn tuần tới sẽ lần lượt tìm hiểu về những cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét