Quy hoạch Thủ Thiêm ban đầu không giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá, Nhà thờ Thủ Thiêm, chùa Liên Trì
Từ câu chuyện tấm bản đồ gốc trong bộ hồ sơ trình Thủ tướng Võ Văn Kiệt về đề án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện “bị thất lạc”, từ bộ hồ sơ được giữ lại của cựu chủ tịch Võ Viết Thanh, cho thấy ngay từ ban đầu việc quy hoạch Thủ Thiêm không hề có chuyện cưỡng chế các cơ sở tự viện, tôn giáo.Trong cuộc họp Ban chỉ đạo dự án đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào ngày 24-4-2018, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời những cơ sở tôn giáo trong khu đô thị này (Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm), cũng như thu hồi đất của Trường Tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến đường ven sông và Công viên bờ sông theo đúng tiến độ.
Ngày 05-04-2004, chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải ký Quyết định số 81/2004/QĐ-UB về “Phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đồ án điều chỉnh quy hoạch chung 1/5.000, quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.
Đến tháng 9-2004, bản thuyết trình Quy hoạch tổng mặt bằng do Sasaki Associates thực hiện với sự hợp tác của Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM đệ trình Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm nêu rõ trong “những địa điểm nổi bật của khu Lõi trung tâm” có các cơ sở công giáo ở Thủ Thiêm. Xác định công trình tôn giáo lâu đời này là “khu văn hóa chính yếu”, đơn vị thiết kế đề nghị “giữ lại và kết hợp với thiết kế của Lõi trung tâm”. Điều này còn được căn cứ vào Luật về Di sản văn hóa phiên bản 2001.
Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng Khu đô thị Thủ Thiêm lập năm 1995 (một trong 13 bản đồ TP HCM trình Thủ tướng) được ông Thanh lưu giữ. Ảnh: Hữu Nguyên.
Từ tham vấn của Sasaki Associates, việc bảo tồn những công trình tôn giáo trong đó có nhà thờ Thủ Thiêm lần đầu tiên được chính thức nhắc đến theo hướng “giữ gìn và tôn tạo” tại Tờ trình số 1817/QHKT-ĐB2 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM ngày 18-8-2005.
Văn bản từ cơ quan tham mưu là một trong những cơ sở để UBND TP.HCM ngày 27-2-2005 ban hành Quyết định 6565/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000, thay thế Quyết định 367/TTg. Diện tích dành cho “công trình văn hoá” (ứng với vị trí thực địa thì đây là các cơ sở tôn giáo Nhà thờ Thủ Thiêm, Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, chùa Liên Trì) được thể hiện trên bản vẽ quy hoạch đính kèm Quyết định 6565/QĐ-UBND. Văn bản này tiếp tục là cơ sở để UBND TP.HCM duyệt quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2.000 bằng việc ban hành Quyết định 6566/QĐ-UBND cùng ngày. Khu công trình văn hoá vẫn nguyên vẹn trên bản đồ quy hoạch 1/2.000.
Ngày 2-11-2007, UBND TP.HCM ra Quyết định số 4954/QĐ-UBND điều chỉnh hủy bỏ đoạn “Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ” của Điều 2 Quyết định số 6565/QĐ-UBND ngày 27-12-2005. Tiếp theo, ngày 7-11-2007, UBND TP.HCM có Quyết định số 5016/QĐ-UBND điều chỉnh hủy bỏ đoạn “Căn cứ Quyết định số 367/TTg ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị Thủ Thiêm và Quyết định số 6565/QĐ-UB ngày 27-12-2005 của UBND TP.HCM về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm” của Quyết định số 6566/QĐ-UB ngày 27-12-2005.
Tuy nhiên đến ngày 19-6-2012, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 3165/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2. Văn bản này do phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín ký
Theo đó, quy hoạch mới có 8 phân khu chức năng so với 5 phân khu chức năng theo QĐ 6566/QĐ-UBND năm 2005. Diện tích quy hoạch vẫn không đổi: 657 ha. Nhưng phần đất dành cho công trình văn hoá đã được “giải toả trắng” trên bản đồ đính kèm theo quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000. Điều này đồng nghĩa tất cả tự viện, chùa chiền, nhà thờ ở Thủ Thiêm buộc phải cưỡng chế.
Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Võ Viết Thanh cho biết: “Trong buổi trình bày quy hoạch Thủ Thiêm với Chính phủ, tôi nói rõ: quy hoạch phải đảm bảo tái định cư cho người dân trên nguyên tắc bằng hoặc hơn nơi ở cũ, ưu tiên tái định cư tại chỗ để đảm bảo đời sống xã hội cho người dân, bao gồm cả sinh kế lẫn đời sống tâm linh.
Chúng tôi đề xuất giữ lại ngôi chùa, nhà thờ, đình Thủ Thiêm, nâng cấp khu chợ Thủ Thiêm và đường Lương Định Của, tạo điều kiện để người dân chỉnh trang nhà cửa, khu tái định cư được bố trí sát cạnh khu trung tâm mới. Làm được như vậy, người dân Thủ Thiêm sẽ được sống ổn định, được chứng kiến khu đô thị mới làm đổi thay quê hương mình. Như vậy, hồn của mảnh đất Thủ Thiêm sẽ được giữ lại với đất, với người... Không có đình, chùa, nhà thờ, chợ, khu dân cư cũ, Thủ Thiêm sẽ thành một đô thị vô hồn”. (Theo Phạm Vũ – Tuổi Trẻ ngày 7-5-2018).
Như vậy, câu chuyện giờ đây liên quan đến thêm hai cựu quan chức là phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, và phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài – người đã ký duyệt điều chỉnh lộ giới tuyến đường vòng cung, trục đường Bắc Nam khu đô thị mới Thủ Thiêm [tải văn bản số 1061/QĐ-UBND này tại http://bit.ly/2IlWm1z]
Người viết hiện tiếp cận ‘mê hồn trận’ văn bản được chính quyền TP.HCM ban hành liên quan chuyện quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm. Các văn bản này đều đang có hiệu lực thi hành, đặc biệt là nhiều văn bản sau được ban hành nhằm để điều chỉnh một điều nào đó của văn bản trước.
Tuy nhiên tính pháp lý cao nhất là Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996, lại chưa được tôn trọng thực hiện. Điều này đặt một nghi vấn là dường như lâu nay có một nhóm quan chức địa phương cấu kết với cấp trung ương để tham nhũng chính sách, lũng đoạn thị trường bất động sản và thao túng cả hệ thống chính trị.
Họ là những ai?
Trúc Giang
(VNTB)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét