Doanh nhân Việt có hạnh phúc không?
(VEF.VN) - Thực tế không ít doanh nhân Việt Nam than phiền họ đang quá vất vả để kiếm tiền hay duy trì những thành quả đã đạt được. Họ có thể đạt được sự giàu có về của cải vật chất, song không ít người bị tiêu hao sức khỏe, các mối quan tâm về gia đình, tình bằng hữu trong xã hội...
Giàu có và vất vả
Một cuộc khảo sát với các DN Việt Nam về các giá trị của DN và doanh nhân đã cho kết quả theo thứ tự lần lượt là sự giàu có, sự nghiệp và thành đạt. Đó là những giá trị đang được xã hội công nhận, đề cao khiến cho tất cả mọi người theo đuổi, kỳ vọng. Cuộc khảo sát thú vị này được Giáo sư lĩnh vực quản trị học Arie Hans Verkuil của Thụy Sĩ đưa ra khảo sát với một nhóm 50 doanh nghiệp Việt Nam với các câu hỏi đơn giản "Giá trị nào quan trọng nhất, giá trị nào quan trọng và giá trị nào có vai trò quan trọng đối với bạn?".
Với kết quả trên, dù không có bình lần gì trực tiếp đối với các doanh nhân Việt Nam nhưng Giáo sư Verkuil nói, kết quả khảo sát nêu trên là những giá trị mà Thụy sĩ đã có cách đây 40 năm. Đối với các xã hội có nền kinh tế phát triển hiện nay, các giá trị được đề cao trong xã hội đã vượt qua những giá trị vật chất và hướng tới những giá trị tự thể hiện như sự độc lập, sáng tạo, sức khỏe hay là sự cân bằng công việc và cuộc sống. "Đó là khi con người ta thấy tự do và hạnh phúc" Giáo sư Verkuil nói.
Với kết quả "tháp giá trị" tôn vinh sự giàu có, thành đạt, liệu chúng ta có hạnh phúc không? Khi tất cả lao vào cuộc mưu sinh, kiếm tiền để trở nên giàu có về vật chất, sự bon chen leo thang, cỗ máy kiếm tiền, tiêu tiền trong guồng quay chóng mặt, nhiều giá trị tinh thần bị xói mòn hoặc bị "bỏ quên".
Thực tế không ít doanh nhân Việt Nam than phiền họ đang quá vất vả để kiếm tiền hay duy trì những thành quả đã đạt được. Họ có thể đạt được sự giàu có về của cải vật chất, song không ít người bị tiêu hao sức khỏe, các mối quan tâm về gia đình, tình bằng hữu trong xã hội...
Giáo sư Verkuil cũng cho rằng những giá trị mà xã hội đang đề cao ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng là những biểu hiện bình thường khi xã hội đang trong giai đoạn phát triển kinh tế. Đó là thực tế nhiều nước đã phải trải qua.
Một nghiên cứu cho thấy có 3 bước thay đổi lớn về quan niệm giá trị trong xã hội từ những năm 1950 đến nay. Theo đó, sự dịch chuyển từ xu hướng các cá nhân trong xã hội tuân thủ nghiêm những quy chuẩn trong xã hội, tự khắt khe với bản thân trong việc đánh giá và có ý thức hoàn thành trách nhiệm xã hội. Tiếp đó tới giai đoạn tự giải phóng mình, mở rộng phạm vi lựa chọn, thoát khỏi truyền thống, hướng tới cá nhân hóa và hiện nay các giá trị đang hướng tới sự khám phá mới giữa bản thân và môi trường, tăng giá trị của những nguồn lực cá nhân, sự tự nhận thức mới...
Với kết quả "tháp giá trị" tôn vinh sự giàu có, thành đạt, liệu chúng ta có hạnh phúc không? |
Vào thập niên những năm 80 các giá trị thay đổi nhanh hơn, xa hơn với chủ nghĩa khoái lạc, duy ngã độc tôn, tìm cảm giác mạnh, thưởng thức và khám phá. Đây là những xu hướng xem ra sa vào sự "thái quá" sau chủ nghĩa tiêu dùng. Đến những năm 90, những giá trị được xác nhận là chủ nghĩa cá nhân đi cùng với thành tựu và chủ nghĩa hiện thực.
Bước sang thế kỷ mới, từ năm 2000 xã hội tiến tới tìm những hình mẫu mang tính chất "cá tính hóa", nghĩa là mỗi người hạnh phúc theo cách của mình. "Thế giới như một sân khấu và tôi là diễn viên chính" là một khẩu hiệu (slogan) cho lớp trẻ thế giới ngày nay nhằm giúp họ tự phát triển như một hạt giống tốt, tạo ra sự khác biệt để lãnh đạo thế giới phát triển tốt đẹp hơn.
Thay đổi tầm nhìn
Nắm bắt được lịch sử, quy luật của sự vận động các giá trị xã hội là một sự cần thiết đối với các doanh nghiệp, doanh nhân những người tiên phong làm ra của cải vật chất trong xã hội. Có thể nói, họ cũng là những nhân tố làm lan tỏa các giá trị trong xã hội. Một sản phẩm, dịch vụ tốt không chỉ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn phải đem lại những giá trị phát triển cho xã hội. Đây cũng là tiêu chí phải được xây dựng trong tầm nhìn và sứ mệnh của mỗi doanh nghiệp.
Nếu không có những nhận thức đúng đắn về các giá trị, doanh nghiệp phát triển "hoang dã" lao vào kiếm tìm lợi nhuận, bất chấp sự an nguy của người tiêu dùng, của môi trường và thậm chí làm lung lay cả nền tảng đạo đức xã hội. Như chỉ vì lợi nhuận, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm bẩn, độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người dân hay sẵn sàng xả nước thải độc hại ra môi trường để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp của riêng mình...
Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp đó tất nhiên sẽ không cảm thấy hạnh phúc gì khi gián tiếp đem lại những tác hại khôn lường đối với đời sống xã hội và chắc chắn nếu không vì miếng cơm manh áo họ cũng sẽ dứt lòng ra đi.
Giáo sư Verkull cũng chỉ ra những giá trị quan trọng đối với lực lượng doanh nghiệp doanh nhân trẻ thế giới hiện nay đó là khả năng nắm bắt hạnh phúc trong mọi khía cạnh, sự công nhận từ gia đình và bạn bè, đồng nghiệp, cân bằng công việc và cuộc sống, tham vọng theo đuổi và hoàn thành những mục tiêu cá nhân.
Họ cũng có mong muốn được làm việc cho các tổ chức có danh tiếng tốt, tạo được quyền lực và ảnh hưởng để có thể tạo ra những thay đổi, được làm việc trong môi trường đa quốc gia, thu nhập tốt để độc lập, tự chủ và phát triển sự tự nhận thức, kinh nghiệm những điều mà tiền bạc không thể mua được. Đây cũng là những thách thức đối với doanh nghiệp khi muốn thu hút những lao động chất lượng cao. Muốn vậy, bản thân doanh nghiệp phải xây dựng cho mình uy tín, có danh tiếng tốt, môi trường làm việc trao đổi học hỏi, thay đổi cách quản lý kiến thức, đầu tư vào giáo dục, phát triển cá nhân và cách tiếp cận công nghệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét