Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

Đổi cách viết hoa từ 'Hà nội' thành 'Hà Nội' từ khi nào?

Nước ta đổi cách viết hoa từ 'Hà nội' thành 'Hà Nội' từ khi nào?
21/05/2018 - Trong quyển Viện Ngôn ngữ học 50 năm một chặng đường (NXB Khoa học Xã hội) vừa xuất bản, PGS. TS Lê Xuân Thại (nguyên Tổng Biên tập tạp chí Ngôn ngữ) viết: “Năm 1961, tôi và anh Nguyễn Văn Thạc tốt nghiệp ở Đại học Bắc Kinh về nước, công tác tại Tổ Ngôn ngữ học thuộc Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước do anh Hoàng Phê làm Tổ trưởng. Năm 1962, tôi và Nguyễn Văn Thạc viết bài “Bàn về quy tắc viết hoa” đăng trên tạp chí Văn học. Thạc viết là chính, tôi chỉ là phụ. Sau khi đăng báo, bài viết được nhiều người chú ý. Đã có một cuộc thảo luận sôi nổi”.
Cuốn Viện ngôn ngữ học - 50 năm một chặng đường 
kể chuyện cải cách tiếng Việt 50 năm trước. 
Những đề xuất của hai tác giả bài báo khá mới mẻ so với cách sử dụng tiếng Việt thời bấy giờ. “Chúng tôi chủ trương tên người Việt và tên người Hán, địa danh Việt và Hán đều viết hoa tất cả. Ví dụ: Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Thị Thu, Hà Nội, Bắc Kinh… Cách viết này là mới so với cách viết thông thường thời đó là Nguyễn văn Nam, Nguyễn thị Thu, Hà nội, Bắc kinh…”, TS Thại giải thích. “Rất mừng là ý kiến của chúng tôi được nhiều người ủng hộ. Đặc biệt, Bộ Giáo dục đã tiếp nhận và ra thông báo cho các trường áp dụng quy tắc viết hoa này”.

Bài viết của TS Thại cũng cho biết, ngay sau khi nhận lời GS Đặng Thai Mai về công tác tại Viện Văn học đầu những năm 1960, GS Hoàng Phê đã tiến hành nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ. “Anh đã viết một công trình đồ sộ vạch ra những nhược điểm của chữ quốc ngữ và đề nghị cải tiến.

Ví dụ âm “phờ” không nên viết là ph mà nên viết là f cho tiết kiệm, âm “ngờ” không nên viết hai cách là ng và ngh mà chỉ nên có một cách viết là ng (nghe viết thành nge, nghệ viết thành ngệ). Đã có một cuộc hội thảo lớn về vấn đề này. Mọi người đều tán thành ý kiến của anh Phê và đề nghị nhà nước quyết định cho phép cải tiến chữ quốc ngữ”.


Báo Nhân Dân số tháng 3/1961 vẫn viết "Hà - nội".

Mặc dù vậy, cuối cùng, những đề xuất của GS Hoàng Phê chưa được biến thành hiện thực. TS Thại lý giải: “Đề nghị này không được chấp nhận với lý do đất nước chưa thống nhất nên chưa thể cải tiến chữ quốc ngữ bởi vì như thế vô tình đã tạo nên sự không thống nhất giữa hai miền. Thế nhưng đất nước đã thống nhất hơn bốn mươi năm rồi mà chẳng ai chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ. Bởi vì cải tiến chữ viết liên quan đến nhiều nhân tố xã hội, văn hóa, lịch sử”.

GS Hoàng Phê là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học uy tín, nguyên là Phó Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ, Chủ tịch đầu tiên của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Ông là chủ biên bộ Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 1988, bộ từ điển được đánh giá là uy tín nhất hiện nay, là nguồn tra cứu, trích dẫn tin cậy của hầu hết người viết văn, viết báo, nghiên cứu ngôn ngữ học.

Mã Giang
https://news.zing.vn/nuoc-ta-doi-cach-viet-hoa-tu-ha-noi-thanh-ha-noi-tu-khi-nao-post844188.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét