Từ khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình ra chỉ thị buộc các ngân hàng thương mại thực hiện trần lãi suất 14% cho các khoản tiền gửi, sự phân hóa trong hệ thống ngân hàng đang diễn ra tương đối nhanh.
Mặc dù lạm phát trong tháng 10 có vẻ đang hạ nhiệt mạnh, với CPI của Hà Nội chỉ tăng 0.13% và CPI của Thành phố HCM tăng 0.18% so với tháng trước, nhưng việc này có vẻ như không làm kỳ vọng về lạm phát giảm đi. Các yếu tố có khả năng gây bùng nổ lạm phát trở lại vẫn còn nguyên vẹn. Trước mắt, việc tăng lương tối thiểutăng giá nhiên liệu sẽ là các dây dẫn đầu tiên của khối thuốc nổ này.
Với lạm phát kỳ vọng cao, và nhu cầu vay của doanh nghiệp (chủ yếu để đảo nợ) lớn, lãi suất huy động, khi bị “cắt ngọn”, đã nằm đúng ở mức 14% chứ không lùi thấp hơn. Tất cả các ngân hàng thương mại đều áp mức lãi suất huy động 14% này. Và mặc dù việc quyết liệt thực hiện trần lãi suất này vẫn được làm rất nghiêm túc, việc vượt rào vẫn diễn ra tương đối nhiều, dù không thực sự phổ biến.
Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp trích nguồn từ VNMedia cho biết “Theo thông tin phản ánh qua đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số tổ chức tín dụng trong thời gian vừa qua đã bất chấp quy định mà NHNN đưa ra, khi có dấu hiệu tiếp tục huy động vốn VND với lãi suất trên 14%. Đó là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (trên địa bàn thành phố Hải Phòng); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Thanh Xuân, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa, Ngân hàng TMCP Phương Tây (trên địa bàn thành phố Hà Nội); Ngân hàng TMCP Hàng hải (trên địa bàn tỉnh Ninh Bình); Hội sở Ngân hàng TMCP Đông Á (trên địa bàn TPHCM). Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội huy động vốn VND với lãi suất 17,5%/năm; Quỹ Tiết kiệm Đống Đa huy động với lãi suất 19%/năm, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa huy động với lãi suất 19%/năm.” Các lãi suất chui 17.5% - 19% này trên thực tế không thấp hơn so với mức lãi suất huy động trung bình hồi giữa năm nay.

Việc cắt ngọn lãi suất huy động đã ít nhiều làm giảm nhiệt lãi suất cho vay. Tuy nhiên, ảnh hưởng này chưa lớn. Mặc dù thời gian qua các ngân hàng lớn đã thỏa thuận với nhau giữ mức lãi suất cho vay là 17%/năm, nhưng đến thời điểm hiện tại hầu như rất ít khách hàng có thể vay được với mức lãi suất như thế. Mức lãi suất cho vay thực tế phổ biến vẫn trên 20%, kể cả với các khách hàng được xếp hạng tín dụng 3 chữ A.
Tuy nhiên, vấn đề căng thẳng tiền tệ phản ánh rõ ràng nhất trong mức lãi suất liên ngân hàng. Theo số liệu chính thức do Ngân hàng Nhà nước công bố (VNIBOR), mức lãi suất bình quân liên ngân hàng ở Việt Nam vào ngày 19 tháng 10 vừa qua nằm ở mức tối thiểu từ 14% tới mức tối đa là 17.04%.
Tuy nhiên, số liệu VNIBOR do NHNN công bố chưa hẳn là số liệu về lãi suất giao dịch thực tế. Đây không nhất thiết là lãi suất mà các ngân hàng thực sự vay mượn lẫn nhau mà là lãi suất tốt nhất mà họ có thể vay mượn. Mức lãi suất thực tế giao dịch, theo nhiều nguồn tin, lên rất cao. CafeF đưa tin lại từ Đầu tư Chứng khoán trích lời một tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết “số đông giao dịch với mức lãi suất 22 – 24%/năm trong ngày 17/10, còn ngày 18/10 thì cao hơn chút, từ 24 – 25,5%/năm”.
Tệ hơn, trong vài ngày gần đây, nhiều báo đưa tin mức lãi suất trong giao dịch liên ngân hàng lên tới 30%, thậm chí 40%. Báo Sài Gòn Tiếp Thị trích lời ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, cho biết “đến ngày 20/10, ông nghe rằng có ngân hàng đi vay với lãi suất 30%/năm. Đó là một số ngân hàng nhỏ đang tạm thời thiếu thanh khoản”. Thậm chí một số ngân hàng nhỏ đã chạy đi “vay nóng” đã đẩy lãi suất liên ngân hàng lên tới mức 40%/năm cho kỳ hạn một tháng. Báo CafeF trích lời quan chức một ngân hàng thương mại cho rằng “lãi suất liên ngân hàng được chào tới 30%, 35% vẫn... không vay được. Nếu cho vay với mức này, các ông lớn đã quá hời, vậy mà vẫn không vay được.”
Lãi suất liên ngân hàng cao một phần vì việc áp trần lãi suất 14% khiến các ngân hàng nhỏ và yếu kém không cạnh tranh huy động được với các ngân hàng thương mại lớn và có thương hiệu. Một phần khác liên quan tới cảm nhận của thị trường về khả năng đổ vỡ của các ngân hàng thương mại nhỏ đang lớn dần. Liên quan đến vấn đề này, CafeF trích lời ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho rằng: "Lãi suất cho vay chỉ là một chuyện, chúng tôi phải nhìn đến tiềm năng trả nợ của ngân hàng đi vay và quan trọng hơn là phải bảo vệ mình trước các rủi ro nếu có, nên việc không cho vay cũng là dĩ nhiên. Vả lại, NHNN mới là nơi cho vay cuối cùng chứ không phải là nhiệm vụ của các ngân hàng khác".
Cho tới nay, vẫn chưa có ngân hàng thương mại nào sụp đổ. Tuy nhiên, áp lực từ phía các ngân hàng này dội lên Thống đốc Bình thì có vẻ ngày càng tăng. Nhiều người đang đổ lỗi cho căng thẳng tiền tệ này là từ chính sách áp lãi suất trần của Thống đốc Bình.
Bình luận về vấn đề này, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng “Thống đốc tuyên bố không ngân hàng nào được huy động vượt trần lãi suất 14% là để lập lại trật tự cho hoạt động hệ thống ngân hàng. Điều này nên được xem như là một thành ý của Thống đốc trong việc sắp xếp, phân loại lại hệ thống ngân hàng, đặc biệt là lọc ra các ngân hàng yếu kém, để tiến tới một hệ thống ngân hàng vững mạnh hơn.”