Sài Gòn thấm mệt
5/7/2021, Sài Gòn vốn sáng rực và tấp nập, nhưng phần hồn của thành phố là đời sống cư dân đa phần trong hẻm, giờ ngấm mệt. Ba tuần trước, Hiền, cô công nhân thuê trọ ở xóm tôi mang đứa con 6 tuổi rời Thành phố. Cô "cũng không biết sẽ làm gì, nhưng ít ra ở quê buồn ngủ cũng còn mấy gốc dừa để mắc võng, còn ở Sài Gòn lấy gì trả tiền trọ ha chú?", Hiền trả lời câu hỏi "về quê hai mẹ con sống bằng gì?" của tôi bằng một câu hỏi.Từ mùa Covid năm ngoái, Hiền đã rời công xưởng ra lề đường với rổ hột vịt lộn. Công ty may ở quận Tân Phú nơi cô làm cắt giảm công nhân. Rổ vịt lộn với cái thùng xốp ướp bia lạnh, mấy con khô mực là những gì Hiền có thể làm để tổ chức lại đời sống cho hai mẹ con.
Hơn một tháng giãn cách xã hội vừa qua đã khiến rổ vịt lộn không thể tồn tại. Dù chủ nhà trọ đã giảm tiền nhà, cô vẫn phải đóng một phần cùng tiền điện nước và những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.
Vấn đề là người mẹ trẻ không còn nguồn thu nhập nào. Ngay cả khoản hỗ trợ nhỏ nhoi cho người nghèo cô nghe trên tivi nhà hàng xóm cũng không thể có. Bởi mẹ con cô không được coi là "dân Thành phố" do hộ khẩu ở Sóc Trăng. Nhưng ở quê, họ đã vắng mặt từ lâu nên cũng không được vào danh sách hỗ trợ của xã.
Hàng triệu người như Hiền từ các nơi đổ về Sài Gòn mưu sinh và chính họ góp phần xây dựng nên diện mạo và cả thành tích kinh tế trong báo cáo cuối năm của Thành phố. Covid đã "đuổi" họ rời thành thị về nương tựa quê nhà, nơi cũng đang khó khăn vì dịch bệnh.
Gần nhà trọ của Hiền, xưởng may của chị Loan chuyên gia công hàng xuất đi Hàn Quốc có bốn chuyền may với hàng trăm công nhân. Trước Covid, công ty gia đình này hoạt động hết công suất, công nhân tăng ca liên tục, giờ chỉ còn hai chuyền hoạt động cầm chừng. Cách xưởng 50 mét là chung cư Moscow 17 tầng, nơi vừa bị phong toả do có ca F0 liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
Công nhân mất việc, quán tạp hoá của ông bà Chín cạnh đó đóng cửa theo. Mấy bộ bàn ghế mỗi ngày dọn bên lề đường để bán đồ ăn sáng cho công nhân giờ xếp một góc. Đức, con của ông bà ngày ngày đi phụ hồ, giờ thất nghiệp ở nhà. Họ không còn nguồn thu nhập nào. Mai mốt hết giãn cách cũng chưa biết bắt đầu lại từ đâu, bởi công nhân về quê còn mang theo số tiền mua nợ khiến họ cụt vốn. Anh con trai út thất nghiệp cũng trả nhà trọ dẫn hai đứa con về ở ké và ăn nhờ cha mẹ. Đã cực, giờ lại phải lo thêm mấy đứa cháu, họ hoàn toàn chưa có lối ra.
Đó chỉ là chuyện nhỏ trong con hẻm ở quận 12 khu nhà tôi. Những ngày giãn cách, bạn có thể chỉ thấy phố xá vắng và buồn. Phải đi vào hẻm, từng xóm mới thấy Sài Gòn đã mệt, đã phập phồng thế nào sau hai năm dịch giã.
Trong khi những lao động mất việc như Hiền, người buôn bán nhỏ như ông bà Chín hay chủ doanh nghiệp như anh chị Loan đang đối mặt khó khăn, những nỗ lực của Nhà nước nhằm hỗ trợ họ lại bị tắc nghẽn đâu đó.
Báo cáo hồi cuối tháng 5/2021 cho thấy gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng của Chính phủ cho đợt dịch trước chỉ giải ngân được hơn 22%. Trong đó, gói vay không lãi suất hơn 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương lao động giải ngân chỉ đạt 0,26%. Chỉ có 245 đơn vị tiếp cận được với số tiền 42 tỷ đồng. Tức là, phần lớn tiền hỗ trợ vẫn nằm trong két của nhà nước.
Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Bình Dương có hơn 400 công ty, nhiều đơn vị phải tạm ngừng sản xuất ở đợt dịch trước. Nhưng chỉ có năm doanh nghiệp đủ điều kiện ban đầu nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ vốn vay trả lương cho lao động tạm nghỉ việc, và năm bộ hồ sơ đều bị trả lại, đề nghị bổ sung do "chưa đáp ứng được tiêu chí theo quy định".
Các tiêu chí ấy phức tạp và rộng hơn tiêu chí "nghèo", "khó khăn", "mất thu nhập" kèm theo rất nhiều thủ tục khiến doanh nghiệp và người dân nản lòng rồi bỏ cuộc. Cuối cùng, chẳng mấy công nhân và người nghèo chạm được đến gói hỗ trợ.
Nhiều địa phương thì cho biết "chính quyền gặp khó" do không rõ nguồn ngân sách hỗ trợ sẽ lấy từ đâu. Nhiều nơi vì sợ trách nhiệm nên yêu cầu các thủ tục rườm rà phi lý khiến người nghèo chào thua cán bộ tiếp nhận thủ tục. Cuối cùng, như ta đều thấy, tiền không giải ngân được để có thể đến với người đang rất cần nó. Giống như bệnh nhân cần thuốc cấp cứu và đã có sẵn thuốc, nhưng không thể xuất kho vì vướng vài chữ ký. Những khó khăn thủ tục này, dù được nói nhiều, đã không được dự liệu và sửa đổi cùng với chính sách hỗ trợ.
Tuần trước, khi có tin gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ sắp được Chính phủ giải ngân, dường như xung quanh tôi không mấy ai hào hứng. Nếu phương thức hỗ trợ vẫn như cũ thì hiệu quả sẽ vẫn như vậy. Tiền sẽ vẫn ở chỗ nó đang ở. Tôi tính ghé khu trọ tặng chút quà thì hai mẹ con Hiền đã về Sóc Trăng, còn các doanh nghiệp tôi quen cũng không hỏi han về gói hỗ trợ như lần trước nữa.
Dịch rồi sẽ qua, người khá giả và có tích lũy sẽ vẫn ổn, chỉ tầng lớp dân nghèo đô thị là kiệt quệ. Muốn chống dịch, muốn giãn cách hiệu quả, các cộng đồng yếu thế phải được tiếp tế kịp thời. Thậm chí, tôi thử hình dung, chỉ cần nhà nước thông qua công ty cung cấp dịch vụ, giảm một nửa hóa đơn tiền điện, tiền nước mùa nắng nóng này, các gia đình khó khăn đã đỡ đi nhiều lắm.
TP HCM, nơi nhóm người nghèo đô thị đông nhất cả nước, liệu có được một cơ chế để có thể giải ngân tiền cứu trợ thật sớm và hiệu quả hay không? Và với tất cả người nghèo vì Covid-19 khắp cả nước, đến bao giờ họ được cầm trong tay đồng tiền cứu trợ?
Doanh nghiệp tồn tại được mới có thể tạo việc làm, đóng góp cho nền kinh tế, chung tay với Chính phủ chống dịch. Người lao động sống khỏe được mới góp sức cho sản xuất, giảm bớt hệ lụy xã hội. Nếu những công nhân mất việc được tiếp cận và hỗ trợ vốn vay không lãi suất ngay tại xưởng, giá mà mẹ con Hiền được miễn phí tiền nước hay giảm tiền điện cho phòng trọ, nếu những người nghèo như ông bà Chín được giúp đỡ sau khi xếp mấy bộ bàn ghế bán đồ ăn vào một góc... chúng ta hẳn cũng an lòng hơn.
Giống như người ốm, không được cấp cứu và điều trị kịp thời, những người yếu thế sẽ khó gượng dậy và chịu nhiều di chứng. Di chứng ấy, tất cả chúng ta đều phải gánh chịu. Phố xá Sài Gòn và các đô thị khác làm sao vui khi nhiều người trong lòng nó dần kiệt sức?
Đức Hiển
https://vnexpress.net/sai-gon-tham-met-4304288.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét