Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

Mỹ rút khỏi INF, Nga có đòi lại được Alaska?

Mỹ rút khỏi INF, Nga có đòi lại được Alaska?
Nga có thể đòi lại bang Alaska đã từng bán cho Mỹ như cách Washington rút khỏi thỏa thuận INF. Nhà sử học người Nga Nikolay Starikov mới đây đã tuyên bố cho rằng, Nga có thể đáp trả hành động của người Mỹ khi rút khỏi Hiệp ước Lực lương hạt nhân Tầm trung (INF) bằng cách rút khỏi thỏa thuận trao vùng Alaska cho Mỹ. Ông Starikov cho biết, thỏa thuận năm 1867 trao Alaska trở thành một vùng lãnh thổ Mỹ để đổi lại 7,2 triệu USD thực chất là một sự nhượng quyền, không phải thỏa thuận mua bán.

Tờ séc trị giá 7,2 triệu USD của Mỹ khi mua lại Alaska của Nga.
"Thỏa thuận về nhượng quyền lãnh thổ cho Mỹ nhưng không chỉ định trong bao lâu. Có nghĩa là công thức "mãi mãi" vốn là truyền thống trong các Hiệp ước ngoại giao đã không được đề cập đến ở đây" - ông Starikov nói. Vị sử học gia cho rằng, Nga có thể nói lý lẽ về việc rút khỏi thỏa thuận này như cách Mỹ nói lý lẽ về việc họ rút khỏi thỏa thuận INF.

Theo ông Starikov, Nga nên nhấn mạnh rằng, thỏa thuận về việc bàn giao Alaska cho Mỹ “đã lỗi thời vì nó đã được ký kết trong một thực tế địa chính trị khác" như:

Thứ nhất, Mỹ tự chịu trách nhiệm cho việc phá vỡ thỏa thuận vì họ không chỉ liên tục vi phạm tất cả các thỏa thuận đặc biệt, (người Mỹ chưa hoàn thành tất cả các nghĩa vụ của họ).

Thứ hai, việc Nga rút khỏi thỏa thuận này không trực tiếp chống Mỹ, nhưng nhằm mở rộng các cơ hội giao dịch của Nga. Điều này sẽ thuận tiện hơn để cạnh tranh với Trung Quốc về mặt thương mại.

Thứ ba, Nga với tư cách là người kế nhiệm Liên Xô, sẵn sàng hoàn trả 7,2 triệu USD cho Mỹ và rút khỏi thỏa thuận nhượng quyền, yêu cầu Mỹ trả lại Alaska dưới quyền tài phán của mình.

Thứ tư, Nga là người bảo vệ quyền sở hữu của những người thừa kế chủ sở hữu Công ty Nga- Mỹ (RAC) - công ty có công phát triển và quản lý lãnh thổ này. Nga buộc phải công nhận thỏa thuận năm 1867 với Mỹ là vô hiệu và tuyên bố trả lại tiền cho họ.

Công ty RAC được thành lập từ các nhà thám hiểm - các doanh nhân Nga thế kỷ 18, những du khách và doanh nhân dũng cảm. Sau đó, khi ông chủ của RAC tài năng là Alexander Baranov từ chức, một Trung úy quân đội Nga đã lên thay và đổi sạch hệ thống nhân viên cũng như cổ đông của công ty; ra quy chế chỉ có sĩ quan hải quân mới có thể được lãnh đạo công ty. RAC sau đó thua lỗ và trở thành một trong những gánh nặng của Sa Hoàng Aleksander II.


Alaska là một giấc mộng của người Nga.

Kiến nghị lấy lại Alaska của ông Nikolay Starikov không phải là mới. Ý tưởng này hiện hữu trong nhiều người dân Nga.

Phó Thủ tướng Nga khi đó là ông Dmitry Rogozin đã khẳng định việc "đòi lại" Alaska là ý tưởng hoàn toàn nghiêm túc của nhiều người Nga.

Ngay cả người dân Mỹ cũng từng có ý định này. Một lá đơn thỉnh cầu Nga sáp nhập trở lại Alaska đăng trên trang web của Nhà Trắng đã từng thu được trên 35.000 chữ ký trước khi bị gỡ bỏ.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin không nghĩ về vấn đề Alaska như vậy.

Tháng 4/2014, trả lời câu hỏi của một công dân Nga về việc sáp nhập Alaska, ông chủ Điện Kremlin nói: "70% lãnh thổ của đất nước chúng ta nằm ở Bắc bán cầu, thậm chí gần cực. Ở Alaska quá lạnh, chúng ta không nên tiến về phía đó nữa".

Với diện tích 1,7 triệu km2, Alaska rộng gấp hai lần bang Texas và là nơi chiếm gần một nửa lượng sông băng trên thế giới.

Để nhắc lại thỏa thuận lịch sử này, tờ báo Russia Beyond của Nga hồi năm 2014 đã có bài viết ghi lại hoàn cảnh lịch sử này.

Trong thời điểm Công ty RAC gặp khủng hoảng, cuộc chiến tranh Crimea nổ ra. Anh Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đứng chống lại Nga. Rõ ràng là Nga không thể cung cấp và bảo vệ Alaska khi các tuyến đường biển được kiểm soát bởi các tàu của các đồng minh. Có một nỗi lo sợ rằng người Anh có thể chặn Alaska, và sau đó Nga sẽ không còn gì.

Khi đó, quan hệ của Nga với chính quyền Mỹ ấm hơn bao giờ hết. Cả hai bên gần như đồng thời nảy ra ý tưởng bán Alaska. Vì vậy, Baron Eduard de Stoeckl, phái viên của Nga tại Washington, đã mở cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là William Seward về thỏa thuận bán phần lãnh thổ này.

Cũng có thông tin cho biết, trước nguy cơ miền Bắc nước Mỹ bị tấn công do liên quân Anh - Pháp kích động cộng đồng dân cư phía Nam nước Mỹ, Nga hết sức lo lắng và Sa Hoàng Aleksander II ra lệnh đem quân sang Mỹ để chặn đứng cuộc tấn công này.

Nội chiến qua đi, thử thách cho nước Mỹ là phải thanh toán khoản chi phí cho hai hạm đội của Nga, trị giá 7,2 triệu USD. Tuy nhiên, luật pháp Mỹ không cho phép Tổng thống thanh toán chiến phí cho chính phủ nước ngoài.

Để hợp thức hóa điều này, Mỹ đã đề nghị Nga nhượng lại vùng đất Alaska cho mình, với cái giá bằng đúng khoản chiến phí: 7,2 triệu USD.

Đối với Nga, Alaska khi đó là một "đứa con hoang" xa xôi. Alaska khiến Sa hoàng Aleksander II, vốn đang mệt mỏi do cuộc chiến Crimea, gặp không ít khó khăn trong việc phòng thủ, đặc biệt trong bối cảnh các nước châu Âu ngày càng mạnh và nung nấu ý định mở rộng lãnh thổ. Nga cũng từng có ý định bán Alaska cho Mỹ vào đầu thế kỷ 19.


Tổng thống Putin không định lấy lại Alaska.

Dư luận Mỹ cũng bị chia rẽ vì thương vụ này. Nhiều người cho rằng khoản tiền hàng triệu USD cho một vùng đất xa xôi và quanh năm lạnh giá là quá hoang phí.

Cuối cùng, ngày 30/3/1867, tại Washington, Nga và Mỹ đã ký thỏa thuận mua bán Alaska với giá 7,2 triệu USD, một khoản tiền được cho là chỉ mang tính tượng trưng.

Hơn một thế kỷ sau thương vụ mua bán đầy lạ lùng và tranh cãi, "hộp băng" Alaska trở thành mảnh đất màu mỡ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Mỹ.

Đông Phong

http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-rut-khoi-inf-nga-co-doi-lai-duoc-alaska-3368420/

1 nhận xét:

  1. Đăn cứ trên giấy tờ thì dã bán lấy tiền rồi , thì luật pháp nào cho phép trả tiền lấy hàng lại ?

    Trả lờiXóa