Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Có nên đặt chỉ tiêu GDP?

Có nên đặt chỉ tiêu GDP?

Ông Vũ Quang Việt.

 (TBKTSG) - Từ trước đến nay, chỉ tiêu tăng trưởng GDP luôn được các đại biểu Quốc hội cân nhắc trước khi biểu quyết thông qua tại các kỳ họp cuối năm khi thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm tới hay cho cả một giai đoạn năm năm. Kỳ họp lần này cũng vậy. Nhưng đâu là cơ sở cho việc chọn lựa và biểu quyết? Liệu có nên đưa tăng trưởng GDP thành chỉ tiêu pháp lệnh?

Chuyên đề của TBKTSG tuần này sẽ giới thiệu ý kiến của các chuyên gia kinh tế cũng như các đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề này.






____________

Dự báo thay vì đặt chỉ tiêu

Vũ Quang Việt (*)

Chỉ tiêu tăng GDP hàng năm, thậm chí bình quân năm năm, mang tính pháp lệnh, là điều không có trong bất cứ một nền kinh tế thị trường nào.

Trong cơ chế kinh tế thị trường, nhà nước có nhiệm vụ bảo đảm xây dựng luật pháp minh bạch và nghiêm minh nhằm tạo điều kiện cho người đầu tư thuận tiện làm ăn, tham gia cạnh tranh mà không bị phân biệt đối xử, có ngân sách cân bằng và chính sách tiền tệ phù hợp với sự phát triển để bảo đảm nền kinh tế ổn định, và trên những cơ sở đó người dân tự quyết định về sản xuất.


Tất nhiên, Chính phủ cũng phải nhìn xa, nghiên cứu về hướng và khả năng phát triển của nền kinh tế để có thể có kế hoạch về chi tiêu ngân sách nhằm xây dựng hạ tầng cơ sở đủ sức phục vụ yêu cầu phát triển. Vì vậy, Chính phủ phải dự báo tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn, trong đó việc đánh giá sự phát triển của nền kinh tế thế giới và tác động của nó vào nền kinh tế nội địa nhằm đưa ra chính sách phù hợp cũng hết sức quan trọng.

Dự báo không phải là chỉ tiêu quốc hội giao cho chính phủ thực hiện. Dự báo là nhằm giúp chính phủ, và nhất là quốc hội, dự báo thu ngân sách để từ đó quyết định ngân sách chi của chính phủ. Ngân sách chi là luật mà chính phủ bắt buộc phải chấp hành, chứ không thể tùy tiện vượt chi, hoặc tùy tiện chuyển chi từ mục này sang mục khác như ở Việt Nam. Có những lúc cần thiết phải bội chi ngân sách để giải quyết nhu cầu bức bách trong ngắn hạn, nhưng đây là điều quốc hội phải thông qua. Nhiều năm qua, mức bội chi ngân sách ở Việt Nam luôn vượt mức Quốc hội cho phép là điều không thể chấp nhận được.    

Minh họa: Khều.
Trong sự vận hành của một nền kinh tế thị trường như nói ở trên, không ai nói đến chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Cái đó không phải là nhiệm vụ của nhà nước.

Chỉ tiêu tăng GDP chỉ có thể vận hành trong một nền kinh tế kế hoạch, phi thị trường. Ở một nền kinh tế hoàn toàn kế hoạch, khi sản xuất không đúng kế hoạch, gây ra thiếu hụt, thì biểu hiện của nó là chất lượng thấp, là gian dối, là phân phối theo định mức chứ không thể biểu hiện qua lạm phát. Ở một nền kinh tế “bán thị trường” như Việt Nam, biểu hiện của nó là lạm phát.

Trong nền kinh tế Việt Nam, cái mà Nhà nước có thể kiểm soát được phần nào là khu vực quốc doanh và phần này khá lớn.

Đầu năm, theo chỉ tiêu tăng GDP đặt ra, Chính phủ phân phối ngân sách đầu tư, thường là dựa theo các hệ số trong quá khứ. Tình hình thực tế là khu vực kinh tế quốc doanh này ngày càng giảm chất lượng, nên tỷ lệ đầu tư trên GDP ngày càng tăng, và để đạt tốc độ tăng GDP như cũ (thí dụ 7%) thì định mức đầu tư từ ngân sách phải tăng, và do thiếu ngân sách chính quyền phải ra lệnh cho ngân hàng quốc doanh cung cấp tín dụng.

Khi đến những tháng cuối năm, khả năng đạt chỉ tiêu đuối dần thì Chính phủ ra lệnh tăng tốc cấp tín dụng, thúc đẩy xây dựng (bất kể chất lượng) nhằm đạt chỉ tiêu cho kịp báo cáo cuối năm. Thế là vừa tạo ra lạm phát cao vừa đạt chất lượng thấp, vừa làm xong đã hỏng.

Những năm qua, các nhà điều hành kinh tế càng cố đạt chỉ tiêu GDP thì càng tạo ra lạm phát và chất lượng tăng trưởng càng đi xuống. Đôi khi, chỉ tiêu cũng không thực hiện được, Chính phủ và Quốc hội lại du di với nhau, giữa chừng phải hạ chỉ tiêu. Người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc này là các tập đoàn và địa phương nhận dự án đầu tư của Nhà nước.   

Cho nên giải pháp cho vấn đề hiện nay là khá rõ mặc dù không dễ thực hiện. Hãy nhìn về dài hạn để dự báo thay vì đặt chỉ tiêu hàng năm. Dù định hướng thế nào thì chi tiêu ngân sách phải cân bằng để nền kinh tế có thể phát triển trong ổn định. Như thế ngân sách chi phải là luật, Chính phủ đề nghị ngân sách; Quốc hội không chỉ quyết định tổng mức chi tối đa mà còn quyết cả từng các khoản chi và có ủy ban theo dõi ngăn chặn và xử lý việc vi phạm. Ngoài ra, các khoản chi tiêu thực hiện cũng cần được công bố chi tiết để nhân dân theo dõi, trừ những phần liên quan đến an ninh quốc phòng. Cũng có thể có những điều chỉnh chi bất thường, nhưng phải thông qua Quốc hội.

Khi GDP tăng thấp thì nên xem xét các chính sách hiện hành, đánh giá xem chúng có hỗ trợ sự vận hành của người sản xuất trong nền kinh tế không chứ không phải lại điều chỉnh chi tiêu và tín dụng nhà nước nhằm đạt chỉ tiêu.

______________

(*) Chuyên gia kinh tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét