Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

Từ 'thu phí' thành 'thu giá': Chuyện khôi hài

Từ 'thu phí' thành 'thu giá': Chuyện khôi hài
Bên hành lang Quốc hội chiều 22/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nói với báo chí xung quanh việc các trạm thu phí BOT được đổi tên thành "trạm thu giá" trong thời gian qua. Nguyên văn lời ông Thể như sau “Việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ. BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá; còn phí thì mang tính chất Nhà nước”.

Một trạm thu phí trả tiền tự động ở Pháp. Ảnh minh họa. 
Ngay lập tức, người dân và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực lên tiếng phản đối. Chuyên viên pháp lý Lê Thị Hòa khẳng định với báo chí trong nước là không thể tùy tiện thay đổi và sử dụng tên gọi khác dẫn đến hiểu nhầm, hiểu sai bản chất của thuật ngữ pháp lý. Còn với GS Nguyễn Đức Dân, nguyên Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thì "Từ này là do cán bộ quản lý nghĩ ra chứ từ trước đến nay không ai dùng như vậy cả".

Ông Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia công nghệ thông tin sống tại Úc, hiện là một facebooker có nhiều bài viết cũng như clips về hiện tình đất nước mở đầu phần trao đổi với RFA rằng ông thấy chuyện này khôi hài:

Mấy ông loay hoay tìm một lý do thỏa đáng để cho người dân không phản đối nhưng hóa ra nó rất khôi hài bởi không có xứ nào trên thế giới này có thứ lệ phí đường mà biến thành “giá” hết. Đó là cái kỳ quặc. 

Ông nói thêm rằng đường xá, cơ sở hạ tầng của một đất nước là tài sản của quốc gia cho nên dù có đấu thầu, đầu tư gì đi chăng nữa thì nó cũng là tài sản quốc gia, tại sao lại biến thành của doanh nghiệp rồi biến từ phí thành giá rồi lên giá tùy thích để lấy lại vốn đầu tư. Hơn nữa đất nước Việt Nam bây giờ dưới thể chế được gọi là “dân chủ tập trung”, tất cả mọi thứ là dưới sự lãnh đạo của đảng thì làm gì có chuyện đường xá, cơ sở hạ tầng biến thành tài sản của doanh nghiệp để doanh nghiệp đưa ra giá. Ông kết luận: 

Thực ra bây giờ có là phí hay giá thì người dân cũng không có khả năng kiểm soát hay đòi hỏi gì hết. Bây giờ dân nói tôi không muốn trả “giá” hay không muốn trả “phí” thì cũng vậy thôi. Họ cũng phải đóng chừng đó tiền hoặc nhiều hơn mà thôi.

Dân lãnh đủ

Theo quy định của luật pháp thì thuế, phí và lệ phí có các luật và văn bản hướng dẫn thi hành để điều chỉnh. Còn “giá” cho các trạm BOT hiện nay là do Bộ GTVT có quyền thao túng, không có luật hay văn bản nào cả. Ông Nguyễn Văn Thể nói với báo chí trong nước là “Việc đổi tên này không có gì khác mà chỉ là linh động hơn”. Vậy linh động ra sao và người dân được hưởng lợi gì từ sự linh động ấy mà phải đổi cách gọi tên, ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động trong nước bày tỏ:

Cách gọi tên có như thế nào thì người dân vẫn đang phải chịu một khoản thu rất là vô lý. Có những nơi qua trạm BOT làm rất cẩu thả, chất lượng đường rất là kém nhưng thu rất cao. Đặc biệt với những xe vận tải hạng nặng đi qua đường quốc lộ là từ ngân sách nhà nước nhưng các đơn vị tư nhân nâng cấp sửa chữa qua loa rồi sau đó thu phí cao. 

Tôi cho là trong thời gian vừa qua với sức ép của dư luận, đặc biệt là Nhóm Bạn hữu đường xa cũng như đông đảo anh em tài xế khắp mọi nơi thì Bộ GTVT đang phải có những cách chống chế những việc làm sai hiện nay. 

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 vào ngày 24/5, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, cho rằng bản chất tên gọi “trạm thu phí” hay “trạm thu giá” không khác nhau. Nhưng với ông Hoàng Ngọc Diêu thì nó khác nhau hoàn toàn. Ông phân tích:

Phí là một loại fee đã được quy định dựa trên những tiêu chuẩn nào đó nhất định và có một thời hạn nhất định. Ví dụ ở nước ngoài nó có những cái tollgate, nó có thời hạn và lý do vì sao có mức fee như vậy, tương đương ở Việt Nam là phí. Còn cái “giá” thì không dựa trên một cái gì hết thì dân biết kêu ai vì đâu có ban ngành gì để kiểm soát giá đâu?

Bộ trưởng GTVT thì nói rằng hệ thống BOT không thuộc nhà nước nữa mà thuộc về doanh nghiệp cho nên nó không thể là “phí” mà phải là “giá”. Đó là cách giải thích lòng vòng và phi lý. 

Ông nói thêm rằng “giá” là số tiền để trả cho một phẩm vật nào đó mình có trong tay. Đằng này con đường là phương tiện nên không thể gọi là “thu giá”. Nếu họ nói “giá” thì mình có quyền trả giá vì khi nói đến “giá” thì nó có sự biến thiên. Nhà nước có để cho dân mặc cả không?

Liệu có đổi tên?

Trên mạng xã hội cũng như báo chí chính thống đều có những bài viết, những ý kiến phản bác chuyện đổi từ “thu phí” thành “thu giá” vì nó quá khôi hài và vô lý cả về mặt ngôn ngữ lẫn ý nghĩa. Ngay cả đơn vị xây dựng trạm thu giá BOT Đức Hòa ở Long An muốn đổi tên trạm thu giá trở về trạm thu phí, thế nhưng chuyện đổi lại thì không đơn giản chút nào.

Ông Nguyễn Lân Thắng cho rằng cái tên chỉ là một phần của câu chuyện BOT, và muốn thay đổi thì phải có lộ trình:

Với cuộc sống cơm áo gạo tiền của người dân nghĩ đến một cái lợi ích chung để đấu tranh cho lợi ích xã hội thì cũng rất là khó. Tuy nhiên các kênh truyền thông, mạng xã hội và các cơ quan truyền thông tiếng Việt ở nước ngoài bây giờ có một ảnh hưởng to lớn đến tinh thần đấu tranh của người dân phản kháng trước những vấn đề của xã hội.

Tôi vẫn tin rằng sự phản ứng ngày càng gay gắt chứ sẽ không chìm đi. Và dù là cái tên thì nó vẫn là một câu chuyện trong cả câu chuyện trạm thu phí BOT.

Việc đấu tranh này cũng cần phải có lộ trình, tức là phải thu hút được đám đông, thu hút được sự quan tâm cảu dư luận. Bằng cách này hay cách khác thì nó vẫn tiếp tục gây sức ép lên Bộ Giao thông vận tải cũng như các cơ quan công quyền trong vấn đề xử lý các trạm BOT này. 

Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ người dân là vấn đề lãnh đạo quốc gia nào cũng phải tính tới. Ngân sách chủ yếu là từ tiền thuế do dân đóng góp hoặc đi vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhà nước cần phải tính toán mức phí thu như thế nào và trong bao lâu để hoàn vốn chứ đây không phải là sản phẩm kinh doanh. Cơ sở hạ tầng của một quốc gia là để phục vụ người dân chứ không phải là một phương tiện để kinh doanh.

Diễm Thi
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét