Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Đi tìm hướng phát triển cho Việt Nam

Có bạn gửi cho bài này, mình chưa đọc kỹ vì đang bận, nhưng liếc qua thấy hay và trả lời bạn ấy qua email như sau: Bài này hay. Lâu lắm mới thấy anh Du viết 1 bài hay vậy. Chúng ta đã nhầm giữa mục tiêu và phương tiện, chúng ta muốn xây dựng xã hội tốt đẹp, 1 trong các công cụ là kinh tế thị trường định hướng XHCN trong đó có chế độ công hữu, có kinh tế nhà nước. Nhưng vì chỉ là công cụ nên lẽ ra tùy từng giai đoạn cần đến đâu sử dụng đến đấy, còn nhiều công cụ khác, có lúc quan trọng hơn, nên ưu tiên sử dụng hơn. Ưu tiên sử dụng công cụ nào phải căn cứ vào hiệu quả của nó trong từng giai đoạn.
Nhưng loay hoay một hồi Việt Nam lại biến công cụ thành mục đích, cứ nhăm nhăm xây dựng KTNN và DNNN, coi đó là mục đích, là động lực phát triển; 
KTNN và DNNN phát triển sẽ đương nhiên có được xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 40 năm qua đã hoàn toàn quên mục đích chính là xây dựng xã hội tốt đẹp, là nền kinh tế phồn vinh, là dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh..., có chăng chỉ nói mồm chứ trong đầu không quan tâm tới chuyện đó. Gần đây những bài học đau đớn và sức ép của văn minh thế giới đã làm ta trắng mắt ra, đã nhận thức được, nhưng nếu bỏ KTNN, DNNN thì lấy gì để tham nhũng, để làm giàu ? Do đó chắc chắn sẽ đến lúc bỏ, nhưng phải là cuộc đấu tranh kiên trì để ép buộc giới lãnh đạo phải từ bỏ càng nhanh càng tốt; quá trình đó tất yếu làm họ mất quyền lợi, thậm chí mất vai trò lãnh đạo.
Về 3 trụ cột "kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội công dân": Tôn trọng các quy luật thị trường và tự do cá nhân là then chốt; nhà nước tồn tại để đảm bảo nguyên tắc này. Do đó khi phát triển dân chủ lên như Thụy sĩ hay các nước Bắc Âu thì vai trò nhà nước giảm hẳn, chỉ là anh trọng tài đứng nhìn kinh tế thị trường và xã hội công dân tự giác vừa hợp tác, vừa đấu tranh để tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước.
Một điều nữa là không nên cố xây dựng một học thuyết phát triển toàn diện, hoàn chỉnh rồi cứng nhắc nhất định bám theo nó. Chỉ nên xác định mục đích tối thượng và một số mục tiêu chủ yếu (mục đích trung gian), sau đó tùy từng giai đoạn phát triển mà chọn lựa, áp dụng các công cụ phát triển phù hợp. Những thứ vớ vẩn như tốc độ tăng trưởng GDP cần loại bỏ. GDP không phản ánh tiến bộ chung của xã hội, không cho biết dân giầu, nước mạnh, xã hội văn minh. Tăng trưởng GDP cao mà hủy diệt môi trường sống, phá hoại nền tảng đạo đức xã hội... như những năm qua thì chẳng có ý nghĩa gì.
Đi tìm hướng phát triển cho Việt Nam
Chúng ta tuyên bố xây dựng kinh tế thị trường định hướng XNCN. Không sai, nhưng bây giờ phải rạch ròi, thị trường là thế nào và định hướng XHNC là thế nào?
Việt Nam chọn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) làm mô hình phát triển. Trong hơn thập kỷ kể từ khi quyết định đường hướng phát triển này, nhiều điểm tích cực của kinh tế thị trường đã được phát huy đem lại mức tăng trưởng kinh tế khá cao để đưa một phần rất lớn người dân Việt Nam thoát khỏi đói nghèo - nỗi ám ảnh gần như trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, những mặt trái hay khuyết tật của thị trường không được xử lý bằng những cách thức đúng đắn; những trục trặc khi Nhà nước can thiệp hay làm thay thị trường đang làm cho các vấn đề như: Bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm, tham nhũng, lãng phí, băng hoại đạo đức và các mâu thuẫn xã hội ở Việt Nam đang trở nên nghiêm trọng hơn.

Một cách luận rõ ràng về kinh tế thị trường định hướng XHCN dựa trên nền tảng khoa học trong xu thế thời đại ngày nay làm cơ sở giải quyết những bức xúc trước mắt cũng như định hướng phát triển dài hạn cho Việt Nam là quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Vinh Quang (2013): "Chúng ta tuyên bố xây dựng kinh tế thị trường định hướng XNCN. Không sai, nhưng bây giờ phải rạch ròi, thị trường là thế nào và định hướng XHNC là thế nào? Đâu phải nó là một mô hình kinh tế thị trường riêng biệt so với thế giới. Bởi "kinh tế thị trường" là cái tinh hoa của nhân loại rồi, còn "định hướng XHCN " là nói về vai trò của Nhà nước"

Vấn đề của Việt Nam

Do quan điểm phải gắn liền với những lý luận nguyên bản của Marx và Lenin đưa ra cách đây hơn một thế kỷ, nên những luận giải về định hướng XHCN ở Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua chủ yếu xoay quanh việc khẳng định chế độ công hữu là nền tảng và vai trò chủ đạo của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế. Sở hữu hỗn hợp mà đặc biệt là tư hữu dường như chỉ được xem là giải pháp trước mắt, công hữu về tư liệu sản xuất vẫn đang là mục tiêu chính ngay thời điểm hiện nay. Với cách luận giải này, định hướng XHCN đang đối lập với kinh tế thị trường như nước với lửa.

Điều này làm cho đường hướng phát triển chính thống khác xa với thực tiễn hay sự vận động của xã hội. Nó không chỉ gây ra sự lúng túng trong việc thực thi các chính sách trong thực tế, lựa chọn các ưu tiên trước mắt mà để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng cho sự phát triển dài hạn của Việt Nam. Vô hình chung định hướng XHCN theo cách hiểu đặt nặng vấn đề sở hữu và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đang làm chệch hướng mục tiêu XHCN hiểu theo nghĩa vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Thực tiễn trong xã hội loài người

Nhìn vào sự phát triển của nhân loại đến ngày nay, kinh tế thị trường là một trong những chìa khóa quan nhất cho các nước có được sự thịnh vượng. Tuy nhiên, nếu đề cao quá mức vai trò của thị trường tự do thì sẽ gặp rắc rối. Những cuộc khủng khoảng kinh tế và tài chính nghiêm trọng xảy ra trong xã hội loại người đều do tính vị kỷ của con người được dung dưỡng quá mức.

Mô hình nhà nước phúc lợi (welfare state) hay thị trường xã hội với điển hình ở các nước Bắc Âu là một tham khảo thú vị. Dường như CNXH vị tha và CNTB vị kỷ đã có thể cân bằng lành mạnh. Điều đáng lưu ý là các nước này đã không gắn đường hướng phát triển của họ với một học thuyết cố định nào cả mà họ luôn dựa vào kho trí thức và các tiến bộ của nhân loại trong mỗi thời kỳ để định hình đường lối phát triển trong từng thời kỳ để đường lối phát triển trong từng thời kỳ.

Công thức thành công của họ đơn giản chỉ là tôn trọng các quy luật thị trường, sự tự do cá nhân và nhà nước phải vì lợi ích thực sự của người dân. Kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và xã hội công dân đã được tập trung vun đắp để trở thành ba trụ cột chính cho sự phát triển. Mối quan hệ giữa bộ ba để giảm thiểu sự giẫm chân và mâu thuẫn lẫn nhau. Khu vực thị trường hay các doanh nghiệp có nhiệm vụ chính tạo ra của cải cho xã hội; Nhà nước đóng vai trò sửa chữa các khuyết tật của thị trường, tái phân phối một phần của cải để đảm bảo công bằng, cân bằng, hiệu quả và sự tiến triển cho toàn xã hội; xã hội công dân cởi mở tạo ra niềm tin lẫn nhau để hình thành vốn xã hội giúp các hoạt động kinh tế trở nên hiệu quả hơn, vai trò phân phối nguồn lực của Nhà nước hữu hiệu hơn trong trong xã hội nhân văn mà quyền con người được tôn trọng.

Kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội công dân là ba thực thể tồn tại một cách quan trong bất kỳ nước nào. Nhìn vào mức độ phát triển của từng thực thể và sự tương tác giữa chúng có thể thấy được sự phát triển của một quốc gia.

Sự cân bằng và hài hòa giữa ba thực thể này là vô cùng quan trọng. Bất kỳ một sự thiên lệch nào cũng có khả năng gây ra trục trặc. Khi nhà nước đòi làm tất cả sẽ dẫn đến kết cục như: kinh tế sụp đổ và các giá trị xã hội bị tàn phá do giả dối, đạo đức giả và bệnh thành tích tràn lan...

Nêu vai trò của thị trường đẩy lên quá cao sẽ dẫn đến một nền chính trị tiền bạc như Mỹ hiện nay. May mà xã hội công dân ở nước này đã bám rễ rất chắc và rất sâu rộng nên nó đã cáng đáng tốt rất nhiều vai trò trong xã hội khi mà các trính trị gia đang tranh cãi với nhau để dành quyền lực và ảnh hưởng của mình. Một môi trường mà ở đó xã hội công dân được đặt cao hơn hai trụ cột còn lại có lẽ là không tưởng vì vật chất có trước ý thức có sau và vật chất quyết định ý thức. Xã hội công dân gắn liền với ý thức và sự tự nguyện của các công dân nên khó có thể vượt lên so với hai thực thể còn lại.

Điều cần lưu ý là trong ba trụ cột nêu trên, chỉ có nhà nước được tổ chức chính thức, trong khi kinh tế thị trường và xã hội công dân là những tập thể phi tập trung và phân tán kháp nơi. Nhà nước làm sứ mệnh sửa chữa các thất bại của thị trường do tính vị kỷ của con người gây ra. Tuy nhiên, bản chất hành vi của những người ở khu vực công hay khu vực tư đều như nhau.

Trong lịch sử loài người, chưa có bất kỳ ví dụ thực tiễn nào cho thấy có một nhà nước mà ở đó có tất cả những người lãnh đạo và các công chức đều mẫn cán, một lòng một dạ vì lợi ích của người dân chứ không phải vì lợi ích, vị trí hay quyền lực của mình. Ngay cả khi đã vượt qua bao nhiêu khó khăn cản trở mà chủ yếu do tay chân, người dân của thiên đình, thần tiên hay nhà Phật gây ra, bước chân đến cửa Phật rồi mà thầy trò Đường Tăng vẫn phải lo lót để có được kinh kệ mang về. Ở xã hội trần tục đương nhiên là nghiêm trọng hơn nhiều.

Do vậy, cấu trúc nhà nước cần phải được thiết kế để tránh tập trung quyền lực quá nhiều vào một số ít cá nhân hay tổ chức. Hơn thế, mỗi vị trí luôn chịu sự giám sát hay điều tiết bởi những đối tượng khác. Chỉ có áp lực mất mát thật sự nếu không làm tốt mới có thể làm cho những người làm trong khu vực công làm tốt nhằm tạo ra một nhà nước hữu hiệu. Hơn thế, vai trò của xã hội công dân trong việc ngăn chặn suy đồi đạo đức, lạm dụng quyền lực cũng như sự cấu kết của các đối tượng trong hai trụ cột còn lại để tham nhũng và lũng đoạn là vô cùng quan trọng.

Ở những nơi mà xã hội công dân không được quan tâm thì xảy ra tình trạng cấu kết giữa doanh nghiệp và nhà nước hay chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism) tước toạt phần lớn nguồn lực của xã hội cho một bộ phận rất nhỏ những người có quyền và có tiền, tạo ra bất công và khó phát triển.

Con đường phát triển của Việt Nam

Muốn phát triển, mỗi quốc gia đều phải dựa vào kho tri thức hay những tiến bộ của nhân loại. Tuy nhiên không thể áp dụng một cách máy móc hay chắp vá mà cần có tiến trình tìm hiểu và áp dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi nơi. Không đâu xa, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore trở nên thịnh vượng chỉ đơn giản bằng cách "bắt chước" các tri thức và giá trị phương Tây sau đó điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cụ thể. Họ đã chấp nhận thử và sai trên cơ sở tư duy phù hợp với thực tế khách quan để chọn được được đi đúng đắn.

Đối với Việt Nam, người viết bài này hoàn toàn đồng ý với tác giả Trần Việt Phương (2008) rằng "giải pháp cho Việt Nam phải là một giải pháp Việt Nam, con đường của Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của loại người và chiều hướng tiến bộ của thời đại" và quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Vinh Quang (2013): "Chúng ta tuyên bố xây dựng kinh tế thị trường định hướng XNCN. Không sai, nhưng bây giờ phải rạch ròi, thị trường là thế nào và định hướng XHNC là thế nào? Đâu phải nó là một mô hình kinh tế thị trường riêng biệt so với thế giới. Bởi "kinh tế thị trường" là cái tinh hoa của nhân loại rồi, còn "định hướng XHCN " là nói về vai trò của Nhà nước".

Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của Việt Nam có lẽ không khác nhiều với mô hình thị trường xã hội, nếu chọn được đường đi và chính sách đúng đắn thì có lẽ phải rất lâu nữa Việt Nam mới có thể đạt được mức phát triển như các nước Bắc Âu hiện nay. Tuy nhiên nếu muốn đạt được thì không cách nào khác, Việt Nam cần phải xây dựng ngay các yếu tố nền tảng từ bây giờ. Các chức năng và vai trò của ba trụ cột cần được phân định rạch ròi để chúng phát triển lành mạnh và quan hệ hài hòa lẫn nhau. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế thị trường. Nhà nước pháp quyền và xã hội công dân là một đòi hỏi đối với Việt Nam hiện nay (Đỗ Hoài Nam 2013).

Trong bối cảnh này, định hướng XHCN nên được hiểu là lấy công bằng làm đầu hay mục tiêu dân chủ, công bằng, văn minh trong mục tiêu tổng quát nêu trên. Kinh tế thị trường sẽ làm nhiệm vụ tạo ra của cải cho toàn xã hội. Lúc này chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu và mối quan hệ của ba trụ cột cần được xác định rõ ràng. Vai trò của Nhà nước, suy cho cùng, cũng chỉ để đạt được mục tiêu đề ra bằng cách làm sao để cả thị trường và xã hội công dân làm đúng chức năng của chúng, muốn như vậy, Nhà nước chỉ nên làm đúng chức năng của mình chứ không nên làm thay hay giẫm chân hai trụ cột còn lại và càng không nên kìm hãm sự phát triển của chúng.

Do vậy, vai trò của Nhà nước, như hầu hết các nước đã thành công trên thế giới, đơn giản chỉ là tập trung sửa chữa các khuyết tật thị trường và cải thiện bình đẳng thay vì nhấn mạnh yếu tố sở hữu và xác định vai trò chủ đạo. Song song với việc hoàn thiện các thể chế nòng cốt của một nhà nước pháp quyền, nhà nước nên giảm thiểu tối đa việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh, nhất là những hoạt động mà thị trường có thể làm tốt chức năng của nó.

Hơn thế việc tạo ra áp lực cạnh tranh, áp lực phải chịu áp lực cụ thể với các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước là tối quan trọng để khu vực công có thể hiệu quả và hữu hiệu hơn. Chỉ có một tiến trình lựa chọn nhân sự dân chủ đúng nghĩa thông qua cạnh tranh để người dân phát huy quyền làm chủ thực sự thì mới có thể có được điều này.

Những nhà công nghiêp sở hữu những doanh nghiệp làm ra giá trị gia tăng thực sự cho xã hội như: Lego hay Maersk ở Đan Mạch, Samsung hay LG ở Hàn Quốc, Apple hay Google ở Mỹ, Toyota hay Honda ở Nhật, Electrolux hay Ikea ở Thụy Điển mới thực sự là nền tảng của một nền kinh tế vững mạnh.

Đây là điều mà Việt Nam đang thiếu. Những doanh nghiệp tạo ra giá trị đúng nghĩa. Hoàn thiện các thể chế để tạo ra sân chơi bình đẳng, khuyến kích sáng tạo, và giảm thiểu đầu cơ lũng đoạn là việc cần làm. Ở trụ cột này, việc cải tổ các doanh nghiệp chỉ tập trung vào một hay một vài nhiệm vụ cụ thể trong một thời hạn nhất định là hết sức cấp bách. Điều này sẽ tránh lãng phí nguồn lực và lợi dụng vai trò chủ đạo của loại hình doanh nghiệp này của một số người nhằm trục lợi. Đối với khu vực doanh nghiệp dân doanh, việc trân trọng những ngưới có khả năng làm giàu và khuyến khích người dân xóa bỏ tâm lý kỳ thị, ghen ghét người giàu, người giỏi là vô cùng quan trọng. Không một xã hội nào có thể trở nên thịnh vượng khi người giàu hay người giỏi không được tôn trọng.

Một xã hội công dân đúng nghĩa cần được quan tâm để nó có thể ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức, mất lòng tin trong xã hội và tham nhũng tràn lan như hiện nay. Chỉ có xã hội công dân cởi mở mới có thể tạo ra niềm tin giữa con người với con người, dần hình thành vốn xã hội có lợi cho sự phát triển. Trong một xã hội mà các quan hệ cơ bản chỉ do vật chất chi phối sẽ rất nguy hiểm vì ở đó chỉ có phần "con" thấp hèn được dung dưỡng trong khi phần "người" cao quý không được đề cao. Sẽ rất là đáng sợ khi trong một xã hội mà phần con lấn át phần người. Nếu không có những quyết sách hợp lý ngay từ bây giờ tương lai của Việt Nam sẽ rất u ám.

Tóm lại, trong thời đại ngày nay, cần bổ sung những lý luận mới và học hỏi vận dụng những tiến bộ của xã hội loại người nhằm lựa chọn một con đường hay chủ thuyết phát triển hợp lý để sớm đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây mới chính là mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất của Việt Nam.

Huỳnh Thế Du
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
http://vietbao.vn/Xa-hoi/Di-tim-huong-phat-trien-cho-Viet-Nam/22157279/157/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét