Từ nay xin gọi ông Vượng bằng ‘Bác’
Nguyễn Hùng - Bác Vượng nói cho tới giờ này bác đã kinh doanh ở Việt Nam được 25 năm. Cho tới giờ này Bác cũng chỉ giàu lên chủ yếu từ đất có được từ đầu tư vào quan hệ với các chính trị gia mà không ít người có lòng tham vô đáy. Trong môi trường kinh doanh “nhất tiền tệ, nhì hậu duệ” ở Việt Nam, thật là điều kỳ diệu nếu khối tài sản hơn sáu tỷ đô la của ông Vượng đã có được mà chẳng có sự “nâng đỡ không trong sáng nào”. Muốn biết thì phải có những điều tra công phu của cánh báo chí mà ở các nước khác được coi là quyền lực thứ tư chuyên rọi đèn pha vào những góc tối. Còn ở ta, tiếc thay, báo chí chỉ như ngọn đèn dầu trước gió mà gió xứ ta lại to nên đèn khi tối khi sáng. Vậy nên những gì Bác Vượng nói cũng chỉ là một nửa sự thật thôi. Bác lái cánh báo chí thế là tài lắm rồi.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tập đoàn Vingroup
Lâu lắm tôi không vào lớp học phổ thông cơ sở nào ở Việt Nam. Hôm trước tình cờ xem ảnh lớp học trên mạng thấy vẫn treo ‘năm điều Bác Hồ dạy’:Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm
Mới đây đọc bài phỏng vấn ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam trên báo Tuổi Trẻ, lại thấy ông này nói: “Tôi xây dựng văn hóa của Vingroup đúng 3 điểm: một là yêu nước, hai là kỷ luật, ba là văn minh. Chốt lại có đúng 3 từ đấy thôi.” So sánh thấy cũng hao hao giống nhau. Lại thêm điểm tỷ phú Vượng chẳng có tì vết gì nên lại càng giống.
Chỉ có điều các cháu bây giờ có vẻ chẳng nghe lời Bác Hồ nữa rồi, chỉ nghe có Bác Vượng thôi. Yêu tổ quốc gì mà hết hàng chục lại đến hàng trăm người sang nước người ta rồi trốn ở lại. Có những vùng đông đảo người dân rủ nhau bỏ phiếu bằng chân tới các nước tư bản bằng cách đi chui, vờ du lịch tới các quốc gia gần EU rồi tìm cách trốn vào.
Trong lớp giờ các cháu bắt chước các cô, hết chửi nhau lại sang tát nhau. Người Việt vẫn chia làm hai phe, cờ đỏ và cờ vàng, chưa biết ngày nào mới đoàn kết. Cái khoản giữ gìn vệ sinh thân thể thì không dám bàn nhưng vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường thì thuộc tốp hàng đầu tính từ dưới lên trong một số lĩnh vực.
Khoản thật thà không rõ bao giờ mới lại được như ngày xưa. Giờ nghệ sỹ lên sân khấu chụp ảnh xuống đã mất túi. Người Nhật biết người Việt hay trộm đồ nên ghi hẳn biển ở một số nơi trong nước họ, nhắc nhở dân Việt rằng “lao động là vinh quang”.
Còn dũng cảm thì buộc phải dũng cảm thôi. Không đội nồi cơm điện xuống đường thì còn biết đi bằng gì dù số người chết và bị thương trên đường bộ cứ hai năm lại bằng tổn thất nhân mạng của trận Điện Biên Phủ.
Tóm lại năm điều Bác Hồ dạy chỉ treo đó làm cảnh thôi. Giờ người ta nghe Bác Vượng rồi. Bác Vượng còn oai hơn cả thủ tướng. Nhớ dạo cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đặt câu hỏi ai cấp phép cho toà nhà trên 50 tầng góp phần làm hạ tầng quá tải ở nội đô thì câu hỏi đó đã rơi vào hư không. Các báo dẫn lại câu hỏi này đồng loạt sửa tít và nội dung. Chỉ vì toà nhà 50 tầng đó có công ty của Bác Vượng tham gia.
Sau khi có phỏng vấn mới nhất với ông Vượng với Tuổi Trẻ và Thanh Niên, nhiều ý kiến đặt lại các vấn đề mà trước đây không bao giờ được báo chí chú ý tới vì tầm ảnh hưởng của Bác Vượng cao và xa quá. Một bình luận trên Facebook viết:
“Không có bất kỳ cái gì chỉ có một mặt mà chúng đều tổ thành bởi các mặt đối lập, Vingroup không phải là ngoại lệ.
“[T]hí dụ: [H]ọ “làm việc” với Chính quyền [thành phố Hồ Chí Minh] thế nào (thời [ông] Lê Thanh Hải chưa về hưu) mà vị trí tuyệt đẹp của Sở Giáo dục [thành phố] (trước là nơi làm việc của Bộ Văn hoá – Giáo dục và [T]hanh niên thời chế độ cũ) biến nhẹ nhàng thành Vincom bề thế, hoành tráng, còn sở bị thu hẹp thành toà cao ốc dẹp lép 12 tầng, như cái chuồng chim cu!!!
“Hồi đó nhiều ý kiến phản đối mà không được!?”
Với khả năng chi phối chính giới và báo giới, những nhận xét mà Bác Vượng không thích chỉ có thể tồn tại trên không gian có nút thích. Đây là một dòng tâm trạng khác cũng trên Facebook từ tháng 8/2018:
“Nói về tài năng kiếm tiền, tôi kính nể anh Phạm Nhật Vượng. Nhưng cách Vin group bịt các thông tin xấu về mình trên báo chí là không thể chấp nhận được.
“Hi vọng đó không phải là chủ trương của anh Vượng, ngược lại đó là mối nguy cho một "đế chế" mà anh đã ra sức xây dựng. Mới đây là ngộ độc thức ăn trong trường học đe dọa sức khỏe, tính mạng của hàng trăm học sinh (tôi có viết, sau đó fb bị hack). Giờ thì tòa nhà cao nhất VN bị cháy #landmark từ sáng giờ, nhưng báo chí không có lấy một dòng tin. (?!)”
Bác Vượng nói cho tới giờ này bác đã kinh doanh ở Việt Nam được 25 năm. Mặc dù Bác vẽ ra một tương lai đáng nể cho Vingroup trong đó có việc lấy công nghệ làm đầu, đó vẫn là chuyện tương lai. Cho tới giờ này Bác cũng chỉ giàu lên chủ yếu từ đất có được từ đầu tư vào quan hệ với các chính trị gia mà không ít người có lòng tham vô đáy. Trong môi trường kinh doanh “nhất tiền tệ, nhì hậu duệ” ở Việt Nam, thật là điều kỳ diệu nếu khối tài sản hơn sáu tỷ đô la của ông Vượng đã có được mà chẳng có sự “nâng đỡ không trong sáng nào”. Muốn biết thì phải có những điều tra công phu của cánh báo chí mà ở các nước khác được coi là quyền lực thứ tư chuyên rọi đèn pha vào những góc tối. Còn ở ta, tiếc thay, báo chí chỉ như ngọn đèn dầu trước gió mà gió xứ ta lại to nên đèn khi tối khi sáng. Vậy nên những gì Bác Vượng nói cũng chỉ là một nửa sự thật thôi. Bác lái cánh báo chí thế là tài lắm rồi.
Nguyễn Hùng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét