Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Biển với người Việt

Biển với người Việt

PGS.TS Nguyễn Văn Kim 
Phó Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam

Lính Hải Quân Việt Nam trên một hòn đảo thuộc Quần Đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 16/04/2010
1. Là một quốc gia có dải bờ biển trải dọc theo bờ Tây Thái Bình Dương, tự bao đời, biển đã là môi trường sống, môi trường tiếp giao văn hóa của người Việt. Cùng với các không gian núi rừng và châu thổ, biển đã góp phần hợp thành, định diện truyền thống, bản sắc văn hóa, cơ sở kinh tế, tư duy… của nhiều cộng đồng cư dân Việt Nam.
Trong tâm thức của người Việt, Đông Hải – Biển Đông là không gian thiêng gắn với thời lập quốc. Bao thế hệ người Việt đã hoài niệm về Cha rồng – Mẹ tiên, về công lao sinh thành, mở cõi của các bậc Thủy tổ. Từ biển, Lạc Long Quân đã về với đất liền, hiển linh như một Nhân thần, diệt trừ yêu quái, giáo hóa dân chúng, dạy cho dân biết cấy lúa, làm nghề thủ công.
Trong không gian biển rộng lớn của người Việt, dường như ngay từ điểm khởi nguyên, do tác động của những điều kiện Địa – Văn hóa, Địa – Kinh tế đã sớm hình thành một sự phân lập mềm giữa các không gian văn hóa trên cơ sở địa vực. Theo đó, nếu như vùng biển Đông Bắc sớm có nhiều mối liên hệ với khu vực Đông Bắc Á đặc biệt là trung tâm văn hóa Hoa Nam thì ở phương Nam, chủ nhân các nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Óc Eo – Phù Nam cũng có nhiều mối giao lưu mật thiết với vùng hải đảo Đông Nam Á cũng như Tây Nam Á. Môi trường văn hóa, kinh tế biển đã tạo nên những động lực mạnh mẽ cho sự hưng khởi của nhiều nền văn hóa, nhiều quốc gia khu vực.

2. Đến thế kỷ XI – XV, cùng với việc khẳng định chủ quyền, cương vực lãnh thổ ở phía Bắc, phía Tây, nhà Lý rồi nhà Trần đã thực thi nhiều biện pháp để vươn mạnh ra khai phá, khẳng định chủ quyền vùng Đông Hải. Trong ý nghĩa đó, “Biển Giao Chỉ”, “Biển Giao Châu” xưa đã thực sự trở về với người Việt, do người Việt làm chủ. Việc vương triều Lý, vua Lý Anh Tông (cq:1138-1175) quyết định khai mở trang Vân Đồn năm 1149, là một cống hiến to lớn đối với lịch sử dân tộc. Nhà Lý đã thiết lập thành công một trung tâm kinh tế đối ngoại, bảo đảm an ninh ở vùng biển đảo Đông Bắc, khẳng định chủ quyền của quốc gia Đại Việt trước đế chế Tống (960-1279) hùng mạnh. Đích thân vua Anh Tông đã nhiều lần đi tuần các hải đảo, xem khắp hình thế núi sông, tìm hiểu cuộc sống cư dân vùng biển đảo, cho vẽ bản đồ và ghi chép phong vật. Vào thời Lý, Trần, hoạt động của các trung tâm kinh tế đối ngoại như hải trang Vân Đồn đã tạo nên thế đứng chân vững chắc cho kinh tế Đại Việt. Các thương cảng Việt Nam là điểm đến thường xuyên của thương nhân khu vực như Trung Hoa, Champa, Chân Lạp, Siam, Java, Ấn Độ, Tây Á…
Đến thế kỷ XVI-XVIII, các thương cảng Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến của nhiều đoàn thương thuyền khu vực, quốc tế. Điều quan trọng là, cùng với các thương nhân truyền thống, Biển Đông đã dậy sóng bởi sự hiện diện của nhiều tập đoàn thương nhân phương Tây được tổ chức thành các Công ty Đông Ấn. Nhận thức rõ những biến đổi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, chính quyền Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài và đặc biệt là chúa Nguyễn ở Đàng Trong… đã thực thi nhiều chính sách khuyến thương mạnh mẽ. Trong vòng 2 thế kỷ, nền kinh tế Đại Việt trong đó có kinh tế ngoại thương đã có những chuyển biến, phát triển trội vượt. Nhiều thương cảng, trung tâm kinh tế mới xuất hiện.
Qua các hoạt động kinh tế đối ngoại, chính quyền và giới doanh thương Việt Nam đã tiếp thu được nhiều tri thức, kinh nghiệm trong giao thương quốc tế. Mặt khác, họ cũng đã chứng tỏ năng lực hội nhập với thị trường khu vực. Không chỉ dừng lại ở việc giao thương, buôn bán, ở Đàng Trong chúa Nguyễn còn cho lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải… để tổ chức khai thác biển, vươn ra các đảo xa ở đại dương. Chính quyền chúa Nguyễn và sau đó đến thế kỷ XIX là một số vị vua đầu triều Nguyễn, đã tiếp tục tổ chức khai thác, xác định tọa độ, vẽ bản đồ, dựng bia chủ quyền… trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam.
3. Trong hệ thống thương mại châu Á, Việt Nam có nhiều hải cảng thuận lợi cho sự phát triển kinh tế đối ngoại. Cùng với vùng biển đảo Đông Bắc, các thương cảng ven biển miền Trung đã góp phần giúp thương nhân một số quốc gia Đông Nam Á hải đảo, Tây Nam Á đã có thể đến Đại Việt, Trung Quốc, Nhật Bản… Trong ý nghĩa đó, hoạt động của các Con đường tơ lụa (Maritime silk roads) với hai tuyến chính là Đông dương châm lộ và Tây dương châm lộ hình thành từ thời Hán (206TCN – 220), hưng thịnh thời Đường (618 – 907), mở rộng và không ngừng hoàn thiện vào thời Tống, đã thâm nhập sâu vào nhiều thị trường khu vực. Trong khoảng thời gian đó, và trước đó, cũng nhờ có những hoạt động giao thương tích cực với thị trường châu Á rộng lớn đặc biệt là với vùng Nam Ấn mà các các cảng thị Phù Nam đã đạt đến độ hưng thịnh chỉ sau một thời gian tương đối ngắn. Biển cả và giao thương biển đã đem lại sinh lực, động lực phát triển mạnh mẽ cho vương quốc Phù Nam. Cùng với việc khai thác nguồn tài nguyên vùng hạ lưu sông Mekong, của một số vùng đất, vương quốc lệ thuộc, kinh tế thương mại biển đã tạo nên sự hưng khởi cho văn hóa Óc Eo – Phù Nam. Nhờ có kinh tế công thương mà chỉ hơn một thế kỷ sau khi ra đời, vương quốc biển Phù Nam đã trở thành một quốc gia cường thịnh. Văn hóa Óc Eo – Phù Nam là một trong số ít các nền văn hóa phát triển sớm, rực rỡ bậc nhất ở Đông Nam Á thời cổ đại.
Có thể nói, trong lịch sử, trên các không gian biển Việt Nam đã từng là nơi diễn ra nhiều hoạt động giao thương trong nước – quốc tế, vùng – liên vùng hết sức sôi động. Bên cạnh kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, kinh tế thương mại, trong đó có ngoại thương, đã luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên sự hưng thịnh của kinh tế Việt Nam trong nhiều thời kỳ lịch sử. Đặt Việt Nam trong không gian kinh tế biển Đông Nam Á, trong mối liên hệ với khu vực thị trường Đông Bắc Á và Tây Nam Á có thể khẳng định rằng, chủ nhân của các nền văn hóa cổ, các chính thể quân chủ đã không chỉ chú tâm xây dựng xã hội nông nghiệp, khai thác tự nhiên mà còn quan tâm đến sự phát triển của kinh tế công thương, phát triển kinh tế biển.
Thấu hiểu truyền thống, đánh giá khách quan những hạn chế, ưu thế, vị thế biển trong lịch sử dân tộc sẽ giúp chúng ta sẽ có thêm niềm tin, kinh nghiệm, tri thức để thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đồng thời góp thêm cơ sở cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ an ninh, kinh tế biển, củng cố mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các quốc gia khu vực.
Theo Đại Đoàn Kết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét