Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Đảng đề cao ‘đức trị’ để cân bằng ‘pháp trị’?

Không hiểu PGSTS Thọ viết thế này có ẩn ý gì: "Chống lại sự tha hoá quyền lực bằng sự tập trung quyền lực, thậm chí vào tay cá nhân hoặc nhóm nhỏ, là một thực tế, và 'quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hoá tuyệt đối'. Hê hê, mình vừa ngạc nhiên về việc tại sao báo chí đua nhau khen ngợi bác về mặt trong sạch, liêm khiết mà không khen ngợi bác về tài năng giúp đất nước phát triển, thứ mà người dân quan tâm nhất (xem ở đây: "Hê hê: Tân Chủ tịch nước có cuộc sống bình dị", thì thấy BBC đã có ngay bài này hỏi nhưng cứ như là khẳng định luôn Đảng đề cao ‘đức trị’ để cân bằng ‘pháp trị’. Tuy nhiên, nói vậy chứ không phải vậy, cả Đức và Pháp đều vứt, chỉ có phe nhóm lợi ích trị nhau và nội bộ từng nhóm lợi ích trị nhau theo luật của thế giới ngầm, của xã hội đen. Mình nghe một số doanh nhân nói làm kinh tế bây giờ luôn luôn phải dựa vào xã hội đen. Công khai thì phải trình báo nhà nước, đưa ra tòa xử theo pháp luật; nhưng họ biết chính quyền này, tòa án này chỉ nghĩ đến ăn tiền, nên chẳng giải quyết được gì. Do vậy, vừa làm công khai, họ vừa phải nhờ đến xã hội đen. Vậy là khi hai doanh nghiệp đấu nhau trên thương trường, lúc cần công khai, sẽ có công khai; lúc cần chơi nhau bằng xã hội đen, sẽ có xã hội đen. Đất nước đã bao giờ được như thế này chưa ?
VN: Đảng đề cao ‘đức trị’ để cân bằng ‘pháp trị’?
PGS TS Phạm Quý Thọ, gửi cho BBC từ Hà Nội
Tha hoá quyền lực là nguyên nhân cơ bản của thực trạng suy thoái của bộ máy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Chống lại sự tha hoá quyền lực bằng sự tập trung quyền lực, thậm chí vào tay cá nhân hoặc nhóm nhỏ, là một thực tế, và 'quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hoá tuyệt đối'. Đó là 'vòng luẩn quẩn' của tha hoá quyền lực. Đảng đang tạo dựng 'lồng thể chế' để nhốt quyền lực. 'Tự lấy đá ghè chân mình' là việc làm khó, đòi hỏi nghị lực phi thường trong những hoàn cảnh bắt buộc. Hành động như vậy dễ dẫn đến cực đoan, duy ý chí.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ 
nhậm chức Chủ tịch nước hôm 23/10
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hôm 23/10 được bầu giữ chức Chủ tịch nước tại kỳ họp 6 khoá XIV, người có uy tín cao trong Đảng vì phẩm chất, đạo đức trong sạch, từng nhiều lần yêu cầu các đảng viên phải nêu gương. Trong một cuộc tiếp xúc cử tri, ông từng nhấn mạnh rằng cán bộ lãnh đạo 'chót nhúng chàm, phải tự gột rửa…'

Hội nghị TƯ 8 khoá 12 vừa kết thúc đã thảo luận và sẽ ban hành Quy định về sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương. Quy định này tiếp nối nhiều văn bản gần đây, như Quy định 101 năm 2012 của Đảng.

Những động thái trên cho thấy Đảng thể hiện rõ triết lý đức trị. Ngoài ra, quan điểm này được tuyên truyền mạnh mẽ theo hướng đề cao.

Liệu đây có phải là cách thức Đảng trị dựa trên 'đức trị' để cân bằng với 'pháp trị' trong bối cảnh hiện nay? Liệu nó sẽ có tác động sẽ thế nào tới cải cách thế chế?

Đức trị là triết lý cai trị, được cho là do Khổng tử khởi xướng

'Đề cao đức trị'

Các nhà cầm quyền luôn có nhiệm vụ giữ ổn định chế độ. Họ dựa vào hệ tư tưởng, triết lý cai trị và một hệ thống giá trị tạo ra các quy tắc điều tiết hành vi con người trong xã hội.

Đức trị là triết lý cai trị, được cho là do Khổng tử khởi xướng. Theo đó, con người bản chất là thiện, và do hoàn cảnh, họ dần trở nên tha hoá. Việc cai trị là phải làm cho con người nhận ra sự suy đồi của mình, từ đó sửa chữa bản thân để trở nên đạo đức. Vì vậy, xã hội sẽ trở nên ổn định.

Thực chất việc cai trị là tuyên truyền, giáo dục đạo đức, mà trọng tâm là sự làm gương của người cai trị, và như vậy thì người cai trị phải thể hiện mình là một người đạo đức, lễ nghĩa.

Dưới chế độ phong kiến triết lý đức trị thường được đề cao. Đức trị khiến sự cai trị hợp pháp trong mắt người dân, lấy được lòng dân, khiến cho họ phục tùng sự cai trị.

Lịch sử 13 triều đại phong kiến Việt Nam cho thấy các vị vua anh minh, đức độ luôn được đề cao gắn với sự thịnh vượng của xã tắc, và ngược lại, chế độ suy vong khi vua và quan lại tha hoá quyền lực, đạo đức thối nát thì xã hội loạn lạc, người dân cùng cực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945.

Từ khi tuyên ngôn Việt Nam là quốc gia độc lập năm 1945, Đảng Cộng sản cầm quyền, luôn coi trọng tuyên truyền 'đạo đức cách mạng', 'đạo đức xã hội chủ nghĩa' và 'đạo đức Hồ Chí Minh' trong bối cảnh cụ thể. Tất cả đều hướng tới xây dựng và củng cố niềm tin chính trị, rằng Đảng bao gồm những người ưu tú, tiên phong và bản lĩnh với lý tưởng cao đẹp, lãnh đạo nhân dân giành độc lập, lực chấm dứt 'thời kỳ cai trị' bởi thực dân và phong kiến, lựa chọn con đường CNXH là đúng đắn, và người dân phải biết ơn vì điều đó.

Từ đó, truyền thống chính trị được hình thành dựa trên tâm lý người dân được giáo dục để đề cao vai trò của nhà nước và tin rằng nhà nước sẽ chỉ làm điều tốt cho dân, lo cho cuộc sống của họ.

Trong bối cảnh chuyển đổi sang kinh tế thị trường ngày càng sâu rộng, cộng hưởng với sai lầm chính sách và điều hành kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ trước, khiến cho bộ máy nhà nước phình to, nhiều cán bộ lãnh đạo tham nhũng, thoái hoá đạo đức, lối sống, niềm tin nhân dân giảm sút. Truyền thống chính trị đang bị lung lay.

"Đảng Cộng sản hướng tới xây dựng và củng cố niềm tin chính trị, rằng Đảng bao gồm những người ưu tú, tiên phong và bản lĩnh với lý tưởng cao đẹp... lựa chọn con đường CNXH là đúng đắn, và người dân phải biết ơn vì điều đó."

'Cân bằng với pháp trị?'

Bên cạnh đức trị có triết lý pháp trị, vốn dựa trên nền tảng thực tiễn và nhanh mang đến sự thành công, để kiểm soát hành vi con người mang bản chất tư lợi. Kinh tế thị trường chuyển đổi đang kích hoạt sự cám dỗ ngày càng lớn và tinh vi, khiến cho Đảng tăng cường pháp trị.

Xác định nguy cơ bất ổn chế độ đến từ nội bộ, từ sau Đại hội 12 đầu năm 2016, Đảng tiến hành cải tổ bộ máy và đẩy mạnh chống tham nhũng, kiểm soát sự tha hoá quyền lực. Các biện pháp tăng cường kỷ luật của Đảng và pháp luật hiện hành đã khiến không ít quan chức tham nhũng và vi phạm, trong đó có lãnh đạo ở cấp cao nhất bị trừng phạt. Pháp trị có thể tạo nên phản ứng dưới nhiều hình thức. Đề cao 'đức trị' được coi như sự lựa chọn.

Cân bằng pháp trị và đức trị, một mặt nhằm thoả mãn nhu cầu 'chống lại cái xấu' để lấy lại niềm tin và sự ủng hộ của người dân, mặt khác, hướng tới khuyến khích những tấm giương đạo đức, trong đó đặc biệt của lãnh đạo đảng viên từ Uỷ viên Bộ chính trị xuống, nhằm ổn định chế độ xã hội.

Nếu coi đây là sự lựa chọn tình thế, thì các biện pháp sẽ là đối phó, hơn là một chính sách lâu dài, bởi lẽ:

Một là, niềm tin của dân là nhu cầu tinh thần có thể dựa trên các hình thức tôn giáo. Đức trị ở Việt Nam có cội nguồn từ xã hội phong kiến, lấy phật giáo làm nền tảng tư tưởng và kinh tế nông nghiệp làm cơ sở vật chất. Phật giáo gần đây ở nước ta phát triển mạnh, khuyên nhủ con người hướng thiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay để phật giáo tạo ra đức tin như xưa là không thể. Nhiều người, nhất là giới trẻ các cơ sở tôn giáo được coi là danh lam thắng cảnh để du lịch, vui chơi hơn là chốn linh thiêng.

Hai là, niềm tin của dân có thể có từ những tấm gương đạo đức nhà cầm quyền. Người dân sống bằng thực tế và chia sẻ kinh nghiệm 'đừng tin họ nói hãy xem họ làm', và đòi hỏi cao ở những người lãnh đạo và gia đình họ. Mặc dù Đảng luôn chú ý đến chuẩn mực đạo đức người đảng viên, và sau nhiều 'tấm gương mờ' của nhiều cán bộ biến chất, một phần do không chịu 'tu thân tích đức', mặt khác do hoàn cảnh và những kẻ hở của pháp luật, lần những quy định mới về nêu gương được nhắm cụ thể vào đối tượng các cán bộ cao cấp nhất của Đảng.

Ba là, tha hoá quyền lực là nguyên nhân cơ bản của thực trạng suy thoái của bộ máy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Chống lại sự tha hoá quyền lực bằng sự tập trung quyền lực, thậm chí vào tay cá nhân hoặc nhóm nhỏ, là một thực tế, và 'quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hoá tuyệt đối'. Đó là 'vòng luẩn quẩn' của tha hoá quyền lực. Đảng đang tạo dựng 'lồng thể chế' để nhốt quyền lực.

'Tự lấy đá ghè chân mình' là việc làm khó, đòi hỏi nghị lực phi thường trong những hoàn cảnh bắt buộc. Hành động như vậy dễ dẫn đến cực đoan, duy ý chí.

Các quy định của Đảng đứng trước đòi hỏi từ cải cách thể chế là cần phải được luật pháp hoá để tạo ra sự tương thích với mô hình nhà nước hiện đại.

Đảng lãnh đạo toàn diện xã hội trong điều kiện chuyển nền kinh tế sang thị trường thế nào vẫn là vấn đề chưa có lời giải đáp.

Còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ để tạo nền tảng cho cách Đảng trị, cho nên sự lựa chọn đức trị để cân bằng pháp trị chỉ là tình thế, bởi vậy khó có thể tạo ra sự thay đổi đột phá, cơ bản trong cải cách thể chế.

Một bài học có thể tham khảo về triết lý cai trị liên quan đến sử dụng quyền lực liên quan tới hiện tượng 'thần kỳ' của kinh tế Nhật Bản trong thời kỳ dài.

Trong thần thoại của Nhật, vị thần Thiên chiếu có ba thần vật là: Thanh kiếm, Viên ngọc và Tấm gương, và đến nay, vẫn là ba quốc bảo tượng trưng cho quyền lực bậc thấp, bậc trung và bậc cao của Hoàng gia. Ở đây 'Tấm gương' được giải mã là tri thức - quyền lực bậc cao, chứ không được diễn giải từ lý thuyết đức trị có nguồn gốc cai trị trong chế độ phong kiến.

Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, chuyên gia chính sách công từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45956203

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét