Phản biện chính phủ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các nhà khoa học chân chính để giúp cho chính phủ giải quyết các vấn đề gặp phải và giúp đất nước tốt hơn. Không thấy, không nghe, không nói có lẽ chỉ tồn tại ở những đất nước độc tài, phi dân chủ và lạc hậu. Rất tiếc là không chỉ các nhà khoa học trong nước thích vâng lời chính phủ mà cả các nhà khoa học Việt kiều ở hải ngoại cũng rất thích được chính phủ khen nên rất ngoan ngoãn ăn theo, nói theo chính phủ bất kể phản khoa học, như trường hợp Hội chuyên gia người Việt ở nước ngoài (AVSE) trong bài này. Nếu các trí thức chân chính cứ im lặng để mặc cho các trí thức tham lam, cơ hội dùng danh nghĩa nhà khoa học để tuyên truyền những điều sai trái nhằm lừa dối nhân dân, thì nhân dân và đất nước sẽ phải gánh chịu những hậu quả to lớn không thể lường trước được. Ủng hộ anh Vũ trong bài dưới đây.
Hãy ngưng định hướng chính trị đối với nhà khoa học
FB Nguyễn Hồng Vũ - 20-7-2021 - Cảm ơn tất cả các lời động viện và ý kiến đóng góp của các bạn trong bài viết trước, khi mình thể hiện sự thất vọng với quyết định chóng vánh “loại” mình ra khỏi buổi tọa đàm online về COVID-19 của “Hiệp hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam” (gọi tắt là AVSE).Thật sự thì mình cũng không biết đến tổ chức AVSE cho đến khi một chị là khóa trên của mình (tiền bối) mời mình tham gia buổi tọa đàm này và cho mình hay rằng đây là “Hội chuyên gia người Việt ở nước ngoài hiện đang có rất nhiều các hoạt động kết nối chuyên gia và tư vấn cho Việt Nam”. Và chị ấy cho mình biết là buổi tọa đàm tập trung vào việc “chuyên gia nói cho người dân hiểu, đại chúng như các post” của mình hay viết phân tích trên Facebook. Tin tức từ các báo mấy ngày qua thì mình thấy rằng chính phủ VN đang rất cần những tiếng nói của chuyên gia để định hướng chiến lược chống dịch COVID-19 cho hiệu quả nên mình nhận lời.
Vì thời lượng chương trình có hạn nên mỗi diễn giả chỉ có khoảng 10 phút để nói về đề tài mình muốn truyền tải thông tin. Là một nhà khoa học đang làm trực tiếp về vaccine COVID-19 nên đây cũng là vấn đề mình quan tâm hàng ngày, mình đề nghị là mình sẽ nói về “Tại sao chúng ta cần các “vắc xin tốt” để vượt qua đại dịch COVID-19?”. Do chỉ có 10 phút nên mình soạn 1 bài nói chỉ có 11 trang (slides) một cách dễ hiểu và súc tích nhất có thể để nói về:
– Cơ bản khoa học về vaccine.
– Các phương pháp làm ra vaccine.
– Quy trình thử nghiệm vaccine để đảm bảo an toàn & hiệu quả.
– Đánh giá các vaccine hiện nay VN đang cho phép sử dụng khẩn cấp.
– Đưa ra “khuyến cáo” dựa trên các dữ liệu khoa học và kết quả thực tế.
Mọi người nhất trí là các chuyên gia phải đồng thuận với các thông điệp mà ban tổ chức sẽ đưa ra trong chương trình, nên trước khi chương trình diễn ra các chuyên gia phải họp, thảo luận với nhau trước để tìm điểm đồng thuận giữa những chuyên gia với nhau. Mình tham gia vào ngày họp nội bộ vào sáng sớm ngày 15, tức 2 ngày trước khi chương trình diễn ra. Khi mình cho họ xem nội dung mình sẽ trình bày thì họ tỏ ra “lo ngại” trong phần mình phân tích đánh giá các vaccine dựa vào bằng chứng khoa học và kết quả thực tế.
Họ lấy lý do là dân thường dễ hoang mang và muốn mình nói theo kiểu có vaccine nào thì chích vaccine ấy, tin vào chính phủ. Mình không chịu, thì họ đưa ra đề nghị chỉ phân tích vaccine “tốt” thôi, không nói tới vaccine “kém”. Mình cũng từ chối vì nói như thế sẽ không đem lại lợi ích gì cho bà con khi chỉ cho biết “màu hồng” mà không biết xung quanh còn những “mảng tối”.
Sau buổi họp nội bộ ấy, mình thấy rằng không tìm được điểm “đồng thuận” đối với vấn đề “đánh giá vaccine” mà mình đưa ra nên mình có chủ động viết email để phân tích cách nhìn của mình tại sao phải “nói thật” và nếu muốn mình nói chuyện trong chương trình thì phải để mình nói với tư cách là một nhà khoa học phân tích vấn đề một cách khách quan, nếu không mình sẵn sàng rút nếu họ không chấp nhận được chuyện này.
Trong các email mình cũng nói thẳng là mình không đồng ý với lý do đưa ra là người dân với “nền tảng trình độ hiểu biết khác nhau” nên dễ hoang mang, mà thật sự bất cứ ai cũng sẽ có “tâm lý hoang mang lo ngại tiêm bất cứ một loại vaccine nào đó” khi chưa hiểu về chúng -> do vậy việc của những người làm khoa học là giải thích rõ cho họ hiểu những vaccine nào đáng lo ngại và những vaccine nào an toàn hơn dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học và bằng chứng thực tế.
Mình cũng đặt luôn câu hỏi cho những chuyên gia ấy rằng “thực sự mà nói nếu ai trong chúng ta ngày mai sẽ chích vaccine của Sinopharm thì có hoang mang lo ngại không khi những thông tin khoa học về chúng không rõ ràng còn các thông tin thực tế ở các nước thì rất xấu?”
Trong phần comment của bài viết trước của mình, nhiều bạn đề nghị mình làm một buổi nói chuyện khác để nói lại những gì mình chưa có dịp nói trong buổi tọa đàm “hụt” vừa qua. Dĩ nhiên là mình không ngại gì cả, nếu bạn nào quan tâm thì có thể tham gia buổi nói chuyện online khác vào Chủ Nhật sắp tới, ngày 25 tháng 7 năm 2021. Đây là buổi nói chuyện thuộc một chương trình với tên gọi là “Học với chuyên gia, trao quà người khó, lần 3” mà mình nhận được lời mời tham gia từ đầu tuần trước của anh Nguyễn Tập, làm bên báo Thanh Niên.
Mình tham gia vì thấy đây là một chương trình khá hay, phi lợi nhuận nhằm “tạo một nơi chia sẻ kiến thức từ các chuyên gia đến cộng đồng” và “gây quỹ chia sẻ với đồng bào khốn khó”. Phí tham dự là miễn phí, tuy nhiên nếu bạn nào có nhã ý thì có thể đóng góp tùy hỷ cho “Quán Cơm Nụ Cười” để ủng hộ bữa cơm 2000 đồng cho người nghèo khó. Bạn có thể xem thêm chi tiết đăng ký tham gia chương trình theo đường link của anh Tập.
Mình sẽ có khoảng 90 phút cho chương trình này, mình dự kiến sẽ nói trong khoảng 30-45 phút về vấn đề vaccine COVID-19 với những nội dung bao gồm như trên nhưng sâu hơn và rộng hơn (vì có nhiều thời gian hơn) và dành thời gian còn lại để trả lời câu hỏi của các bạn xoay quanh vấn đề về vaccine.
Tóm lại, mình hoàn toàn không đồng ý với lối suy nghĩ là làm an tâm người dân bằng cách né tránh những vấn đề mà họ cần được biết, đặc biệt những vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe của họ. Họ có thể không có quyền lựa chọn loại vaccine nhưng họ có quyền được biết vaccine nào sẽ chích cho họ và được đánh giá an toàn/hiệu quả tới đâu vì chung quy lại việc chích vaccine là tự nguyện và người được chích phải ký vào cam kết “tự chịu rủi ro”.
Bảo trọng nhe bà con.
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4726456800701987
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét