Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Dự báo 2012: khó

Đồng tình với các nhận định trong bài dưới đây. Đặc biệt lưu ý không nên nới lỏng chính sách tài chính tiền tệ trước tháng 6/2012 và phấn đấu đưa tỷ lệ lạm phát năm 2012 về 6-7%. Đồng thời cần nhanh chóng dân chủ hóa xã hội, thị trường hóa các hoạt động kinh tế (nhất là sớm loại bỏ các biện pháp hành chính gần đây), tái cơ cấu doanh nghiệp NN, hệ thống ngân hàng và đầu tư... để vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế 5-6%. Nếu để tốc độ tăng trưởng kinh tế tụt xuống 3-4% như TS Thiên đề xuất thì nhiều vấn đề xã hội sẽ bùng phát và nếu kéo dài qua năm 2013, dẫn tới nguy cơ không thể kiểm soát có thể xảy ra.

Dự báo 2012: khó

Hồng Phúc
Thứ Hai,  28/11/2011
TBKTSG) - “Trong cùng bối cảnh quốc tế, nhiều chỉ số kinh tế cơ bản của Việt Nam đều kém hơn so với các nền kinh tế khác. Khả năng này chắc chắn sẽ lặp lại trong năm 2012, thậm chí còn gay gắt hơn”, theo TS. Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam.

Lạm phát cao

Trong bài phát biểu tại “Hội thảo cập nhật tình hình kinh tế toàn cầu và kinh tế vĩ mô Việt Nam” do Ngân hàng ANZ tổ chức tại TPHCM hồi tuần rồi, ông Thiên cho rằng, di sản năm 2011 để lại sẽ là: xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng, lạm phát cao, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách nặng nề, đồng tiền yếu kém. Ông lưu ý rằng đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm và tạo “vòng xoáy đình trệ” đi với lạm phát cao: đầu tư càng nhiều, tốc độ tăng trưởng càng giảm, lạm phát càng tăng. Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo GDP năm tới đạt 6%, CPI dưới 10%, nhưng ông Thiên cho rằng cơ sở hỗ trợ cho tăng trưởng GDP năm 2012 nhìn chung yếu hơn so với các năm trước. Dư địa chính sách để chống lạm phát và ổn định vĩ mô bị thu hẹp đáng kể.


 

Chính phủ chỉ nên tập trung vào giảm lạm phát, không quá chú trọng tốc độ GDP, chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 3-4%, cùng lắm là 5%. Kiên quyết giảm thu ngân sách, trên cơ sở đó giảm chi ngân sách, giảm đầu tư công. Đó là hành động của Chính phủ nhằm tạo lòng tin cho dân và phục hồi tăng trưởng. (Phát biểu của ông Trần Đình Thiên tại hội thảo ở TPHCM ngày 15-11
Thực vậy, theo Báo cáo hoạt động kinh tế và triển vọng năm 2011-2012 của Việt Nam do Ngân hàng Standard Chartered công bố gần đây, “năm 2012, Chính phủ Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự như những năm trước: áp lực mất giá tiền đồng, yêu cầu kiểm soát tốc độ phát triển tín dụng và tiền tệ trong khi vẫn phải hỗ trợ các hoạt động kinh tế khác. Nỗ lực này còn bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của tình hình kinh tế toàn cầu và biến động xuất khẩu”. Các chuyên gia của tổ chức này cũng dự báo tỷ lệ GDP thực của Việt Nam sẽ tăng 6,3% năm 2012 và 6,5% vào năm 2013. Lạm phát dự kiến giảm xuống 19,7% trong tháng 12 và xuống một con số vào khoảng cuối quí 2-2012, đạt 11,3% trong năm tới và 8% năm 2013.

“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ quay về mức một con số vào cuối quí 2 hoặc đầu quí 3-2012. Tuy nhiên, lạm phát giảm chưa chắc đã tạo đủ điều kiện để nới lỏng các chính sách tiền tệ trong thời gian tới do còn tồn tại các áp lực mới gây mất giá tiền đồng. Tiền đồng vẫn có khả năng tiếp tục bị mất giá trong năm 2012 do tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai và lượng dự trữ ngoại tệ thấp”, báo cáo của Standard Chartered viết.

Trong một nghiên cứu mới đây về kinh tế Việt Nam, Ngân hàng ANZ đã nhận định rằng lạm phát của Việt Nam có nhiều khả năng sẽ đạt mức trung bình khoảng 18-19% cho năm nay. “Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ vẫn ở hai con số cho đến sáu tháng cuối năm 2012. Điều này có nghĩa là lạm phát vẫn là thách thức chính sách lớn nhất trong 12 tháng tới”, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ, ông Paul Gruenwald, nói tại hội thảo ở TPHCM tuần qua. Ông cho rằng, các mức lãi suất chủ chốt sẽ được giữ ở mức hiện tại cho tới nửa đầu năm 2012 và sẽ chỉ được cắt giảm một khi đà tăng lạm phát về mức một con số. Và rủi ro chính vẫn là việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm. ANZ dự báo, lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước dự kiến đạt 13,3% vào cuối năm 2011, 12,5% vào năm 2012. CPI dự kiến là 18,7% năm 2011 và 13,8% vào năm 2012.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng năm 2012 chỉ nên đặt ưu tiên ngắn hạn giảm lạm phát xuống mức 6-7%, với các ưu tiên hành động là cải cách tiền lương và thiết lập kỷ cương hiệu lực chính quyền. Theo ông Thiên, tình thế điều hành này có thể coi là tình thế khẩn cấp và không thể diễn ra theo cách cũ, đặc biệt cần có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, nhưng đặt trọng tâm vào tài khóa chứ không phải chỉ chính sách tiền tệ như hiện nay.

Tỷ giá: áp lực mới

Theo Ngân hàng Standard Chartered, sau một thời gian tăng mạnh từ tháng 5 tới tháng 7, tiền đồng lại phải đối mặt với những áp lực mới. Tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam (USD/VND) trên thị trường đã lại một lần nữa lên cao hơn so với biên độ giao dịch chính thức, xoay quanh mức 21.450 đồng. Thâm hụt thương mại dừng lại ở mức 7,6 tỉ đô la Mỹ trong chín tháng đầu năm 2011 và có khả năng sẽ ở dưới mức 12-15 tỉ đô la Mỹ cho cả năm.

Cũng theo báo cáo trên, Chính phủ Việt Nam có khả năng giữ tỷ giá ở mức tương đối ổn định trong những tháng còn lại của năm, nhưng việc mất giá tiền đồng có thể sẽ tiếp tục trong năm 2012. Do đó, các chuyên gia điều chỉnh dự báo tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam của năm tới là 21.400 đồng vào cuối quí 1 và 2-2012, sau đó sẽ là 22.000 đồng vào cuối quí 3 và 4.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét