Vì sao Nga im lặng vụ mỏ Lan Đỏ?
Phạm Chí Dũng - Một hiện tượng đáng ngạc nhiên là cho tới lúc này, Nhà nước Cộng hòa liên bang Nga vẫn chưa có bất kỳ một phản ứng công khai nào - dù thể hiện qua kênh ngoại giao hay kênh báo chí - đối với vụ Trung Quốc gia tăng áp lực ‘tống tiền’ tại mỏ dầu khí Lan Đỏ ở vùng biển đông nam Việt Nam. Nếu Putin và Tập Cận Bình đã hoặc sẽ thỏa thuận được với nhau một lợi ích hoặc một điểm chung chính trị nào đó lớn hơn hẳn lợi nhuận từ mỏ Lan Đỏ, thì cho dù Rosneft là tập đoàn có cổ đông chính là chính phủ Nga, tương lai vẫn sập cửa trước Rosneft để tập đoàn này cũng sẽ phải cuốn cờ tháo chạy khỏi vùng chủ quyền Việt Nam như Repsol đã từng như thế.
Tàu thám hiểm "Hải Dương Địa Chất 8" của Cục Khảo sát
Địa chất Trung Quốc (Ảnh: China Geological Survey)
Mối nguy hiểm thiệt képLan Đỏ là dự án liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga với VietsoPetro của Việt Nam, cũng là nơi mà Rosneft của Nga cùng một công ty Nhật đang thực hiện hợp đồng khoan mở rộng để thăm dò dầu khí ở vùng biển phía đông nam Việt Nam. Vụ Bãi Tư Chính bùng nổ từ đầu tháng 7 năm 2019 đã khiến lộ ra một vụ việc khác xảy ra ngay trước đó: vào đầu tháng 6, Trung Quốc bắt đầu có động thái cản trở việc hãng Rosneft của Nga, và hành vi đó kéo dài từ đó đến nay.
Như vậy, quy mô cuộc khủng hoảng Bãi Tư Chính năm 2019 còn vượt hơn cả hai lần khủng hoảng cùng địa chỉ: vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, các tàu hải cảnh Trung Quốc bao vây Bãi Tư Chính để gây sức ép buộc Repsol - công ty Tây Ban Nha liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải rút khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ, nhưng chưa đụng chạm trực tiếp đến mỏ dầu khí Lan Đỏ.
Song với vụ cho tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8, được hỗ trợ bởi từ vài ba chục đến mức cao điểm là 80 tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm phạm vào khu vực Bãi Tư Chính - gấp nhiều lần so với chỉ khoảng một chục tàu hải cảnh của Việt Nam trong cùng khu vực, có thể hiểu một cách không chính thức hoặc chính thức là chiến dịch mang mục tiêu biến vùng lãnh hải Việt Nam thành ‘vùng tranh chấp dầu khí’ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được Bắc Kinh mở rộng và đánh vỗ mặt cả quốc gia đang được xem là cùng ‘trục’ với Trung Quốc là Cộng hòa Liên bang Nga.
Và còn bứt qua năm 2014, Trung Quốc đang cấp tốc triển khai cấp tốc thiết lập một căn cứ quân sự hải quân lớn tại Cambodia và nằm sát lãnh thổ Việt Nam trong năm 2019. Tình hình này buộc giới quân sự Việt Nam phải cấp tốc điều quân đội và khí tài quân sự nhằm đối phó với ‘mặt trận thứ hai’ của Trung Quốc tại vùng biên giới Campuchia - Việt Nam.
Giờ đây, chính thể độc tài ở Việt Nam thì đang trở thành nạn nhân phải gánh chịu mối nguy hiểm thiệt kép: nguy cơ không chỉ mất mỏ Cá Rồng Đỏ mà có thể cả mỏ Lan Đỏ vào tay Trung Quốc.
Vì sao Nga im lặng?
Việc mỏ Lan Đỏ nằm trong danh sách khủng hoảng Việt - Trung vào lần này đã lý giải một trong những nguyên do khiến Nguyễn Phú Trọng, khi còn chưa ngồi vào ghế của Trần Đại Quang, đã tiến hành một chuyến thăm Nga vào tháng 9 năm 2018.
Vào khoảng thời gian đó, chính thể Việt Nam, cùng nền ngân sách đang rơi vào cảnh suy kiệt, chỉ còn biết trông chờ vào thói đè đầu dân chúng để tróc thuế và khai thác nguồn tài nguyên gần như duy nhất còn lại là dầu khí - chủ yếu vào một số mỏ như Bạch Hổ, Cá Voi Xanh, Cá Rồng Đỏ và Lan Đỏ. Cho dù những mỏ dầu này cũng không thể cứu vãn được sự hao kiệt trữ lượng dầu mà nhiều khả năng sẽ xảy ra trước năm 2025, đó vẫn là một thứ phao cứu sinh dành cho kẻ khốn quẫn vì đang nợ đầm đìa nước ngoài ít nhất 200 tỷ USD.
Thế nhưng bi kịch đang hiện ra một phần tất yếu của nó: Việt Nam không những phải ‘giương cờ trắng’ tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở phía Nam, mà còn phải ‘quy hàng thiên triều’ ở mỏ Lan Đỏ ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ còn mỗi mỏ Cá Voi Xanh là tạm thời bình an vô sự vì đối tác của Việt Nam là Tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobile của Hoa Kỳ.
Sau hai lần liên tiếp phải tháo chạy khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đến đầu năm 2018 chính thể độc đảng ở Việt có vẻ ‘khôn ra’ khi tìm cách dựa dẫm vào Công ty dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft để khoan giếng LD-3P, thuộc mỏ khí ngoài khơi Lan Đỏ ở Lô 06.1, cách phía đông nam Việt Nam 370 km.
Nhưng vào năm 2018, ngay cả Rosneft của người Nga cũng rơi vào tình trạng cám cảnh như Repsol của Tây Ban Nha khi bắt đầu bị Trung Quốc gây sức ép phải rời bỏ mỏ Lan Đỏ.
Vào tháng Năm năm 2018, 4 tháng trước chuyến đi Nga của Nguyễn Phú Trọng, Rosneft đã phải lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng hoạt động khoan dầu mới hợp tác với Việt Nam trong khu vực Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận. Một công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng là Wood Mackenzie cho biết lô này nằm trong khu vực đường lưỡi bò chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra.
Tuyên bố của Rosneft được đưa ra vào lúc tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng lên tiếng cảnh cáo là không một quốc gia, tổ chức, công ty hoặc cá nhân nào có quyền tiến hành thăm dò hoặc khai thác dầu khí trong vùng biển của Trung Quốc nếu không được phép của Bắc Kinh.
Tuy không nói rõ chi tiết về kế hoạch hợp tác khai thác dầu khí, nhưng sau cuộc gặp Trọng - Putin đã có thông tin về việc Tổng bí thư Trọng muốn thúc giục Nga cần mạnh mẽ hơn trong kế hoạch khai thác mỏ Lan Đỏ và bảo vệ quá trình khai thác đó. Hẳn là vào lúc đó ông Trọng đã ngửi thấy hơi thở tham lam và thối tha của cái lưỡi bò 9 đoạn khiến cho ông ta đã cảm thấy suýt ngạt thở vì tuyệt vọng trong kế sách tìm dầu thô nuôi đảng.
Trong một cử chỉ không cần kềm chế lòng tham vô độ, Trung Quốc đã cho vẽ lại ‘đường lưỡi bò 9 đoạn’ mà đã ‘liếm’ hầu hết khoảng 67 vị trí có dầu của phía Việt Nam, trong đó có mỏ Lan Đỏ. Bản vẽ mới toanh này sẽ là ‘cơ sở pháp lý’ để Bắc Kinh, trong lúc chẳng cần quái gì đến cơ sở pháp lý nào từ Công ước UNCLOS 1982 về biển, sẽ tiến hành một chiến dịch mới để biến dầu của người thành dầu của mình.
Tuy nhiên, thái độ của người bạn được xem là truyền thống của Việt Nam - Nga Xô viết và nay chỉ còn là nước Nga - lại không hề làm giới chóp bu Việt Nam an tâm. Đơn giản là trong toàn bộ vụ Hải Dương 981 vào năm 2014, Moscow đã giữ im lặng, cho dù quốc gia này vẫn chiếm đến 90% lượng vũ khí cung cấp cho Việt Nam, tính đến thời điểm này.
5 năm sau vụ Hải Dương 981, người Nga lại chẳng có ý kiến gì về vụ tàu Trung Quốc xâm nhập Bãi Tư Chính. Một lần nữa, giới chóp bu Việt Nam đã trắng mắt: trong khi bị ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc bắt nạt càng lúc càng quá quắt và dồn vào chân tường, chính thể này lại bị hầu hết 11 quốc gia ‘đối tác chiến lược’ còn lại, trong đó có cả Nga, thản nhiên quay lưng như không biết chuyện gì đang xảy ra.
Sự im lặng đầy chủ ý của người Nga đã có thể được lý giải phần nào: Putin đã và đang trở thành một đồng minh thân cận của Tập Cận Bình trong cuộc chiến tranh lạnh đang được khởi động với người Mỹ. Cái hệ trục mới ấy - dù dĩ vãng đã từng xung đột biên giới nhưng giờ đây lại được gắn bó bởi tinh thần ‘chống Mỹ’, có thể sẽ coi mỏ Lan Đỏ chẳng có ý nghĩa gì đáng kể.
Đã có lần Tổng thống Putin thể hiện tình đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc bằng cách Nga từ chối công nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 phản đối ‘đường lưỡi bò chín đoạn’, để đổi lại việc Trung Quốc ủng hộ Nga trong vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014. Sau đó Nga cũng trở nên lạnh lẽo với Việt Nam cứ mỗi khi xảy ra những gấu ó Việt - Trung ở Biển Đông.
Logic của sự im lặng của Nga đang dẫn ra một nguy cơ mới đối với giới chóp bu Việt Nam: nếu Putin và Tập Cận Bình đã hoặc sẽ thỏa thuận được với nhau một lợi ích hoặc một điểm chung chính trị nào đó lớn hơn hẳn lợi nhuận từ mỏ Lan Đỏ, thì cho dù Rosneft là tập đoàn có cổ đông chính là chính phủ Nga, tương lai vẫn sập cửa trước Rosneft để tập đoàn này cũng sẽ phải cuốn cờ tháo chạy khỏi vùng chủ quyền Việt Nam như Repsol đã từng như thế. Còn những cái ghế trong Bộ Chính trị người Việt sẽ mất cả chì lẫn chài ở vùng biển đông nam.
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét