Niềm tin và sự phấn khởi
(Chinhphu.vn) - Trước khi đọc thông điệp của Thủ tướng, người đọc có cảm xúc là không biết thông điệp có thấy hết được những vấn đề cụ thể của người dân, thấy hết cái khó của người dân không? Tuy nhiên, khi đọc xong thì được giải tỏa hết.
TS. Lê Thẩm Dương
Thứ nhất, rõ ràng và thẳng thắn; thứ hai, chính xác và thuyết phục; thứ ba, nhìn lại toàn bộ thì thấy niềm tin xuất hiện và sự phấn khởi.Thẳng thắn và rõ ràngCảm nhận đầu tiên về thông điệp của Thủ tướng chính là sự rõ ràng và thẳng thắn.
Trong đánh giá kết quả kinh tế vĩ mô, Thủ tướng đã khẳng định năm 2013, nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục đạt được sự tăng trưởng ổn định, tăng đều qua từng quý, cả năm GDP đạt 5,42%, cao hơn so với năm 2012 (5,25%).
Trong khi đó, lạm phát cả năm lại giảm. Năm 2013, lạm phát chỉ ở mức 6,04%, đây là năm có mức lạm phát thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây và việc lạm phát giảm trong điều kiện GDP tiếp tục tăng trưởng đã khẳng định sự thành công trong điều hành vĩ mô.
Một kết quả quan trọng khác, trong năm 2013, đất nước đã giành được nhiều thắng lợi trên lĩnh vực đối ngoại, trong đó có rất nhiều dấu ấn trong điều hành và xử lý của Thủ tướng tại các diễn đàn quốc tế, gây được tiếng vang, khẳng định được vị thế và đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước.
Sự rõ ràng và thẳng thắn trong thông điệp của Thủ tướng không chỉ ở việc khẳng định những thành tựu đã đạt được mà còn chỉ ra những hạn chế. Thủ tướng đã nêu ra những khó khăn thách thức hiện nay, như việc tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, xã hội còn có những bức xúc. Điều này đã làm cho người đọc rất hài lòng.
Đặc biệt, Thủ tướng đã nhận định, động lực thúc đẩy phát triển xã hội, tạo thành công rực rỡ trong phát triển kinh tế đất nước gần 30 năm qua, từ Đại hội Đảng VI (năm 1986), bằng việc đề ra khoán sản phẩm và một loạt các chính sách khuyến khích sản xuất, đến nay đang có dấu hiệu chững lại, sức mạnh đã giảm, đòi hỏi phải tạo ra những động lực mới.
Từ những kết quả đạt được trong năm 2013, từ những hạn chế của nền kinh tế, Thủ tướng đã chỉ ra những yêu cầu rất rõ trong điều hành năm 2014 với những nhiệm vụ rất cụ thể như tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng GDP cao hơn năm 2013, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu...
Về phương châm thực hiện, trong thông điệp xác định, thứ nhất phải quyết tâm cao, tránh việc đề ra nhưng thiếu quyết tâm dẫn đến kết quả đạt được không như mong muốn. Thứ hai, phải triển khai quyết liệt, đồng bộ, trong ngắn hạn là tháo gỡ ngay những điểm nghẽn của nền kinh tế (BĐS, nợ xấu, tồn kho và niềm tin thị trường); trong trung hạn là thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; dài hạn là phải tạo được những đột phá chiến lược đã đề ra, đây chính là nhân tố tương tự như chính sách khoán sản phẩm trước đây. Thứ ba là phải thực hiện dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền và thể chế thị trường.
Chính xác và thuyết phục
Thông điệp của Thủ tướng cho thấy phát triển phải gắn với thay đổi, vì nếu phát triển mà vẫn giữ lề lối cũ thì kết quả sẽ không như mong muốn. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của Nhà nước là kiến tạo sự phát triển, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, kiên quyết xóa độc quyền, thúc đẩy kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển nhưng không làm thay.
Bên cạnh đó, kiến tạo còn phải hiểu theo hướng thúc đẩy quyền làm chủ của người dân, tạo môi trường để mọi người được phát huy hết năng lực sáng tạo, được tham gia vào việc tạo môi trường chính sách cho chính họ.
Thông điệp nhấn mạnh đến việc thực hiện giá cả thị trường đối với dịch vụ và hàng hóa thiết yếu, nhằm giải quyết những bất cập liên quan đến việc cung cấp những mặt hàng như điện, nước, xăng... thời gian qua. Hạn chế duy nhất của việc áp dụng giá cả thị trường đối với những mặt hàng thiết yếu là có thể gây khó khăn cho những người nghèo. Do đó, song song với việc đưa giá cả những mặt hàng thiết yếu vận hành theo cơ chế thị trường, chúng ta cần làm tốt những chính sách an sinh xã hội.
Sự thuyết phục còn thể hiện ở việc chỉ đạo những nhiệm vụ rất trọng tâm. Theo đó, kiên quyết tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, ngay từ những ngày đầu năm, qua việc chỉ đạo về cổ phần hóa, cho phép thoái vốn theo giá thị trường, quan điểm Nhà nước chỉ nắm giữ những lĩnh vực then chốt và tăng cường kiểm soát, tăng minh bạch.
Ngoài 3 lĩnh vực tái cơ cấu, thông điệp xác định phải tái cơ cấu nông nghiệp. Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng sâu KHCN, tổ chức lại sản xuất, tăng liên kết trong sản xuất và đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chính trong tái cơ cấu nông nghiệp.
Có thể thấy, Thủ tướng đã chỉ ra những giải pháp rất căn cốt và vĩ mô nhằm tránh cho đất nước đi vào “bẫy” thu nhập trung bình mà nhiều nước mắc phải. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiến tạo của Nhà nước, kinh tế thị trường và dân chủ cộng với pháp quyền chính là yếu tố tạo động lực mới, thay thế cho những động lực cũ đã không còn nhiều tác dụng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Niềm tin và sự phấn khởi
Trước khi đọc thông điệp của Thủ tướng, người đọc có cảm xúc là không biết thông điệp có thấy hết được những vấn đề cụ thể của người dân, thấy hết cái khó của người dân không? Tuy nhiên, khi đọc xong thì được giải tỏa hết. Thứ nhất, rõ ràng và thẳng thắn; thứ hai, chính xác và thuyết phục; thứ ba, nhìn lại toàn bộ thì thấy niềm tin xuất hiện và sự phấn khởi.
Sự phấn khởi, niềm tin thể hiện ở việc thông điệp giúp người đọc thấy được nền kinh tế đã tăng trưởng ổn định trở lại. Tiếp đó, giúp nhìn thấy cửa ra, thấy được động lực mới xuất hiện với những định hướng của Chính phủ trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Song song đó, Chính phủ cũng đã chỉ ra những hạn chế cần phải khắc phục và phương châm thực hiện.
Năm 2014, nền kinh tế có thể chưa có ngay được sự đột biến về tăng trưởng, những vấn đề tồn tại có thể chưa giải quyết được hết ngay, nhưng với những giải pháp có nhiều nét đột phá, tính đồng bộ cao, khoa học và gắn được với điều kiện của Việt Nam, trong đó, người dân được phát huy quyền làm chủ, doanh nghiệp “ngả” vào thị trường và Nhà nước là người tạo sân chơi bình đẳng.
Như vậy, động lực tốt, phương châm tốt, cách làm tốt, đó sẽ là nền tảng cho sự phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.
TS. Lê Thẩm Dương
Trưởng Khoa Quản trị - Đại học Ngân hàng TPHCM
http://baodientu.chinhphu.vn/Gop-y-Hien-ke/Niem-tin-va-su-phan-khoi/190135.vgp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét