Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

(2) Bút ký VÕ ĐẮC DANH: ĐẤT THỦ THIÊM


Bút ký VÕ ĐẮC DANH: ĐẤT THỦ THIÊM
Kỳ II: CÚ LỪA NGOẠN MỤC
Tháng Năm năm 2018, trong những ngày Thủ Thiêm trào nước mắt với tiếng kêu thảm khóc của những người dân bị cướp nhà cướp đất dậy sóng trên mạng xã hội, bất chợt người ta thấy trên Facebook của chị Mai Xuân Phượng có một stt ngắn với những lời " Xin lỗi nhân dân, tôi ngàn lần xin lỗi nhân dân... với trách nhiệm là chủ tịch phường An Khánh, tôi đã thuyết phục bà con chấp hành giao đất, hy sinh lợi ích riêng tư rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó từ thời thơ ấu đến tuổi xế chiều để nhường chỗ cho việc hình thành khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tôi ngàn lần xin lỗi bà con vì tôi đã tin tưởng tuyệt đối cấp trên sẽ đưa dân mình vào tái định cư tại chỗ theo quy hoạch để cuối cùng tôi cũng cùng chung số phận với bà con, ra đi rồi không có chỗ để quay về. Xin bà con hãy tha thứ cho tôi – Mai Xuân Phượng, nguyên phó bí thư, chủ tịch phường An Khánh". Và rồi chỉ trong phút chốc, những lời xin lỗi ấy bỗng biến mất đi.Image result for Mai Xuân Phượng thủ thiêm
Cảm giác có cái gì đó bí ẩn ở người phụ nữ nầy, chúng tôi tìm đến chị ở phường Thạnh Mỹ Lợi, cách Thủ Thiêm hơn mười cây số. Chị Phượng kể, gia đình chị ba đời sống ở Thủ Thiêm, tính ra đã hơn một trăm năm, từ khi nơi đây còn là vùng đất hoang vu. Cha chị, ông Mai Văn Năm đã từng làm phó chủ tịch xã An Khánh, mẹ chị, bà Nguyễn Thị Bông, từng là “Việt cộng năm vùng”, từng vào tù ra khám và đã qua đời. Chị Phượng đi Thanh niên xung phong từ năm 1976, tham gia tải đạn ở chiến trường biên giới Tây nam. Sau một trận sốt rét rừng bán sống bán chết, chị được giải ngũ, đi học văn hóa, chính trị rồi về An Khánh làm chủ tịch phường từ năm 1997 đến giữa năm 2004. 



Cũng trong những năm ấy, Thủ Thiêm được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành khu đô thị mới. Nhìn vào bản đồ quy hoạch, người ta hình dung một Thủ Thiêm nguy nga, tráng lệ như Phố Đông của Thượng Hải, như Manhattan của New York, một trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa mang tầm quốc tế, một khu đô thị sinh thái đậm chất Nam Bộ với những dòng sông, ao hồ, kinh rạch ngoằn ngoèo, những làng biệt thự, những tòa nhà chọc trời từ 32 đến 40 tầng soi bóng nước.

Nhưng theo chị Phượng, niềm vui lớn nhất của chị là 14 ngàn 600 hộ dân với 60 ngàn cư dân trong vùng dự án sẽ được tái định cư tại chỗ trên diện tích 160 héc ta theo quy hoạch. Nghĩa là họ sẽ thoát khỏi cảnh bùn lầy, ao tù nước đọng, nhà cửa nhếch nhác, âm u, muỗi mòng, rắn rết để tận hưởng đời sống của một khu đô thị Thủ Thiêm mang tầm quốc tế. Từng ngày, từng ngày đi tuyên truyền, vận động bà con trong phường giao đất, chị đã nói như thế. Và, bà con đã hăm hở giao đất cho nhà nước để ra đi về nơi tạm cư với một niềm tin như thế, một niềm tin đổi đời cho ngày trở lại với một Thủ Thiêm như một thiên đường.

Năm ấy, ông Mai Văn Năm, ba chị Phượng đã tám mươi hai tuổi. Chị Phượng còn nhớ như in, ngày dọn nhà ra đi, ba chị quảy cái túi trên vai, tay cầm cái bình thủy đứng trước sân, nhìn lại ngôi nhà, nhìn lại khu vườn mà rưng rưng nước mắt, ông nói hơn tám mươi năm ba đã gắn bó với nơi nầy, biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của một đời người… nhưng mà thôi . . . mình ra đi là để trở về với một Thủ Thiêm đàng hoàng hơn, văn minh hơn . . .
Nghĩ thế mà ông Năm vừa cười vừa lau nước mắt.

Nhưng sau đó không lâu, ông Năm lâm bệnh và qua đời ở nơi tạm cư. Chị Phượng nói . . . cũng may phước cho ba tôi là ông mang xuống mồ một viễn cảnh huy hoàng của Thủ Thiêm trong tương lai con cháu, cũng may phước là ông không phải chứng kiến cái cảnh ta thán nhân tình của Thủ Thiêm suốt gần hai chục năm qua khi mà sau đó hơn mười bốn ngàn hộ dân với hơn sáu vạn con người bị sa vào một cú lừa ngoạn mục, nghĩa là 160 héc ta đất tái định cư của dân bị cướp trên tay để biến thành đất kinh doanh của những đại gia bất động sản. Họ ra đi rồi không có đường quay lại như lời hứa ban đầu. Mỗi gia đình nhận một ít tiền hỗ trợ để mua đất tái định cư tận trên Cát Lái, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi và Nam Rạch Chiếc, cách xa nơi chôn nhau cắt rún của họ hơn mười cây số.

Dân Cát Lái, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi, Nam Rạch Chiếc lại bị người ta nhân danh “ thu hồi đất để tái định cư cho dự án Thủ Thiêm”, phải chịu lây mất đất. Nhưng lòng tham không dừng lại, dự án tái định cư cho Thủ Thiêm ở Nam Cát Rạch Chiếc, người dân ở đây bị thu hồi 90 héc ta, nhưng người ta lại bán cho tập đoàn Novalan 30 héc ta để xây làng biệt thự và tập đoàn Đất Xanh 30 héc ta để xây khu resort.

Chị Phượng vừa hỗ thẹn với bà con, vừa xót đau cho thân phận của mình bởi chính chị cũng nằm trong hàng vạn con người bị một cú lừa ngoạn mục.

Võ Đắc Danh

( Còn tiếp )
(FB Võ Đắc Danh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét