Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

CPI có thể về một con số từ tháng 5/2012 Tiêu dùng dân cư giảm nhanh

 CPI có thể về một con số từ tháng 5/2012
Tiêu dùng dân cư giảm nhanh

(NDHMoney) Một số quan điểm lạc quan cho rằng CPI so cùng kỳ có thể về mức 1 con số vào tháng 5 tới.


Con số tăng trưởng GDP quý 1/2012 đạt thấp (4%), nhìn ở góc độ sản xuất thì nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm tăng trưởng ở ngành công nghiệp chế biến (chỉ tăng 3,04%, chưa bằng một nửa mức tăng cùng kỳ năm 2010 và 2011) và một số ngành có mức tăng trưởng âm như xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Nhưng nếu nhìn ở góc độ sử dụng (GDP = Tiêu dùng cuối cùng + Tích luỹ tài sản + Chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ), những tác động lên tăng trưởng trong trong quý vừa qua đồng thời cho thấy một số quan ngại trong thời gian sắp tới, theo góc nhìn từ cơ quan thống kê.


Tiêu dùng dân cư giảm nhanh


Có thể khái quát rằng, trong quý 1/2012, tiêu dùng sụt giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nền kinh tế. Theo cơ quan thống kê, đóng góp vào GDP theo phương pháp sử dụng, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 4,22% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 5,08% của năm 2011 và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 12,8% của năm 2010 (năm 2009 giảm 8,11%).


Đáng chú ý là trong diễn biến đó, tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư có tỷ trọng lớn chỉ tăng 4,02%, thấp hơn mức tăng 4,96% của năm 2011; tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định là 6,42% (quý 1/2011 tăng 6,5%). Như vậy, có thể nói mức tăng trưởng tiêu dùng của hộ dân cư thấp đã ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP.


Xuất khẩu tiếp tục là cứu cánh tăng trưởng


Nhưng đóng góp của xuất nhập khẩu vào tăng trưởng GDP vẫn tốt. Nếu như năm 2011, tăng trưởng kinh tế đạt 5,89%, nhưng đóng góp của chênh lệch xuất nhập khẩu vào GDP là 5,88%. Sang đến quý 1/2012, tăng trưởng đạt 4% thì trong đó xuất nhập khẩu đã đóng góp tới 3,34% (xuất khẩu đóng góp 8,42%, nhập khẩu đóng góp 5,08%), chiếm tới 83,38% trong tăng trưởng GDP.


Điểm đáng chú ý khác là diễn biến nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng, ước kim ngạch trong quý 1/2012 đạt khoảng 1,8 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng kim ngạch và giảm 7,7% so với cùng kỳ 2011, cũng cho thấy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nhập khẩu đã giảm sút so với trước đây.


Ở một góc nhìn khác, nhân tố đóng góp lớn vào xuất khẩu quý 1 là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với 24,5 tỷ USD kim ngạch, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt tới 15,5 tỷ USD, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm trước (tương đương tăng thêm 4,7 tỷ USD).


Như vậy, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tới 63,3% - mức cao nhất từ trước tới nay (những năm gần đây tỷ trọng chiếm khoảng 56% - 58%). Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên trong một hội thảo gần đây cho rằng, đây là “bài toán khó”.


Ông Biên lưu ý, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của FDI lớn như vậy liệu có tiếp tục trong các tháng của năm nay? Sẽ có tác động thế nào đến nền kinh tế? Và có thể để cho khu vực này tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, hay khu vực doanh nghiệp trong nước phải được tạo điều kiện để vươn lên?


CPI có thể về một con số từ tháng 5/2012


Một điểm dễ thấy là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ đang có xu hướng tăng chậm lại, đến tháng này chỉ còn tăng 14,15% so với tháng cùng kỳ năm trước. Diễn biến này đã đem đến một số quan điểm lạc quan, cho rằng CPI so cùng kỳ có thể về mức 1 con số vào tháng 5 tới.


Cơ quan thống kê cũng đồng quan điểm này. Phân tích đáng chú ý là sang các tháng 4 và 5 tới đây, CPI sẽ còn bị tác động của tăng giá xăng dầu đã tăng từ tháng 3, tuy nhiên tác động cũng không còn lớn. Trong khi đó, giá lương thực, thực phẩm khá ổn định trong thời gian gần đây.


Nhưng nhân tố đáng kể hơn là CPI theo tháng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8/2011 tăng rất mạnh, vì vậy, có thể tin rằng CPI tháng 5 sẽ đạt số dưới 2 con số trong so sánh với cùng kỳ.


Tóm lại, tăng trưởng GDP đạt thấp trong quý 1/2012 có nhân tố tiêu dùng dân cư giảm. Tuy nhiên, đó lại là nguyên nhân giúp lạm phát giảm tốc nhanh chóng, sẽ ảnh hưởng tốt đến sản xuất trong chu kỳ tiếp theo.


Nhưng tín dụng giảm và nhập khẩu tăng thấp trong 3 tháng đầu năm cũng hàm ý những ảnh hưởng không tốt cho sản xuất. Bởi vì, nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên vật liệu dùng cho sản xuất của chu kỳ tiếp theo.


Bình Minh - NDHMone

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét