Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Khó kiểm soát thu nhập quan chức!

Khó kiểm soát thu nhập quan chức!
Thanh tra Chính phủ vừa dự kiến lộ trình kiểm soát toàn bộ thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; mong muốn nhiều bộ, ngành chung tay góp sức để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả.
Một nguyên nhân quan trọng khiến việc kiểm soát thu nhập còn nhiều hạn chế 
là do nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt Ảnh: HỒNG THÚY
Theo dự thảo Đề án Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn do Thanh tra Chính phủ vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, sau năm 2020, toàn bộ thu nhập của quan chức sẽ được kiểm soát như quy định của Luật Phòng chống tham nhũng.

Năm 2014, bắt đầu thực hiện

Một thành viên ban soạn thảo cho biết việc xây dựng đề án thực hiện theo điều 53 Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung năm 2012): “Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”. Trong dự thảo, Thanh tra Chính phủ đưa ra lộ trình thực hiện việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn khá cụ thể, chi tiết:

Giai đoạn 1 (2014-2016), tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập, giao dịch thanh toán qua ngân hàng, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các quy định về việc nhận quà, nộp lại quà tặng, kiểm soát chi tiêu của người có chức vụ, quyền hạn. Đồng thời, tập trung kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở địa phương từ phó chủ tịch cấp huyện/tương đương trở lên và từ phó vụ trưởng/ tương đương) trở lên ở các cơ quan nhà nước cấp trung ương.

Giai đoạn 2 (2017- 2020), tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện đề án ở giai đoạn 1, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật và mở rộng việc kiểm soát thu nhập với những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập.

Giai đoạn 3 (sau năm 2020), thực hiện việc kiểm soát thu nhập với toàn bộ người có chức vụ, quyền hạn. Những người có chức vụ, quyền hạn quy định tại khoản 3 điều 1 Luật Phòng chống tham nhũng thuộc diện phải kiểm soát thu nhập. Đó là: Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị công an; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp (DN) nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại DN; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Các loại thu nhập thuộc diện bị kiểm soát quy định tại điều 3 (thu nhập chịu thuế) và điều 4 (thu nhập được miễn thuế) Luật Thuế TNCN: Thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công; tiền thù lao dưới các hình thức; tiền thưởng - trừ các khoản kèm theo danh hiệu được nhà nước phong tặng; từ chuyển nhượng vốn, chứng khoán, bất động sản, trúng thưởng; từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tiền bồi thường tai nạn lao động, khoản bồi thường nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định...

Bổ sung tội làm giàu bất hợp pháp

Đại diện ban soạn thảo cho biết người có chức vụ, quyền hạn thuộc phạm vi kiểm soát phải thực hiện việc kê khai thu nhập phát sinh theo kỳ hạn (quý, năm) và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung kê khai.

Quan chức có trách nhiệm giải trình, chứng minh nguồn gốc của các khoản thu nhập đã kê khai hoặc các vấn đề khác liên quan đến thu nhập khi có yêu cầu của cơ quan thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có quyền kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất bản kê khai thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; có thể yêu cầu cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc che giấu thông tin, tẩu tán tài sản hoặc cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, xác minh.

Đối với các khoản thu nhập không được kê khai hoặc kê khai không đầy đủ mà bị phát hiện, cơ quan thẩm quyền sẽ yêu cầu giải trình nguồn gốc; nếu không giải trình được thì sẽ xem là các khoản thu nhập bất hợp pháp và phải chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng xem xét, xử lý.

Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiến hành rà soát tất cả mục chi từ ngân sách nhà nước cho người có chức vụ, quyền hạn. Xác định rõ những mục chi chưa trả qua tài khoản - nhất là phụ cấp, thưởng, thù lao thực hiện dịch vụ, thù lao họp, công tác phí và nguyên nhân chưa thực hiện trả qua tài khoản những khoản chi này.

Để thực hiện đề án có hiệu quả, Thanh tra Chính phủ cho rằng cần sự chung sức của nhiều bộ, ngành liên quan. Trong đó, Thanh tra Chính phủ sẽ giúp Chính phủ rà soát, sửa đổi các quy định về kê khai, giải trình, minh bạch tài sản, thu nhập của quan chức; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn từ lúc được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm đến hết 5 năm sau khi nghỉ hưu.

Một thành viên ban soạn thảo cho biết yếu tố tiên quyết, ảnh hưởng trực tiếp tới thành công của đề án nằm ở việc đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng mọi khoản tiền từ ngân sách nhà nước cho cá nhân có chức vụ, quyền hạn.

“Theo đó, tất cả những người có chức vụ, quyền hạn thuộc phạm vi kiểm soát phải sớm được cấp mã số thuế TNCN. Cơ sở dữ liệu về việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế TNCN của người có chức vụ, quyền hạn để quản lý trên mạng sẽ được hình thành và giao cho Bộ Tài chính thực hiện” - vị này giải thích.

Dự thảo đề án cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất bổ sung tội danh làm giàu bất hợp pháp trong Bộ Luật Hình sự; thực hiện việc điều tra, xử lý, thu hồi tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc của người có chức vụ, quyền hạn.

Dự kiến từ năm 2014, Thanh tra Chính phủ sẽ xây dựng văn bản quy định bắt buộc việc chi trả qua tài khoản ngân hàng đối với tất cả khoản chi từ ngân sách nhà nước cho người có chức vụ, quyền hạn; bổ sung quy định, thủ tục đơn giản để tạo điều kiện cho người nhận quà tặng nộp lại, nhất là quà tặng nhận trong trường hợp bất khả kháng.

Làm gì cũng cần thực chất!

Nhận xét về dự thảo đề án, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, băn khoăn: “Tôi không tin lắm về hiệu quả của nó. Việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức thông qua việc kê khai hay trả lương qua tài khoản… lâu nay có phát hiện vấn đề gì bất thường đâu? Chúng ta làm cái gì cũng cần phải thực chất!”.

Ông Cương cho rằng quy định kê khai tài sản, thu nhập từng được đề ra với quy mô hoành tráng nhưng suốt thời gian qua không phát hiện bất kỳ dấu hiệu gì bất thường, chưa ai bị giải trình về nguồn gốc tài sản bất minh. “Chỉ toàn hô hào, làm đề án hoành tráng nhưng cuối cùng vừa tốn kém kinh phí thực hiện vừa mất thời gian” - ông thẳng thắn.

Theo ông Cương, thực hiện Đề án Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn sẽ tốn kém một khoản kinh phí không hề nhỏ. Vì thế, cần phải quy định cả trách nhiệm cụ thể của các cơ quan thực hiện. “Nếu không kiểm soát được mà dư luận, báo chí lại phát hiện vấn đề, tiêu cực nào đó thì trách nhiệm thế nào, ai chịu nếu xây dựng đề án hoành tráng rồi không hiệu quả?” - ông lo ngại.

Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội:

Dễ tẩu tán tài sản

Việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn bên cạnh việc kê khai tài sản thu nhập hằng năm là rất tốt, các nước tiên tiến đều đã thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện đề án này, theo tôi, việc trước mắt bắt buộc phải làm được là bảo đảm không còn tiêu tiền mặt nữa. Phải thông qua ngân hàng hết, chứ cứ để tiêu tiền mặt thì không thể kiểm soát được đâu! Hơn nữa, tài sản, thu nhập thì rất đa dạng, từ ô tô, nhà đất, tín dụng, tài sản ở nước ngoài, vàng bạc, đầu tư tài chính, chứng khoán… nên nếu không quản lý được hết những thứ đó thì cũng vô nghĩa.

Phải quản được tổng thu nhập tài sản dưới nhiều dạng và công khai, minh bạch tài sản của quan chức với tất cả công dân để họ giám sát, không cho người khác đứng nhờ, “gửi gắm” nữa. Anh nào tài sản nhiều phải đánh thuế cao.

Tôi thấy lộ trình đưa ra như Thanh tra Chính phủ xây dựng hơi lâu. Làm lâu như thế thì quan chức đang giàu nứt đố đổ vách tẩu tán hết tài sản rồi còn gì?

Cần hạn chế sử dụng tiền mặt

Theo dự thảo báo cáo Thủ tướng của Thanh tra Chính phủ, thực tiễn thu nhập ngoài lương của người có chức vụ, quyền hạn tăng lên và được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Việc kiểm soát thu nhập bằng thuế TNCN còn có những hạn chế, các cá nhân có thu nhập chưa tự giác kê khai và nộp thuế theo quy định. Các cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu nhằm phát hiện, xử lý vi phạm trong trường hợp không kê khai hoặc kê khai không trung thực.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến việc kiểm soát thu nhập còn nhiều hạn chế là nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã được quy định, triển khai thực hiện trong chi trả lương, các khoản phụ cấp cho người có chức vụ, quyền hạn và người lao động trong bộ máy nhà nước và một số DN nhưng chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp.

“Các quy định về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng còn có những nội dung chưa chặt chẽ, không có tính khả thi và thiếu chế tài xử lý vi phạm. Hơn nữa, chưa có chế tài xử lý nghiêm vi phạm quy định về tặng quà, nhận quà; ranh giới giữa quà tặng và tài sản hối lộ khó phân biệt dẫn đến khó khăn cho việc xử lý và kiểm soát” - dự thảo viết.

THẾ KHA
(Người lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét