Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Dân Thủ Thiêm bám trụ trong cảnh cùng cực

Dân Thủ Thiêm bám trụ trong cảnh cùng cực
RFA 2018-05-29 Hơn 2.000 mét vuông đất trong đó có 1.000 mét vuông đất thổ cư của gia tộc mà ông Thiện được thừa kế, ông đóng đầy đủ thuế đất thổ cư qua hàng năm. Nhưng khi chính quyền bồi thường chỉ tính hơn 200 mét vuông đất thổ cư, còn lại được bồi thường theo đất nông nghiệp. “Ngày 16 tháng 11 năm 2012 thì mới cho một lực lượng hơn 200 người đến để đập phá căn nhà của mình, cưỡng chế mình rồi thì đồ đạc của mình mới gom vô một cái xe tải xong xuôi rồi đẩy mình lên cái tạm cư đây, rồi dục vô trong cái căn tạm cư 17 mét vuông vậy nè, mình muốn sống sao sống. Rồi mình ở cho tới bây giờ luôn, không ngó ngàng gì tới, không biết tới nữa. Coi như là xong rồi đó.

Chỗ tạm cư của người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế nhà. RFA
Tại vùng đất ‘nóng’ Thủ Thiêm hiện vẫn còn một số hộ dân bám trụ sống trên mảnh đất bị thành phố giải tỏa với chiêu bài xây dựng khu đô thị mới. Họ không đồng ý chuyển đến cư ngụ tại khu vực tạm cư. Thực tế cuộc sống của họ ra sao?

Hoàn cảnh

Gia đình anh Hoàng và chị Nhã Khánh là một trong số rất ít nhà còn sót lại sau những đợt giải tỏa thu hồi đất ở Thủ Thiêm. Số này quyết bám trụ khi mà cơ sở hạ tầng bị phá hủy, các dịch vụ công cộng không còn. Hai anh chị cho biết:
“Trước khi có thông báo cưỡng chế thì không có người đi đổ rác, quét đường quét xá, cưỡng chế người dân đi nhiều rồi thì không còn ai làm nữa.
Hồi xưa có đèn đường giờ thiếu không có đèn đường, không có chỗ đổ rác, không có internet, ngập lụt, muỗi, chuột bọ.”
Lực lượng hơn 200 người đến để đập phá căn nhà của mình, cưỡng chế mình rồi thì đồ đạc của mình mới gom vô một cái xe tải xong xuôi rồi đẩy mình lên cái tạm cư đây, rồi dục vô trong cái căn tạm cư 17 mét vuông. - Ông Thiện
Mặc dù thiếu thốn nhiều thứ khi sống trong khu hoang tàn, điều kiện an ninh không có; nhưng anh chị vẫn phải bám trụ với lý do được nêu ra:
“Mình đi thì đâu có ai bảo vệ giữ gìn nhà cửa của mình đâu. Giờ cũng chưa có gì rõ ràng hết, đi ra thì cũng phải thuê nhà, thuê cửa. Công việc làm ăn của mình bấy lâu nay cũng đâu có được đâu. Thì cũng chị làm thôi còn anh thì cũng cứ đi đấu tranh nhà, còn chị cũng làm kiếm tiền chợ vậy thôi.
Sống như vầy, từ lúc cưỡng chế từ năm 2012. Lúc đó chị cũng rất hoang mang và lo lắng, mong là mình được ở lại, để chờ giải quyết xong chứ bây giờ xuống tạm cư: ở đây đã tệ xuống tạm cư còn tệ hơn nữa, diện tích nó quá nhỏ.”
Chị Nhã Khánh có nhắc đến khu tạm cư, đây là nơi mà các gia đình đã bị chính quyền cưỡng chế rồi yêu cầu họ đến đó sinh sống.
Ông Truyền ngày trước có nhà nằm trên đường Lương Đình Của, phường Bình An, quận 2 bị cưỡng chế, nay cũng không còn lựa chọn nào khác phải sống ở khu tạm bợ. Ông cho biết về cuộc sống hiện tại:
“Cưỡng chế nhà tui cuối cùng ngày 32/12/2015 là xuống đây ở tới hôm nay. Tui với tất cả những người ở đây đều bị cưỡng chế đưa xuống đây, có người ở cả 10 năm ở đây rồi mà chưa ai đá động giải quyết gì hết. Hổng nói năng gì tới cái cuộc sống của người dân, tui là người đương làm chủ một đại lý gas kinh doanh buôn bán nuôi sống cả gia đình cha mẹ già, vợ con mà giờ vừa mất nhà mất công ăn việc làm vừa mất tất cả.”
Chỗ ở nơi tạm cư bị cho chật hẹp, nóng bức khi trời nắng, ẩm thấp và dột khắp nơi khi trời mưa. Phía ngoài đủ để chứa cây phơi đồ và vài vật dụng. Căn phòng ngủ cũng chừng 3 mét vuông.
Người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế nhà, hiện đang sống ở khu tạm cư.
Người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế nhà, hiện đang sống ở khu tạm cư.RFA
Ông Truyền ở độ tuổi 50 lại bị chấn thương nặng ở đầu gối  nên khó kiếm được việc làm. Ông kể lại và cho chúng tôi xem những hình ảnh lúc bị chính quyền cưỡng chế và đánh đập đến thương tích:
“Chấn thương tràn dịch khớp gối phải mổ. Nó vô cưỡng chế xong nó bắt ra đè đánh, đánh tui nói “bớ người ta công an đánh người”, nó nói đánh cho mày chết luôn, che lại đi. Đánh trước nhà mình luôn. Có dân chúng đó mà còn đánh, tống lên xe cứu thương đánh tiếp. 7,8 người có mình tui trói lại đánh tiếp, còn nói đánh vô chỗ huyệt chứ đừng đánh vô mặt là để lại thương tích dễ thấy.
Tui phải vay mượn gia đình để sống, bạn bè này kia sống chứ còn xin việc làm đâu có ai cho đâu. Đi đứng còn khó khăn chứ đừng nói là mình đi làm việc gì nặng.”

Khó khăn

Một người khác tên Thiện và gia đình cũng lâm vào tình cảnh khó khăn, hiện tại vợ ông phải kinh doanh bán bánh tráng ở trước nhà. Còn ông thì ngày đêm lo việc lấy lại hơn ngàn mét vuông bị chính quyền cưỡng chế thu hồi.
“Đất này là ông bà ở trước năm 80, thì theo quy định pháp luật trước năm 80 rồi là toàn bộ đất ông bà để lại là đất thổ cư hết. Tại vì tui là người thừa kế quyền sử dụng đất của gia tộc mà.”
Hơn 2.000 mét vuông đất trong đó có 1.000 mét vuông đất thổ cư của gia tộc mà ông Thiện được thừa kế, ông đóng đầy đủ thuế đất thổ cư qua hàng năm. Nhưng khi chính quyền bồi thường chỉ tính hơn 200 mét vuông đất thổ cư, còn lại được bồi thường theo đất nông nghiệp.
“Ngày 16 tháng 11 năm 2012 thì mới cho một lực lượng hơn 200 người đến để đập phá căn nhà của mình, cưỡng chế mình rồi thì đồ đạc của mình mới gom vô một cái xe tải xong xuôi rồi đẩy mình lên cái tạm cư đây, rồi dục vô trong cái căn tạm cư 17 mét vuông vậy nè, mình muốn sống sao sống. Rồi mình ở cho tới bây giờ luôn, không ngó ngàng gì tới, không biết tới nữa. Coi như là xong rồi đó.”
Mình đi ra tới trung ương để mình đòi cái quyền lợi nhưng mà họ vẫn không nói gì tới mình, coi như đất đai mình cứ lấy hết rồi nhét mình vô đây mình ở sống sao thì mặc kệ - Người dân
Những đứa trẻ đang sống yên ổn nay phải chịu cảnh khổ cùng cha mẹ, ái ngại với bạn bè khi bị hỏi về cuộc sống, con gái ông Thiện nói:
“Nhà tui có nhà sao bạn không có. Hơi buồn thôi, vì mình có nhà mà giờ mình mất nhà, không còn nhà ở nữa.”
Và em cũng đồng cảm với cha mẹ về hoàn cảnh của gia đình mình:
“Tại vì đây không phải là lỗi của cha mẹ con, là lỗi của người ta, lỗi của chính quyền.”
Đã trải qua quá nhiều năm sống trong cảnh thiếu thốn cơ cực cũng do chính quyền cưỡng chế di dời, bỏ mặc người dân sống lay lắt đòi công lý cho mảnh đất ngôi nhà của mình. Họ không mong gì hơn là được lấy lại những gì thuộc về họ, muốn chính quyền phải giải quyết nhanh chóng vấn đề này.
“Cũng chỉ muốn có một nơi để vợ con sống yên ổn thôi, anh chị không có mong tiền. Chỉ mong nhà nước giải quyết cho mình ổn thỏa. Ở đây đất của tụi chị như thế nào thì trả lời cho rõ ràng.
Còn lại cỡ khoảng một trăm mấy chục hộ còn bám trụ lại để đòi quyền lợi, công lý.
Trả lại cái cuộc sống trước đây của mình, trả lại cái tài sản của mình dành dụm cả đời mới có được chứ đâu phải là đơn giản.
Mình đi ra tới trung ương để mình đòi cái quyền lợi nhưng mà họ vẫn không nói gì tới mình, coi như đất đai mình cứ lấy hết rồi nhét mình vô đây mình ở sống sao thì mặc kệ mà không nói gì tới giải quyết đất đai cho mình như thế nào.”
Tại cuộc đối thoại với đoàn đại biểu quốc hội quận 2 vào chiều ngày 9 tháng 5 vừa qua, tất cả những người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế, thu hồi đất nêu lên tất cả những gian truân của họ suốt 20 năm qua. Tuy nhiên họ chỉ mới nhận được lời động viên; chứ cách thức giải quyết cụ thể ra sao vẫn còn bỏ ngõ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/thu-thiem-residents-05292018113238.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét