Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

Nhà thơ, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Tạo qua đời

Đời người có số, sinh ra hay chết đi đều bất ngờ, đều do trời định. Tuy nhiên, con người cũng có thể tác động làm số phận mình thay đổi tốt lên hay xấu đi một tỷ lệ nào đó so với số phận. Điều này tương tự như nền kinh tế. Bản thân nền kinh tế là một hệ thống; nó tự thân vận động theo quy luật phát triển của xã hội loài người. Có Đảng hay không có Đảng lãnh đạo thì nền kinh tế vẫn phát triển theo quy luật; nhưng có Đảng lãnh đạo thì có thể tác động làm quá trình phát triển của nó thay đổi, tốt lên hay xấu đi một tỷ lệ nào đó so với để nền kinh tế phát triển tự nhiên. Tôi không quan tâm đến bác Tạo vì tôi không thích thơ (ghét thơ từ khi phải học thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Lê Đức Thọ, Sóng Hồng tức Trường Chinh...), nhưng đôi khi vẫn vô tình đọc được một số tin, xem một số ảnh về bác. Ấn tượng của tôi là bác hay khoe cảnh rượu chè, thuốc lá và liên hoan. Mỗi khi xem, tôi đều nghĩ sung sướng, hạnh phúc gì mà khoe những thứ đó, chỉ tổn thọ chứ hay ho gì ? Còn sức khỏe và thích hoạt động thì nên làm cái gì hữu ích cho dân, cho nước chứ cứ tụ tập rượu chè khen nịnh lẫn nhau thì quá vô bổ. Năm ngoái đọc tin bác bị ung thư phổi, tôi đã nghĩ cứ thế này thì bác sẽ không thọ lâu. Từ hàng chục năm trước, tôi vẫn khuyên các bạn thanh niên nên sống điều độ, đừng ham muốn hay tham vọng nhiều, đặc biệt nên bỏ rượu và thuốc lá, tránh những nơi ô nhiễm... Thực tế khi chúng ta còn trẻ và khỏe, ta tưởng chúng không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe vì không thấy bị ốm đau. Nhưng thực ra không phải vậy. Tất cả độc tố đó sẽ được giữ lại trong cơ thể, chờ khi chúng ta già, tức là ngoài 60 tuổi, sẽ phát tác. Đây là luật nhân quả, không tránh được.
Nhà thơ, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Tạo qua đời ở Hà Nội
7 tháng 1 2019 - Nhà thơ, nhạc sỹ, nhà báo Nguyễn Trọng Tạo, người có các bài thơ về cuộc chiến Campuchia đúng 40 năm trước, vừa qua đời tối 7/1 ở Hà Nội. Tin này được các bạn văn của ông Nguyễn Trọng Tạo, sinh năm 1947 ở Nghệ An, thông báo tối thứ Hai trên mạng Facebook. Gần đây, ông về quê Diễn Châu dự đêm nhạc "Nguyễn Trọng Tạo - Khúc hát sông quê" diễn ra ngày 10/8/2018 tại Nghệ An.

Nhà thơ, nhạc sỹ, nhà báo Nguyễn Trọng Tạo
Là cựu sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam (nhập ngũ năm 1969), ông Nguyễn Trọng Tạo đại diện cho một thế hệ đã trải qua ba cuộc chiến, và sau này ủng hộ cho quan điểm dân chủ hóa đất nước về nguyên tắc. Hồi tháng 2/2016, ông nói với BBC: "Hãy ngày càng mở rộng dân chủ đi, càng mở rộng dân chủ thì đất nước mới tiến bộ được nhiều hơn. Ông cũng kêu gọi nhìn vào nhân dân, giải phóng dân trí và nhìn ra thế giới: "Hãy phất một lá cờ làm sao đấy cho đất nước tiến bộ, đất nước giải phóng qua tất cả những khó khăn, giải phóng qua công nợ, giải phóng qua những dân trí và đặc biệt phải đi song hành với một thế giới mới."

"Tôi cũng biết ngay những người làm luật pháp, làm Hiến pháp, họ cũng thấy có những áy náy của họ, chứ không phải tất cả đều như nhất đâu.

"Điều này (bầu cử), tôi nghĩ có lẽ phải cải cách hơn, phải mở cửa hơn nữa đối với công dân của Việt Nam trong tất cả quyền lợi của họ.

"Chứ không phải chỉ Đảng mới có quyền để điều chỉnh tất cả quyền công dân của tất cả người dân Việt Nam.

"Và tôi hy vọng rằng trong một chế độ mà phát huy được dân chủ, thì người dân sẽ nâng cao được dân trí.

"Và họ biết bầu người của mình vào cái chỗ thay mặt họ lãnh đạo đất nước," ông Nguyễn Trọng Tạo nói với BBC, tỏ ý tin tưởng vào hướng đi đó trong lúc một phần dư luận chính thống vẫn cho rằng "dân chủ đa nguyên" chỉ đem lại hỗn loạn do người dân chưa trưởng thành.

Tháng 1 năm đó, ông bình luận về Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam rằng nếu sau Đại hội Đảng 12 mà vẫn diễn ra tình trạng 'tân quan cựu chính sách' thì 'sẽ là một điều đáng buồn.

"Tân quan tân chính sách là người ta nói đúng, thế còn tân quan cựu chính sách thì cái đấy là một cái thật đáng buồn. Bởi vì người Việt nói là 'cờ đến tay ai người ấy phất', tôi mong những người trẻ hãy dũng cảm lên và hãy vì đất nước.

Ông cũng kêu gọi nhìn vào nhân dân, giải phóng dân trí và nhìn ra thế giới:

"Hãy phất một lá cờ làm sao đấy cho đất nước tiến bộ, đất nước giải phóng qua tất cả những khó khăn, giải phóng qua công nợ, giải phóng qua những dân trí và đặc biệt phải đi song hành với một thế giới mới."

Tuy thế, ông cũng bị một số người phê phán.

Hồi 2013, trên trang nguyentandung.org có bài viết:

"Giá như ông cứ chuyên chú vào nhạc, lấy nhạc thức tỉnh lòng người, làm tuôn trào nước mắt của những kẻ đa cảm thì tuyệt vời biết bao. Đằng này, con người tài hoa ấy đã bị dẫn dụ bởi những hoang tưởng chính trị..."

"Chẳng biết tự bao giờ, một Trọng Tạo bơ phờ đang hổn hển cố leo dốc chính trị trong sự tuyệt vọng. Chẳng biết hào quang nào làm lóa mắt một nhạc sĩ làm ông buông đàn cầm gươm chém tới cái cối xay gió và tự huyễn hoặc mình là người hiệp sĩ chính trị, ví như đã có lần ông so sánh mình với Nguyễn Khoa Điềm trong bài viết "Hai bài thơ nhân dân của Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Trọng Tạo".


Thơ về Campuchia

Ngoài thơ, ông Nguyễn Trọng Tạo còn là nhạc sĩ, công tác tại tạp chí Âm nhạc và Thời đại của Hội nhạc sĩ Việt Nam, đã có tám giải thưởng âm nhạc, theo trang Dân Trí hôm 7/1/2019.

Nhà thơ qua đời đúng vào dịp Việt Nam và Campuchia làm lễ kỷ niệm 40 năm ngày quân đội Việt Nam tiến vào Phnom Penh lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Ông Nguyễn Trọng Tạo từng viết thơ về cuộc chiến này, nói cả về sự phản bội của Bắc Kinh, cựu đồng minh của Bắc Việt Nam một thời:

"Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ
Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ
Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ
Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn

Sau cái bắt tay xoè một lưỡi da giao găm
Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở
Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
Tay ta treo đâu nghĩ có một lần!...

Như con chiên sung đạo chợt bàng hoàng
Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá
Thời tôi sống thêm một lần súng nổ
Trái tim đau rỏ máu dọc biên thu."

Nhưng nổi tiếng hơn cả là bài "Hát ru em bé Campuchia" của ông, viết năm 1978:

"Đừng khóc nào, bé ơi
Anh ru bằng tiếng Việt
Em làm sao hiểu được
Vậy mà anh cứ ru

Đừng khóc nào… tháng Tư
Trời xanh sang ngọn gió
Nhìn dừa em có nhớ
Hàng thốt nốt quê em?

Ôi tay anh tay anh
Có giống bàn tay bố
Lần bố về vội vã
Ôm con rồi ra đi?

Thôi nhắc lại làm chi
Cái lần chia tay ấy
Bố em đi không về
Xác nằm bên lửa cháy!

Ôi tay anh tay anh
Có giống bàn tay mẹ
Ôm con khi mẹ ngã
Đạn xuyên từ sau lưng?

Gửi em lại cho anh
Mắt mẹ khép trời xanh
Tay anh bồng tiếng khóc
Đạn bay vèo sém tóc!...

Đừng khóc nào đừng khóc
Nín rồi em đừng quên
Kẻ nào xui bố em
Nổ súng vào lẽ phải

Kẻ nào giết mẹ em
Khi tránh vùng máu chảy!
Chúng nó đang hủy hoại
Tổ quốc Campuchia

Ngủ say, em ngủ say
Mặc tiếng gầm đại bác
Mai rồi em hiểu hết
Những gì anh ru em.

Mai rồi em lớn lên
Rửa hờn cho tổ quốc
Cho những vòm thốt nốt
Ru xanh trời Tự Do…"

https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-46786011


Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo qua đời ở tuổi 72

Tối 7/1, tác giả "Khúc hát sông quê" mất ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sau khoảng một tuần hôn mê. Gia đình nhạc sĩ cho biết ông hôn mê sâu từ sau Tết Dương lịch, phải nhờ máy móc hỗ trợ để duy trì. Hơn một năm nay, sau cơn tai biến mạch máu não, sức khoẻ ông giảm sút trầm trọng. Tháng 4 năm ngoái, ông phát hiện thêm bệnh ung thư phổi.



Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hồi tháng 7 năm ngoái. Ảnh: HBN.

Vài chục năm nay, nhạc sĩ sống một mình trong căn chung cư ở Linh Đàm, Hà Nội. Con gái lớn của ông đã lập gia đình, con trai thứ làm việc tại Huế, con gái út du học ở Italy. Những năm tháng cuối đời, ông ở cùng cháu. Con gái lớn nhạc sĩ thường xuyên đưa gia đình sang nhà thăm nom, nấu cơm và dùng bữa cùng ông. Ngoài 70 tuổi, ông vẫn làm nhiều việc như viết báo, thiết kế, biên tập, làm thơ... Ông tổ chức thành công liveshow ở Hà Nội tháng 9/2017 và ở quê nhà Nghệ An hồi tháng 8 năm ngoái.


Anh Thơ hát "Khúc hát sông quê".

Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 ở Nghệ An. Ông là nhà thơ, họa sĩ, nhà báo. Nguyễn Trọng Tạo từng là Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2003 đến 2004. Ông là tác giả các ca khúc đậm chất dân gian như Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang, Tình ca bên một dòng sông, Non nước Cao Bằng, Mẹ tôi... Ông cũng viết nhiều tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc).

* Những ca khúc đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo

Hà Thu
https://vnexpress.net/giai-tri/nhac-si-nguyen-trong-tao-qua-doi-o-tuoi-72-3864768.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét