Đinh Thế Huynh hai năm vắng họp vẫn là ‘đại biểu quốc hội’
Trên thực tế, dù đã thôi làm thường trực Ban Bí Thư nhưng ông Đinh Thế Huynh hiện vẫn còn là ủy viên Bộ Chính Trị, do vậy chừng nào tổ chức này chưa “có ý kiến” thì Quốc Hội cũng chưa thể họp bãi nhiệm ông ta. Cho dù trên lý thuyết, Quốc Hội là cơ quan hoạt động độc lập, không bị đảng CSVN chi phối. Một điều ly kỳ khác là trái với mọi dự đoán, Hội Nghị Trung Ương 7 vừa kết thúc mà không có xáo trộn về nhân sự. Ông Huynh vẫn bảo toàn được cái ghế của mình trong Bộ Chính Trị và không bị ai đó thay thế.
Ông Đinh Thế Huynh (phải) trong chuyến
thăm Mỹ năm 2016. (Hình: Thanh Niên)
HÀ NỘI, Việt Nam – Cựu Thường Trực Ban Bí Thư CSVN Đinh Thế Huynh có lẽ là trường hợp kỳ lạ trong chính trường Việt Nam. Ông Huynh được ghi nhận “đã hai năm không họp quốc hội” nhưng “phải đợi Bộ Chính Trị có ý kiến” thì mới xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu của ông này.Theo báo Thanh Niên, tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc Hội khóa 14 diễn ra sáng 19 Tháng Năm, trả lời các phóng viên về việc xem xét điều kiện đại biểu quốc hội đối với ông Đinh Thế Huynh, bởi vì hai năm qua ông này không tham gia các hoạt động của Quốc Hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc – tổng thư ký Quốc Hội – cho biết “ông Đinh Thế Huynh là nhân sự thuộc Bộ Chính Trị quản lý nên đảng đoàn Quốc Hội sẽ xem xét khi Bộ Chính Trị có ý kiến.”
Hồi Tháng Ba, 2018, Bộ Chính Trị CSVN loan báo quyết định cho ông Huynh thôi làm thường trực Ban Bí Thư để “chữa bệnh dài hạn.”
Việc một đại biểu quốc hội bỏ họp quá lâu mà vẫn còn duy trì “tư cách đại biểu” như ông Huynh quả là việc chưa có trong tiền lệ. Hồi năm 2015, Quốc Hội CSVN từng bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Châu Thị Thu Nga vì “vắng mặt tại kỳ họp quốc hội do bị khởi tố bắt giam.”
Một văn bản “Nội quy kỳ họp quốc hội (sửa đổi)” công bố hồi năm 2015 ghi rõ: “Đại biểu quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của quốc hội. Trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu gửi văn bản nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt đến trưởng đoàn đại biểu, đồng thời gửi văn bản đến tổng thư ký để báo cáo chủ tịch. Trường hợp vắng mặt từ ba ngày làm việc liên tục trở lên tại mỗi kỳ họp thì phải báo cáo để chủ tịch quốc hội quyết định…”
Trên thực tế, dù đã thôi làm thường trực Ban Bí Thư nhưng ông Đinh Thế Huynh hiện vẫn còn là ủy viên Bộ Chính Trị, do vậy chừng nào tổ chức này chưa “có ý kiến” thì Quốc Hội cũng chưa thể họp bãi nhiệm ông ta. Cho dù trên lý thuyết, Quốc Hội là cơ quan hoạt động độc lập, không bị đảng CSVN chi phối.
Một điều ly kỳ khác là trái với mọi dự đoán, Hội Nghị Trung Ương 7 vừa kết thúc mà không có xáo trộn về nhân sự. Ông Huynh vẫn bảo toàn được cái ghế của mình trong Bộ Chính Trị và không bị ai đó thay thế.
Từng là trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương đảng CSVN, do vậy các phát ngôn của ông Huynh không khiến người ta ngạc nhiên về mức độ ấu trĩ. Trong một cuộc họp báo của đảng CSVN hồi năm 2011, ông từng tuyên bố: “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng.”
Hồi Tháng Tám, 2017, mạng xã hội rộ tin ông Huynh “sang Nhật chữa bệnh” nhưng truyền thông trong nước không hề công bố về bệnh tình của ông.
Trước đó, vào năm 2016, ông Huynh, nhân vật đứng hàng thứ năm trong danh sách các lãnh đạo CSVN, từng được các nhà quan sát dự báo là người có thể kế thừa ghế tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng vì “là người Bắc, biết lý luận.”
Tuy vậy, sau chuyến thăm Mỹ hồi Tháng Mười, 2016, ông Huynh đột nhiên biến mất và làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông Huynh, cũng như việc ông Trọng đã “sắp lại bàn cờ.”
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét