Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Những yếu tố tạo nên 500 tỉ USD xuất nhập khẩu

Những yếu tố tạo nên 500 tỉ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu
LĐO | 12/12/2019 | Năm 2019, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước sẽ vượt qua ngưỡng 500 tỉ USD - là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu. Điều này cho thấy, bản thân các cơ quan bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã chung tay góp phần tích cực tháo gỡ những rào cản đáng kể đối với các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam ở thị trường đối tác.

Hoa Kỳ là thị trường hàng đầu
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2019 ước tính đạt 473,73 tỉ USD. Việc kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 500 tỉ USD trong tháng 12 này được nhiều chuyên gia nhận định là hoàn toàn khả quan.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 241,42 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mặc dù còn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 91,8% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỉ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 11 tháng đầu năm, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỉ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 38 tỉ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỉ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỉ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỉ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỉ USD, tăng 10,1%.

Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nhờ những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.

Riêng Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan kết thúc đàm phán và ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); thỏa thuận về hợp tác thúc đẩy thương mại. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã có hiệu lực.

“Bộ Công Thương tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng ưu đãi của các FTA, nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các Hiệp định và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA, như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ” - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay.

Bà Nguyễn Cẩm Trang cũng cho rằng, Chính phủ, Bộ Công Thương rất quan tâm công tác triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP). Theo đó, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi hiệp định có hiệu lực như sang Canada, Mexico...

Xuất nhập khẩu năm 2019: Lợi gì từ kim ngạch 500 tỉ USD?

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, trong bối cảnh năm 2019 có nhiều yếu tố không thuận lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, ngay cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nhiều đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam cũng có nhiều yếu tố không thuận lợi.

Ở góc độ khác, Hội đồng Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương cũng nhận định một trong những rủi ro là sự suy giảm kinh tế Trung Quốc năm 2019, áp lực đối với việc đảm bảo nhu cầu cho xuất khẩu, kéo theo đó là một loạt các tác động liên quan đến chuỗi giá trị, suy giảm nhu cầu về cung ứng… tác động tương đối phức tạp.

“Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng … thì việc Việt Nam vẫn đạt được con số xuất nhập khẩu 500 tỉ USD là một con số ấn tượng” - ông Dương nói.

Chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mặc dù, con số tăng trưởng xuất khẩu cho đến nay không cao như năm ngoái, nhưng quy mô xuất khẩu tương đối lớn. Tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ấn tượng hơn nhiều so với các nền kinh tế khác ở khu vực. Nhìn ở góc độ ấy, đó là điều đáng mừng.

Những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến xuất khẩu Việt Nam trong năm vừa qua, theo ông Dương, đó là việc chúng ta thực hiện Hiệp định CPTPP từ tháng 1.2019 và đang tích cực vận động cho việc chuẩn bị Hiệp định Thương mại tự do với EU. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những cải cách tích cực về môi trường kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến xuất nhập khẩu, làm giảm chi phí đáng kể, thời gian của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Bản thân các cơ quan bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã chung tay góp phần tích cực tháo gỡ những rào cản đáng kể đối với các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam ở thị trường đối tác.

“Từ năm 2018 trở lại đây, sức sống của các doanh nghiệp trong nước hoạt động xuất khẩu đã tốt hơn rất nhiều. Tình hình 10 tháng đầu năm nay xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước đã đạt 2 con số, cao hơn nhiều so với xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều này cho thấy, các cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã ít nhiều có sự thích nghi, có đủ sự linh hoạt tận dụng cơ hội từ bối cảnh thương mại hiện nay. Chúng ta cần tạo dựng năng lực cho doanh nghiệp trong nước để họ tham gia tích cực hơn vào xuất khẩu. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” - ông Dương cho hay.

CƯỜNG NGÔ - PHẠM DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét