Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Hợp Tung và Liên Hoành ở Ðông Nam Á

Hợp Tung và Liên Hoành ở Ðông Nam Á 

 

Ngô Nhân Dụng
Các quốc gia trong vùng Ðông Nam Á có thể dự vào hai liên minh thương mại. Mỗi nước có thể chọn một; hoặc tham gia cả hai tùy cơ hội tạo thêm lợi thế cho mình.
Thứ nhất là khối mậu dịch tự do gọi là “ASEAN Cộng Ba” (ASEAN Plus Three) mà ba nước ngoài khối ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn; trong đó Trung Quốc đóng vai chủ động. Thứ hai là một tập hợp do Mỹ mới đề nghị đặt tên là Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP). Vì các nước trong khối ASEAN+3 chạy theo chiều dọc, ven bờ Thái Bình Dương cho nên tạm gọi là Hợp Tung; còn khối TPP chạy từ Ðông sang Tây băng ngang Thái Bình Dương cho nên tạm gọi là Liên Hoành.
Liên Hoành và Hợp Tung là chiến lược của Tô Tần và Trương Nghi, từ hơn 2300 năm trước đây. Một bên là kế hoạch liên kết các nước chư hầu để chống lại nước Tần; bên kia là kế hoạch chia rẽ bằng cách mời các nước chư hầu cộng tác lẻ với nước Tần, từng nước một.


Thời nay, hai chiến lược Hợp Tung và Liên Hoành không mang tính chất quân sự như thời Chiến Quốc. Các quốc gia trong vùng Ðông Nam Á không lo phải lâm chiến, hoặc với Trung Quốc, hoặc với Mỹ. Mà chính hai nước lớn đóng vai chủ động đó họ cũng không thấy có lý do nào để gây chiến với nhau, ít nhất trong một vài thế hệ nữa.

Cuộc tranh giành ảnh hưởng trên thế giới bây giờ thường đặt trên căn bản kinh tế; mà trong đời sống kinh tế thì mọi người cũng như mọi quốc gia tham dự “cuộc đấu” đều phải vừa cạnh tranh vừa cộng tác; phải chọn người cộng tác cũng như chọn người để cạnh tranh. Cho nên việc lựa chọn giữa hai kế Hợp Tung và Liên Hoành ngày nay phức tạp hơn thời Chiến Quốc rất nhiều. ASEAN+3 và TPP đều là những liên minh hoàn toàn chú trọng và thương mại; nếu sau này có mang thêm mặt chính trị và quân sự thì đó chỉ là những hệ quả do thời thế đưa đẩy mà thôi. Nhưng cuối cùng, căn bản của cuộc cạnh tranh sẽ là hai quan niệm, hai mô thức tổ chức đời sống kinh tế trên thế giới.

Kế Hợp Tung ASEAN+3 đã được thai nghén từ hơn mười năm trước, khi Trung Quốc đề nghị ký hiệp ước mậu dịch tự do với cả 10 nước trong khối ASEAN. Năm 2010, hiệp ước trên bắt đầu thi hành; từ đó hàng hóa trao đổi giữa Trung Quốc và các nước ASEAN được miễn thuế hoặc giảm thuế quan đến mức thấp nhất so với các nước khác. Sau đó Nam Hàn và Nhật Bản được mời tham dự, ASEAN+3 thành tên gọi quen thuộc mặc dù đã có thêm ba nước Australia, New Zealand và Ấn Ðộ ký hiệp ước mậu dịch tự do với các nước ASEAN.

Trong thời gian đó, nước Mỹ đã bỏ quên vùng Ðông Nam Á trong hàng chục năm, để chú trọng đến vùng Trung Ðông, với hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Mỹ chỉ ký hiệp ước mậu dịch tự do với một nước Ðông Nam Á duy nhất là Singapore. Tổng Thống Barack Obama đã hướng về Á Châu nhiều hơn. Năm 2010, các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Mỹ đều nói vùng biển Ðông Nam Á liên quan mật thiết với quyền lợi nước Mỹ. Năm nay, Quốc Hội Mỹ đã thông qua hiệp ước tự do mậu dịch với Nam Hàn. Khi nào Quốc Hội Nam Hàn phê chuẩn hiệp ước trên, họ đương nhiên tham gia mạng lưới Thái Bình Dương do Mỹ mới đề nghị. Các nước Á Ðông từ nay có một thực đơn gồm hai liên minh thương mại: ASEAN+3 và TPP. Họ có thể tham dự cả hai không cần phải chọn một. Nhưng chúng ta cần biết hai liên minh đó tính chất khác nhau thế nào, để tùy cơ ứng biến.

Kế hoạch Liên Hoành, Hợp Tác Thái Bình Dương (TPP) cố ý mở rộng ra ngoài khối ASEAN sang tận Bắc Mỹ và Châu Mỹ La Tinh. Ở bờ Tây Thái Bình Dương các nước Australia, Brunei, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam hưởng ứng; ở bờ Ðông Thái Bình Dương là Chile, Peru. Các nước Nhật, Nam Hàn, Canada và Mexico cũng tỏ ý muốn vào; khi ông Obama ngỏ ý chào mời. Ðặc biệt, ông Obama đã tảng lờ không mời Trung Quốc tham dự khi gặp riêng Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào. Vì hiện nay Bắc Kinh vẫn chưa tôn trọng các “luật chơi” thương mại quốc tế, trong cuộc chơi mậu dịch tự do.

Năm ngoái bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã nói ở Singapore và bộ trưởng Ngoại Giao lại nói ở Hà Nội về sự chuyển hướng của chính phủ Mỹ, quay trở lại vùng Ðông Nam Á. Nhưng đó chỉ là những lời tuyên bố tổng quát. Khi khối Hợp Tác Thái Bình Dương (TPP) thành hình, Mỹ mới thật sự đặt chân trở lại Á Châu, qua các hiệp ước cụ thể về trao đổi thương mại tự do. Kinh tế sẽ đóng vai trò nối liền các quốc gia, thay vì các liên minh quân sự.

Ông Obama mới tuyên bố ở Honolulu, “Nước Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương, và chúng tôi sẽ ở lại đó.” Kế hoạch TPP sẽ ràng buộc Mỹ vào các nước Thái Bình Dương qua các thỏa ước thương mại tự do. Những ràng buộc đó có thể chặt chẽ và bền bỉ hơn các hiệp ước liên minh quân sự, được bảo vệ bằng các quyền lợi kinh tế cụ thể. Và nước Mỹ sẽ có lợi thế vì họ có kinh nghiệm rất nhiều trong việc thi hành các luật lệ đặt trên căn bản tự do mậu dịch.

Kế Liên Hoành TPP là một thử thách mới cho các nước trong vùng Ðông Nam Á. Hiện nay họ đang tham dự khối ASEAN+3, kế Hợp Tung của Trung Quốc; nhưng họ cũng sẵn sàng có mặt trong tập hợp TPP do Mỹ đề xướng. Họ sẽ phải thấy có hai phương cách hợp tác và cạnh tranh khác kinh tế nhau: Một là mô hình thị trường tự do mà nước Mỹ vẫn theo đuổi; hai là phương pháp tập trung hoạch định và chỉ huy mà tới nay Trung Cộng vẫn thi hành.

Các nước Á Châu, vùng Ðông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam sẽ được lựa chọn giữa hai mô thức đó trong hàng chục năm sắp tới để phát triển kinh tế. Khi nhìn thấy lợi ích của thị trường tự do, một số nước sẽ hành động quả quyết và nhanh chóng, gặt hái được những thành quả cụ thể. Những nước rụt rè chậm chạp sẽ thấy mình bị bỏ rơi lại đằng sau, sẽ phải quyết định thay đổi nhanh hơn. Cho tới khi chính Trung Quốc sẽ phải thay đổi.

Hiện nay ASEAN+3 là một liên minh còn lỏng lẻo, mặc dù nhờ thuế quan giảm xuống Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn nhất của các nước Ðông Nam Á. Tính chất lỏng lẻo hiện ra rõ nhất là chưa xác định rõ các luật lệ và thủ tục trong nhiều giao dịch. Nhiều vấn đề bị Trung Quốc đã bỏ qua không bàn; không quyết định chung nào giữa các nước Ðông Nam Á và Trung Quốc trong rất nhiều lãnh vực. Khi chỉ chú trọng đến việc giảm bớt thuế quan, Trung Quốc đang lợi dụng tình trạng lỏng lẻo trên các lãnh vực khác để hưởng lợi.

Chủ ý của Trung Quốc khi liên kết với khối ASEAN không nhắm vào kinh tế, thương mại; mà cốt gây ảnh hưởng địa lý chính trị. Cho nên họ bỏ qua các vấn đề khó đồng ý với nhau. Khối ASEAN+3 vẫn chưa thỏa thuận chính thức trên rất nhiều vấn đề có thể gây tranh cãi. Nhưng khi không thỏa thuận đặt ra những luật lệ rõ ràng thì một nước có trọng lượng kinh tế lớn nhất là Trung Quốc sẽ tha hồ lạm dụng tình trạng mập mờ để thủ lợi. Thí dụ như các luật lệ về đầu tư từ nước này sang nước khác không rõ ràng; những luật lệ thủ tục về đấu thầu khi các công ty nước này muốn cung cấp sản phẩm hay dịch vụ cho chính quyền nước khác; vấn đề tác quyền, còn gọi là quyền sở hữu tri thức; các luật lệ về lao động; cũng như các vấn đề về môi trường sống, chưa có thỏa thuận nào cụ thể.

Chính tình trạng luật lệ mơ hồ trong kế Hợp Tung ASEAN+3 đã giúp các công ty Trung Quốc đến khai thác khoáng sản và lâm sản ở Miến Ðiện, Lào, hay Việt Nam, có khi nhân dịp đó mở thêm khách sạn, song bài; đã đem công nhân Trung Hoa đến các nước này làm việc mà không xin phép; dự đấu thầu cung cấp trong các công trình xây dựng, khai thác mỏ hoặc nhà máy điện ở các nước kinh tế yếu hơn. Khi có những bất đồng ý kiến hoặc xung đột trong các vấn đề trên, nước mạnh sẽ lấn áp nước yếu mà không có những thủ tục phân giải cũng không có những trọng tài để xử coi ai phải ai trái. Ðây là một cuộc chơi không công bằng, vì Trung Quốc sẽ “đánh lẻ” từng nước một, và họ sẽ giữ thế “mạnh vì gạo, bạo vì tiền.”

Ngược lại, mạng lưới TPP làm theo lối Mỹ và được các nước đã phát triển như Nhật Bản, Nam Hàn, Canada, cho tới Mexico, Chile ủng hộ, sẽ sử dụng các thủ tục và luật lệ quốc tế có sẵn, rõ ràng, minh bạch và ràng buộc chặt chẽ hơn trong việc giao thương. Khi tham dự vào kế Liên Hoành với Mỹ, các quốc gia không những được bảo đảm mọi giao dịch đều theo những luật lệ ràng buộc công khai và có các thủ tục tài phán rõ ràng khi tranh chấp xẩy ra. Ðó là cách làm ăn theo lối kinh tế tư bản đã được thí nghiệm trong mấy trăm năm nay, và càng ngày càng được mài giũa, sửa sang cho hợp lý và công bằng hơn.

Các nước Ðông Nam Á và Việt Nam sẽ đứng trước hai mô thức thương mại quốc tế để lựa chọn. Trong thời gian sắp tới, tốt nhất là các nước này hạ thấp tầm quan trọng của các vấn đề liên minh chính trị hay quân sự, ngay trong việc mua vũ khí hay hợp tác thao diễn quân đội. Cả cùng Ðông Nam Á và Việt Nam hãy quay về hướng khác, đẩy mạnh các giao ước thương mại trong kế Liên Hoành. Khi các liên hệ và ràng buộc mới phát triển, chính Trung Quốc sẽ phải thay đổi kế Hợp Tung của họ để sống chung minh bạch và công khai cùng các nước khác. Ðó là con đường tốt nhất không những cho các nước Ðông Nam Á mà còn cho cả kinh tế hoàn cầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét