‘Lò’ ông Trọng lại tự nguội lạnh?
Nửa năm sau những triệu chứng nguội lạnh bất thường tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017, một lần nữa lại xuất hiện dấu hiệu đổ bệnh của ‘lò ông Trọng’ ở Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018. Hội nghị trung ương 7 mà trước đó đã xuất thần phát ngôn ‘Ai không chống tham nhũng được thì dẹp sang một bên’ của Tổng bí thư Trọng lại đã kết thúc bằng một con số 0 to tướng: không có bất cứ ủy viên trung ương đảng nào, từ Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng thông tin truyền thông với dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng trong vụ AVG, Tất Thành Cang - Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM với dấu hiệu tham nhũng và cố ý làm trái trong vụ Tân Thuận… bị đưa ra kỷ luật.
Nguyễn Phú Trọng và bức thư yêu cầu công khai tài sản.
‘Lò’ lại đổ bệnh‘Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa’ và ‘mở đường cho người ta tiến’ là những phát ngôn đượm nét xuôi xị của Tổng bí thư Trọng trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau Hội nghị trung ương 7, cho dù ông Trọng vẫn không quên dùng bổ túc từ ‘lò đã nóng rực’.
‘Nhân văn’ cũng là một từ được ‘Người đốt lò vĩ đại’ - một tụng danh mà Đài Tiếng nói Việt Nam của ủy viên trung ương đảng Nguyễn Thế Kỷ đặc cách dành để tôn cao Nguyễn Phú Trọng - lặp lại một cách đầy chủ ý kể từ lúc được phát ra lần đầu tiên vào trước tết nguyên đán năm 2018.
Sau khi xuất hiện ‘chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Phú Trọng’, đã có một luồng dư luận cho rằng thực ra ông Trọng là người thiếu kiên quyết trong chống tham nhũng và phần đa chỉ là giơ cao đánh khẽ, chủ đích nhằm răn đe để giữ đảng, thu hồi tài sản tham nhũng và lấy tiếng ‘Sỹ phu Bắc Hà’ hay ‘Minh quân’ cho cá nhân mình.
Từ quá khứ đến hiện tại
Còn nhớ vào ngày 29/11/2017, đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành cuộc tiếp xúc cử tri thường lệ sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội Việt Nam. Tại đây, những khẩu hiệu cũ được ông Trọng tiếp tục hô: “Lò đã nóng lên rồi thì tất cả phải vào cuộc”, “Không để các vụ tham nhũng chìm xuồng”…
Khi đó, ông Trọng chưa có biệt danh ‘Người đốt lò vĩ đại’, nhưng đã được vài ba văn sĩ cận thần xưng tụng là “Minh quân” và “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”.
Thế nhưng ông Trọng đã khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lão thành, công chức và người dân vốn còn nặng tâm lý “theo đảng, tin đảng” một lần nữa suýt vỡ tim vì thất vọng.
Bởi triết lý mới nhất khi đó của ông Trọng là: “xử lý là để cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn, mở đường cho người ta tiến, chứ không phải kỷ luật nhiều mới là tốt. Quan trọng là nhắc đừng có nhúng chàm nữa và đã trót nhúng rồi thì phải sửa”.
Nếu so sánh “Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” - một phát ngôn cảm xúc cao độ của ông Trọng vào đầu tháng Tám năm 2017 khi nổ ra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh “theo cáo buộc của Chính phủ Đức, còn phía Việt Nam thì công bố trên truyền hình “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về đầu thú”, với “Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa”, và “Từ nay bất cứ ai vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý nghiêm” - những phát ngôn của Tổng bí thư Trọng trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị 6, cho đến “Quan trọng là nhắc đừng có nhúng chàm nữa và đã trót nhúng rồi thì phải sửa”, thì khẩu khí khi đó của ông Trọng đã xuống dốc ghê gớm.
Một ngày sau Hội nghị trung ương 6, trước nhiều bức xúc của cán bộ lãnh thành và nhiều cử tri Hà Nội hỏi tại sao cho đến lúc đó Thanh tra chính phủ vẫn chưa công bố kết luận thanh tra biệt phủ của Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bá, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn cho rằng ‘phải bình tĩnh xem xét toàn diện các mặt để tìm nguyên nhân, khi xử lý thì không phải dập cho người ta không thể ngóc đầu dậy được, Bác Hồ dạy cốt để cán bộ sửa sai, để tiến bộ trưởng thành…’.
Cần đối chiếu với quá khứ gần để nhận ra thực chất hiện tại và tương lai.
Từ sau Hội nghị trung ương 6, nhiều dư luận xã hội đã đặt một dấu hỏi lớn về liệu đã có một “thỏa thuận ngầm” nào đó giữa người đứng đầu đảng cầm quyền với một thế lực chính trị nào đó từ ngay trước hội nghị này, để những vụ tày trời như Võ Kim Cự - cựu bí thư Hà Tĩnh và bị xem là một trong những thủ phạm gây ra nạn xả thải của nhà máy Formosa làm ô nhiểm biển 4 tỉnh miền Trung, Nguyễn Thị Kim Tiến - đương kim bộ trưởng Bộ Y tế và là nhân vật phải chịu trách nhiệm về vụ Công ty Pharma nhập thuốc ung thư giả gây phẫn uất trong dư luận, biệt phủ gây phẫn nộ dư luận của Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái và là em ruột Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thanh Trà… được cho “chìm xuồng”…
Nhưng dù sao tại Hội nghị trung ương 6 vẫn có một ủy viên trung ương là bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị ‘mổ’. Còn Hội nghị trung ương 7 mà trước đó đã xuất thần phát ngôn ‘Ai không chống tham nhũng được thì dẹp sang một bên’ của Tổng bí thư Trọng lại đã kết thúc bằng một con số 0 to tướng: không có bất cứ ủy viên trung ương đảng nào, từ Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng thông tin truyền thông với dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng trong vụ AVG, Tất Thành Cang - Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM với dấu hiệu tham nhũng và cố ý làm trái trong vụ Tân Thuận… bị đưa ra kỷ luật.
Nguy cơ chìm xuồng vụ AVG
Ngay sau Hội nghị trung ương 7, vụ ‘Mobifone mua AVG’ đầy hứa hẹn trở thành đại án này đã có nguy cơ chìm xuồng trong việc xử lý các cá nhân sai phạm như Phạm Nhật Vũ, Lê Nam Trà, Nguyễn Bắc Son, Phạm Đình Trọng, Trương Minh Tuấn.
Dư luận đang đặc biệt chú ý trường hợp Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn - nhân vật từng được ông Trọng sủng ái và chỉ định kiêm phó trưởng ban tuyên giáo trung ương vào năm 2016.
Trước Hội nghị trung ương 7, Trương Minh Tuấn có vẻ đã ‘được cho’ xuất hiện trở lại trên cương vị Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông khi ông ta được chủ trì cuộc họp quản lý báo chí của bộ này cùng vài cuộc họp không quan trọng khác.
Sau Hội nghị trung ương 7, Trương Minh Tuấn lại xuất hiện với vai trò chủ trì một cuộc tọa đàm có tên Tọa đàm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam, trong đó ông Tuấn đánh giá ‘Nhiều bí mật Nhà nước bị lộ trên mạng xã hội’ (có thể bao gồm cả những bí mật có liên quan đến Trương Minh Tuấn chăng?).
Mặc dù sau khi công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’, Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’, nhưng động tác này đã bị nhiều ý kiến cho là ‘chạy tội’.
Nếu Trương Minh Tuấn được cho “hạ cánh an toàn” trong vụ này, ông Trọng sẽ đương nhiên bị dư luận đánh giá rất thiếu công tâm khi bao che cho “phe ta”, và chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Trọng sẽ chẳng còn có ý nghĩa gì nữa.
Nguy cơ chìm xuồng vụ Thủ Thiêm và đổ vỡ ‘đốt lò’
Ở một vụ việc Thủ Thiêm - có dấu hiệu tham nhũng và cố ý làm trái còn lớn hơn nhiều vụ AVG - đang có dấu hiệu chính quyền TP.HCM xin trung ương ‘xử lý nội bộ’, còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa tổ chức một cuộc họp về vụ Thủ Thiêm với kết luận rất nước đôi và rất yếu ớt, như thể ông Phúc đang cố che chắn cho một nhóm lợi ích nào đó đã ‘ăn đất’ ở cái vùng đất đã chứng kiến không ít oan hồn dân oan phẫn uất này.
Trong kết luận chỉ đạo của mình vào trung tuần tháng Năm năm 2018, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và một quyết định ‘thay thế’ của Phó chủ tịch chính quyền TP.HCM Nguyễn Văn Đua, trong lúc lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền TP.HCM, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.
Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc cũng chỉ dùng từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức TP.HCM, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…
Sau vụ chỉ đạo bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào tháng Mười Hai năm 2017 và giáng hai bản án tổng cộng 31 năm tù giam đối với nhân vật này, Nguyễn Phú Trọng đã chính thức ‘leo lên lưng cọp’, chính thức xóa bỏ tiền lệ ủy viên bộ chính trị không bị bắt giam và xử tù, và cũng chính thức vượt qua lằn ranh lo sợ ‘mình mà xử thằng này thì thằng khác sẽ xử mình’.
Hiện tại và tương lai, ông Trọng dù có muốn cũng không còn nhảy khỏi lưng cọp được nữa.
Nhưng lại đang có những biểu hiện cho thấy ông Trọng đang thỏa mãn quá sớm với bản thành tích chống tham nhũng còn quá ít ỏi của ông, để trong khi tương lai trở thành ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và ‘lưu danh sử xanh’ của ông còn xa mới đạt tới, Nguyễn Phú Trọng có thể bị hất đổ vào bất kỳ thời điểm nào ông bị đổ bệnh hoặc phải tạm thời rời bỏ quyền lực tối cao, để sau đó bị ‘hồi tố’ - không chỉ bởi những đối thủ chính trị và các thế lực tham nhũng, mà còn có thể do chính những ‘người tâm phúc’ và cận thần mà ông Trọng đã từng tin cậy như loại ‘cộng sản tốt tương đối’ hoặc ‘có nhùng chàm nhưng đã gột rửa’.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét