Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

HỒN HÀ NỘI TRONG PHỐ CỔ HỘI AN


HỒN HÀ NỘI TRONG PHỐ CỔ HỘI AN


 
Phố cổ Hà Nội xưa rất giống phố cổ Hội An hôm nay

 Một lần, nhân dịp tôi ra Hà Nội có công việc, Nhà văn Đào Thắng dẫn tôi đến gặp Nhà báo Đào Quang Thép. Nhà báo Đào Quang Thép có đặt tôi viết một bài về Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 1000 Thăng Long. Tôi nhận lời, nhưng thực sự phân vân, vì đây là đề tài khó, đã có nhiều người viết rất thành công, còn tôi chỉ là anh viết văn, viết báo bình thường, viết như thế nào để nói được nét đẹp của người Hà Nội là một việc không dễ. May cho tôi, ở Hội An, tôi có một kỷ niệm về một gia đình gốc Hà Nội. Tôi viết "nguyên vẹn"  những cảm xúc của mình khi gặp gia đình này. Bài tản văn  " Hồn Hà Nội trong phố cổ Hội An"  tôi  đưa cho nhà báo Đào Quang Thép. Thật mừng, bài tản văn đã được in trọn vẹn, không sửa một chữ trong tạp chí Người Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và sau này có đăng lại trong báo Xây Dựng số tết 2011.
         Bài tản văn " Hồn Hà Nội trong phố cổ Hội An"  tôi cũng đưa vào chuyên mục " viết về Hội An" của trankytrung.com, nhiều bạn đã đọc. Nay khi đọc nhiều tin trên các báo, báo động lối sống của người Hà Nội xuống cấp, tôi rất buồn nhưng không biết do nguyên nhân vì đâu? Rõ ràng không thể ai phủ nhận, với quá khứ không xa, phong cách sống của người Hà Nội là tuyệt vời, sáng vô cùng, văn hóa vô cùng...
        Tôi muốn mọi người đọc lại bài tản văn này, cùng tôi hoài niệm nhớ và thương người Hà Nội, biết ơn một nét đẹp văn hóa đã từng là biểu tượng của Văn hóa Việt Nam.

        (  Bài viết đăng lại có sửa chữa).
--------------------------------------------

                                          HỒN HÀ NỘI TRONG PHỐ CỔ HỘI AN

        Tôi dẫn một bác lớn tuổi quê gốc Hà Nội, dạo phố cổ Hội An, đúng lúc trăng rằm, lúc đó cũng tầm gần nửa đêm, những ngôi nhà nằm im vùi vào giấc ngủ say, đường lẻ loi một, hai hình bóng người với những bước chân chậm rãi. Mà hình như cảnh ấy muốn tạo cho người tĩnh tâm để nhìn, ngắm trăng. Cái ánh trăng sáng viên mãn, vàng nhẹ trong đêm, trông tinh khiết đến lạ lùng. Con trăng ấy nhìn xa cứ như mơn man, trôi theo trên từng nóc nhà cổ. Bác lớn tuổi, quê gốc Hà Nội nhìn cảnh đó, đứng sững lại, nắm tay tôi, nói cảm động:
- Trời ơi! Sao nó giống ánh trăng của Hà Nội thời của bác sống thế hả cháu!
            Rồi bác lớn tuổi quê gốc Hà Nội ấy hối hả kể với tôi cứ như sợ kỷ niệm kia do ánh trăng ngẫu hứng nhìn thấy trong đêm phố cổ Hội An trôi vụt mất. Trăng đẹp nhất là đúng rằm ở đường Cổ Ngư nhìn ra mặt hồ Tây. Trăng vằng vặc treo trên cao, trông xa như lấy gậy khều được, ngắm trăng mà như muốn ôm trăng. Rồi cũng ánh trăng ấy, lên mặt đê, hay ở cầu Long Biên nhìn xuống sông Hồng. Trăng tròn trĩnh, lơ lửng giữa dòng sông, hắt ánh vàng xuống bên dưới khiến cả dòng sông như một tấm lụa vàng khổng lồ đang dệt. Bác lại kể cho tôi nghe những năm tháng Hà Nội trước năm một chín bảy ba. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, thời kỳ ấy Hà Nội hay mất điện, mà mất điện đúng đêm trăng rằm thì Hà Nội lại hiện lên, đẹp một cách lạ lùng. Không tiếng súng, không tiếng bom ì ầm, rất ít tiếng động cơ xe, đường phố thoang thoảng mùi hoa sấu dọc mấy đường phố lớn, mùi hoa lan dìu dịu lan tỏa từ những ban công của mấy ngôi nhà tầng. Trăng ở Hà Nội chỗ nào cũng thấy. Những mái nhà biệt thự cổ của đường Phan Đình Phùng, dưới ánh trăng, ẩn hiện qua hàng cây sấu như lay động, giống y như nóc nhà cổ trong phố cổ Hội An đêm nay. Đi trong lòng phố cổ Hội An đúng đêm rằm, gợi nhớ về Hà Nội những ngày tháng thanh khiết, thấy Hà Nội không xa mà rất gần, tôi nghĩ thế. Bác nói tiếp: “ Lạ thật cháu ạ! Vẫn ánh trăng ấy, nếu ở nơi khác mình ít để ý, không dễ gợi cho ta hoài niệm, nhưng ở Hội An, như đêm nay, lại gợi nhớ đến quê hương mình nhiều đến thế! Chính Hội An đang giữ hồn Hà Nội”. Nghe bác người gốc Hà Nội mói vậy tôi lại nhớ một chuyện.
Tháng 6 năm 1975, vẫn bộ quân phục màu xanh Quân giải phóng, tôi theo gia đình về lại Hội An, nơi mình đã cất tiếng khóc chào đời. Buổi chiều, thắp hương ở nhà thờ tộc xong, sáng sau tôi theo Ba ra chợ.
Chợ Hội An nằm ngay trung tâm phố cổ, đúng cảnh “ trên bến, dưới thuyền” , người mua, kẻ bán tấp nập. Tôi ngỡ ngàng với tiếng nói của quê hương, mình quen sống ở Hà Nội ngót hai mươi năm, tuy là mang tiếng người Hội An, nhưng tiếng nói, thậm chí cả tính cách của tôi, đậm chất Hà Thành, khó lẫn. Vì thế, khi về lại quê, tiếng nói của tôi, đâm ra… lạc lõng. Nhiều người dân Hội An nghe tôi nói, họ ngạc nhiên bởi tiếng nói như “ tiếng chim” như một lần Ngoại của tôi nhận xét. Đến một gian hàng bán đồ thực phẩm, đang định nhờ Ba hỏi giá, thì bất ngờ người đàn ông bán hàng cất giọng đặc “ Hà Nội” hỏi tôi:
- Thưa anh giải phóng! Anh là người Hà Nội ?
Tôi giật mình. Từ hôm qua đến giờ, mình như bị ngào lẫn trong ngôn ngữ của đất Quảng, cụ thể là ngôn ngữ của người Hội An, bất chợt, nghe lại tiếng nói Hà Nội trong veo, rõ ràng, không thể lẫn… làm cho tôi lúng túng. Tôi vội giải thích với người đàn ông đó:
- Dạ, thưa! Quê tôi ở đây, nhưng từ nhỏ… theo gia đình tập kết ra bắc. Tôi sống ở Hà Nội nên nói tiếng Hà Nội. Vì thế mà ông tưởng…
Người đàn ông nói tiếng Hà Nội kia hình như không để ý đến lời giải thích của tôi, giọng Hà Nội nguyên vẹn xoắn xuýt, thân như thể không thể thân hơn:
- Mời anh về nhà tôi chơi, nhà gần đây thôi. Anh đến kể về Hà Nội cho cả nhà tôi nghe đi. Tôi và nhà tôi xa Hà Nội hơn hai mươi năm rồi. Nhớ Hà Nội lắm!
Tôi đến thăm nhà của người đàn ông nói tiếng Hà Nội ấy. Căn nhà nằm trong một hẻm nhỏ trong lòng phố cổ, bình dị, bên ngoài có giàn hoa giấy. Điều đặc biệt, làm cho tôi ngạc nhiên, cả nhà vẫn giữ tiếng Hà Nội gốc.Vẫn gọi “ bát” thay “ chén” ,vẫn “ con mời mợ xơi cơm”, vẫn “ Con chào cậu, mợ ạ!”….và điều đặc biệt hơn, trong gia đình ấy, vẫn giữ nếp gia phong mà tôi đã thấy ở một số gia đình người Hà Nội khi đến thăm. Trẻ nhỏ đi ngang qua người lớn đang ngồi nói chuyện thì khoanh tay, cúi đầu. Ở trong nhà không ăn to, nói lớn, giọng nhỏ nhẹ, dung hòa. Cách tiếp khách rất lịch sự, chủ ra chủ, khách ra khách không bỗ bã mà vẫn thân mật… Tôi ngạc nhiên nhận xét điều đó với người đàn ông gốc Hà Nội. Ông gật gật đầu, giải thích:
- Dân di cư Hà Nội năm năm tư vào đây nói riêng, và cả dân Bắc nói chung, nói với anh, toàn là dân giàu có, có học, nhận xét phải, trái phân minh, điều gì tốt, ta theo. Dân Hà Nội, anh ở Hà Nội biết rồi, văn hóa lắm. Cái thanh lịch của người Tràng An không dễ có đâu… chúng tôi sợ mất, nên mới vào nam, vào nam để giữ. May cho tôi, ở Hội An, những điều đó nó hợp, nên những gì gia đình tôi đã có ở Hà Nội, giờ vẫn còn…
Lúc đó, tôi thực sự chưa hiểu hết những điều người đàn ông gốc Hà Nội kia nói, giờ ngộ ra rất nhiều điều. Người đàn ông Hà Nội ấy hỏi tôi về tiếng “leng keng” tàu điện ở Hà Nội từ Cầu Giấy vào trung tâm sau năm năm tư có còn “ leng keng” như trước đó không ? Đường Cổ Ngư, Hàng Khoai, Hàng Dầu, Hàng Bột…có còn như cũ không? Rồi cả tiếng rao “ lạc rang húng lìu” của mấy ông già Tàu ôm hòm gỗ đi dọc phố… còn không? Cả những gánh phở khuya nữa? ngồi lúp xúp dưới hàng hiên trong cơn mưa phùn vừa ăn phở, vừa hít hà mùi nước phở thơm lừng bên bếp lửa nóng …có còn không? Tôi nói với ông: “ Tất cả vẫn còn ông ạ! Mà sao ông nhớ những kỷ niệm ấy ghê thế? ”. Người đàn ông nói cảm động: “ Ở Hội An, hôm nào anh đi với tôi. Những điều Hà Nội có, thời tôi đã sống, Hội An cũng có, thậm chí nó còn sống động hơn, nhắc với tôi hằng đêm. Như vậy làm sao tôi không nhớ Hà Nội…”.
Và quả như người đàn ông gốc Hà Nội kia nói. Hàng đêm, giữa đêm khuya thật tịch vắng, dọc phố cổ, vẫn tiếng rao “ trứng vịt lộn”, “ Chế mà phù”, “ Chè xanh đánh”… lảnh lót ngân xa cùng tiếng guốc gỗ gõ xuống nền đường mạch lạc, rồi xa dần rất dễ gợi cho người ta về một kỷ niệm trong đời đã một lần gặp, một lần thấy. Huống hồ, với người đàn ông gốc Hà Nội kia đã từng “ tắm” trong những kỷ niệm ngọt ngào đó.
Sau này, cũng đến hơn hai mươi năm sau, khi tôi đã về hưu. Một lần đang ngồi trong nhà cổ, có người dẫn một người thanh niên Việt Kiều đến gặp tôi: “ Có một thanh niên mới ở Mỹ về muốn gặp anh ?”. Tôi nhìn anh thanh niên Việt Kiều kia hơi ngạc nhiên. Người thanh niên đó nhìn tôi, nói với giọng Hà Nội rõ ràng:
- Cháu là con của ông…Hồi mới giải phóng Hội An, ông có đến nhà cháu chơi, nói chuyện với bố của cháu về Hà Nội.
Thế là tôi nhớ rồi, nhớ đến người đàn ông bán hàng ở chợ Hội An người gốc Hà Nội, nói giọng Hà Nội, dạo nào bất chợt tôi gặp. Người thanh niên Việt Kiều ấy cho tôi biết. Người cha của mình, người đàn ông gốc Hà Nội ấy, sau này phải ra nước ngoài sống. Người đàn ông gốc Hà Nội ấy cùng gia đình mình, lại một lần nữa hành hương về một phương trời xa ngái, như ông ấy nói với mấy người con: “ Đi để giữ…”, giữ lấy hồn Hà Nội. Đến một phương trời đầy gió với bão, ngôn ngữ bất đồng, cuộc sống gần như phải làm lại từ đầu, muốn hòa nhập phải chấp nhận…thế nhưng, người đàn ông ấy lại dạy con cái phải giữ gốc mình là người Hà Nội, ai cho mình ơn, mình phải nhớ. Với tôi, chỉ là một người gợi lại cho ông những tháng ngày Hà Nội nguyên sơ, gợi cho ông nhớ một mảnh đất thấm hồn người, vậy là ông nhớ. Trước lúc lâm chung, dặn con trai nếu có về lại Hội An cố thăm tôi, một người đã thương và nhớ Hà Nội giống như ông. Người Hà Nội như ông, mới thật Hà Nội. Cảm ơn Hội An đã giữ cho Hà Nội một mảng văn hóa lớn như thế!
Vừa rồi, tôi có xem triển lãm của một họa sỹ trẻ , sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nay định cư ở Hội An gần mười năm, họa sỹ Vũ Trọng Anh. Phải nói tranh của Vũ Trọng Anh đẹp, nhất là tranh sơn mài. Dù tôi không phải là người am tường hội họa, nhưng nhìn tranh của Vũ Trọng Anh rất thích. Những bức tranh sơn mài khổ lớn vẽ phố cổ Hội An trầm mặc, pha phất buồn, thưa bóng người nhưng không có nét đơn côi… Nhà thơ Phùng Tấn Đông, một người rất am tường về văn hóa Hội An đã có nhận xét về tranh của Vũ Trọng Anh : “ …Chậm rãi nhưng nhiệt thành. Tranh Trọng Anh kể câu chuyện bất tận về vẻ đẹp phố. Vẫn là phố cổ đó thôi nhưng phố của Trọng Anh dường như khơi gợi ở người xem một nguồn mỹ cảm mới. Vẫn những phố ấy, nhà ấy, những xô lệch mới mẻ ấy, trong một sớm mưa trưa, một chiều nắng quái, phố như được tắm trong sắc màu óng ả của nắng ,của gió ngày hội mở. Vẫn phố ấy, nhà ấy, những đường nét, một chút sắc màu, được họa sỹ “ bố cục” lại trong mối giao cảm lạ lùng giữa người và thiên nhiên, tạo vật”. Đấy là lời nhận xét của một người hiểu Hội An. Riêng tôi, khi xem tranh sơn mài của Vũ Trọng Anh vẽ phố cổ Hội An tôi hay liên tưởng đến những bức ảnh chụp Hà Nội đầu thế kỷ, mái nhà dọc phố cổ lúp xúp, những người đi chân đất, đội nón rộng vành, áo nâu, quần nâu, gánh những sọt hàng từ bến sông lên, cả những chiếc xe kéo nữa… cho dẫu tôi chưa một lần chứng kiến tận mắt chỉ xem qua phim, ảnh nhưng sao tôi lại như thấy hiện hữu, qua tranh của Vũ Trọng Anh. Tôi đồng tình với lời nhận xét của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Công Điền: “ Có một chàng trai Hà Nội hay ngắm nhìn từng góc phố Hội An cổ kính rêu phong, hoặc rong ruổi về vùng ngoại ô phố cổ, nơi có những cánh rừng dừa nước nghiêng mình soi bóng, cánh đồng rau, lúa xanh rờn… Cảm xúc trước cái đẹp của quê hương có hai di sản Văn hóa thế giới, trong nhiều năm qua Vũ Trọng Anh cho ra đời những tác phẩm hội họa sơn mài, sơn dầu đậm chất Hà Nội. Hội An luôn đông vui nhưng tranh của anh vẫn thể hiện sự lặng lẽ, êm đềm…Trọng Anh luôn lấy gam màu nóng làm chủ đạo. Nếu người nào tinh ý sẽ nhận ra qua từng bức tranh đều có chút bóng dáng phố cổ Hà Nội. Đặc biệt dòng tranh sơn mài về phố cổ trầm mặc, già nua trong nắng sớm hoặc chiều tà, làm người xem phải nao lòng…”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét