Tiếp tục đọc serie truyện về cách làm giầu không khó của người Việt ở Đông Âu và nhớ lại nước Nga yêu dấu. Năm 1992 tôi sang Nga làm việc 2 tháng theo Chương trình hợp tác với Liên hợp quốc về xây dựng mô hình kinh tế lượng toàn cầu trong khuôn khổ dự án LINK của Liên hợp quốc. Tôi phụ trách làm phần mô hình Việt Nam và mô hình ESCAP để Liên hợp quốc nối nó với mô hình toàn cầu. Hồi đó tôi có gặp một anh bạn trước cùng làm việc với nhau và đã cùng đi với nhau sang học và thực tập ở Liên Xô năm 1986. Nay anh bạn sống lâu dài ở Nga; nhà anh cực giầu, lúc nào cũng phủ rèm che kín đồ đạc cao cấp bên trong vì sợ dân Nga nhìn thấy phẫn nộ. Anh bảo tôi kiếm tiền ở đây dễ lắm, mình kiếm được mấy triệu đô la rồi. Đức ở lại đi đừng về... Nhưng không hiểu sao nhà nghèo mà mình nghe nói mấy triệu đô la song vẫn dửng dưng như bánh chưng ngày tết. Sau này anh bạn về nước, bị bệnh hiểm nghèo rồi mất cách đây 2 năm, dù anh cũng chỉ hơn tôi 2 tuổi. Tôi rất quý anh vì anh tốt bụng và cư xử đàng hoàng. Một nhà khoa học như anh mà bảo kiếm tiền ở đây dễ lắm, thì chắc là dễ thật (???). Nhớ anh. Cầu chúc anh được sống bình an, hạnh phúc nơi cực lạc.ĐẠI GIA VIỆT Ở ĐÔNG ÂU: LẬP THÂN, TỀ GIA (1994-2004)
Trích "Đông Âu Anh Hùng Truyện" của Nam Nguyen
I - MÌ ĂN LIỀN CHO HÀNG TRĂM TRIỆU NGƯỜI
Sinh viên năm thứ ba trường Mỏ - địa chất Moscow Trần Anh Tuấn tỉnh dậy với đầu óc nặng trĩu, phải một lúc sau mới hiểu được mình đang ngồi trong một sân vận động hoang vắng, trời gần tối và trên người chỉ còn bộ quần áo đang mặc. Thế là bao nhiêu tiền để đổi “xanh” đã mất, hóa ra chúng nó chơi trò đánh thuốc mê, cũng may cậu là người nước ngoài nên bọn nó cũng “chùn tay” và không dám manh động hơn! (Tuy vậy, sau đó một năm thì có chú sinh viên Ả Rập học ở đại học mang tên Lumumba gần trường Tuấn là “trùm” buôn xanh bị mafia Nga giết, cắt cả đầu, đến nỗi cả thị trường ngoại tệ “đen” ở thủ đô rúng động...). 
Mất hết tiền mà còn mang nợ anh em cùng hùn hạp đi buôn, Tuấn đã phải chấp nhận bán hết đồ đạc cá nhân để trả nợ dần... Lòng ham muốn kiếm tiền càng thôi thúc chàng sinh viên trẻ lao vào kinh doanh, khi xung quanh các bạn cùng trường ngày càng giàu lên, mà muốn đuổi kịp và vượt họ chỉ có cách tìm hướng đi khác, và chấp nhận “liều” hơn họ.