Động lực mới cho Tam nông ở đâu ?
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thường vẫn gọi là Tam nông, luôn là nỗi trăn trở của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Từ ngày đầu đổi mới, chính sách giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định, lâu dài đã đưa nước ta từ một nước rất thiếu lương thực trở thành nước thuộc nhóm xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.Kể từ đó, chỉ sau vài năm các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách đã nhìn thấy khả năng chính sách giao đất đã mất dần động lực. Phát triển Tam nông cần một động lực mới. Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều cho Tam nông, từ những đường lối, chính sách, tới trợ giúp bằng tiền.
Ngày 5.8.2008, Ban Chấp hành T.Ư Đảng ban hành Nghị quyết 26 - NQ/T.Ư về Tam nông, được coi như một đường lối chính trị để tìm động lực mới cho phát triển Tam nông. Các mô hình mới lần lượt được đưa ra và thử nghiệm, nhiều chính sách mới được áp dụng.
Nỗ lực lớn từ nhiều phía, đã tạo được một số điểm sáng nhất định, nhưng vẫn chưa tìm thấy động lực mới cho Tam nông. Năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản vẫn ở mức thấp, lợi nhuận thu được vẫn dựa chủ yếu vào mồ hôi người nông dân. Người nông dân vẫn chưa tiếp cận được thị trường, lợi ích bị rơi rụng hầu hết trên đường từ cánh đồng tới thị trường. Tại nhiều vùng có khả năng nông nghiệp cao, nhiều nông dân đã bỏ ruộng để bước vào thị trường lao động phi nông nghiệp không chính thức đầy rủi ro và bấp bênh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được đầu tư hơn 40.000 tỉ đồng, tạo được thành quả bước đầu ở một số nơi, nhưng cũng đã có những phản ảnh về tiêu cực trong chi tiêu vốn ngân sách hỗ trợ.
Vậy động lực mới có thể tìm thấy ở đâu là một câu hỏi lớn vẫn mang tính thời sự.
Từ kinh nghiệm thực tế ngay trong nước, có thể đưa ra được câu trả lời thỏa đáng. Chúng ta hãy về xã Thanh Văn, H.Thanh Oai, Hà Nội. Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp ở đây đã được Đảng bộ xã bắt đầu từ hơn 20 năm trước, với mục tiêu chính là làm hài lòng mọi người dân. Tiêu chí là lấy quy hoạch sử dụng đất làm nền tảng để khai thác quỹ đất hiệu quả nhất, mọi quyết định phát triển địa phương phải được ít nhất 2/3 số dân đồng thuận. Mọi người dân được hỏi đều rất hài lòng về thu nhập, về cuộc sống và về tương lai, trong khi Thanh Văn không có được bất kỳ nguồn trợ giúp nào của nhà nước.
Từ những kinh nghiệm nêu trên cho thấy, động lực mới nằm chính trong tay người nông dân khi có cơ chế, chính sách phù hợp. Nhà nước đừng tính đến sự tập trung trợ giúp bằng tiền cho nông dân, niềm vui ấy ngắn chẳng tày gang. Động lực nằm ở chỗ nhà nước nên trao quyền - quyền làm chủ và trao cơ hội - trao đất ổn định lâu dài cho người nông dân để họ tự quyết định.
Người nông dân vốn ít hiểu biết nên họ cần sự trợ giúp chân thành từ chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Người nông dân có cơ hội giám sát quá trình chia sẻ lợi ích để loại trừ tham nhũng. Đây là cách thức như các cụ xưa đã nói, đừng giúp người nghèo con cá, hãy giúp người ta cái cần câu. Động lực nằm ở cái cần câu mà nhà nước sử dụng chính sách để trao cho họ.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ
(Thanh niên)
GS-TSKH Đặng Hùng Võ
(Thanh niên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét