Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

"Tiếng Việt giàu mà không đẹp"

"Tiếng Việt giàu mà không đẹp" 
… Em sẽ kêu anh “Mình ơi!”
… Anh sẽ kêu em “Mình ơi!”
… Hai đứa kêu nhau “Mình ơi!”
(Lời nhạc bài "Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương" của Nhạc sĩ Minh Kỳ)
Những câu hát ấy nghe được trong một bài nhạc quen thuộc của nhạc sĩ Minh Kỳ.
“Mình” là cách xưng hô trìu mến, âu yếm giữa hai người bạn đời, hoặc thân mật giữa bạn bè thân thiết, chẳng hạn, “Mình hiểu bạn hơn là hiểu mình.”

1) Từ “đi phượt” đến “chạy show”

Đấy là ngày trước, còn bây giờ thì cái “từ” này phổ biến tràn lan. Mới quen biết, mới gặp nhau lần đầu cũng thoải mái xưng hô theo cách ấy.

Nghe được trong một “Gameshow” mai mối, hẹn hò ở trong nước. Người “dẫn chương trình” hỏi một chàng trai:

- “Mình đã trải qua mấy mối tình rồi?”

Chàng trai trả lời:

- “Mình có cả thảy ba mối tình. Hai chính thức, một đơn phương.”

Người hỏi gọi đối tượng là “Mình,” người trả lời cũng xưng mình là “Mình.” Khán giả khi được hỏi cho nhận xét, cũng xưng… “Mình” luôn. Hết biết!

- “Mình thấy hai bạn có nhiều điểm hợp nhau, theo mình thì hai bạn nên cho nhau một cơ hội.”

“Mình” dùng cho ngôi thứ nhất, thứ hai, thứ ba đều được cả (?), như:

“Chàng thấy mình thật là vô duyên.”

“Hắn tưởng mình là cái rún của vũ trụ.”

“Mình” dùng cho số ít, số nhiều đều được, như “bọn mình,” “tụi mình,” “chuyện đôi mình,” “chúng mình ba đứa,” “thương nhớ quê mình,” “yêu tiếng Việt mình”…

Thật là tiện dụng! Người nước ngoài học tiếng Việt hẳn cũng thấy đơn giản, dễ hiểu, không còn phải kêu trời vì cách xưng hô Bắc Trung Nam ba miền khá phức tạp của người “mình.” Vậy mà, ông bạn tôi lại tỏ ra “bức xúc” khi bước vào tiệm phở được cô nhân viên phục vụ chào hỏi niềm nở:

- “Mình đi mấy người?”

Cô bé này đáng tuổi cháu ngoại mình mà lại xưng hô “mình mẩy” với mình!?

Nhân nói chuyện “bức xúc,” tôi được một vị độc giả ở Hà Nội cho “phản hồi,” sau khi đọc bài “Tiếng Việt, yêu & ghét” của tôi, nói rằng người phát minh ra cái chữ “bức xúc” ấy là cố Thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt. Đúng, sai thế nào không rõ. Có thể là ông Thủ tướng “chỉ đạo” các “quan chức” phải lắng nghe nỗi “bức xúc” của người dân, rồi cứ thế báo chí tường thuật lại nghe lạng quạng sao đó viết xuống hai chữ “bức xúc.” Từ đó, bà con trong nước nhập tâm, dùng đi dùng lại cái “từ” ấy, dần dà phổ biến trong cả nước, không chỉ “báo, đài” mà cả trong văn, thơ, nhạc, họa…

Có cả một bài nhạc được yêu chuộng mang tên “Bức xúc.” Một nhà thơ “Tân hình thức” ở trong nước bộc lộ:

- “Với tôi thơ là không khí để thở, là phương tiện để giải bày những bức xúc.”

Trên các diễn đàn thi ca vẫn rải rác những câu thơ trăn trở (?):

Nỗi niềm bức xúc chép thành thơ…
Khi xa em nỗi bức xúc đong đầy…

Có đong đầy hay đong vơi thì "bức xúc" vẫn hoàn… "bức xúc." Không "bức xúc" thì cũng “nổi cộm.” Hai “cụm từ” này vẫn sánh đôi bên nhau.

Cần xử lý những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội.
Những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong ngôn ngữ báo chí cần được tháo gỡ.

“Ngôn ngữ báo chí” trong nước (và cả ở ngoại quốc nhắm mắt cóp-pi lại) là một mớ chữ nghĩa lổn ngổn toàn những: “xử lý, tập trung, trọng tâm, trọng điểm, triển khai, rà soát, rào cản, tháo gỡ, vướng mắc, dứt điểm, đột phá, bứt phá, rốt ráo, rỉ rỏ…” Những chữ nghĩa kiểu này quen thuộc đến mức chỉ cần bỏ chung vào một cái rổ, trộn lẫn, xúc xúc vài cái rồi nhặt ra từng “từ” ráp lại với nhau là ra được “những mẫu câu thông dụng” vẫn đọc, nghe trên những “báo, đài” nhà nước, đại để:

Lãnh đạo vừa ra văn bản chỉ đạo tập trung tháo gỡ vướng mắc, giải quyết rốt ráo những vụ việc nổi cộm, bức xúc trên địa bàn, tạo bước đột phá mới trong phát hiện, xử lý dứt điểm các hành vi tiêu cực.

Khá nhiều “từ” lạ tai phát sinh trong nước, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nghe được, cũng trong một “Gameshow” hẹn hò.

Chàng trai hỏi cô gái:

- “Mình có sở thích gì?”

Cô gái nói:

- “Em thích đi phượt. Anh có thích đi phượt không?”

Chàng trai trả lời:

- “Thích quá đi chứ. Mình là phượt thủ chuyên nghiệp mà.”

Phượt, cái “từ” ngày càng trở nên quen thuộc, từ những chuyến du lịch khám phá và chinh phục đầy hứng thú của giới trẻ đến những quán xá mang tên “Phượt” mọc lên ở ven đường cho những phượt thủ ghé vào nhâm nhi tách cà-phê cho ấm bụng, rồi lại tiếp tục rong ruổi cuộc hành trình phượt bụi.

Phượt (đi phượt, dân phượt), sốc (cú sốc, gây sốc), hot (hot girl, hàng hot), show (chạy show, show hàng), top(top mười, bảng top), siêu (siêu mẫu, siêu sao, siêu bèo), khủng (hàng khủng, giá khủng), bèo (giá bèo, lương bèo), nóng (tin nóng, bắt nóng), đỉnh, máu, chui, chiến, chảnh, chuẩn, chốt, choáng, chém gió, gây bão, nhìn đểu, đại gia, soái ca, chân dài, mặt mộc, hàng độc, đụng hàng, khoe hàng, lộ hàng, gậy tự sướng…, kể ra không hết, đều là những “từ” phổ biến, thoạt nghe như tiếng lóng của dân đá cá lăn dưa, bụi đời hoặc giới giang hồ, nhưng không phải…

Nhiều “từ” hoặc nửa Tầu nửa Ta, như: “tranh cãi, chỉnh sửa, in ấn, vụ việc…” hoặc chữ nghĩa thừa thãi như: cặp đôi (đã cặp lại còn đôi?), chi trả (đã chi lại còn trả?), cây xanh (phân biệt với cây già?), cây trồng (phân biệt với cây rừng?), rau xanh (phân biệt với rau héo?), rau sạch (phân biệt với rau bẩn?), khách mời (phân biệt với khách không mời mà đến?)… Thiệt tình!

Có khi danh từ được dùng làm tính từ như: “bộ mặt hình sự, nét mặt rất tâm trạng, gia đình rất hoàn cảnh, thời trang rất đẳng cấp, vai diễn rất ấn tượng…” hoặc được động từ hóa như lối nói: “Em rất thần tượng cô giáo,” “Khách nước ngoài rất ấn tượng về phụ nữ Việt Nam...”

Lại có những lối nói tắt quái đản như: phí (lệ phí), viện (bệnh viện), bang (tiểu bang), tuyển (đội tuyển), sư (sư đoàn), trình (trình độ)… Những ai chưa quen nghe, quen đọc cũng khá bỡ ngỡ, phải cố đoán để mà hiểu được.

Những chữ nghĩa kiểu này ngày càng phổ biến, từ lạ mắt đến quen mắt, từ lạ tai đến quen tai, dần dà trở thành từ ngữ thông dụng và được cập nhật trong các bộ tự điển tiếng Việt.

2) Từ “nói chung” đến “cá nhân tôi”

“Nói chung là tốt, nói riêng thì vẫn có những chỗ có thể làm cho tốt hơn.”

Đây là cách nói huề vốn, an toàn, vừa “chia sẻ” được một hai ý lại vừa không ngại đụng chạm, không làm mất lòng ai. Lắm người có thói quen, mỗi khi phát biểu hay được hỏi ý kiến về chuyện gì bao giờ cũng bắt đầu bằng “cụm từ” phổ biến “Nói chung là” hoặc “Nói chung thì”… rồi cứ lòng và lòng vòng, người nghe sốt ruột đợi mãi vẫn không thấy cái phần “nói riêng” là cái mà mọi người muốn nghe, muốn biết ở đâu?.

“Nói chung” là kiểu nói… chung chung, đại khái, qua loa. Nếu không “nói chung” thì cũng “kiểu như là.” Kiểu nào ra kiểu nấy chứ cứ ậm à ậm ừ “kiểu như là” thì chả ai biết là… “kiểu” cái quái gì.

Đã thế, khi phát biểu ý kiến thì lại có vẻ trịnh trọng “Cá nhân tôi” như một “kiểu tạo dáng.”

Cá nhân tôi hoàn toàn nhất trí với phương án này.
Cá nhân tôi rất bức xúc trước hành vi vô cảm ấy.
Xin chia sẻ một vài trải nghiệm của cá nhân tôi.

Cách nói vừa ra vẻ khiêm tốn vừa ngầm đề cao “cái tôi” cá nhân của mình. Không thiếu gì những cách nói vừa tỏ sự khiêm tốn lại vừa gọn gàng, dễ hiểu mà người mình lâu nay vẫn quen dùng, như:

“Theo tôi, theo ý tôi, theo như tôi nghĩ, theo thiển ý, riêng tôi, về phần tôi…”

Chả việc gì phải cá nhân, tập thể cho lỉnh kỉnh, rườm rà.

"Theo cá nhân tôi, cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.”

Hai chữ “cá nhân” trong câu trên chẳng những thừa và còn làm cho câu tiếng Việt ấy kém “trong sáng.”

Có khi là cái thừa ngồ ngộ, như: “Yêu anh, nhớ anh lắm luôn,” “Anh quá chu đáo luôn,” “Giọng hát quá đỉnh luôn,” “Nhà đẹp có view cực đỉnh luôn,” “Cám ơn em nhiều lắm luôn”… Cái gì “luôn” được là luôn. Không hiểu vì sao lại phải thêm cái đuôi ấy vào, vừa vô nghĩa, vừa ngớ nga ngớ ngẩn… luôn. Huh!

Ngớ ngẩn hơn nữa là những cách nói “hơi bị” đẹp/ngon/hay…, như: “Em hơi bị xinh gái,” “Chàng hơi bị đẹp trai,” “Món này hơi bị ngon đấy, mà giá thì hơi bị rẻ…” nghe như trẻ em mới học nói hay người nước ngoài tập tành nói tiếng Việt, chỉ cho thấy một dạng tiếng Việt ngô nghê, lủng củng. Nếu là lối nói “diễu” cho vui thì còn chấp nhận được.

Lại còn những câu cú kiểu “Cô ca sĩ sở hữu một giọng hát giàu nội lực,” “Hoa hậu sở hữu vòng một cực khủng,” “Người mẫu khoe chân dài miên man”… đều là những cách nói “đặc trưng” trong nước.

Chưa hết, không thể bỏ qua những “thành ngữ tân thời,” còn gọi là “thành ngữ ‘teen’ ” hay “thành ngữ ‘a công.’ ” chẳng hạn: chán như con gián, buồn như con chuồn chuồn, già như quả cà, ngốc như con ốc, chảnh như con cá cảnh, sành điệu như củ kiệu, bó tay con gà quay, sát thủ đầu có mủ, đẹp trai có gì là sai, ăn chơi sợ gì mưa rơi, yêu nhau trong sáng phang nhau trong tối…, kể ra không hết. Những thành ngữ nghe hiểu… chết liền (cũng là cách nói tân thời). Chỉ cần vần vè, chẳng cần ý nghĩa, cứ thuận mồm thuận miệng là được. Tuy thế, cũng nhặt ra được một đôi câu có lý có tình, như:

“Sống đơn giản cho đời thanh thản.”

Hoặc:

“Dân ta phải biết Sử ta
Nếu mà không biết thì tra Gu-gồ.”

Vẫn chưa hết, muốn hiểu thêm về “ngôn ngữ báo chí” nước ta, chỉ cần đọc lướt qua những tiêu đề khá “ấn tượng,” trong nước gọi là “giật tít,” trên đầu những bản tin:

Rúng động trướᴄ ᴠẻ đẹp ᴄủa đảo Lý Sơn.
Méo mặt vì hải sản xuống giá.
Ngỡ ngàng mùa hoa sữa Hà Nội.
Xót xa cả gia đình mắc Covid-19.

Kinh hoàng bảo mẫu bạo hành trẻ em mầm non.
Đắng lòng biết vợ ngoại tình mà không bắt được quả tang.
Đắng lòng những cái chết bất ngờ vì chụp ảnh tự sướng…

Những tiêu đề này có đặc điểm chung là bắt đầu bằng một tính từ, trạng từ, động từ hay một “từ” nào thật cảm thán (đắng lòng, kinh hoàng, bàng hoàng, rúng động, ngỡ ngàng, xót xa…) và thường là chẳng có chủ từ nào cả, vì vậy chỉ là những “cụm từ” chứ không phải một câu văn.

Đọc được trong một bài báo:

“Ngọn lửa của tinh thần thể thao và hữu nghị Olympic đã chính thức khép lại, đánh dấu một mùa đại hội thể thao đầy thành công.”

“Ngọn lửa” thì không thể nào… “khép lại,” chỉ có thể thổi tắt, dập tắt hay tàn lụi. “Khép lại” là “từ” văn vẻ vẫn được các cô MC yêu chuộng và sính dùng, như “Chương trình đến đây là khép lại.” Có điều, cách nói này chỉ thích hợp với những “chương trình” nào diễn ra trên sân khấu, như câu nói quen thuộc trong những tờ báo kịch trường thuở nào: “Khi tấm màn nhung khép lại.”

Tương tự, có những “từ” được dùng hơi… “bị” nhiều, như “chia sẻ” chẳng hạn. Đụng một chút là “chia sẻ,” nếu không “Mình xin chia sẻ” thì cũng “Xin anh chị chia sẻ.” Thay vì “Xin anh chị cho biết ý kiến?” hay “Anh chị có ý kiến gì?”... Thường thì người “chia sẻ” cũng chỉ nói dăm ba câu phất phơ, ý kiến “chung chung” chứ cũng chẳng “chia sẻ” được chút tâm tình, nỗi niềm hay “trải nghiệm” nào cả.

Giàu và đẹp, “cụm từ” quen thuộc này lâu nay vẫn được dùng như niềm tự hào dân tộc khi nói về về ngôn ngữ tiếng Việt của mình. Có điều, ngày nay mỗi khi nghe câu ấy, “tiếng Việt giàu và đẹp,” không ít người phân vân tự hỏi là “tiếng Việt nào vậy?” Tiếng Việt đẹp là tiếng Việt “vang bóng một thời,” là tiếng Việt trong ca dao, trong lời ru của mẹ, trong những bài tập đọc, bài học thuộc lòng thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, trong những câu chuyện “chị kể em nghe” của những ngày xưa êm đềm và trong những áng văn chương thi phú mà những người yêu tiếng Việt vẫn còn nhớ, còn cất giữ riêng cho mình.

Đấy là thời vang bóng, còn thời buổi nhân tâm ly tán, đạo lý suy tàn này thì tiếng Việt cũng tựa như bộ tranh tứ quý bị tạt sơn hay vấy bùn làm cho lem luốc. Những bức xúc, sự cố, đi phượt, chạy show, hàng hot, bảng top… nhất định không phải “tiếng nước tôi,” cũng chẳng phải tiếng “mẹ đẻ” (chẳng có “mẹ” Việt nào “đẻ” ra những đứa con lai pha tạp ngô nghê ấy).

Thật không may, những chữ nghĩa bát nháo bèo nhèo, những câu cú lủng cà lủng củng, những kiểu xưng hô luông tuồng, những lối nói năng tùy tiện ấy nhất định không phải là niềm “tự hào dân tộc” về tiếng Việt mình.

Từ ngữ tiếng Việt ngày càng phong phú, có thể gọi là giàu theo một nghĩa nào đó; chỉ có điều, với những “từ,” “cụm từ”… đang được phổ biến rộng rãi như một ngôn ngữ mới ấy, tiếng Việt nếu có giàu thì cũng khó mà gọi là đẹp được.

nguồn: Trên mạng

ình ơi!”…
Xem thêm

Thích
Bình luận
Chia sẻ

0 bình luận

1 giờ 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Tôi không tin vào lý giải của công an Bình Dương khi thuyết minh cho một cái gi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét