Chuyện hiếm thấy về 2 chú chó kéo xe chở chàng trai bị liệt
(Soha.vn) - Mỗi ngày, 2 chú chó kéo xe lăn chở chàng trai bị liệt đi từ 6 – 10km. Với đoạn đường đó, lắm khi chủ nhân không cần điều khiển mà chúng vẫn đi đúng. Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) gồm 3 xã với 2 hòn đảo. Đảo Bé, tên xã An Bình, được gọi là xã đảo mồ côi. Ở đó, hơn 10 năm qua, một câu chuyện cảm động giữa người và vật.
Nghiệt ngã lần lặn đầu tiên
Anh là Bùi Huệ, 38 tuổi, cái tuổi mà nếu như đôi chân không bị tật nguyền thì chắc anh cũng đã có cho mình một mái ấm nho nhỏ. “Người ta lấy vợ phải lành lặn mới nuôi được con, lo cho vợ, còn mình tật nguyền vầy thì ai mà dám rước”, anh Huệ nói bằng giọng buồn.
Đằng sau nụ cười là nỗi đau lặng thầm của anh Bùi Huệ.
Từ nhỏ, Huệ đã theo những đứa trẻ quê ra vẫy vùng ở mấy búng nước (chỗ nước trũng xuống) gần bờ. Lớn lên chút nữa thì Huệ tập tành bơi lội. Rồi, cậu theo chân mấy anh trên đảo đi bắt cua, bắt ốc, câu cá…
Dần dần, Huệ thành thạo những kỹ năng cần thiết của một chàng trai miền biển. Do nhà nghèo nên cậu phải bỏ học sớm. Khi vừa bước sang tuổi 15, cậu đã theo tàu ra tận ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa để phụ việc đánh bắt cá.
Vì lúc đó còn nhỏ nên Huệ chỉ ở trên phụ mấy việc lặt vặt, còn công việc lặn xuống biển để bắt cá thì do những người có nhiều kinh nghiệm đảm nhiệm. Thấy đi phụ việc mà ở trên thì ít tiền, Huệ bắt đầu tập lặn.“Lúc đó tôi nghĩ rằng mình đi biển mà đi phụ thì cùng lắm là đủ sống, muốn giúp đỡ được gia đình và tích cóp để lấy vợ thì phải lặn”, anh nói.
Những ngày không đi biển, Huệ ở nhà chăm chỉ tập lặn, tuy vậy anh phải đợi đến 11 năm sau mới có thể thực hiện được mơ ước của mình.
Hôm trước khi tàu chạy ra Trường Sa, anh nói với mẹ, phiên này được lặn nên hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn những lần trước.
“Khi vừa xuống dưới nước tôi thấy cổ nghẹt nghẹt, khó thở nhưng vẫn cố gắng, được một lúc sau thì đờm tràn lên cổ và tôi gần như là không thở được nên tức tốc ngoi lên. Khi có cảm giác gần tới nơi thì tôi bị bất tỉnh, lúc thức dậy thì tôi cảm giác nữa phần thân bên dưới của mình bị tê, hai chân không cử động được”, anh Huệ kể lại phút giây kinh hoàng của mình.
Trong suốt quãng đường hơn 200 hải từ Lý Sơn chạy ra Trường Sa, chưa khi nào anh thôi mường tượng về những món đồ mà anh sẽ sắm cho gia đình khi kết thúc chuyến đi. Thế nhưng, niềm vui chỉ mới được hình thành trong ý nghĩ đã nhẫn tâm ngoảnh mặt lại với anh ngay từ lần lặn đầu tiên.
Anh giải thích thêm: “Tôi bị như thế là do ngoi lên đột ngột dẫn đến cơ thể không kịp thích nghi với áp suất cũng đang bị thay đổi đột ngột theo. Điều cực kỳ cấm kỵ khi lặn biển là không nên thay đổi độ sâu đột ngột, nhưng do lúc đó tôi hoảng quá nên không kịp suy nghĩ”.
Chuyến đi ấy ngay lập tức được khép lại và mọi người nhanh chóng đưa anh vào đất liền chữa trị. Người nhà hễ nghe ở đâu có khả năng chữa được cho anh là vay tiền đưa anh đi. Tuy nhiên, đi hết Bắc - Nam nhưng bệnh tình của anh không hề giảm.
Vượt qua nỗi đau nhờ tình yêu của hai chú chó
Bà Nguyễn Thị Tề (76 tuổi, mẹ Huệ) nói: “Những ngày đầu bị liệt, nó bỏ ăn và nói chẳng muốn sống nữa nên chúng tôi phải luôn bệnh cạnh để động viên, an ủi. Chú xem, trai tráng đang lành lặn thế mà giờ phải tàn tật thì ai mà chịu cho nổi”.
Về phần mình, Huệ tâm sự: “Lúc ấy, trong tôi không còn ý niệm nào của cuộc sống. Tôi thấy đời mình như con tàu bị đắm giữa biển khơi. Nhiều lần, tôi muốn tự tử nhưng thấy cha mẹ luôn khuyên nhủ nên mới từ bỏ ý định.
Dù vậy, xung quanh tôi là nỗi buồn bủa vây, tôi thèm được dầm mình dưới biển, nhiều lúc thương tôi quá mà thằng cháu phải cõng tôi ra biển tắm. Những lúc nhớ biển thì tôi lại ra ngoài gốc dừa ngồi để ngắm, đó cũng là lúc tôi biết mình phải tập làm quen với xe lăn”.
“Cái khó ló cái khôn”, trong một lần xem phim thấy có cảnh chó kéo xe tuyết nên anh Huệ cũng thử với chú chó của mình. “Thật tình mà nói tôi chẳng trông mong gì hai con chó chịu nghe lời mà kéo xe lăn chở mình, nhưng nghĩ ngồi trên xe lăn không làm gì cũng chán, lại sẵn nhà có cặp chó đang nuôi nên thử xem thế nào”, anh Huệ cho biết.
Rồi từ đó, hàng ngày người ta đều thấy anh Huệ lui cui với hai chú chó, cả khu vực nơi anh sống không lúc nào vắng tiếng chó sủa và những tín hiệu anh đang “giảng dạy” cho chúng.
Nói về công việc dạy chó kéo xe, anh bảo: “Trước tiên, mình phải làm sao cho chúng tỏ ra thân thiện, khi “lấy lòng” được chúng, việc dạy sẽ dễ dàng. Ban đầu, tôi huấn luyện từng con một, không dùng roi, chỉ cần giật dây bên nào là nó đi hướng ấy. Lúc bắt đầu rất khó khăn vì giống chó không quen với việc kéo, nhưng khi đã huấn luyện được con thứ nhất, thì công việc lại dễ dàng hơn với con thứ hai. Lúc này, mình đã có kinh nghiệm, cộng thêm con này bắt chước con kia”.
Theo quan sát, chú chó bên phải anh gọi là Nô còn bên trái là Bi, khi cần thắng cương hay muốn vuốt ve, anh chỉ gọi tên chúng.
Anh Huệ đang “thắng cương” cho 2 chú chó của mình.
Tốc độ kéo của hai chú chó tương đương với người trưởng thành đi bộ, khi nghe anh hô “dừng” là chúng đứng lại. Muốn rẽ trái hay phải, anh chỉ cần giật dây về phía đó là chú chó răm rắp nghe lời, khi chú chó này rẽ thì chú kia cũng rẽ theo.
Chuyện hai chú chó nhỏ bé kéo xe lăn chở người đàn ông nặng 54kg ở đảo Bé đến nay đã không còn xa lạ với người dân. Lịch trình anh và hai chú chó thường di chuyển là từ nhà đến cầu Cảng. Tính ra, mỗi ngày hai chú chó kéo anh đi từ 6 – 10km cả đi lẫn về. Anh tâm sự: “Với đoạn đường này, bây giờ tôi không cần điều khiển chúng vẫn đi đúng”.
Chính “tình yêu” của hai chú chó đã mang lại nghị lực sống cho một phế nhân luôn nghĩ quẩn. Người dân ở đây đùa rằng đó là “mối tình” hiếm có.
Hai chú chó hộ tống anh Huệ tung tăng dạo khắp đảo Bé.
Có những lần anh được gia đình đưa đi chữa bệnh thì ở nhà hai “nhân tình” của anh lúc nào cũng ủ rũ, bỏ ăn và hễ đến giờ có tàu từ bên đảo Lớn qua là chúng chạy ra cảng để chào đón anh. Nếu anh về thì chúng rất vui mừng, không chịu rời xa nhưng nếu bóng dáng anh không xuất hiện thì chắc chắc ngày đó cả 2 sẽ nằm im nới gốc cây mà lúc trước anh huấn luyện chúng.
Tính đến nay, anh Huệ đã bị tê liệt nửa thân hơn 10 năm, hơn ai hết anh biết mối “lương duyên” đặc biệt giữa mình và hai chú chó. Anh bảo: “Nhờ hai chú chó này mà tôi được sống lại lần thứ hai”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét