Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

Năm hạn của các ông tên Vũ - năm vần Vũ!

Năm hạn của các ông tên Vũ - 2019 – năm vần Vũ!
fb nhà báo Lê Kiên - Qua – Đặng Lê Nguyên Vũ vừa rời sân Toà ở TP.HCM được ít ngày, thì Cư sỹ - Phạm Nhật Vũ lại phải đến phòng xét xử của TAND TP Hà Nội. Nói không phải mê tín, năm 2019 này thiên binh thiên tướng chiếu vào các đại gia tên Vũ thế hệ 7X ghê quá.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, văn bản

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, bộ vét và văn bản
Với Qua, cũng là kiếp nạn của đời người, khi đang ở trên núi toạ thiền nghiệm đạo thông linh, thì bị vợ gọi xuống cõi trần tục để tiến hành “lễ” ly hôn. Còn với Cư sỹ, đang đêm chăn êm đệm ấm ngày tụng Kinh niệm Phật, thì lại phải khăn gói từ giã vợ con vào “kho” để “giúp” cơ quan điều tra tìm ra thủ phạm.

Cuộc đời vần vũ. Hôm kia tôi photo thẻ nhà báo để đăng ký dự toà, thì phát hiện ra điều thú vị: tôi phải trình thẻ nhà báo do ông Nguyễn Bắc Son ký để tham dự phiên toà xét xử bị cáo Nguyễn Bắc Son. Chỉ chi tiết này thôi cũng khiến cho tôi đủ thấy mùi vị chua xót ở cõi đời, chứ chưa nói đến chuyện cái cô gì con gái bị cáo Son không thừa nhận việc nhận 3 triệu Mỹ kim từ người cha quyền thế một thời.



Trước mỗi vụ án, trong một tập hợp các đối tượng bị cáo buộc phạm tội mà có cả doanh nhân và quan nhân, thì Mỗ Sứt tôi thường dành sự thông cảm nhiều hơn đối với các doanh nhân, cho dù ở ngoài đời tôi có nhiều bè bạn vong niên là quan nhân.

Thông cảm hơn với doanh nhân, bởi khi kết thân với một số anh, chị làm doanh nghiệp, tôi mới thực sự nhận ra rằng cái thân phận doanh nhân ở nước mình cực khổ hơn nhiều quốc gia khác, bởi để được yên ổn làm ăn, tìm kiếm cơ hội phát triển, thì phải “chầu” nhiều nơi, “hầu” nhiều chốn.

Và nữa, khi so sánh giữa các doanh nhân và quan nhân phạm tội, tôi thường thấy doanh nhân họ “chơi đẹp” hơn. Trong cái thương vụ đình đám AVG – MobiFone, cáo trạng cho thấy sau khi hoàn tất hợp đồng thì bị cáo Vũ mới “xách valy” đến để cảm ơn các bị cáo Son, Tuấn, Trà… Mong rằng quan toà truy xét cho kỹ xem nhị vị quan viên Son – Tuấn và đám thuộc cấp sau khi tất toán hợp đồng có gọi điện, nhắn tin yêu cầu, thúc giục Cư sĩ Vũ phải đến “cảm ơn” không. Đây có lẽ cũng là một tình tiết quan trọng của vụ án.

Và, nữa, nói gì thì nói, đây là vụ án “đi vào lịch sử tư pháp” như một uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã phát biểu trước nghị trường. Nói là “đi vào lịch sử”, bởi lần đầu tiên các bị can (Son, Tuấn…) thừa nhận mình “nhận hối lộ”.

Cả 2 bác quan họ Lê nhà Mỗ Sứt là thượng tướng Lê Quí Vương và Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đều trình bày trước Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội rằng các cơ quan điều tra, truy tố đã “rất vất vả” để buộc các bị can thừa nhận hành vi phạm tội, bởi “đưa, nhận hối lộ thì chỉ có 2 người, anh biết, tôi biết, trời biết”.

Không ai khác, chính Cư sỹ Vũ đã “lập công chuộc tội”, “khai báo thành khẩn”, giúp các cơ quan điều tra, truy tố lập thành tích, ghi công vào “lịch sử tư pháp”. Lịch sử tư pháp cũng ghi nhận rằng đây là một vụ án kinh tế - tham nhũng mà Nhà nước đã thu hồi được toàn bộ tài sản bao gồm cả vốn lẫn lời (khoản 8.900 tỉ MobiFone mua AVG + lãi suất ngân hàng).

Viết đến đây lại nhớ, chỉ một ngày trước khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận vụ AVG – MobiFone, tôi động viên em tôi là thánh cô Duy Hoàng liên lạc với Vũ Cư sĩ đề nghị được gặp, phỏng vấn về vụ việc này. Không biết con Hoàng nó nhắn mùi mẫn thế nào, Cư sỹ đồng ý gặp. “Âm mưu” của anh em tôi là thực hiện một tác phẩm phỏng vấn chục triệu view.

Nhưng khi đến nhà, Vũ Cư sỹ niềm nở trò chuyện chỉ với một điều kiện duy nhất: “Anh sẽ nói hết, để các nhà báo hiểu rõ bản chất sự việc này. Nhưng nội dung cuộc trò chuyện, đề nghị Kiên, Hoàng không đăng báo”.

Bữa đó, tôi chưa vội hỏi về thương vụ AVG. Đầu tiên, tôi nói về Phật Giáo, nhắc đến Ngài Pháp chủ Thích Phổ Tuệ - đại lão hoà thượng mà chính Vũ Cư sĩ có nhiều cơ hội ở bên cạnh Ngài. Vũ rất say xưa nói về Phật, đọc Kinh trôi chảy (con Hoàng cứ tròn xoe đôi mắt, nó không hiểu lắm vì nó là người theo Đạo Vợ).

Nói về Phật được 2 tiếng thì đến bữa trưa, Vũ mời chúng tôi ở lại dùng bữa. Lúc này có rượu. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện về AVG, về chuyện làm ăn và quan hệ của Vũ. Vũ cũng không đề phòng, không soát xét xem chúng tôi có bật máy ghi âm và tắt điện thoại không. Cuộc trò chuyện dài thêm gần 3 tiếng nữa… Chúng tôi không viết báo về nội dung cuộc trò chuyện này. Đó là đạo đức nghề nghiệp.

Khi tôi đặt tên cái tút này là “2019 – năm vần Vũ”, tôi nghĩ đến Qua – Đặng Lê Nguyên Vũ và Cư sỹ - Phạm Nhật Vũ, hai trung niên 7X rất đặt biệt. Một người khởi nghiệp quá thành công từ cái máy rang xay cafe, rồi lên núi toạ thiền, rốt cuộc cũng không dứt ra khỏi được cái bể khổ của cuộc đời. Một người khởi nghiệp chợ vòm xứ tuyết, tự nhận là Cư sĩ, mà cũng thân hữu với những danh sư từ Ấn Độ, Nhật Bản đến các đại hoà thượng xứ mình, chi cả trăm tỉ (thậm chí có người nói là cả ngàn tỉ) cho Phật sự, rồi cũng lặn ngụp trong cái bể trầm luân.

Từ bữa hẹn “phỏng vấn” Vũ Cư sỹ, cũng là lần đầu tiên gặp Vũ tại tư gia (đó là căn hộ cũ của gia đình ông Tố Hữu, Vũ mua lại khi từ Đông Âu về nước lập nghiệp), hôm nay ngồi biên cái tút tràng thiên thế sự này, lại bất giác nhớ tới mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: 


“Lỗi lầm âu cũng bóng mây qua
Bác ơi cầu chúc hồn nhân loại
Xuân đến hồi sinh lại nở hoa”.

Ông Tố Hữu là nhà thơ Cộng sản, mà viết mấy câu này lại rất là Phật.

Lê Kiên
(Tố Cáo Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét