Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Kỳ vọng gì từ Tân Chủ tịch nước Việt Nam?

Kỳ vọng gì từ Tân Chủ tịch nước Việt Nam?
"Đã nhiều lần TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên bố 'Đảng không được ôm đồm' nhưng tôi thấy lần này cá nhân ông Trọng vô cùng ôm đồm. Ông vừa là Tổng bí thư của Đảng Cộng sản, vừa là Bí thư Quân ủy Trung ương, vừa là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương và Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ông cũng là đại biểu Quốc hội từ Hà Nội. Hội nghị Trung ương 8 vừa rồi quyết định mở ra 5 tiểu ban sửa soạn cho Đại Hội thứ 13, và nay cũng TBT Trọng nắm hai tiểu ban là Trưởng Tiểu ban Văn kiện và Trưởng Tiểu ban Nhân sự. "Năm nay ông ấy đã 74 tuổi mà một mình giữ đến 8 chức vụ, chức vụ nào xem ra đều vô cùng quan trọng cho Đảng Cộng sản, thì đây là một dấu hiệu vô cùng bế tắc không biết phải làm gì của không riêng ông Trọng mà của cả Đảng Cộng sản Việt Nam.
TBT Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống 
Donald Trump ở Hà Nội hôm 12/11/2017
Có ý kiến rằng TBT Nguyễn Phú Trọng cần đẩy mạnh chống tham nhũng và có thái độ rõ ràng với Trung Quốc ngay khi lên làm chủ tịch nước.
Cùng lúc cũng có các ý kiến quốc tế cho rằng đây là giai đoạn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang 'rất tự tin' vì không còn ai là đối thủ.
Đồng thời cũng có câu hỏi về việc ông nắm nhiều chức vụ một lúc là dấu hiệu gì cho chính trị Việt Nam trong khi mâu thuẫn Mỹ - Trung ngày càng lộ rõ.

Ngày 23/10, Quốc hội Việt Nam dự kiến chính thức bỏ phiếu bầu chức danh chủ tịch nước với ứng viên duy nhất là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản.

Trước đó, 100% đại biểu tại Hội nghị Trung ương 8 đã "tín nhiệm giới thiệu" Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam.

Sự kiện này sau đó được ông Trọng giải thích rằng là "tình huống" chứ không phải "nhất thể hóa", xảy ra sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột qua đời khi đang tại vị.

Bình luận về cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra hôm 23/10, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, với nói BBC hôm 22/10:

"Kết quả này là tất yếu, tất nhiên, không có gì phải trông chờ. Nếu có hồi hộp thì là không biết có một số phiếu lẻ tẻ không đồng ý hay không. Nhưng khả năng là không có gì bất ngờ. Đó là một việc đã an bài rồi."

"Theo điều 4 Hiến pháp thì Đảng Cộng sản lãnh đạo nhà nước và xã hội. Cho nên một người đứng đầu Đảng được Ban chấp hành Trung ương bỏ phiếu 100% ra ứng cử chức Chủ tịch nước, thì tôi nghĩ rằng đó chỉ là một kiểu để hợp thức hóa thôi."

Từ khi phương án này được đưa ra đầu tháng 10/2018, báo chí Việt Nam đã đồng loạt trích dẫn cử tri và quan chức khen ngợi cách làm này.

"Tôi và cử tri cả nước rất phấn khởi trước thành công của hội nghị Trung ương 8. Đây là hội nghị lịch sử thể hiện sự tin tưởng của toàn Đảng, toàn dân trước sự lựa chọn sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương khi tiến cử Tổng bí thư để Quốc Hội bầu làm Chủ tịch nước, " cử tri Lê Đức Hạnh, phường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội được báo Việt Nam trích lời nói như vậy.

"Nên tranh cử trong Đảng"


Nay, LS Trần Quốc Thuận nói trong một nước độc đảng, và đảng viên trong Quốc hội chiếm trên 95% như ở Việt Nam thì chuyện có người khác ra ứng cử trong số 5% không phải đảng viên đó là "gần như không thể xảy ra".

Luật sư Thuận cũng nói trong khi chưa thể có chuyện người ngoài đảng ra ứng cử thì nên có sự tranh cử trong Đảng.

"Như trước kia có cuộc bầu cử chức Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng [nay là chức Thủ tướng] giữa ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt [năm 1988, thay cho ông Phạm Hùng chết đột ngột] thì cuối cùng ông Mười [lúc đó là thường trực Ban bí thư] trúng cử, ông Kiệt [lúc đó là phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng] thì được khoảng gần bốn chục phần trăm phiếu bầu. Lần đó có lẽ cũng là lần duy nhất."

"Tôi đã từng và nói với những người có trách nhiệm rằng ở một đất nước có một Đảng lãnh đạo, có một ứng viên nắm toàn diện và lãnh đạo hết, thì khả năng có người đứng ra tranh cử là gần như không có."

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Triệu Lạc Tế chiều 27/09 tại Hà Nội, trong chuyến đi của ông Triệu tới VN viếng Chủ tịch Trần Đại Quang và gặp gỡ nhiều quan chức chủ nhà

"Điều mong muốn của tôi là trong đảng nên có tranh cử. Nếu có tranh cử trong đảng, một chức vụ như bí thư, chủ tịch, từ địa phương, thành phố trực thuộc trung ương hay quận huyện, lên tới trung ương, thì đó cũng là cách để kiểm soát trình độ năng lực và đặc biệt là phòng chống tham nhũng tốt."

"Cái tôi mong muốn là một cuộc tranh cử công khai, minh bạch, và nhân dân có quyền chọn lựa người lãnh đạo đất nước này. Hi vọng trong một tương lai nào đó chuyện đó sẽ xảy ra."

"Việc này Đảng đã quyết định hết rồi. Nhân dân Việt Nam nói một cách nào đó đã đồng ý chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng. Đảng từ bấy đến giờ cho ai làm gì là việc của Đảng. Chính quyền này, đất nước này là của Đảng rồi. Cho nên nếu có trông chờ gì thì chỉ trông chờ ở thì tương lai thôi."

'Những việc cần làm ngay'

Cũng theo luật sư Trần Quốc Thuận, ngay sau khi lên làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng cần làm ngay những việc mà khi làm Tổng bí thư, ở cương vị Đảng, ông còn "lấn cấn".

"Đó là đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng một cách quyết liệt, ở những điểm nóng như vụ Thủ Thiêm, và không có vùng cấm. Như thế thì người dân sẽ hài lòng.

"Ngoài ra, những cải cách về thủ tục hành chính mà ông đã đưa ra thì khi ông ngồi vào vị trí đó cần đẩy mạnh tốt hơn."

"Và phải có thái độ rõ ràng, công khai với các nước xung quanh, nhất là với Trung Quốc."

"Hi vọng lần này ông Trọng làm hai nhiệm vụ thì phải đẩy mạnh hoạt động của cơ quan nhà nước tích cực hơn, sắc nét hơn. Không biết ông phân bố thời gian thế nào. Cả hai nhiệm vụ đó đều quan trọng cả. Hãy chờ xem," luật sư Thuận nói với BBC từ TP Hồ Chí Minh.

'Rất tự tin' nhưng có câu hỏi về việc nắm nhiều chức vụ

Trong khi đó, ý kiến quốc tế bình luận trước sự kiện bỏ phiếu ngày 23/10 rằng nếu việc sát nhập hai chức danh này [Tổng bí thư và Chủ tịch nước] là vĩnh viễn, thì ông Trọng đã 'rất tự tin', theo Michael Tatarski viết trên AL JAZEERA NEWS.

"Nếu việc này là vĩnh viễn thì ông Trọng đã rất tự tin, không chỉ về quyền lực cá nhân, mà còn về khả năng giành ảnh hưởng để trở thành Tổng bí thư nhiệm kỳ tiếp theo," bài báo trích giáo sư Zachary Abuza, nhà bình luận các vấn đề chính trị và an ninh Đông Nam Á, hiện ở Washington D.C. cho biết.

Ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư từ Đại hội Đảng XI năm 2011

"Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào trong đầu ông, thì ông đã tách biệt hai vị trí này."

Trong khi đó ông Nicholas Chapman, nghiên cứu viên tại Đại học Quốc tế Nhật Bản, thì cho rằng việc bầu ông Trọng làm chủ tịch nước vào ngày 23/10 sẽ giúp củng cố quyền lực của ông này trong Đảng Cộng sản trong nhiều năm tới.

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp từ Singapore lại cho rằng ông Trọng "sẽ có thêm quyền lực" nhưng "sẽ không có những ảnh hưởng đáng kể lên hệ thống chính trị và kinh tế".

"Chúng ta cần quan sát rằng việc sắp xếp này có đi xa hơn năm 2021 hay không. Nếu có, chúng ta sẽ bàn nhiều hơn về mức ảnh hưởng của nó," ông Hiệp được bài báo trên trích lời.

Tuy thế, cũng có ý kiến lo ngại việc tập trung quyền lực vào tay một nhà lãnh đạo cao tuổi ở Việt Nam trong khi tình hình quốc tế nhiều căng thẳng.

Đã nhiều lần TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên bố 'Đảng không được ôm đồm' nhưng tôi thấy lần này cá nhân ông Trọng vô cùng ôm đồmNguyễn Quang Dy, Nhà hoạt động cộng đồng Úc gốc Việt từ Melbourne

Ông Nguyễn Quang Dy, nhà hoạt động cộng đồng Úc gốc Việt từ Melbourne nói:

"Đã nhiều lần TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên bố 'Đảng không được ôm đồm' nhưng tôi thấy lần này cá nhân ông Trọng vô cùng ôm đồm.

Ông vừa là Tổng bí thư của Đảng Cộng sản, vừa là Bí thư Quân ủy Trung ương, vừa là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương và Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ông cũng là đại biểu Quốc hội từ Hà Nội.

Hội nghị Trung ương 8 vừa rồi quyết định mở ra 5 tiểu ban sửa soạn cho Đại Hội thứ 13, và nay cũng TBT Trọng nắm hai tiểu ban là Trưởng Tiểu ban Văn kiện và Trưởng Tiểu ban Nhân sự.

Chính ông nói là trong 'tình huống' hiện nay ông phải nắm luôn vai trò cả Chủ tịch Nước vì không có ai làm chức vụ này thay cho ông."

"Năm nay ông ấy đã 74 tuổi mà một mình giữ đến 8 chức vụ, chức vụ nào xem ra đều vô cùng quan trọng cho Đảng Cộng sản, thì đây là một dấu hiệu vô cùng bế tắc không biết phải làm gì của không riêng ông Trọng mà của cả Đảng Cộng sản Việt Nam.

"Thế giới thì thay đổi từng ngày, chiến tranh thương mãi Trung Mỹ, đang lan sang chiến tranh tiền tệ, biết đâu lại xảy ra chiến tranh quân sự, Việt Nam lại sẽ là điểm nóng.

Trong tình hình hiện nay, với lãnh đạo như thế này ở Việt Nam, theo tôi là một điều đáng lo ngại cho bất cứ ai thuộc bất cứ khuynh hướng nào còn quan tâm đến vận mệnh đất nước," ông Nguyễn Quang Duy cho biết hôm 22/10.

Dư luận Việt Nam và nước ngoài sẽ chú ý xem tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ công du nước nào ngay sau đây như một chỉ dấu về xu hướng ngoại giao của ông và đảng cầm quyền trong thời gian tới.

Các báo quốc tế hiện cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đang dần tiến tới thế đối đầu như một cuộc "Chiến tranh Lạnh" kiểu mới và vị thế địa chính trị của Việt Nam đang gặp thách thức nếu phải chọn một cách đi của mình.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45937598

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét