Thủ tướng ơi, đừng hỏi nữa, hãy nói ít, làm nhiều
Đừng hỏi vì sao!
Ngô Trường An - 6-12-2019 - Cùng là người Hoa, nhưng dân Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc trình độ nhận thức khác nhau, mức sống khác nhau. Cùng là người Triều Tiên, nhưng dân Nam Hàn và Bắc Hàn có mức sống giàu nghèo khác nhau. Điều này chứng minh rõ rằng, dân tộc đó giàu hay nghèo, mức sống thấp hay cao đều do lãnh đạo và đường lối chính trị của đất nước đó. Dù rằng, dân tộc họ không thông minh, nhưng đất nước họ biết trọng dụng nhân tài của nước khác để làm giàu cho họ như trường hợp của Campuchia xử dụng nhân tài VN, đó mới là điều đáng nói.Ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi: “Tại sao người Việt thông minh, rất thông minh; nhưng, đất nước còn nhiều người khổ, rất khổ?” Đây là một câu hỏi hay, nhưng chẳng biết với cương vị của ông, ông đặt ra câu hỏi này để hỏi ai? Hỏi Bộ chính trị? Hỏi Trung ương đảng? Hay hỏi nhân dân?
Nếu câu thắc mắc này ông dùng để hỏi nhân dân, thì, với tư cách là một người dân, tôi sẽ nêu lên ý kiến giải đáp thắc mắc của ông. Tất nhiên, đây là quan điểm của cá nhân tôi, chứ tôi không dám đại diện cho toàn dân.
Ông hỏi: “Tại sao dân tộc Việt thông minh, nhưng nước Việt lại nghèo”? Cả 2 vế này đều đúng. Bởi, khi ta vào Google gõ cụm từ người Việt thành công ở hải ngoại, hoặc các chính khách gốc Việt ở nước ngoài, thì Google sẽ cho ra hàng trăm kết quả. Trong đó có đầy đủ các nhân tài gốc Việt trong mọi lĩnh vực, như: Chế tạo thành công bom áp nhiệt; đóng mới Hàng Không Mẫu Hạm tối tân nhất thế giới; nghiên cứu ngăn, không cho bệnh ung thư phát triển; phát hiện thêm các thiên hà trẻ nhất trong vũ trụ, phát minh ra máy ATM… Nói chung, từ khoa học, y học, thiên văn học, toán học, hội họa… lĩnh vực nào cũng có người Việt. Ngoài ra, còn rất nhiều nhà chính trị, tướng lĩnh, chính khách… nắm giữ các chức vụ ở những quốc gia hùng mạnh như Mỹ, Đức, Úc…
Đấy, người Việt ở hải ngoại họ thông minh, giỏi giang như thế. Còn trong nước thì sao? Với phương châm ngầm trong giới lãnh đạo từ Trung ương xuống tận địa phương là: Giỏi hơn ai, tài hơn ai cũng được. Nhưng, không được tài giỏi hơn lãnh đạo?!
Chính phương châm hẹp hòi, nhỏ nhen, ích kỷ này đã gieo họa và hành hạ biết bao nhiêu nhân tài trong nước. Điển hình như cha con ông Trần Quốc Hải đã mày mò nghiên cứu chế tạo thành công máy bay trực thăng để xử dụng trong lĩnh vực phun thuốc trừ sâu, sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, cha con ông cầm dự án xin cấp bằng sáng chế, chạy tới, chạy lui cầu xin các cơ quan công quyền cả hàng chục năm trời, nhưng cuối cùng, chẳng ma nào đồng ý. Uất ức, cha con ông cầm bản vẽ qua bán cho bộ quốc phòng Campuchia, được chính phủ Campuchia ưu ái trọng dụng và họ lập tức tặng thưởng cho cha con ông huân chương Đại Tướng Quân (loại huân chương danh giá nhất của hoàng gia Cam).
Vậy đấy! Không chấp nhận người tài hơn mình đã đẩy biết bao nhiêu tinh hoa dân tộc bỏ xứ ra đi, và các tinh khôi của Olimpia đi du học cũng chẳng ai muốn trở về phục vụ đất nước.
Một đất nước mà lãnh đạo không muốn ai tài giỏi hơn mình thì đất nước đó làm sao có cơ hội phát triển?
Một đất nước mà bọn tội phạm đứng lên rao giảng đạo đức, in sách ca tụng băng nhóm của mình. Còn bác sỹ, kỹ sư, luật sư, nhà giáo, nhà báo, cha đạo, thầy chùa và những tri thức nhiệt huyết với đất nước đều bị tống vào tù vì họ muốn góp ý xây dựng chính sách, chủ trương để đưa đất nước phát triển?
Một đất nước mà lãnh đạo đòi chống ngập bằng Lu; đòi kéo đám mây điện toán của xứ khác về nhà mình làm của hồi môn; đòi kéo não người Việt ở lại trong ao làng; đòi áp dụng tư tưởng người đã chết cách đây hơn nửa thế kỷ làm mô hình phát triển kinh tế cho thời đại công nghệ 4.0; đòi nơi này giống Paris, nơi kia như Kyoto, nơi nọ thành Singapore… toàn mơ mộng thành bọn tư bản, trong khi đó mình quyết đi theo con đường cộng sản…
Một đất nước mà lãnh đạo không có lập trường ổn định, lúc ngả bên này, lúc dựa bên kia, đu dây, chàng hảng, ngả ngớn như con đĩ. Xây dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, nó giống như nửa thiên đàng, nửa địa ngục chẳng giống ai, thì đất nước phát triển theo hướng nào?
Tóm lại, đất nước giàu mạnh không hẳn nhờ dân tộc đó thông minh. Hoặc, đất nước nghèo nàn không hẳn là dân tộc đó bạc nhược! Cùng là người Hoa, nhưng dân Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc trình độ nhận thức khác nhau, mức sống khác nhau. Cùng là người Triều Tiên, nhưng dân Nam Hàn và Bắc Hàn có mức sống giàu nghèo khác nhau. Điều này chứng minh rõ rằng, dân tộc đó giàu hay nghèo, mức sống thấp hay cao đều do lãnh đạo và đường lối chính trị của đất nước đó. Dù rằng, dân tộc họ không thông minh, nhưng đất nước họ biết trọng dụng nhân tài của nước khác để làm giàu cho họ như trường hợp của Campuchia xử dụng nhân tài VN, đó mới là điều đáng nói.
Mỹ, biết tận dụng trí tuệ của bà Dương Nguyệt Ánh để giải quyết thành công chiến trường Trung Đông; biết xử dụng chất xám của bà Giao Phan để sở hữu Hàng Không Mẫu Hạm tối tân nhất thế giới; biết trọng dụng các nhân tài bất kể màu da, sắc tộc trong nhiều lĩnh vực để đem lại sự vững mạnh toàn diện cho đất nước họ.
Kết: Đất nước phát triển, dân tộc ấm no hoặc, đất nước tụt hậu dân tộc đói nghèo đều do ở đường lối chính trị và trí tuệ của người lãnh đạo ở đất nước đó. Vậy, ông thủ tướng đừng có có đặt câu hỏi vì sao nữa nghe. Dị* lắm ông ạ!
_____
*Dị (tiếng Quảng Nam đồng nghĩa với xấu hổ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét