Có một chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh
MẠCH QUANG THẮNG, 20 Tháng 5 2018 - Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước – đó là quan điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh. Quan điểm này được Hồ Chí Minh rút ra qua quá trình hoạt động cách mạng của mình và đã được thực tế lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như lịch sử cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm. Trong thời kỳ hiện nay của chặng đường phát triển, Việt Nam đang tiếp tục phát huy sức mạnh của nó.
tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội, 2.9.1945)
1. Đặt vấn đềNhìn lại toàn bộ cuộc đời của Hồ Chí Minh, tôi thấy Hồ Chí Minh đã thể hiện mình là người: (i) Áp dụng thành công học thuyết của những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học mà minh chứng là đưa dân tộc Việt Nam đi lên chủ nghĩa cộng sản; (ii) Lãnh tụ của dân tộc Việt Nam thời lịch sử hiện đại. Có nhiều điều trong cả quan điểm và hành động của Hồ Chí Minh khác, rất khác so với học thuyết Mác - Lênin. Cho nên, Hồ Chí Minh có dáng dấp là người theo chủ nghĩa dân tộc.
Nhưng, tôi khẳng định rằng, chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh theo là chủ nghĩa dân tộc chân chính. Với chủ nghĩa dân tộc này, Hồ Chí Minh cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam do mình sáng lập và rèn luyện mới huy động được sức mạnh của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại vào việc thúc đẩy sự phát triển của đất nước và góp phần vào sự phát triển văn minh tiến bộ của nhân loại. Cũng chính vì thế, Hồ Chí Minh không thiên về vấn đề đấu tranh giai cấp theo chính tông của học thuyết Mác và chủ nghĩa Lênin.
Vậy là, ở trong con người Hồ Chí Minh có cả hai cái chất tổng hòa với nhau: Cộng sản và dân tộc. Tôi gọi đó là “tổng hòa” chứ không phải kết hợp với nhau như món xa lát trộn lẫn gồm hai thành phần chính. Chủ nghĩa dân tộc chân chính, do vậy, trở thành một động lực lớn của sự phát triển. Người khám phá ra điều này không ai khác chính là Hồ Chí Minh – một nhân vật kiệt xuất trong không gian UNESCO, anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam như chính Nghị quyết 24C/18.6.5 của Khóa họp lần thứ 24 Đại Hội đồng UNESCO tại Paris cuối năm 1987 đã thông qua. Bài viết này sẽ tập trung lý giải về nội dung động lực của chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Chủ nghĩa dân tộc và sự chỉ trích
Quan điểm của Hồ Chí Minh đánh giá cao chủ nghĩa dân tộc được biểu đạt lần đầu tiên rõ nhất là trong tác phẩm “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ” năm 1924 bằng tiếng Pháp (dạng đang nghi của Hồ Chí Minh)[1]. Tác phẩm này có hẳn một mục, đó là mục “D. Chủ nghĩa dân tộc”. Tác giả tác phẩm này viết rằng: “Cuộc đấu tranh giai cấp (ở Việt Nam – MQT chú giải) không diễn ra giống như ở phương Tây”[2]. Nếu đây là tác phẩm của Hồ Chí Minh thì Hồ Chí Minh có con mắt nhìn rất đúng và sớm về vấn đề này, bởi vì đến năm 1947, nghĩa là hơn 20 năm sau, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh còn nhắc lại ý này khi đề cập vấn đề phải tránh giáo điều ở những trường hợp áp dụng kinh nghiệm từ bên ngoài trong hoạt động cách mạng: “Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”[3]. Do thấy rõ tình hình các giai - tầng ở Việt Nam trong xã hội thuộc địa-phong kiến, nên tác giả nhấn mạnh: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước…Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản. Khẩu hiệu này, do Mátxcơva tung ra, đánh vào các nhà tư sản như một nghịch lý táo bạo, nhưng thật ra điều đó có nghĩa gì? Một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời. Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ. Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, thì đã lâu lắm rồi, phần lớn thế giới sẽ Xôviết hóa và lúc đó, nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”[4]. Chỉ một đoạn văn ngắn thôi, nhưng lột tả được những vấn đề cơ bản của bản chất chủ nghĩa dân tộc theo quan điểm của người viết. Chẳng hạn: Chủ nghĩa dân tộc là “động lực lớn của đất nước”, là “động lực vĩ đại”, “chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản…khi chủ nghĩa dân tộc thắng lợi…sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”, “một chính sách hiện thực tuyệt vời”.
Chủ nghĩa dân tộc kiểu này khác xa với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa dân tộc nước lớn mà thế giới chứng kiến trong các hành xử quốc tế ở cả Đông Tây kim cổ, và chắc chắn cả trong tương lai nữa. Chủ nghĩa dân tộc mà tác giả của tác phẩm trên đây nêu lên là đi theo quan điểm của Quốc tế Cộng sản, theo đúng quan điểm của người sáng lập Quốc tế Cộng sản là V.I.Lênin. Táo bạo thay, và đáng ngạc nhiên thay, tác giả của tác phẩm này còn cho rằng: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”[5]. Và “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”[6], “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”[7].
Ấy thế mà về sau, cuối những năm 20 đầu những năm 30 thế kỷ XX, chính Quốc tế Cộng sản, đặc biệt là ở Đại hội VI năm 1928, đã đi ngược lại quan điểm này và ra sức chỉ trích những quan điểm của Hồ Chí Minh.
Nhận thức về chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam như vậy đối với một cá nhân Hồ Chí Minh thì đó là một chuyện, còn đưa quan điểm đó vào trong các văn kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 lại là một chuyện lớn hơn nhiều. Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 đã được khảm những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, trong đó có vấn đề chủ nghĩa dân tộc. Qua bao sóng gió của thời cuộc, cá nhân Hồ Chí Minh đã vì chúng mà phải hứng chịu búa rìu của những người khác quan điểm. Oái oăm thay, những người khác quan điểm này lại là những đồng chí trong Quốc tế Cộng sản (từ Đại hội VI năm 1928 đến 3 - 4 năm sau Đại hội VII năm 1935) và của chính ngay những nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương những năm 30 thế kỷ XX.
Một đặc điểm quá trình nhận thức của Hồ Chí Minh trong cuộc đời hoạt động cách mạng là ở chỗ Người giác ngộ chủ nghĩa cộng sản bắt đầu từ vấn đề dân tộc, hay nói đầy đủ nhất là vấn đề giải phóng dân tộc. Vấn đề giải phóng dân tộc thì các thế hệ trước của Hồ Chí Minh đã làm nhưng chưa thành công. Theo hệ tư tưởng phong kiến (Cần Vương)? Nó đã bị thất bại nhanh chóng vì hệ tư tưởng này không còn tiêu biểu cho xu hướng phát triển của dân tộc Việt Nam nữa khi chế độ phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XVI đã đi xuống và ngày càng khủng hoảng với mức độ nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, sự nghiệp giải phóng dân tộc chuyển làn sang hệ tư tưởng tư sản, mà tiêu biểu nhất là ba phong trào: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Việt Nam Quốc dân đảng. Cũng thất bại nhanh chóng không kém. Anh dũng có thừa, máu đào của các bậc tiên liệt đã đổ xuống, nhưng cây độc lập, tự do ở Việt Nam không ra hoa kết trái. Đó có thể là một lý do cốt yếu mà Hồ Chí Minh ra nước ngoài tìm mục tiêu và con đường giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng khác. Rồi Hồ Chí Minh đã tìm thấy qua những quan điểm của V.I.Lênin và trở thành người cộng sản cuối năm 1920. Trong ba vị được coi là những nhà kinh điển của chủ nghĩa cộng sản khoa học là C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, thì Hồ Chí Minh đượm tình và đượm lý với V.I.Lênin hơn cả, đơn giản bởi vì V.I.Lênin chú trọng đến vấn đề giải phóng dân tộc ở tầm quốc tế đồng thời đưa giải phóng dân tộc vào khung của con đường tiến đến mục tiêu chủ nghĩa cộng sản. Thậm chí, V.I.Lênin còn cho rằng, những nước tiểu nông có thể đi lên chủ nghĩa xã hội được, chứ không như quan điểm của C.Mác. Thế cho nên V.I.Lênin mới cho ra đời quan điểm về cách mạng không ngừng ở những nước này, nghĩa là làm xong cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới (kiểu mới là vì do đảng cộng sản lãnh đạo) thì nước đó đi ngay lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Hồ Chí Minh thấu hiểu những quan điểm của V.I.Lênin. Do vậy, Hồ Chí Minh mới nêu và tích cực thực hành quan điểm tập hợp lực lượng cách mạng ở Việt Nam rất độc đáo.
Nhìn nhận tình hình thực tế của các nước thuộc địa nói chung và thuộc địa-phong kiến Việt Nam nói riêng thì Hồ Chí Minh nhìn ở một tầm khác so với Quốc tế Cộng sản, tầm cao và sáng rõ, biện chứng hơn nhiều. Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX cho đến gần nửa đầu thế kỷ XX có sự biến đổi: hình thành một số giai cấp, tầng lớp mới; đó là giai cấp công nhân, giai cấp tư sản dân tộc, tầng lớp (có lúc gọi là giai cấp) tiểu tư sản. Đồng thời, các giai cấp, tầng lớp vốn có trong xã hội phong kiến (địa chủ; nông dân; sĩ phu, trí thức phong kiến) cũng có sự biến đổi về tâm lý, thái độ đối với chế độ chính trị thuộc địa - phong kiến. Trong thời gian này, Việt Nam đã có sự biến đổi rất quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Xã hội Việt Nam nổi lên mâu thuẫn rất lớn là mâu thuẫn dân tộc. Tất cả các giai cấp, tầng lớp, kể cả các giai cấp, tầng lớp cũ và kể cả giai cấp, tầng lớp mới, đều có một “mẫu số chung”, đều có nhu cầu bức thiết đánh đổ ách xâm lược của ngoại bang, giải phóng đất nước. Chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam chính là hình thành từ đặc điểm này. Hồ Chí Minh phát hiện ra “mẫu số chung” đó và nắm lấy nó, sử dụng nó, khơi và kích nó đưa vào trong xã hội Việt Nam trở thành một động lực mạnh mẽ kết hợp với sức mạnh quốc tế để đưa đất nước “đi tới xã hội cộng sản” như trong Chánh cương vắn tắt của Đảng đầu năm 1930 đã nêu.
Kể từ khi V.I.Lênin mất đầu năm 1924 cho đến trước Đại hội VII năm 1935, Quốc tế Cộng sản có lúc thiên về tả khuynh, và nhiều đảng cộng sản lãng quên vấn đề ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Chính vì thế, tại Phiên họp lần thứ 8 Đại hội V Quốc tế Cộng sản, sáng 23-6-1924, Hồ Chí Minh đã phát biểu về vai trò quan trọng của cách mạng ở nước thuộc địa trong quan hệ với cách mạng ở “chính quốc” rằng: “Tôi đến đây để không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: Thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: Cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa, còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song tôi thấy rằng, hình như các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa…Vì vậy, muốn đánh bại các nước này, trước hết chúng ta phải tước thuộc địa của nó đi”[8].
Nhưng tiếc thay, éo le thay, Hồ Chí Minh lại bị "cầm tù" bởi những quan điểm tả khuynh của Quốc tế Cộng sản trên một số vấn đề chủ yếu nhất của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Éo le thay, trong quãng thời gian 1934-1938, Hồ Chí Minh tuy sống tại đại bản doanh của Quốc tế Cộng sản (Mátxcơva), nhưng không được giao công việc gì quan trọng cả. Bức thư sau đây ngày 6-6-1938 của Hồ Chí Minh gửi một vị lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản đã nói lên điều này:
“Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Công. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này.
Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng"[9].
Sự hiểu lầm/hiểu sai đáng tiếc nhất lại là từ các học trò của Hồ Chí Minh, những người mà Hồ Chí Minh dìu dắt, chọn lựa, đào tạo, bồi dưỡng và cử đi học tập trong các trường cách mạng, kể cả ở Quốc tế Cộng sản. Ngay trong năm 1933, tức là 3 năm sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong tác phẩm viết về Đảng khá sớm ở Việt Nam với nhan đề “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương”, tác giả Hồng Thế Công (tức Hà Huy Tập), người mà sau đó mấy năm trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, đã phê phán Hồ Chí Minh và cho rằng Hồ Chí Minh “đã phạm một loạt sai lầm cơ hội chủ nghĩa…mà chúng ta không thể bỏ qua”[10].
Cũng phải thôi, vì Hà Huy Tập đem những quan điểm trong các văn kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 ra để đối chiếu, so sánh với những nội dung, quan điểm của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. So sánh như vậy, thì hèn chi mà không có sự khác nhau. Trong các văn kiện được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 do Hồ Chí Minh chấp bút (sau này thường được coi là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng), trong lực lượng cách mạng, Cương lĩnh đã nêu, ngoài công nông, còn có trí thức tiểu tư sản; trung, tiểu địa chủ; tư sản dân tộc.
Hà Huy Tập cho rằng: “Đường lối chính trị của Hội nghị hợp nhất và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đều sai lầm trên nhiều phương diện”. Hà Huy Tập đã “phê phán những sai lầm chủ yếu của Hội nghị hợp nhất và để làm việc này, chúng tôi sẽ đối chiếu từng quan điểm sai lầm đó với những quan điểm chính thức của Quốc tế Cộng sản”.
Hà Huy Tập cho rằng: “Khi nói một cách mơ hồ rằng, cần phải làm cách mạng tư sản dân chủ và cách mạng ruộng đất ở Đông Dương, một mặt Hội nghị đã bỏ quên cách mạng phản đế, mặt khác Hội nghị lại không hiểu rằng cách mạng ruộng đất là cái trục của cách mạng tư sản dân chủ. Một thiếu sót khác về vấn đề này nữa là chưa xác định được rõ sau khi công nông đã cướp chính quyền, thì dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, người ta sẽ thiết lập chuyên chính của giai cấp vô sản và giai cấp nông dân dưới hình thức xôviết. Hội nghị không hiểu rõ quá trình chuyển biến của cách mạng tư sản dân chủ thành cách mạng vô sản, cũng không hiểu rõ rằng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tiến hành sau khi đã làm xong cách mạng vô sản vẫn còn chưa thuộc phạm trù của chế độ cộng sản…Hội nghị hợp nhất đã nhận định một cách cơ hội chủ nghĩa cách mạng Việt Nam tách rời cách mạng thế giới nói chung và tách rời cách mạng Đông Dương nói riêng. Sở dĩ sai lầm như vậy là vì đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các đại biểu Hội nghị hợp nhất còn mang nặng những tàn tích của chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa dân tộc sô vanh. Những danh từ mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc dùng trong lá truyền đơn của mình: “đồng bào…, cách mạng Việt Nam…, nếu chúng ta cứ bỏ mặc cho tất cả giống nòi Việt Nam bị quét sạch, v.v.” chứng tỏ khuynh hướng sai lầm đó đã tồn tại và không thể biện bạch nổi”.
Thực ra, ngay cả những điểm trên đây mà Hà Huy Tập đã thuật lại những quan điểm của Hội nghị hợp nhất cũng không chính xác.
Tiếp nối dòng phê phán những quan điểm của Hồ Chí Minh trong các văn kiện Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, Hà Huy Tập viết: “Cương lĩnh của Hội nghị hợp nhất đề ra vấn đề làm cách mạng điền địa, nhưng không đả động một lời nào đến giai cấp địa chủ. Hội nghị chỉ nói đến việc tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc nhưng không nói gì đến việc tịch thu ruộng đất của địa chủ. Như vậy là cuộc cách mạng ruộng đất mà Hội nghị hợp nhất đề ra chỉ là một cuộc cách mạng bộ phận vì thế nó không có khả năng xoá bỏ các hình thức bóc lột tiền tư bản chủ nghĩa ở nông thôn Đông Dương… Chẳng những Hội nghị hợp nhất không nêu khẩu hiệu đánh đổ giai cấp địa chủ, tịch thu hết thảy ruộng đất của chúng, mà còn nêu ra vấn đề sử dụng, hoặc ít ra cũng trung lập bọn tiểu và trung địa chủ. Như thế là Hội nghị không hiểu rằng cần phải tiêu diệt chúng về mặt giai cấp. Đối với giai cấp tư sản bản xứ, Hội nghị đã bỏ họ vào cùng một bị với bọn địa chủ. Hội nghị cũng nêu ra vấn đề sử dụng hoặc trung lập giai cấp tư sản bản xứ. Đề ra một sách lược như thế có nghĩa là từ bỏ cuộc đấu tranh chống lại ảnh hưởng tai hại của giai cấp tư sản bản xứ trong quần chúng lao động Đông Dương…Đối với phú nông, Hội nghị cũng đề ra vấn đề sử dụng hoặc trung lập...Đối với trí thức và giai cấp tiểu tư sản, Hội nghị cũng nêu ra vấn đề liên minh. Đây cũng là một sách lược sai lầm”.
Tôi viết như trên là dựa theo tài liệu để lại đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản thành bộ Văn kiện Đảng toàn tập. Xin được nhấn mạnh rằng, tôi hoàn toàn không phê phán cá nhân Hà Huy Tập. Hà Huy Tập là một cán bộ kiên cường với phẩm chất cách mạng tuyệt vời của thế hệ cộng sản những năm 30 thế kỷ XX. Ông cũng là sản phẩm của một thế hệ cán bộ thực hiện một cách nghiêm túc nhất Nghị quyết cấp trên, tức là Nghị quyết Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Ở Hà Huy Tập hay Trần Phú, hay Lê Hồng Phong, nếu có tả khuynh ở mức nào đi chăng nữa thì đều là do sự chế định của tả khuynh Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Ở đây, tôi không có ý phê bình cá nhân. Qua đó để biết thêm về bản lĩnh và tầm nhìn của Hồ Chí Minh trong khi những người khác, kể cả những nhân vật chủ chốt của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, nhìn không sát về tình hình Việt Nam.
Hồ Chí Minh không tranh luận với những ý kiến đó, mà tiếp tục dấn thân vào hoạt động thực tế.
Đến nỗi mà đến năm 1935, ngày 31 tháng 3, nghĩa là sau Đại hội I Đảng Cộng sản Đông Dương và ngay trước Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản, trong Thư của Ban Chỉ huy ở ngoài (của Đảng Cộng sản Đông Dương) khá dài gửi Quốc tế Cộng sản, bên cạnh Hồ Chí Minh được “Ban Chỉ huy ở ngoài và Ban Trung ương của Đảng chỉ định là đại diện của Đảng ở Quốc tế Cộng sản”, còn viết rõ: “Ở Xiêm và Đông Dương, các tổ chức cộng sản đã tiến hành một cuộc tranh đấu công khai chống lại những tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa duy tâm của đảng của các đồng chí Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản. Cuộc tranh đấu không nhân nhượng chống những học thuyết cơ hội này của đồng chí Quốc và của Đảng Thanh niên là rất cần thiết. Hai Đảng Cộng sản Xiêm và Đông Dương đã viết một quyển sách chống những khuynh hướng này[11]. Chúng tôi đề nghị đồng chí Lin viết một cuốn sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua”[12].
Không biết “đồng chí Lin” (tức Hồ Chí Minh) sau đó có viết cuốn sách nào để tự phê bình không. Chắc chắn là không, vì Hồ Chí Minh là con người có bản lĩnh, không dễ gì sai khiến. Hồ Chí Minh kiên trì với những điều mà mình cho là đúng.
Chủ nghĩa dân tộc bị kỳ thị như thế đấy! Tại sao Quốc tế Cộng sản và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương hiểu lầm/hiểu sai Hồ Chí Minh? Quan điểm không đúng của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928 về tập hợp lực lượng cách mạng ở nước thuộc địa đã ảnh hưởng dai dẳng của nó tới cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước này. Quốc tế Cộng sản là chàng hiệp sĩ của thế kỷ XX. Nó được lập ra năm 1919 do sáng kiến của V.I.Lênin và tự giải tán năm 1943 khi Thế chiến II bước vào giai đoạn quyết liệt. Quốc tế Cộng sản đã giương cao vai trò thúc đẩy phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên thế giới, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Hàng loạt đảng cộng sản trên thế giới đã ra đời trong thời gian này. Nhưng, Quốc tế Cộng sản cũng không tránh khỏi những hạn chế, nhất là sau khi V.I.Lênin mất, tính "chỉ huy" càng được bộc lộ một cách đậm nét hơn trong sự tác động của Đảng Cộng sản Liên Xô và của J.Xtalin. Điều này không đáp ứng được sự vận động tích cực, chủ động của các đảng cộng sản trên thế giới, nhất là các nước thuộc địa phương Đông xa trung tâm Mátxcơva.
Quốc tế Cộng sản đã đúng trong việc lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc những năm V.I.Lênin còn sống, nhất là được sự chỉ dẫn của những quan điểm nêu trong Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Bản Luận cương này được V.I. Lênin viết xong vào tháng 6, 7-1920, đăng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản, số 11, ngày 14-7-1920; báo l'Humanité của Đảng Xã hội Pháp đăng vào tháng 7-1920 và được thảo luận tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 19-7 đến ngày 7-8-1920 ở Pêtơrôgrát (sau gọi là Lêningrát và nay gọi lại là Xanh Pêtécbua).
Với tư tưởng của V.I.Lênin thể hiện trong Luận cương cũng như các văn kiện của Đại hội II, Quốc tế Cộng sản đã khẳng định sự đoàn kết của giai cấp vô sản và quần chúng lao động ở tất cả các dân tộc trên thế giới chống lại chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Tư tưởng của V.I. Lênin toả sáng là ở chỗ: giai cấp vô sản cũng như Quốc tế Cộng sản "thực sự ngày nay… không những là đại diện cho những người vô sản trong tất cả các nước, mà còn đại diện cho cả những dân tộc bị áp bức"[13]. Do ảnh hưởng trực tiếp của tư tưởng đó, ngay sau Đại hội II của Quốc tế Cộng sản, đã diễn ra Đại hội các dân tộc phương Đông họp từ ngày 1-9-1920 đến ngày 7-9-1920 tại Bacu (Adécbaigian), trong đó có chương trình nghị sự về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đại hội còn quyết định xuất bản tạp chí “Những dân tộc phương Đông” bằng các thứ tiếng Nga, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Arập, mà trong số tháng 10-1920, nêu lên khẩu hiệu“Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”.
Ấy vậy mà chỉ sau có 4 năm thôi, tức là đến Đại hội VI năm 1928, quan điểm của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và thuộc địa đã lệch sang một phía tả, cực tả.
Thực ra, V.I.Lênin cũng đã lường thấy được nguy cơ của bệnh tả khuynh trong phong trào cộng sản quốc tế. Tác phẩm của V.I.Lênin “Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản” đã được ông viết năm 1920 là nhằm đề phòng nguy cơ đó. Tại Đại hội III Quốc tế Cộng sản vào tháng 6 năm 1921, V.I.Lênin tiếp tục phê phán một cách gay gắt bệnh giáo điều tả khuynh. Ông phát biểu: “Nếu Đại hội không tiến hành kiên quyết chống những sai lầm như thế, chống những điều ngu xuẩn “tả” như vậy, thì toàn bộ phong trào sẽ không tránh khỏi tan vỡ. Tôi tin tưởng sâu sắc như vậy”[14].
Đáng tiếc thay, từ khi V.I.Lênin qua đời, nguy cơ tả khuynh không những không được chú ý ngăn chặn mà nó đã trở thành hiện thực trực tiếp đe dọa sự lớn mạnh của phong trào cộng sản quốc tế, điển hình nhất, biểu hiện rõ ràng nhất là ở Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928. Đại hội VI Quốc tế Cộng sản cuối năm 1928 đánh giá với thiên hướng tả đối với giai cấp tư sản nói chung và đối với giai cấp tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa. Cũng có nguyên do của sự đánh giá đó. Ấy là vì lúc này, trên thế giới đã có một số sự kiện nói lên sự phản bội của giai cấp tư sản ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa, phụ thuộc đối với phong trào cách mạng của công - nông chống đế quốc và phong kiến.
Đó là sự phản bội của Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc bắt đầu vào ngày 3-4-1927 đối với đường lối do Tôn Trung Sơn nêu lên và đã có tác dụng tốt trong cuối những năm 30 thế kỷ XX: “Liên Nga, liên cộng, ủng hộ công nông”. Sau ngày đó, hàng loạt các chiến sĩ cộng sản, yêu nước của Trung Quốc cũng như của các dân tộc khác đang hoạt động ở Trung Quốc đã bị khủng bố. Còn ở Ấn Độ, với thuyết Bất bạo động của Găngđi cộng với ảnh hưởng của tình hình quốc tế, nên giai cấp tư sản Ấn Độ bị nhìn nhận, bị đánh giá một cách phiến diện, không thấy được tính tích cực của nó trong phong trào giải phóng dân tộc ở đây.
Phong trào cộng sản ở các nước, theo tinh thần của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, đã có những biểu hiện tả khuynh nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, chủ quan về đánh giá lực lượng cách mạng ở các nước thuộc địa, đánh giá sai tương quan lực lượng các giai cấp. Họ không chú trọng lắm đến lập mặt trận dân tộc thống nhất để không những đoàn kết, tập hợp công nông, mà còn tập hợp các giai cấp, tầng lớp khác chống chủ nghĩa đế quốc. Một sai lầm nghiêm trọng nữa của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản là cho rằng, các đảng Dân chủ Xã hội cùng toàn bộ Phong trào Xã hội dân chủ là “chỗ dựa chính của chủ nghĩa đế quốc trong việc thống trị giai cấp công nhân”, là kẻ tòng phạm, là “anh em sinh đôi” của chủ nghĩa phátxít. Họ say sưa hướng lực lượng cách mạng vào cuộc đấu tranh “giai cấp chống giai cấp”[15], chống giai cấp tư sản và chống cả lực lượng và trào lưu xã hội dân chủ. Đó là chưa kể một điều tệ hại nữa là Đại hội VI Quốc tế Cộng sản còn xác định nhiệm vụ chống cả các thế lực tôn giáo, cho vào một rọ/gắn liền với các nhiệm vụ chống chủ nghĩa đế quốc, phong kiến và tư sản bản xứ. Thật quá tả, hết sức quá tả. Chống đế quốc, chống phong kiến, chống tư sản, chống tôn giáo, chống lực lượng xã hội dân chủ. Chống tất. Chỉ độc có có công nông là cách mạng mà thôi. Như vậy, chẳng khác gì Đại hội VI đưa ra một thông điệp rằng, chỉ có những người cộng sản mới là tiến bộ, còn các lực lượng khác là phản tiến bộ[16].
Điều này có căn nguyên của nó do quá trình bônsêvích hoá các đảng cộng sản trên thế giới kéo dài để gột rửa những ảnh hưởng của chủ nghĩa cơ hội, cải lương từ Quốc tế II. Một loạt các đảng cộng sản ra đời vốn là từ hợp nhất với các đảng xã hội hoặc đảng dân chủ-xã hội. Quốc tế Cộng sản ở Đại hội VI lo lắng cho tình hình các đảng cộng sản ở các nước thuộc địa phương Đông bị chịu ảnh hưởng nhiều từ các tàn tích của chế độ phong kiến, lo rằng các đảng đó có thể dễ thoả hiệp với giai cấp tư sản dân tộc. Đó là cái lo của một người bề trên, nhưng là người bề trên ở xa, quan liêu, và tự cho mình cái quyền bắt cấp dưới phải vâng lời, bất chấp tình hình thực tế cụ thể của đảng đó, dân tộc đó.
Thứ nữa, Quốc tế Cộng sản tại Đại hội VI đã “chọn mẫu” không phù hợp để khái quát chung tình hình các phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Quốc tế Cộng sản đã chọn Trung Quốc và Ấn Độ làm mẫu để khái quát đánh giá cũng như đề ra chiến lược, sách lược cho hoạt động của các đảng cộng sản ở các nước thuộc địa khác. Xứ Đông Dương và Việt Nam khác, khác lắm so với thuộc địa Ấn Độ của Anh và nửa thuộc địa ở Trung Quốc. Trung Quốc và Ấn Độ mà đã khác với phương Tây thì Việt Nam lại càng khác phương Tây và khác ngay cả với tình hình của nước láng giềng Trung Quốc và với Ấn Độ. Đó là điều không lạ. Hồ Chí Minh đã nói trước rồi. Nhưng Quốc tế Cộng sản không nghe.
Do tình hình trên, nên ngày 1-9-1928, Báo cáo tại Đại hội VI Quốc tế Cộng sản Đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đã đưa ra quan điểm đánh giá về thái độ chính trị của các giai cấp một cách không đúng.
Chẳng hạn, đối với giai cấp tư sản dân tộc, Báo cáo này cho rằng:
(i) Giai cấp tư sản dân tộc một mặt có liên hệ với bọn đại địa chủ, mặt khác lại liên hệ với tư bản nước ngoài nên giai cấp tư sản dân tộc thuộc về phe phản cách mạng;
(ii) Giai cấp địa chủ, dù bất kỳ loại nào, nghĩa là từ đại địa chủ cho đến tiểu địa chủ, đều phải đánh đổ vì điều này phục tùng quan điểm xoá bỏ các quan hệ tiền tư bản;
(iii) Lực lượng trí thức và tiểu tư sản không phải là lực lượng liên minh với giai cấp vô sản vì họ là đại biểu kiên quyết nhất không những cho lợi ích riêng của giai cấp tiểu tư sản mà cả cho lợi ích của giai cấp tư sản, chỉ có một số ít thoát ly khỏi giai cấp họ, nhận thức được nhiệm vụ đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản và trở thành những người bảo vệ tích cực lợi ích giai cấp vô sản.
Đại hội VI Quốc tế Cộng sản đưa ra khẳng định rằng: “Không giải phóng quần chúng lao động khỏi ảnh hưởng của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc cải lương, thì không thể đạt được mục tiêu chiến lược cơ bản của phong trào cộng sản trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản: Vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản”[17].
Phải nói rằng, với lỗi này, từ quan điểm gốc này của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, dẫn đến về sau đó là hàng loạt chỉ đạo cụ thể đối với cách mạng ở Đông Dương không phù hợp. Và, cách mạng ở Đông Dương đã chịu hậu quả không tốt.
Nghị quyết về Đông Dươngcủa Quốc tế Cộng sản cuối năm 1929 lại là sự liền mạch và là sự triển khai một cách chặt chẽ, cụ thể nhất những quan điểm của Đại hội VI. Nghị quyết chỉ rõ: Phải "tịch thu không bồi thường ruộng đất của địa chủ" (toàn bộ địa chủ); thái độ đối xử với giai cấp tư sản dân tộc là: "Giai cấp tư sản bản xứ, nói chung là yếu ớt, gắn liền với sở hữu ruộng đất…; mặt khác họ chịu ảnh hưởng của giai cấp tư sản Tàu cùng lập trường phản cách mạng của giai cấp đó. Một bộ phận của giai cấp tư sản hiện nay đã hợp tác với chủ nghĩa đế quốc Pháp. Một bộ phận khác đang tìm cách thoả hiệp với họ. Điều rõ ràng là giai cấp tư sản, trong toàn bộ của họ, không thể nào vượt quá giới hạn của chủ nghĩa quốc gia cải lương và với đà phát triển của cách mạng ruộng đất, nhất định họ sẽ nhảy qua hàng ngũ phản cách mạng. Tuy nhiên, điều đó không gạt bỏ khả năng là một vài tầng lớp của giai cấp tư sản có mưu đồ muốn đứng ra lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Nhưng mục đích của họ là nhằm phá hoại phong trào, phá hoại cách mạng. Chính yếu tố này sẽ quyết định lập trường của chúng ta đối với giai cấp tư sản"[18].
Còn đối với phú nông thì Quốc tế Cộng sản, trong Nghị quyết ngày 28-5-1931 nêu chủ trương: “Giai cấp vô sản…không bao giờ được liên minh với họ"[19]. Đối với giai cấp tiểu tư sản, tầng lớp trí thức, Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản năm 1929 cho rằng: "Không nên cường điệu khuynh hướng cách mạng của giai cấp tiểu tư sản thành thị, lại càng không nên xem những phần tử ít cách mạng nhất, tầng lớp tiểu thương, như là động lực của cách mạng"[20].
Như vậy, với quan điểm của Đại hội VI năm 1928 và quan điểm của Nghị quyết về Đông Dương cuối năm 1929, Quốc tế Cộng sản, trừ hai giai cấp công nhân và nông dân ra, đã gạt sạch tất cả các giai cấp, tầng lớp còn lại của một xã hội thuộc địa- phong kiến ra ngoài vòng các lực lượng cần tập hợp. Đã thế, trong Nghị quyết về Đông Dương, Quốc tế Cộng sản đưa ra một lời cảnh báo, chặn trước rằng: Quốc tế Cộng sản "Chỉ có thể thừa nhận là tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương… chỉ những tổ chức và nhóm hoàn toàn chấp nhận những quyết định của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản"[21].
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, chủ nghĩa dân tộc gắn liền với chủ nghĩa cộng sản. Theo đó, chúng ta cần hiểu chủ nghĩa dân tộc đó có định hướng cho sự phát triển tiến bộ của xã hội, không phải thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Trong chế độ phong kiến Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc đã phát huy tác dụng và đã thành công, khi thành công thì nó dẫn đến hoặc là triều đại phong kiến này thay thế cho triều đại phong kiến khác hoặc là lại nẩy sinh chủ nghĩa dân tộc sô vanh và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Quan điểm về chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh không có gì chung với cái đó. Chính trên điểm này mà một số người đã hiểu lầm/hiểu sai Hồ Chí Minh một cách dai dẳng và cay nghiệt, cho rằng, Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa, quốc gia cải lương.
Với quan điểm chủ nghĩa dân tộc gắn liền hoặc đi tới chủ nghĩa cộng sản, Hồ Chí Minh là người tiên phong trong việc củng cố và bổ sung chủ nghĩa Mác - Lênin “bằng dân tộc học phương Đông”, bổ sung và làm giàu thêm học thuyết Mác - Lênin. Từ trong bản chất của sự phát triển, tất cả các học thuyết chính trị nói chung, kể cả học thuyết Mác - Lênin, đều rất cần đến sự bổ sung, phát triển. Chính bản thân Hồ Chí Minh là người sống trong lòng các sự kiện vận động cách mạng của thế giới, chịu xem xét, tổng kết thực tiễn, do vậy, Hồ Chí Minh chính là một người bổ sung nhiều nhất cho chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, điều mà V.I.Lênin, đặc biệt là C.Mác và Ph.Ăngghen, chưa thể hoặc chưa có điều kiện đề cập một cách sâu sắc.
Giai cấp tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa, dưới quan điểm của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản thì đó là đối tượng cần phải đánh đổ của cách mạng dân tộc do giai cấp vô sản lãnh đạo, thì trong cương lĩnh đầu năm 1930, những người thành lập Đảng, trong đó có Hồ Chí Minh, lại cho rằng: "Tư bản bản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được. Còn về nông nghệ một ngày một tập trung đã phát sinh ra lắm khủng hoảng, nông dân thất nghiệp nhiều. Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì, ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được"[22]; "Đảng tập hợp và lôi kéo phú nông, tư sản và tư sản bậc trung"[23]. Toàn bộ giai cấp địa chủ ở các nước thuộc địa, theo Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, là giai cấp phải đánh đổ, thì trong cương lĩnh, những người thành lập Đảng lại khẳng định: "Chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa"[24]; "Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ trung lập"[25]. Đối với tiểu tư sản, trí thức ở các nước thuộc địa, trong khi Đại hội VI Quốc tế Cộng sản ngăn rằng, không được liên minh với họ, thì trong cương lĩnh, những người thành lập Đảng lại khẳng định: "Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức…để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp"[26].
Đáng tiếc thay, Hội nghị tháng 10-1930 của Trung ương Đảng đã ra án Nghị quyết của Trung ương toàn thể hội nghị nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, trong đó chỉ trích một cách gay gắt những cách làm và quan điểm của những người tham gia Hội nghị thành lập Đảng. Đáng tiếc nhất là Nghị quyết nêu: "Thủ tiêu chánh cương sách lược và Điều lệ cũ của Đảng, lấy kinh nghiệm trong thời kỳ vừa qua mà thực hành công việc cho đúng như án nghị quyết và Thơ chỉ thị của Q.T.C.S"[27].
Tư tưởng tả khuynh của Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 sau đó cũng đã được điều chỉnh. Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh, trong đó có quan điểm mới là vạch rõ sự cần thiết phải thực hiện khẩu hiệu chia ruộng đất cho dân cày, có như thế mới nhận được sự hưởng ứng của nông dân; ngoài liên minh công nông, "còn mặt khác nữa là giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật đông, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công (rộng là toàn dân cùng đứng trong một mặt trận chống đế quốc và tụi phong kiến làm tay sai phản động hèn hạ; kín là công nông trong bức tường thành dân tộc phản đế bao la)"[28]. Ban Thường vụ Trung ương Đảng cũng đã dũng cảm nêu lên những khuyết điểm của Đảng về nhận thức và phương pháp tổ chức các đoàn thể cách mạng, đó là việc chỉ bó hẹp đơn thuần trong hàng ngũ công nông trong khi đó các lực lượng khác cũng rất đông đảo và hăng hái. Tình trạng đó, như Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng nêu rõ: "Do đó, thiếu mặt tổ chức thật quảng đại quần chúng, hấp thụ các tầng lớp trí thức dân tộc, tư sản dân tộc, họ là tầng lớp trên hay ở vào tầng lớp giữa cũng vậy, và cho tới cả những người địa chủ, có đầu óc oán ghét đế quốc Pháp, mong muốn dộc lập quốc gia, để đưa tất cả những tầng lớp và cá nhân đó vào trong hàng ngũ chống đế quốc Pháp, để cần kíp tổng động viên toàn dân nhất tề hành động mặt này hay mặt khác mà chống khủng bố trắng và ủng hộ cách mạng công nông"[29].
3. Có nên ngại ngần?
Vẫn còn có nhận thức chưa đúng về nhân vật lịch sử hiện đại Hồ Chí Minh trong vấn đề chủ nghĩa dân tộc và động lực của nó đối với sự phát triển của dân tộc Việt Nam nói chung và đối với cả giai đoạn lịch sử Việt Nam đương đại.
Một số chính khách và không ít nhà nghiên cứu trên thế giới, từ cách tiếp cận của họ, cho rằng, họ rất thích tính cách dân tộc chủ nghĩa của Hồ Chí Minh, nhưng lại rất tiếc rằng, Hồ Chí Minh lại là một người cộng sản – thậm chí cộng sản theo kiểu J.Xtalin. Một số khác, chủ yếu là từ những người cộng sản vẫn giữ theo quan điểm của của thời Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, cho rằng, rất tiếc Hồ Chí Minh là cộng sản nhưng có hơi hướng chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa dân tộc. Một số khác thì lại phân vân không biết gọi Hồ Chí Minh là người thuộc tính cách nào, dân tộc chủ nghĩa hay cộng sản. Gần đây nhất, Sergei Nekhamkin (người Nga) có bài viết “Người đồng chí An Nam Nguyễn Ái Quốc” đăng “Tuần báo Luận chứng” (tiếng Nga), số 49 (540) ngày 14-12-2016 nhân Kỷ niệm 70 năm cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, trong đó vẫn còn viết: “Rốt cuộc ở đây có một câu hỏi đặt ra: Thực ra “Bác Hồ là ai?”, là một người cộng sản kiên định hay là một thủ lĩnh dân tộc thông minh khoác áo cộng sản để dẫn dắt ván bài của riêng mình trong cuộc đối đầu địa chính trị của thế kỷ XX vì nền độc lập dân tộc?”.
Thực ra, câu hỏi không mới, không lạ. Thực tế lịch sử đã giải quyết rồi. Đáp số đã có cho lời giải về sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc, kể cả trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cho cả thời gian xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực tế không chỉ ở Việt Nam mà là cả thế giới đều cho thấy sức mạnh hiển nhiên của chủ nghĩa dân tộc. Động lực của chủ nghĩa dân tộc thật lớn. Nó lớn đến mức, trong những tình huống cụ thể sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn, thì chủ nghĩa quốc tế vô sản, hay chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, đã bị lấn át, mà dáng dấp động lực nổi lên rõ nhất là chủ nghĩa dân tộc.
Chủ nghĩa dân tộc được coi là “Một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời” (Trong tác phẩm “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ”, tôi đã dẫn ở Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 513). Bây giờ quan điểm này càng tuyệt vời hơn với ý nghĩa là nó đang có đất sống và phát triển mạnh hơn. Ấy thế mà, theo quan sát của tôi, hiện nay, mặc dù đất nước ta đang trải nghiệm hơn 30 năm đổi mới rồi mà vẫn có người ngại ngần khi nêu rõ hoặc nhấn mạnh vấn đề chủ nghĩa dân tộc theo quan niệm của Hồ Chí Minh. Năm 1924, khi nêu vấn đề này mà còn không sợ bị truy chụp là theo chủ nghĩa xét lại. Có gì lạ đâu và có gì ngại đâu về vấn đề này khi lịch sử thế giới vài ba thập niên trở lại đây đã chứng minh rất rõ vấn đề động lực của chủ nghĩa dân tộc. Đằng này, Hồ Chí Minh không đề cập chủ nghĩa dân tộc chung chung mà nó nằm trong dòng chủ lưu, hợp với xu thế của thời đại, đó là xu thế tiến lên chủ nghĩa cộng sản.
Nhiều người cho rằng, Hồ Chí Minh đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản. Nhận định như thế này là đã tách chủ nghĩa cộng sản ra khỏi chủ nghĩa yêu nước. Tôi cho rằng, tuyệt nhiên không có chuyện tách đó. Ở tư tưởng Hồ Chí Minh, ở trong chủ nghĩa cộng sản có bao hàm cả chủ nghĩa yêu nước. Có điều là chủ nghĩa yêu nước đó đã được nâng lên một cái chất mới, nó hướng đích mới. Do đó, tôi thấy rằng, Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công vấn đề mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, chúng tuy hai mà một trong tiến trình vận động của cách mạng Việt Nam.
Quan điểm phát huy chủ nghĩa dân tộc, coi đó là một động lực lớn của sự phát triển dân tộc và coi có thể đi theo chủ nghĩa cộng sản không phải là quan điểm nhất thời của Hồ Chí Minh; không những chỉ đúng với thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mà nó là vấn đề chiến lược, đúng với cả thời kỳ xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa.
Nhìn ở đâu và ở lúc nào, tôi đều có thể bắt gặp sự hiển hiện của chủ nghĩa dân tộc, lúc đậm, lúc nhạt, lúc nổi, lúc chìm, lúc bột phát, lúc âm ỉ, lúc cuồn cuộn như sóng dềnh biển cả. Sức mạnh của nó thật khó mà đo đếm, thật là vô biên. Thì đấy! Trung Quốc đã hạ đặt Giàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam thì dấy lên tinh thần dân tộc mạnh mẽ ở Việt Nam phản đối mà trước đó ít ai ngờ sao mà mạnh đến vậy. Đội tuyển Bóng đá trẻ của Việt Nam mới chỉ giành được Huy chương Bạc (á quân) của Giải bóng đá U23 châu Á thôi, mà đã tạo ra những cơn sóng của tinh thần dân tộc khó mà diễn tả nổi.
Vậy là đừng có ngại ngần khi đề cập sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam. Đừng quy kết quan điểm chính trị cực đoan cho những ai nêu ra và cổ súy cho động lực này. Nếu mà cứ cố tình quy kết, chụp mũ, gán cho những ai có quan điểm tán đồng chủ nghĩa dân tộc, coi chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn cho sự phát triển của dân tộc thì hãy phê phán ngay bản thân Hồ Chí Minh đi! Đừng nhắm mắt làm ngơ để nói lệch đi trước hiển hiện của sự thực lịch sử của Việt Nam, kể cả thời kỳ hiện đại có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ nghĩa dân tộc là thứ vũ khí và thứ vũ khí này là vô cùng to lớn cần nắm lấy và phát huy cho tốt. Làm cho tốt là ở chỗ:
(i) Đừng biến nó thành vũ khí cực đoan. Chủ nghĩa dân tộc ở đây, như đã phân tích ở trên đây, là chủ nghĩa dân tộc chân chính, nó xa lạ với chủ nghĩa dân tộc sôvanh nước lớn và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Chủ nghĩa dân tộc chân chính không có gì chung với sự quá khích đập phá những công xưởng, công ty của người nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam khi có các cuộc đấu tranh chống việc Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan 981 xuống vùng biển Bắc Bộ của Việt Nam năm 2015.
(ii) Làm cho tốt còn là ở chỗ, trong khi đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết, lên trước hết, cả trong quan hệ đối tác quốc tế thời hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, cũng phải dựa trên nền quan hệ hài hòa của lợi ích chung toàn thế giới. Về vấn đề này, đã từ rất sớm, trong dịp thăm nước Pháp năm 1946, bên cạnh phái đoàn của Việt Nam đi Hội nghị Phôngtenblô, khi đang gồng mình để cứu vãn hoà bình, ngăn chiến tranh Pháp - Việt nổ ra, Hồ Chí Minh đã vận cả văn hoá Khổng giáo phương Đông và triết lý văn hoá phương Tây để bày tỏ cho Chủ tịch Chính phủ Pháp G. Biđôn rõ: “Sự thành thực và sự tin cẩn lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại. Chúng ta chẳng đã ruồng bỏ được cái chủ nghĩa đế quốc xâm lược và cái chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi không còn thích hợp với thế giới hiện tại đấy ư? Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Nghĩa là Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác – MQT chú giải). Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới (tức Hội nghị Phôngtenblô - MQT) sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp”[30].
Động lực của chủ nghĩa dân tộc là nhìn ở quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc, mà Hồ Chí Minh rất đặc biệt coi trọng tình nghĩa láng giềng, tức là với Trung Quốc, với Lào, với Campuchia, các nước ASEAN và với nhiều nước khác nữa. Tình cảm, trách nhiệm quốc tế với quyền lợi của mỗi dân tộc quyện chặt vào nhau, không có chuyện hy sinh cái này cho cái kia. Hồ Chí Minh còn nêu rõ rằng, giúp bạn tức là tự giúp mình. Hồ Chí Minh hiện thân cho tình đoàn kết và thân ái quốc tế, đúng như những lời của nhà thơ Liên Xô Ôxíp Manđensơtam trong bài báo nhan đề “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản – Nguyễn Ái Quốc”,đăng trên báo Ngọn lửa nhỏ của Liên Xô, số 39, ngày 23-12-1924: “Dáng dấp của con người trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị…Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai…Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”[31]. Hồ Chí Minh, trong thực tế lịch sử, đã trở thành một biểu tượng của tình hữu nghị giữa các dân tộc, của lòng nhân ái trên thế giới.
(iii) Làm cho tốt còn là phải đáp ứng tốt yêu cầu kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Điều này đã được khẳng định trong đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam. Độc lập không có nghĩa là đứng một mình mà là tích cực chủ động hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa. Việt Nam có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại. Đồng thời Việt Nam có thể tranh thủ sự ủng hộ sức mạnh vật chất cũng như tinh thần từ bè bạn quốc tế. Sức mạnh hợp tác cùng phát triển, sức mạnh các bên đều thắng trong các hiệp định hợp tác. Sức mạnh đó phải theo đúng các chuẩn mực quốc tế đã thể chế hóa bằng các công ước, hiệp định quốc tế. Không thể lợi dụng, cậy thế nước lớn để chà đạp luật pháp quốc tế, bắt nạt các nước nhỏ. Cũng không thể tự ty, bằng lòng với thân phận nước nhỏ để không chịu hợp tác và bo bo cho quyền lợi ích kỷ của dân tộc mình. Dù có không ít điểm khác so với hiện nay do thời cuộc đổi thay trong các quan hệ quốc tế của Việt Nam, một Việt Nam mở cửa, hội nhập, cùng tích cực, chủ động bước vào sân chơi chung của cộng đồng quốc tế, nhưng những quan điểm của Hồ Chí Minh về quan hệ đối ngoại vẫn là những quan điểm dẫn đường với ý nghĩa là phương pháp luận cực kỳ quý báu.
Việt Nam phải luôn luôn chủ động, tích cực mở rộng tối đa các mối quan hệ quốc tế. Quảng giao để phát triển - đó cũng là một triết lý phát triển của Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề của mỗi con người và cũng chính của từng cộng đồng, của từng quốc gia-dân tộc. Và, chính đây là bản chất của vấn đề chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh đã theo đuổi trong suốt cả cuộc đời làm một chiến sĩ cộng sản của mình.
4. Kết luận
Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước – đó là quan điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh. Quan điểm này được Hồ Chí Minh rút ra qua quá trình hoạt động cách mạng của mình và đã được thực tế lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như lịch sử cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm. Trong thời kỳ hiện nay của chặng đường phát triển, Việt Nam đang tiếp tục phát huy sức mạnh của nó. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mà Việt Nam đang tích cực, chủ động tham gia sẽ bị hạn chế kết quả nếu Việt Nam không đưa sức mạnh của dân tộc vào kết hợp sức mạnh quốc tế. Và, do đó, từ bề sâu của bản chất vấn đề mà nhìn, thì trong chủ nghĩa dân tộc chân chính, đã có những điều kiện và những cơ duyên cho sự hợp tác quốc tế. Đó cũng là cách nhìn từ lâu của Hồ Chí Minh. Do vậy, Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần dân tộc chân chính và là con người của quốc tế, của tình hữu ái bao la. Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc và quốc tế chính là vì thế.
_________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4 (1932-1934), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
[4] Lê Mậu Hãn (Chủ biên) – Bùi Đình Phong – Mạch Quang Thắng (2000), Tư tưởng Hồ Chí Minh rọi sáng con đường độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, Nxb. Nghệ An.
[5] V.I.Lênin (1977), Toàn tập, tập 42, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva (tiếng Việt).
[6] V.I.Lênin (1977), Toàn tập, tập 42, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva (tiếng Việt).
[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[9] GS,TS Mạch Quang Thắng, PGS,TS Bùi Đình Phong, TS Chu Đức Tính (Đồng Chủ biên) (2013), “UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.
[10] Xem L.Vátlin, Quốc tế Cộng sản, lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[11] Điacốp Xớckin (1960), Quốc tế Cộng sản với vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
[12] Sophie Quinn Judge (2002), Ho Chi Minh, The missing years, Berkeley and Los Angeles, University of California Press, California.
[13] Pierre Brocheux (2000), Ho Chi Minh, Presses des Sciences Politiques, Paris.
[14] Duiker William J (2000), Ho Chi Minh a lif, Hyperion, New York.
[15] Daniel Hémery (1990), Ho Chi Minh de l' Indochine au Vietnam, Ed. Gallimard, Paris.
[16] Stain Tonnesson (1991), The Vietnamese Revolution of 1945: Roosevelt, Ho Chi Minh and De Gaulle in a World at War, London, SAGE.
[17] Sergei Nekhamkin (2016), Cuộc chiến 1946-1954: vị trí chính diện – Hồ Chí Minh, Người đồng chí An Nam Nguyễn Ái Quốc (Bài viết nhân kỷ niệm 70 năm cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất), Tuần báo Luận chứng, số 49 (540), ngày 14.12.2016 (tiếng Nga).
[1]Ông TS Alain Ruscio (người Pháp) là người đầu tiên công bố tác phẩm “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ”. Tuy tác phẩm này chưa rõ tên tác giả, nhưng TS Alain Ruscio cho rằng, tác giả của tác phẩm này chỉ có thể là Nguyễn Ái Quốc vì trong thời gian này, không thể có ai có quan điểm như vậy ngoài Nguyễn Ái Quốc. Nguyên bản của tác phẩm này lưu tại Kho Lưu trữ nhà nước Liên bang Nga (Mátxcơva). Còn bản vi phim lưu tại Thư viện Mácxít, Paris (Cộng hòa Pháp), cuộn số 7, loại 70, Ban Nghiên cứu thuộc địa thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Trong lần xuất bản bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, 15 tập, năm 2011, tác phẩm này được xếp vào phần “Tác phẩm có thể là của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tập 1, từ trang 500 đến trang 520.
[2]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.508.
[3]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.312.
[4]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.513.
[5]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.509-510.
[6]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.509.
[7]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.510.
[8]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.295.
[9]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.117.
[10]Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, T. 4 (1932-1934), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.399 - 425. Những đoạn trích trong ngoặc kép trên đây là có xuất xứ từ tài liệu này.
[11] Có lẽ đó là cuốn sách “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương” của Hồng Thế Công (tức là Hà Huy Tập) năm 1933.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 203 - 204.
[13]V.I.Lênin (1977), Toàn tập, tập 42, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr. 86 (tiếng Việt Nam).
[14]V.I.Lênin (1977), Toàn tập, tập 41, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr. 21 (tiếng Việt Nam).
[15] Xem L.Vátlin: Quốc tế Cộng sản, lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[16]Điều này ảnh hưởng đến chỉ đạo tả khuynh của Xứ ủy Trung Kỳ trong cao trào cách mạng 1930-1931 khi Xứ ủy này ra Chỉ thị Thanh Đảng, với khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ”.
[17]Theo Điacốp Xớckin (1960), Quốc tế Cộng sản với vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr. 63.
[18]Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 420.
[19]Như trên.
[20]Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 421-422.
[21]Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 406.
[22] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.1.
[23]Như trên, tr.4.
[24]Như trên.
[25]Như trên, tr.3.
[26]Như trên.
[27]Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.112-113.
[28]Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 227.
[29]Như trên, tr. 228.
[30] Hồ Chí Minh: “Đáp từ trong buổi chiêu đãi của Chủ tịch Chính phủ Pháp G. Biđôn, ngày 2-7-1946”, Toàn tập, T. 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 267.
[31] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 478 – 479.
Vậy là, ở trong con người Hồ Chí Minh có cả hai cái chất tổng hòa với nhau: Cộng sản và dân tộc. Tôi gọi đó là “tổng hòa” chứ không phải kết hợp với nhau như món xa lát trộn lẫn gồm hai thành phần chính. Chủ nghĩa dân tộc chân chính, do vậy, trở thành một động lực lớn của sự phát triển. Người khám phá ra điều này không ai khác chính là Hồ Chí Minh – một nhân vật kiệt xuất trong không gian UNESCO, anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam như chính Nghị quyết 24C/18.6.5 của Khóa họp lần thứ 24 Đại Hội đồng UNESCO tại Paris cuối năm 1987 đã thông qua. Bài viết này sẽ tập trung lý giải về nội dung động lực của chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Chủ nghĩa dân tộc và sự chỉ trích
Quan điểm của Hồ Chí Minh đánh giá cao chủ nghĩa dân tộc được biểu đạt lần đầu tiên rõ nhất là trong tác phẩm “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ” năm 1924 bằng tiếng Pháp (dạng đang nghi của Hồ Chí Minh)[1]. Tác phẩm này có hẳn một mục, đó là mục “D. Chủ nghĩa dân tộc”. Tác giả tác phẩm này viết rằng: “Cuộc đấu tranh giai cấp (ở Việt Nam – MQT chú giải) không diễn ra giống như ở phương Tây”[2]. Nếu đây là tác phẩm của Hồ Chí Minh thì Hồ Chí Minh có con mắt nhìn rất đúng và sớm về vấn đề này, bởi vì đến năm 1947, nghĩa là hơn 20 năm sau, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh còn nhắc lại ý này khi đề cập vấn đề phải tránh giáo điều ở những trường hợp áp dụng kinh nghiệm từ bên ngoài trong hoạt động cách mạng: “Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”[3]. Do thấy rõ tình hình các giai - tầng ở Việt Nam trong xã hội thuộc địa-phong kiến, nên tác giả nhấn mạnh: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước…Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản. Khẩu hiệu này, do Mátxcơva tung ra, đánh vào các nhà tư sản như một nghịch lý táo bạo, nhưng thật ra điều đó có nghĩa gì? Một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời. Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ. Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, thì đã lâu lắm rồi, phần lớn thế giới sẽ Xôviết hóa và lúc đó, nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”[4]. Chỉ một đoạn văn ngắn thôi, nhưng lột tả được những vấn đề cơ bản của bản chất chủ nghĩa dân tộc theo quan điểm của người viết. Chẳng hạn: Chủ nghĩa dân tộc là “động lực lớn của đất nước”, là “động lực vĩ đại”, “chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản…khi chủ nghĩa dân tộc thắng lợi…sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”, “một chính sách hiện thực tuyệt vời”.
Chủ nghĩa dân tộc kiểu này khác xa với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa dân tộc nước lớn mà thế giới chứng kiến trong các hành xử quốc tế ở cả Đông Tây kim cổ, và chắc chắn cả trong tương lai nữa. Chủ nghĩa dân tộc mà tác giả của tác phẩm trên đây nêu lên là đi theo quan điểm của Quốc tế Cộng sản, theo đúng quan điểm của người sáng lập Quốc tế Cộng sản là V.I.Lênin. Táo bạo thay, và đáng ngạc nhiên thay, tác giả của tác phẩm này còn cho rằng: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”[5]. Và “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”[6], “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”[7].
Ấy thế mà về sau, cuối những năm 20 đầu những năm 30 thế kỷ XX, chính Quốc tế Cộng sản, đặc biệt là ở Đại hội VI năm 1928, đã đi ngược lại quan điểm này và ra sức chỉ trích những quan điểm của Hồ Chí Minh.
Nhận thức về chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam như vậy đối với một cá nhân Hồ Chí Minh thì đó là một chuyện, còn đưa quan điểm đó vào trong các văn kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 lại là một chuyện lớn hơn nhiều. Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 đã được khảm những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, trong đó có vấn đề chủ nghĩa dân tộc. Qua bao sóng gió của thời cuộc, cá nhân Hồ Chí Minh đã vì chúng mà phải hứng chịu búa rìu của những người khác quan điểm. Oái oăm thay, những người khác quan điểm này lại là những đồng chí trong Quốc tế Cộng sản (từ Đại hội VI năm 1928 đến 3 - 4 năm sau Đại hội VII năm 1935) và của chính ngay những nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương những năm 30 thế kỷ XX.
Một đặc điểm quá trình nhận thức của Hồ Chí Minh trong cuộc đời hoạt động cách mạng là ở chỗ Người giác ngộ chủ nghĩa cộng sản bắt đầu từ vấn đề dân tộc, hay nói đầy đủ nhất là vấn đề giải phóng dân tộc. Vấn đề giải phóng dân tộc thì các thế hệ trước của Hồ Chí Minh đã làm nhưng chưa thành công. Theo hệ tư tưởng phong kiến (Cần Vương)? Nó đã bị thất bại nhanh chóng vì hệ tư tưởng này không còn tiêu biểu cho xu hướng phát triển của dân tộc Việt Nam nữa khi chế độ phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XVI đã đi xuống và ngày càng khủng hoảng với mức độ nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, sự nghiệp giải phóng dân tộc chuyển làn sang hệ tư tưởng tư sản, mà tiêu biểu nhất là ba phong trào: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Việt Nam Quốc dân đảng. Cũng thất bại nhanh chóng không kém. Anh dũng có thừa, máu đào của các bậc tiên liệt đã đổ xuống, nhưng cây độc lập, tự do ở Việt Nam không ra hoa kết trái. Đó có thể là một lý do cốt yếu mà Hồ Chí Minh ra nước ngoài tìm mục tiêu và con đường giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng khác. Rồi Hồ Chí Minh đã tìm thấy qua những quan điểm của V.I.Lênin và trở thành người cộng sản cuối năm 1920. Trong ba vị được coi là những nhà kinh điển của chủ nghĩa cộng sản khoa học là C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, thì Hồ Chí Minh đượm tình và đượm lý với V.I.Lênin hơn cả, đơn giản bởi vì V.I.Lênin chú trọng đến vấn đề giải phóng dân tộc ở tầm quốc tế đồng thời đưa giải phóng dân tộc vào khung của con đường tiến đến mục tiêu chủ nghĩa cộng sản. Thậm chí, V.I.Lênin còn cho rằng, những nước tiểu nông có thể đi lên chủ nghĩa xã hội được, chứ không như quan điểm của C.Mác. Thế cho nên V.I.Lênin mới cho ra đời quan điểm về cách mạng không ngừng ở những nước này, nghĩa là làm xong cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới (kiểu mới là vì do đảng cộng sản lãnh đạo) thì nước đó đi ngay lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Hồ Chí Minh thấu hiểu những quan điểm của V.I.Lênin. Do vậy, Hồ Chí Minh mới nêu và tích cực thực hành quan điểm tập hợp lực lượng cách mạng ở Việt Nam rất độc đáo.
Nhìn nhận tình hình thực tế của các nước thuộc địa nói chung và thuộc địa-phong kiến Việt Nam nói riêng thì Hồ Chí Minh nhìn ở một tầm khác so với Quốc tế Cộng sản, tầm cao và sáng rõ, biện chứng hơn nhiều. Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX cho đến gần nửa đầu thế kỷ XX có sự biến đổi: hình thành một số giai cấp, tầng lớp mới; đó là giai cấp công nhân, giai cấp tư sản dân tộc, tầng lớp (có lúc gọi là giai cấp) tiểu tư sản. Đồng thời, các giai cấp, tầng lớp vốn có trong xã hội phong kiến (địa chủ; nông dân; sĩ phu, trí thức phong kiến) cũng có sự biến đổi về tâm lý, thái độ đối với chế độ chính trị thuộc địa - phong kiến. Trong thời gian này, Việt Nam đã có sự biến đổi rất quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Xã hội Việt Nam nổi lên mâu thuẫn rất lớn là mâu thuẫn dân tộc. Tất cả các giai cấp, tầng lớp, kể cả các giai cấp, tầng lớp cũ và kể cả giai cấp, tầng lớp mới, đều có một “mẫu số chung”, đều có nhu cầu bức thiết đánh đổ ách xâm lược của ngoại bang, giải phóng đất nước. Chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam chính là hình thành từ đặc điểm này. Hồ Chí Minh phát hiện ra “mẫu số chung” đó và nắm lấy nó, sử dụng nó, khơi và kích nó đưa vào trong xã hội Việt Nam trở thành một động lực mạnh mẽ kết hợp với sức mạnh quốc tế để đưa đất nước “đi tới xã hội cộng sản” như trong Chánh cương vắn tắt của Đảng đầu năm 1930 đã nêu.
Kể từ khi V.I.Lênin mất đầu năm 1924 cho đến trước Đại hội VII năm 1935, Quốc tế Cộng sản có lúc thiên về tả khuynh, và nhiều đảng cộng sản lãng quên vấn đề ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Chính vì thế, tại Phiên họp lần thứ 8 Đại hội V Quốc tế Cộng sản, sáng 23-6-1924, Hồ Chí Minh đã phát biểu về vai trò quan trọng của cách mạng ở nước thuộc địa trong quan hệ với cách mạng ở “chính quốc” rằng: “Tôi đến đây để không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: Thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: Cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa, còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song tôi thấy rằng, hình như các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa…Vì vậy, muốn đánh bại các nước này, trước hết chúng ta phải tước thuộc địa của nó đi”[8].
Nhưng tiếc thay, éo le thay, Hồ Chí Minh lại bị "cầm tù" bởi những quan điểm tả khuynh của Quốc tế Cộng sản trên một số vấn đề chủ yếu nhất của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Éo le thay, trong quãng thời gian 1934-1938, Hồ Chí Minh tuy sống tại đại bản doanh của Quốc tế Cộng sản (Mátxcơva), nhưng không được giao công việc gì quan trọng cả. Bức thư sau đây ngày 6-6-1938 của Hồ Chí Minh gửi một vị lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản đã nói lên điều này:
“Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Công. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này.
Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng"[9].
Sự hiểu lầm/hiểu sai đáng tiếc nhất lại là từ các học trò của Hồ Chí Minh, những người mà Hồ Chí Minh dìu dắt, chọn lựa, đào tạo, bồi dưỡng và cử đi học tập trong các trường cách mạng, kể cả ở Quốc tế Cộng sản. Ngay trong năm 1933, tức là 3 năm sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong tác phẩm viết về Đảng khá sớm ở Việt Nam với nhan đề “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương”, tác giả Hồng Thế Công (tức Hà Huy Tập), người mà sau đó mấy năm trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, đã phê phán Hồ Chí Minh và cho rằng Hồ Chí Minh “đã phạm một loạt sai lầm cơ hội chủ nghĩa…mà chúng ta không thể bỏ qua”[10].
Cũng phải thôi, vì Hà Huy Tập đem những quan điểm trong các văn kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 ra để đối chiếu, so sánh với những nội dung, quan điểm của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. So sánh như vậy, thì hèn chi mà không có sự khác nhau. Trong các văn kiện được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 do Hồ Chí Minh chấp bút (sau này thường được coi là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng), trong lực lượng cách mạng, Cương lĩnh đã nêu, ngoài công nông, còn có trí thức tiểu tư sản; trung, tiểu địa chủ; tư sản dân tộc.
Hà Huy Tập cho rằng: “Đường lối chính trị của Hội nghị hợp nhất và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đều sai lầm trên nhiều phương diện”. Hà Huy Tập đã “phê phán những sai lầm chủ yếu của Hội nghị hợp nhất và để làm việc này, chúng tôi sẽ đối chiếu từng quan điểm sai lầm đó với những quan điểm chính thức của Quốc tế Cộng sản”.
Hà Huy Tập cho rằng: “Khi nói một cách mơ hồ rằng, cần phải làm cách mạng tư sản dân chủ và cách mạng ruộng đất ở Đông Dương, một mặt Hội nghị đã bỏ quên cách mạng phản đế, mặt khác Hội nghị lại không hiểu rằng cách mạng ruộng đất là cái trục của cách mạng tư sản dân chủ. Một thiếu sót khác về vấn đề này nữa là chưa xác định được rõ sau khi công nông đã cướp chính quyền, thì dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, người ta sẽ thiết lập chuyên chính của giai cấp vô sản và giai cấp nông dân dưới hình thức xôviết. Hội nghị không hiểu rõ quá trình chuyển biến của cách mạng tư sản dân chủ thành cách mạng vô sản, cũng không hiểu rõ rằng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tiến hành sau khi đã làm xong cách mạng vô sản vẫn còn chưa thuộc phạm trù của chế độ cộng sản…Hội nghị hợp nhất đã nhận định một cách cơ hội chủ nghĩa cách mạng Việt Nam tách rời cách mạng thế giới nói chung và tách rời cách mạng Đông Dương nói riêng. Sở dĩ sai lầm như vậy là vì đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các đại biểu Hội nghị hợp nhất còn mang nặng những tàn tích của chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa dân tộc sô vanh. Những danh từ mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc dùng trong lá truyền đơn của mình: “đồng bào…, cách mạng Việt Nam…, nếu chúng ta cứ bỏ mặc cho tất cả giống nòi Việt Nam bị quét sạch, v.v.” chứng tỏ khuynh hướng sai lầm đó đã tồn tại và không thể biện bạch nổi”.
Thực ra, ngay cả những điểm trên đây mà Hà Huy Tập đã thuật lại những quan điểm của Hội nghị hợp nhất cũng không chính xác.
Tiếp nối dòng phê phán những quan điểm của Hồ Chí Minh trong các văn kiện Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, Hà Huy Tập viết: “Cương lĩnh của Hội nghị hợp nhất đề ra vấn đề làm cách mạng điền địa, nhưng không đả động một lời nào đến giai cấp địa chủ. Hội nghị chỉ nói đến việc tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc nhưng không nói gì đến việc tịch thu ruộng đất của địa chủ. Như vậy là cuộc cách mạng ruộng đất mà Hội nghị hợp nhất đề ra chỉ là một cuộc cách mạng bộ phận vì thế nó không có khả năng xoá bỏ các hình thức bóc lột tiền tư bản chủ nghĩa ở nông thôn Đông Dương… Chẳng những Hội nghị hợp nhất không nêu khẩu hiệu đánh đổ giai cấp địa chủ, tịch thu hết thảy ruộng đất của chúng, mà còn nêu ra vấn đề sử dụng, hoặc ít ra cũng trung lập bọn tiểu và trung địa chủ. Như thế là Hội nghị không hiểu rằng cần phải tiêu diệt chúng về mặt giai cấp. Đối với giai cấp tư sản bản xứ, Hội nghị đã bỏ họ vào cùng một bị với bọn địa chủ. Hội nghị cũng nêu ra vấn đề sử dụng hoặc trung lập giai cấp tư sản bản xứ. Đề ra một sách lược như thế có nghĩa là từ bỏ cuộc đấu tranh chống lại ảnh hưởng tai hại của giai cấp tư sản bản xứ trong quần chúng lao động Đông Dương…Đối với phú nông, Hội nghị cũng đề ra vấn đề sử dụng hoặc trung lập...Đối với trí thức và giai cấp tiểu tư sản, Hội nghị cũng nêu ra vấn đề liên minh. Đây cũng là một sách lược sai lầm”.
Tôi viết như trên là dựa theo tài liệu để lại đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản thành bộ Văn kiện Đảng toàn tập. Xin được nhấn mạnh rằng, tôi hoàn toàn không phê phán cá nhân Hà Huy Tập. Hà Huy Tập là một cán bộ kiên cường với phẩm chất cách mạng tuyệt vời của thế hệ cộng sản những năm 30 thế kỷ XX. Ông cũng là sản phẩm của một thế hệ cán bộ thực hiện một cách nghiêm túc nhất Nghị quyết cấp trên, tức là Nghị quyết Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Ở Hà Huy Tập hay Trần Phú, hay Lê Hồng Phong, nếu có tả khuynh ở mức nào đi chăng nữa thì đều là do sự chế định của tả khuynh Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Ở đây, tôi không có ý phê bình cá nhân. Qua đó để biết thêm về bản lĩnh và tầm nhìn của Hồ Chí Minh trong khi những người khác, kể cả những nhân vật chủ chốt của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, nhìn không sát về tình hình Việt Nam.
Hồ Chí Minh không tranh luận với những ý kiến đó, mà tiếp tục dấn thân vào hoạt động thực tế.
Đến nỗi mà đến năm 1935, ngày 31 tháng 3, nghĩa là sau Đại hội I Đảng Cộng sản Đông Dương và ngay trước Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản, trong Thư của Ban Chỉ huy ở ngoài (của Đảng Cộng sản Đông Dương) khá dài gửi Quốc tế Cộng sản, bên cạnh Hồ Chí Minh được “Ban Chỉ huy ở ngoài và Ban Trung ương của Đảng chỉ định là đại diện của Đảng ở Quốc tế Cộng sản”, còn viết rõ: “Ở Xiêm và Đông Dương, các tổ chức cộng sản đã tiến hành một cuộc tranh đấu công khai chống lại những tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa duy tâm của đảng của các đồng chí Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản. Cuộc tranh đấu không nhân nhượng chống những học thuyết cơ hội này của đồng chí Quốc và của Đảng Thanh niên là rất cần thiết. Hai Đảng Cộng sản Xiêm và Đông Dương đã viết một quyển sách chống những khuynh hướng này[11]. Chúng tôi đề nghị đồng chí Lin viết một cuốn sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua”[12].
Không biết “đồng chí Lin” (tức Hồ Chí Minh) sau đó có viết cuốn sách nào để tự phê bình không. Chắc chắn là không, vì Hồ Chí Minh là con người có bản lĩnh, không dễ gì sai khiến. Hồ Chí Minh kiên trì với những điều mà mình cho là đúng.
Chủ nghĩa dân tộc bị kỳ thị như thế đấy! Tại sao Quốc tế Cộng sản và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương hiểu lầm/hiểu sai Hồ Chí Minh? Quan điểm không đúng của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928 về tập hợp lực lượng cách mạng ở nước thuộc địa đã ảnh hưởng dai dẳng của nó tới cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước này. Quốc tế Cộng sản là chàng hiệp sĩ của thế kỷ XX. Nó được lập ra năm 1919 do sáng kiến của V.I.Lênin và tự giải tán năm 1943 khi Thế chiến II bước vào giai đoạn quyết liệt. Quốc tế Cộng sản đã giương cao vai trò thúc đẩy phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên thế giới, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Hàng loạt đảng cộng sản trên thế giới đã ra đời trong thời gian này. Nhưng, Quốc tế Cộng sản cũng không tránh khỏi những hạn chế, nhất là sau khi V.I.Lênin mất, tính "chỉ huy" càng được bộc lộ một cách đậm nét hơn trong sự tác động của Đảng Cộng sản Liên Xô và của J.Xtalin. Điều này không đáp ứng được sự vận động tích cực, chủ động của các đảng cộng sản trên thế giới, nhất là các nước thuộc địa phương Đông xa trung tâm Mátxcơva.
Quốc tế Cộng sản đã đúng trong việc lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc những năm V.I.Lênin còn sống, nhất là được sự chỉ dẫn của những quan điểm nêu trong Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Bản Luận cương này được V.I. Lênin viết xong vào tháng 6, 7-1920, đăng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản, số 11, ngày 14-7-1920; báo l'Humanité của Đảng Xã hội Pháp đăng vào tháng 7-1920 và được thảo luận tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 19-7 đến ngày 7-8-1920 ở Pêtơrôgrát (sau gọi là Lêningrát và nay gọi lại là Xanh Pêtécbua).
Với tư tưởng của V.I.Lênin thể hiện trong Luận cương cũng như các văn kiện của Đại hội II, Quốc tế Cộng sản đã khẳng định sự đoàn kết của giai cấp vô sản và quần chúng lao động ở tất cả các dân tộc trên thế giới chống lại chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Tư tưởng của V.I. Lênin toả sáng là ở chỗ: giai cấp vô sản cũng như Quốc tế Cộng sản "thực sự ngày nay… không những là đại diện cho những người vô sản trong tất cả các nước, mà còn đại diện cho cả những dân tộc bị áp bức"[13]. Do ảnh hưởng trực tiếp của tư tưởng đó, ngay sau Đại hội II của Quốc tế Cộng sản, đã diễn ra Đại hội các dân tộc phương Đông họp từ ngày 1-9-1920 đến ngày 7-9-1920 tại Bacu (Adécbaigian), trong đó có chương trình nghị sự về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đại hội còn quyết định xuất bản tạp chí “Những dân tộc phương Đông” bằng các thứ tiếng Nga, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Arập, mà trong số tháng 10-1920, nêu lên khẩu hiệu“Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”.
Ấy vậy mà chỉ sau có 4 năm thôi, tức là đến Đại hội VI năm 1928, quan điểm của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và thuộc địa đã lệch sang một phía tả, cực tả.
Thực ra, V.I.Lênin cũng đã lường thấy được nguy cơ của bệnh tả khuynh trong phong trào cộng sản quốc tế. Tác phẩm của V.I.Lênin “Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản” đã được ông viết năm 1920 là nhằm đề phòng nguy cơ đó. Tại Đại hội III Quốc tế Cộng sản vào tháng 6 năm 1921, V.I.Lênin tiếp tục phê phán một cách gay gắt bệnh giáo điều tả khuynh. Ông phát biểu: “Nếu Đại hội không tiến hành kiên quyết chống những sai lầm như thế, chống những điều ngu xuẩn “tả” như vậy, thì toàn bộ phong trào sẽ không tránh khỏi tan vỡ. Tôi tin tưởng sâu sắc như vậy”[14].
Đáng tiếc thay, từ khi V.I.Lênin qua đời, nguy cơ tả khuynh không những không được chú ý ngăn chặn mà nó đã trở thành hiện thực trực tiếp đe dọa sự lớn mạnh của phong trào cộng sản quốc tế, điển hình nhất, biểu hiện rõ ràng nhất là ở Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928. Đại hội VI Quốc tế Cộng sản cuối năm 1928 đánh giá với thiên hướng tả đối với giai cấp tư sản nói chung và đối với giai cấp tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa. Cũng có nguyên do của sự đánh giá đó. Ấy là vì lúc này, trên thế giới đã có một số sự kiện nói lên sự phản bội của giai cấp tư sản ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa, phụ thuộc đối với phong trào cách mạng của công - nông chống đế quốc và phong kiến.
Đó là sự phản bội của Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc bắt đầu vào ngày 3-4-1927 đối với đường lối do Tôn Trung Sơn nêu lên và đã có tác dụng tốt trong cuối những năm 30 thế kỷ XX: “Liên Nga, liên cộng, ủng hộ công nông”. Sau ngày đó, hàng loạt các chiến sĩ cộng sản, yêu nước của Trung Quốc cũng như của các dân tộc khác đang hoạt động ở Trung Quốc đã bị khủng bố. Còn ở Ấn Độ, với thuyết Bất bạo động của Găngđi cộng với ảnh hưởng của tình hình quốc tế, nên giai cấp tư sản Ấn Độ bị nhìn nhận, bị đánh giá một cách phiến diện, không thấy được tính tích cực của nó trong phong trào giải phóng dân tộc ở đây.
Phong trào cộng sản ở các nước, theo tinh thần của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, đã có những biểu hiện tả khuynh nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, chủ quan về đánh giá lực lượng cách mạng ở các nước thuộc địa, đánh giá sai tương quan lực lượng các giai cấp. Họ không chú trọng lắm đến lập mặt trận dân tộc thống nhất để không những đoàn kết, tập hợp công nông, mà còn tập hợp các giai cấp, tầng lớp khác chống chủ nghĩa đế quốc. Một sai lầm nghiêm trọng nữa của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản là cho rằng, các đảng Dân chủ Xã hội cùng toàn bộ Phong trào Xã hội dân chủ là “chỗ dựa chính của chủ nghĩa đế quốc trong việc thống trị giai cấp công nhân”, là kẻ tòng phạm, là “anh em sinh đôi” của chủ nghĩa phátxít. Họ say sưa hướng lực lượng cách mạng vào cuộc đấu tranh “giai cấp chống giai cấp”[15], chống giai cấp tư sản và chống cả lực lượng và trào lưu xã hội dân chủ. Đó là chưa kể một điều tệ hại nữa là Đại hội VI Quốc tế Cộng sản còn xác định nhiệm vụ chống cả các thế lực tôn giáo, cho vào một rọ/gắn liền với các nhiệm vụ chống chủ nghĩa đế quốc, phong kiến và tư sản bản xứ. Thật quá tả, hết sức quá tả. Chống đế quốc, chống phong kiến, chống tư sản, chống tôn giáo, chống lực lượng xã hội dân chủ. Chống tất. Chỉ độc có có công nông là cách mạng mà thôi. Như vậy, chẳng khác gì Đại hội VI đưa ra một thông điệp rằng, chỉ có những người cộng sản mới là tiến bộ, còn các lực lượng khác là phản tiến bộ[16].
Điều này có căn nguyên của nó do quá trình bônsêvích hoá các đảng cộng sản trên thế giới kéo dài để gột rửa những ảnh hưởng của chủ nghĩa cơ hội, cải lương từ Quốc tế II. Một loạt các đảng cộng sản ra đời vốn là từ hợp nhất với các đảng xã hội hoặc đảng dân chủ-xã hội. Quốc tế Cộng sản ở Đại hội VI lo lắng cho tình hình các đảng cộng sản ở các nước thuộc địa phương Đông bị chịu ảnh hưởng nhiều từ các tàn tích của chế độ phong kiến, lo rằng các đảng đó có thể dễ thoả hiệp với giai cấp tư sản dân tộc. Đó là cái lo của một người bề trên, nhưng là người bề trên ở xa, quan liêu, và tự cho mình cái quyền bắt cấp dưới phải vâng lời, bất chấp tình hình thực tế cụ thể của đảng đó, dân tộc đó.
Thứ nữa, Quốc tế Cộng sản tại Đại hội VI đã “chọn mẫu” không phù hợp để khái quát chung tình hình các phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Quốc tế Cộng sản đã chọn Trung Quốc và Ấn Độ làm mẫu để khái quát đánh giá cũng như đề ra chiến lược, sách lược cho hoạt động của các đảng cộng sản ở các nước thuộc địa khác. Xứ Đông Dương và Việt Nam khác, khác lắm so với thuộc địa Ấn Độ của Anh và nửa thuộc địa ở Trung Quốc. Trung Quốc và Ấn Độ mà đã khác với phương Tây thì Việt Nam lại càng khác phương Tây và khác ngay cả với tình hình của nước láng giềng Trung Quốc và với Ấn Độ. Đó là điều không lạ. Hồ Chí Minh đã nói trước rồi. Nhưng Quốc tế Cộng sản không nghe.
Do tình hình trên, nên ngày 1-9-1928, Báo cáo tại Đại hội VI Quốc tế Cộng sản Đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đã đưa ra quan điểm đánh giá về thái độ chính trị của các giai cấp một cách không đúng.
Chẳng hạn, đối với giai cấp tư sản dân tộc, Báo cáo này cho rằng:
(i) Giai cấp tư sản dân tộc một mặt có liên hệ với bọn đại địa chủ, mặt khác lại liên hệ với tư bản nước ngoài nên giai cấp tư sản dân tộc thuộc về phe phản cách mạng;
(ii) Giai cấp địa chủ, dù bất kỳ loại nào, nghĩa là từ đại địa chủ cho đến tiểu địa chủ, đều phải đánh đổ vì điều này phục tùng quan điểm xoá bỏ các quan hệ tiền tư bản;
(iii) Lực lượng trí thức và tiểu tư sản không phải là lực lượng liên minh với giai cấp vô sản vì họ là đại biểu kiên quyết nhất không những cho lợi ích riêng của giai cấp tiểu tư sản mà cả cho lợi ích của giai cấp tư sản, chỉ có một số ít thoát ly khỏi giai cấp họ, nhận thức được nhiệm vụ đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản và trở thành những người bảo vệ tích cực lợi ích giai cấp vô sản.
Đại hội VI Quốc tế Cộng sản đưa ra khẳng định rằng: “Không giải phóng quần chúng lao động khỏi ảnh hưởng của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc cải lương, thì không thể đạt được mục tiêu chiến lược cơ bản của phong trào cộng sản trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản: Vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản”[17].
Phải nói rằng, với lỗi này, từ quan điểm gốc này của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, dẫn đến về sau đó là hàng loạt chỉ đạo cụ thể đối với cách mạng ở Đông Dương không phù hợp. Và, cách mạng ở Đông Dương đã chịu hậu quả không tốt.
Nghị quyết về Đông Dươngcủa Quốc tế Cộng sản cuối năm 1929 lại là sự liền mạch và là sự triển khai một cách chặt chẽ, cụ thể nhất những quan điểm của Đại hội VI. Nghị quyết chỉ rõ: Phải "tịch thu không bồi thường ruộng đất của địa chủ" (toàn bộ địa chủ); thái độ đối xử với giai cấp tư sản dân tộc là: "Giai cấp tư sản bản xứ, nói chung là yếu ớt, gắn liền với sở hữu ruộng đất…; mặt khác họ chịu ảnh hưởng của giai cấp tư sản Tàu cùng lập trường phản cách mạng của giai cấp đó. Một bộ phận của giai cấp tư sản hiện nay đã hợp tác với chủ nghĩa đế quốc Pháp. Một bộ phận khác đang tìm cách thoả hiệp với họ. Điều rõ ràng là giai cấp tư sản, trong toàn bộ của họ, không thể nào vượt quá giới hạn của chủ nghĩa quốc gia cải lương và với đà phát triển của cách mạng ruộng đất, nhất định họ sẽ nhảy qua hàng ngũ phản cách mạng. Tuy nhiên, điều đó không gạt bỏ khả năng là một vài tầng lớp của giai cấp tư sản có mưu đồ muốn đứng ra lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Nhưng mục đích của họ là nhằm phá hoại phong trào, phá hoại cách mạng. Chính yếu tố này sẽ quyết định lập trường của chúng ta đối với giai cấp tư sản"[18].
Còn đối với phú nông thì Quốc tế Cộng sản, trong Nghị quyết ngày 28-5-1931 nêu chủ trương: “Giai cấp vô sản…không bao giờ được liên minh với họ"[19]. Đối với giai cấp tiểu tư sản, tầng lớp trí thức, Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản năm 1929 cho rằng: "Không nên cường điệu khuynh hướng cách mạng của giai cấp tiểu tư sản thành thị, lại càng không nên xem những phần tử ít cách mạng nhất, tầng lớp tiểu thương, như là động lực của cách mạng"[20].
Như vậy, với quan điểm của Đại hội VI năm 1928 và quan điểm của Nghị quyết về Đông Dương cuối năm 1929, Quốc tế Cộng sản, trừ hai giai cấp công nhân và nông dân ra, đã gạt sạch tất cả các giai cấp, tầng lớp còn lại của một xã hội thuộc địa- phong kiến ra ngoài vòng các lực lượng cần tập hợp. Đã thế, trong Nghị quyết về Đông Dương, Quốc tế Cộng sản đưa ra một lời cảnh báo, chặn trước rằng: Quốc tế Cộng sản "Chỉ có thể thừa nhận là tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương… chỉ những tổ chức và nhóm hoàn toàn chấp nhận những quyết định của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản"[21].
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, chủ nghĩa dân tộc gắn liền với chủ nghĩa cộng sản. Theo đó, chúng ta cần hiểu chủ nghĩa dân tộc đó có định hướng cho sự phát triển tiến bộ của xã hội, không phải thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Trong chế độ phong kiến Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc đã phát huy tác dụng và đã thành công, khi thành công thì nó dẫn đến hoặc là triều đại phong kiến này thay thế cho triều đại phong kiến khác hoặc là lại nẩy sinh chủ nghĩa dân tộc sô vanh và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Quan điểm về chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh không có gì chung với cái đó. Chính trên điểm này mà một số người đã hiểu lầm/hiểu sai Hồ Chí Minh một cách dai dẳng và cay nghiệt, cho rằng, Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa, quốc gia cải lương.
Với quan điểm chủ nghĩa dân tộc gắn liền hoặc đi tới chủ nghĩa cộng sản, Hồ Chí Minh là người tiên phong trong việc củng cố và bổ sung chủ nghĩa Mác - Lênin “bằng dân tộc học phương Đông”, bổ sung và làm giàu thêm học thuyết Mác - Lênin. Từ trong bản chất của sự phát triển, tất cả các học thuyết chính trị nói chung, kể cả học thuyết Mác - Lênin, đều rất cần đến sự bổ sung, phát triển. Chính bản thân Hồ Chí Minh là người sống trong lòng các sự kiện vận động cách mạng của thế giới, chịu xem xét, tổng kết thực tiễn, do vậy, Hồ Chí Minh chính là một người bổ sung nhiều nhất cho chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, điều mà V.I.Lênin, đặc biệt là C.Mác và Ph.Ăngghen, chưa thể hoặc chưa có điều kiện đề cập một cách sâu sắc.
Giai cấp tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa, dưới quan điểm của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản thì đó là đối tượng cần phải đánh đổ của cách mạng dân tộc do giai cấp vô sản lãnh đạo, thì trong cương lĩnh đầu năm 1930, những người thành lập Đảng, trong đó có Hồ Chí Minh, lại cho rằng: "Tư bản bản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được. Còn về nông nghệ một ngày một tập trung đã phát sinh ra lắm khủng hoảng, nông dân thất nghiệp nhiều. Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì, ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được"[22]; "Đảng tập hợp và lôi kéo phú nông, tư sản và tư sản bậc trung"[23]. Toàn bộ giai cấp địa chủ ở các nước thuộc địa, theo Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, là giai cấp phải đánh đổ, thì trong cương lĩnh, những người thành lập Đảng lại khẳng định: "Chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa"[24]; "Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ trung lập"[25]. Đối với tiểu tư sản, trí thức ở các nước thuộc địa, trong khi Đại hội VI Quốc tế Cộng sản ngăn rằng, không được liên minh với họ, thì trong cương lĩnh, những người thành lập Đảng lại khẳng định: "Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức…để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp"[26].
Đáng tiếc thay, Hội nghị tháng 10-1930 của Trung ương Đảng đã ra án Nghị quyết của Trung ương toàn thể hội nghị nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, trong đó chỉ trích một cách gay gắt những cách làm và quan điểm của những người tham gia Hội nghị thành lập Đảng. Đáng tiếc nhất là Nghị quyết nêu: "Thủ tiêu chánh cương sách lược và Điều lệ cũ của Đảng, lấy kinh nghiệm trong thời kỳ vừa qua mà thực hành công việc cho đúng như án nghị quyết và Thơ chỉ thị của Q.T.C.S"[27].
Tư tưởng tả khuynh của Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 sau đó cũng đã được điều chỉnh. Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh, trong đó có quan điểm mới là vạch rõ sự cần thiết phải thực hiện khẩu hiệu chia ruộng đất cho dân cày, có như thế mới nhận được sự hưởng ứng của nông dân; ngoài liên minh công nông, "còn mặt khác nữa là giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật đông, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công (rộng là toàn dân cùng đứng trong một mặt trận chống đế quốc và tụi phong kiến làm tay sai phản động hèn hạ; kín là công nông trong bức tường thành dân tộc phản đế bao la)"[28]. Ban Thường vụ Trung ương Đảng cũng đã dũng cảm nêu lên những khuyết điểm của Đảng về nhận thức và phương pháp tổ chức các đoàn thể cách mạng, đó là việc chỉ bó hẹp đơn thuần trong hàng ngũ công nông trong khi đó các lực lượng khác cũng rất đông đảo và hăng hái. Tình trạng đó, như Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng nêu rõ: "Do đó, thiếu mặt tổ chức thật quảng đại quần chúng, hấp thụ các tầng lớp trí thức dân tộc, tư sản dân tộc, họ là tầng lớp trên hay ở vào tầng lớp giữa cũng vậy, và cho tới cả những người địa chủ, có đầu óc oán ghét đế quốc Pháp, mong muốn dộc lập quốc gia, để đưa tất cả những tầng lớp và cá nhân đó vào trong hàng ngũ chống đế quốc Pháp, để cần kíp tổng động viên toàn dân nhất tề hành động mặt này hay mặt khác mà chống khủng bố trắng và ủng hộ cách mạng công nông"[29].
3. Có nên ngại ngần?
Vẫn còn có nhận thức chưa đúng về nhân vật lịch sử hiện đại Hồ Chí Minh trong vấn đề chủ nghĩa dân tộc và động lực của nó đối với sự phát triển của dân tộc Việt Nam nói chung và đối với cả giai đoạn lịch sử Việt Nam đương đại.
Một số chính khách và không ít nhà nghiên cứu trên thế giới, từ cách tiếp cận của họ, cho rằng, họ rất thích tính cách dân tộc chủ nghĩa của Hồ Chí Minh, nhưng lại rất tiếc rằng, Hồ Chí Minh lại là một người cộng sản – thậm chí cộng sản theo kiểu J.Xtalin. Một số khác, chủ yếu là từ những người cộng sản vẫn giữ theo quan điểm của của thời Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, cho rằng, rất tiếc Hồ Chí Minh là cộng sản nhưng có hơi hướng chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa dân tộc. Một số khác thì lại phân vân không biết gọi Hồ Chí Minh là người thuộc tính cách nào, dân tộc chủ nghĩa hay cộng sản. Gần đây nhất, Sergei Nekhamkin (người Nga) có bài viết “Người đồng chí An Nam Nguyễn Ái Quốc” đăng “Tuần báo Luận chứng” (tiếng Nga), số 49 (540) ngày 14-12-2016 nhân Kỷ niệm 70 năm cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, trong đó vẫn còn viết: “Rốt cuộc ở đây có một câu hỏi đặt ra: Thực ra “Bác Hồ là ai?”, là một người cộng sản kiên định hay là một thủ lĩnh dân tộc thông minh khoác áo cộng sản để dẫn dắt ván bài của riêng mình trong cuộc đối đầu địa chính trị của thế kỷ XX vì nền độc lập dân tộc?”.
Thực ra, câu hỏi không mới, không lạ. Thực tế lịch sử đã giải quyết rồi. Đáp số đã có cho lời giải về sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc, kể cả trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cho cả thời gian xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực tế không chỉ ở Việt Nam mà là cả thế giới đều cho thấy sức mạnh hiển nhiên của chủ nghĩa dân tộc. Động lực của chủ nghĩa dân tộc thật lớn. Nó lớn đến mức, trong những tình huống cụ thể sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn, thì chủ nghĩa quốc tế vô sản, hay chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, đã bị lấn át, mà dáng dấp động lực nổi lên rõ nhất là chủ nghĩa dân tộc.
Chủ nghĩa dân tộc được coi là “Một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời” (Trong tác phẩm “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ”, tôi đã dẫn ở Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 513). Bây giờ quan điểm này càng tuyệt vời hơn với ý nghĩa là nó đang có đất sống và phát triển mạnh hơn. Ấy thế mà, theo quan sát của tôi, hiện nay, mặc dù đất nước ta đang trải nghiệm hơn 30 năm đổi mới rồi mà vẫn có người ngại ngần khi nêu rõ hoặc nhấn mạnh vấn đề chủ nghĩa dân tộc theo quan niệm của Hồ Chí Minh. Năm 1924, khi nêu vấn đề này mà còn không sợ bị truy chụp là theo chủ nghĩa xét lại. Có gì lạ đâu và có gì ngại đâu về vấn đề này khi lịch sử thế giới vài ba thập niên trở lại đây đã chứng minh rất rõ vấn đề động lực của chủ nghĩa dân tộc. Đằng này, Hồ Chí Minh không đề cập chủ nghĩa dân tộc chung chung mà nó nằm trong dòng chủ lưu, hợp với xu thế của thời đại, đó là xu thế tiến lên chủ nghĩa cộng sản.
Nhiều người cho rằng, Hồ Chí Minh đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản. Nhận định như thế này là đã tách chủ nghĩa cộng sản ra khỏi chủ nghĩa yêu nước. Tôi cho rằng, tuyệt nhiên không có chuyện tách đó. Ở tư tưởng Hồ Chí Minh, ở trong chủ nghĩa cộng sản có bao hàm cả chủ nghĩa yêu nước. Có điều là chủ nghĩa yêu nước đó đã được nâng lên một cái chất mới, nó hướng đích mới. Do đó, tôi thấy rằng, Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công vấn đề mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, chúng tuy hai mà một trong tiến trình vận động của cách mạng Việt Nam.
Quan điểm phát huy chủ nghĩa dân tộc, coi đó là một động lực lớn của sự phát triển dân tộc và coi có thể đi theo chủ nghĩa cộng sản không phải là quan điểm nhất thời của Hồ Chí Minh; không những chỉ đúng với thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mà nó là vấn đề chiến lược, đúng với cả thời kỳ xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa.
Nhìn ở đâu và ở lúc nào, tôi đều có thể bắt gặp sự hiển hiện của chủ nghĩa dân tộc, lúc đậm, lúc nhạt, lúc nổi, lúc chìm, lúc bột phát, lúc âm ỉ, lúc cuồn cuộn như sóng dềnh biển cả. Sức mạnh của nó thật khó mà đo đếm, thật là vô biên. Thì đấy! Trung Quốc đã hạ đặt Giàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam thì dấy lên tinh thần dân tộc mạnh mẽ ở Việt Nam phản đối mà trước đó ít ai ngờ sao mà mạnh đến vậy. Đội tuyển Bóng đá trẻ của Việt Nam mới chỉ giành được Huy chương Bạc (á quân) của Giải bóng đá U23 châu Á thôi, mà đã tạo ra những cơn sóng của tinh thần dân tộc khó mà diễn tả nổi.
Vậy là đừng có ngại ngần khi đề cập sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam. Đừng quy kết quan điểm chính trị cực đoan cho những ai nêu ra và cổ súy cho động lực này. Nếu mà cứ cố tình quy kết, chụp mũ, gán cho những ai có quan điểm tán đồng chủ nghĩa dân tộc, coi chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn cho sự phát triển của dân tộc thì hãy phê phán ngay bản thân Hồ Chí Minh đi! Đừng nhắm mắt làm ngơ để nói lệch đi trước hiển hiện của sự thực lịch sử của Việt Nam, kể cả thời kỳ hiện đại có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ nghĩa dân tộc là thứ vũ khí và thứ vũ khí này là vô cùng to lớn cần nắm lấy và phát huy cho tốt. Làm cho tốt là ở chỗ:
(i) Đừng biến nó thành vũ khí cực đoan. Chủ nghĩa dân tộc ở đây, như đã phân tích ở trên đây, là chủ nghĩa dân tộc chân chính, nó xa lạ với chủ nghĩa dân tộc sôvanh nước lớn và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Chủ nghĩa dân tộc chân chính không có gì chung với sự quá khích đập phá những công xưởng, công ty của người nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam khi có các cuộc đấu tranh chống việc Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan 981 xuống vùng biển Bắc Bộ của Việt Nam năm 2015.
(ii) Làm cho tốt còn là ở chỗ, trong khi đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết, lên trước hết, cả trong quan hệ đối tác quốc tế thời hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, cũng phải dựa trên nền quan hệ hài hòa của lợi ích chung toàn thế giới. Về vấn đề này, đã từ rất sớm, trong dịp thăm nước Pháp năm 1946, bên cạnh phái đoàn của Việt Nam đi Hội nghị Phôngtenblô, khi đang gồng mình để cứu vãn hoà bình, ngăn chiến tranh Pháp - Việt nổ ra, Hồ Chí Minh đã vận cả văn hoá Khổng giáo phương Đông và triết lý văn hoá phương Tây để bày tỏ cho Chủ tịch Chính phủ Pháp G. Biđôn rõ: “Sự thành thực và sự tin cẩn lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại. Chúng ta chẳng đã ruồng bỏ được cái chủ nghĩa đế quốc xâm lược và cái chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi không còn thích hợp với thế giới hiện tại đấy ư? Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Nghĩa là Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác – MQT chú giải). Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới (tức Hội nghị Phôngtenblô - MQT) sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp”[30].
Động lực của chủ nghĩa dân tộc là nhìn ở quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc, mà Hồ Chí Minh rất đặc biệt coi trọng tình nghĩa láng giềng, tức là với Trung Quốc, với Lào, với Campuchia, các nước ASEAN và với nhiều nước khác nữa. Tình cảm, trách nhiệm quốc tế với quyền lợi của mỗi dân tộc quyện chặt vào nhau, không có chuyện hy sinh cái này cho cái kia. Hồ Chí Minh còn nêu rõ rằng, giúp bạn tức là tự giúp mình. Hồ Chí Minh hiện thân cho tình đoàn kết và thân ái quốc tế, đúng như những lời của nhà thơ Liên Xô Ôxíp Manđensơtam trong bài báo nhan đề “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản – Nguyễn Ái Quốc”,đăng trên báo Ngọn lửa nhỏ của Liên Xô, số 39, ngày 23-12-1924: “Dáng dấp của con người trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị…Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai…Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”[31]. Hồ Chí Minh, trong thực tế lịch sử, đã trở thành một biểu tượng của tình hữu nghị giữa các dân tộc, của lòng nhân ái trên thế giới.
(iii) Làm cho tốt còn là phải đáp ứng tốt yêu cầu kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Điều này đã được khẳng định trong đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam. Độc lập không có nghĩa là đứng một mình mà là tích cực chủ động hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa. Việt Nam có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại. Đồng thời Việt Nam có thể tranh thủ sự ủng hộ sức mạnh vật chất cũng như tinh thần từ bè bạn quốc tế. Sức mạnh hợp tác cùng phát triển, sức mạnh các bên đều thắng trong các hiệp định hợp tác. Sức mạnh đó phải theo đúng các chuẩn mực quốc tế đã thể chế hóa bằng các công ước, hiệp định quốc tế. Không thể lợi dụng, cậy thế nước lớn để chà đạp luật pháp quốc tế, bắt nạt các nước nhỏ. Cũng không thể tự ty, bằng lòng với thân phận nước nhỏ để không chịu hợp tác và bo bo cho quyền lợi ích kỷ của dân tộc mình. Dù có không ít điểm khác so với hiện nay do thời cuộc đổi thay trong các quan hệ quốc tế của Việt Nam, một Việt Nam mở cửa, hội nhập, cùng tích cực, chủ động bước vào sân chơi chung của cộng đồng quốc tế, nhưng những quan điểm của Hồ Chí Minh về quan hệ đối ngoại vẫn là những quan điểm dẫn đường với ý nghĩa là phương pháp luận cực kỳ quý báu.
Việt Nam phải luôn luôn chủ động, tích cực mở rộng tối đa các mối quan hệ quốc tế. Quảng giao để phát triển - đó cũng là một triết lý phát triển của Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề của mỗi con người và cũng chính của từng cộng đồng, của từng quốc gia-dân tộc. Và, chính đây là bản chất của vấn đề chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh đã theo đuổi trong suốt cả cuộc đời làm một chiến sĩ cộng sản của mình.
4. Kết luận
Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước – đó là quan điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh. Quan điểm này được Hồ Chí Minh rút ra qua quá trình hoạt động cách mạng của mình và đã được thực tế lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như lịch sử cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm. Trong thời kỳ hiện nay của chặng đường phát triển, Việt Nam đang tiếp tục phát huy sức mạnh của nó. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mà Việt Nam đang tích cực, chủ động tham gia sẽ bị hạn chế kết quả nếu Việt Nam không đưa sức mạnh của dân tộc vào kết hợp sức mạnh quốc tế. Và, do đó, từ bề sâu của bản chất vấn đề mà nhìn, thì trong chủ nghĩa dân tộc chân chính, đã có những điều kiện và những cơ duyên cho sự hợp tác quốc tế. Đó cũng là cách nhìn từ lâu của Hồ Chí Minh. Do vậy, Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần dân tộc chân chính và là con người của quốc tế, của tình hữu ái bao la. Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc và quốc tế chính là vì thế.
_________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4 (1932-1934), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
[4] Lê Mậu Hãn (Chủ biên) – Bùi Đình Phong – Mạch Quang Thắng (2000), Tư tưởng Hồ Chí Minh rọi sáng con đường độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, Nxb. Nghệ An.
[5] V.I.Lênin (1977), Toàn tập, tập 42, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva (tiếng Việt).
[6] V.I.Lênin (1977), Toàn tập, tập 42, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva (tiếng Việt).
[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[9] GS,TS Mạch Quang Thắng, PGS,TS Bùi Đình Phong, TS Chu Đức Tính (Đồng Chủ biên) (2013), “UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.
[10] Xem L.Vátlin, Quốc tế Cộng sản, lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[11] Điacốp Xớckin (1960), Quốc tế Cộng sản với vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
[12] Sophie Quinn Judge (2002), Ho Chi Minh, The missing years, Berkeley and Los Angeles, University of California Press, California.
[13] Pierre Brocheux (2000), Ho Chi Minh, Presses des Sciences Politiques, Paris.
[14] Duiker William J (2000), Ho Chi Minh a lif, Hyperion, New York.
[15] Daniel Hémery (1990), Ho Chi Minh de l' Indochine au Vietnam, Ed. Gallimard, Paris.
[16] Stain Tonnesson (1991), The Vietnamese Revolution of 1945: Roosevelt, Ho Chi Minh and De Gaulle in a World at War, London, SAGE.
[17] Sergei Nekhamkin (2016), Cuộc chiến 1946-1954: vị trí chính diện – Hồ Chí Minh, Người đồng chí An Nam Nguyễn Ái Quốc (Bài viết nhân kỷ niệm 70 năm cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất), Tuần báo Luận chứng, số 49 (540), ngày 14.12.2016 (tiếng Nga).
[1]Ông TS Alain Ruscio (người Pháp) là người đầu tiên công bố tác phẩm “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ”. Tuy tác phẩm này chưa rõ tên tác giả, nhưng TS Alain Ruscio cho rằng, tác giả của tác phẩm này chỉ có thể là Nguyễn Ái Quốc vì trong thời gian này, không thể có ai có quan điểm như vậy ngoài Nguyễn Ái Quốc. Nguyên bản của tác phẩm này lưu tại Kho Lưu trữ nhà nước Liên bang Nga (Mátxcơva). Còn bản vi phim lưu tại Thư viện Mácxít, Paris (Cộng hòa Pháp), cuộn số 7, loại 70, Ban Nghiên cứu thuộc địa thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Trong lần xuất bản bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, 15 tập, năm 2011, tác phẩm này được xếp vào phần “Tác phẩm có thể là của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tập 1, từ trang 500 đến trang 520.
[2]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.508.
[3]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.312.
[4]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.513.
[5]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.509-510.
[6]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.509.
[7]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.510.
[8]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.295.
[9]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.117.
[10]Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, T. 4 (1932-1934), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.399 - 425. Những đoạn trích trong ngoặc kép trên đây là có xuất xứ từ tài liệu này.
[11] Có lẽ đó là cuốn sách “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương” của Hồng Thế Công (tức là Hà Huy Tập) năm 1933.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 203 - 204.
[13]V.I.Lênin (1977), Toàn tập, tập 42, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr. 86 (tiếng Việt Nam).
[14]V.I.Lênin (1977), Toàn tập, tập 41, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr. 21 (tiếng Việt Nam).
[15] Xem L.Vátlin: Quốc tế Cộng sản, lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[16]Điều này ảnh hưởng đến chỉ đạo tả khuynh của Xứ ủy Trung Kỳ trong cao trào cách mạng 1930-1931 khi Xứ ủy này ra Chỉ thị Thanh Đảng, với khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ”.
[17]Theo Điacốp Xớckin (1960), Quốc tế Cộng sản với vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr. 63.
[18]Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 420.
[19]Như trên.
[20]Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 421-422.
[21]Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 406.
[22] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.1.
[23]Như trên, tr.4.
[24]Như trên.
[25]Như trên, tr.3.
[26]Như trên.
[27]Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.112-113.
[28]Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 227.
[29]Như trên, tr. 228.
[30] Hồ Chí Minh: “Đáp từ trong buổi chiêu đãi của Chủ tịch Chính phủ Pháp G. Biđôn, ngày 2-7-1946”, Toàn tập, T. 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 267.
[31] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 478 – 479.
http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/co-mot-chu-nghia-dan-toc-cua-ho-chi-minh
Ô thế chả phải hù muốn đưa thế giới lên đại đồng? Đại đồng thì còn Dân tộc với tôn giáo mẹ gì với cái đám cộng sản đười ươi ấy? Đồng ý rằng hù chuột chù còn đâu đó chút lòng yêu nước. Nhưng nó không đủ lớn hơn tham vọng về quyền lực và khao khát cuồng dại về danh tiếng để đời của y. Những tham vọng và khát khao bệnh hoạn này là cơ sở để đám bố tàu mẹ xô xủa hắn và sau này là đám lâu la đệ tử trộm cướp lợi dụng khống chế cho những mục đích của mình. Xét ra thì hù chuột chù còn thua ông diệm rất xa về nhiều mặt xét trên cương vị một nhà lãnh đạo. Cái sự yêu nước của hù thực chẳng bằng nổi một thường dân nước Việt dám hi sinh tất cả khi dân tộc và đất nước cần. Thầy tu trên núi mộng du nói vậy.
Trả lờiXóaVốn tay hào kiệt, vốn anh hùng
Trả lờiXóaTôi Bác cùng chung nợ kiếm cung
Bác thắng quân Nguyên thanh kiếm bạc
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng
Bác có linh thiêng cười một tiếng
Mừng tôi cách mạng sắp thành công
Nếu hù thực không dính dáng gì với cộng nô hoặc giả dứt khoát thể hiện quyết tâm xa rời cộng sản và hoàn toàn dân tộc thì người Mỹ đã ko bỏ rơi hù.
Trả lờiXóa