Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

Quốc hội đề nghị làm rõ việc quân đội làm kinh tế

Quốc hội đề nghị đánh giá rõ việc quân đội làm kinh tế
Thanh Long - 04/05/2018 (VNF) - Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá rõ việc quân đội làm kinh tế, việc quản lý liệu có đảm bảo hay không. Đoàn cũng yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ về việc DNNN mang cổ tức phải chia cho Nhà nước đi bán khi tiến hành cổ phần hóa.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng (đứng) cho rằng, quân đội làm kinh tế là gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội. Đoàn giám sát của Quốc hội vừa yêu cầu Chính phủ báo cáo bổ sung, giải trình một số vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước (DNNN).



Cụ thể, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá về việc thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2011 – 2015; đánh giá rõ việc doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, việc quản lý có đảm bảo không? 5 năm trước vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 1 triệu 27 tỷ, đến thời điểm này vốn tại doanh nghiệp nhà nước 100% là 1 triệu 394 nghìn tỷ, như vậy đã thực hiện đúng chủ trương thoái vốn tại doanh nghiệp chưa?

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cung cấp số liệu thống kê tổng số doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến thời điểm hiện nay. Trong đó, có bao nhiêu doanh nghiệp lỗ, lãi và hướng xử lý trong thời gian tới; nêu rõ nguyên nhân của tình trạng giai đoạn 2011 – 2016 có nhiều doanh nghiệp thua lỗ rất lớn (12 dự án của ngành công thương, báo cáo hợp nhất tài chính năm 2016 thì 23/91 tập đoàn, tổng công ty lỗ đến 17 nghìn tỷ).

"Theo báo cáo, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 tăng về quy mô tổng tài sản; đề nghị làm rõ phần tăng bổ sung do vốn mới và phần tăng từ lợi nhuận để lại của các doanh nghiệp là bao nhiêu", Đoàn giám sát của Quốc hội nhấn mạnh.

Đoàn giám sát yêu cầu Chính phủ làm rõ các tiêu chí đánh giá hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2011 – 2016; có tiêu chí để áp dụng thực hiện cảnh báo sớm cho doanh nghiệp không? Vì sao tổng tài sản cũng như vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp hầu hết tăng nhưng các chỉ số như ROE, ROA giảm?.

Một nội dung khác là theo báo cáo của Chính phủ, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả bằng doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là chỉ số ICOR cao gấp 2 lần đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ bổ sung số liệu so sánh, đánh giá nguyên nhân của tình trạng này.

Về cổ phần hóa, Đoàn giám sát yêu cầu Chính phủ thống kê và làm rõ các trường hợp không thực hiện đúng chủ trương về cổ phần hóa. Cơ quan này lấy ví dụ Mobifone là đơn vị phải cổ phần hóa nhưng lại thực hiện mua AVG, đề nghị cho biết rõ hướng xử lý.

Liên quan đến thương vụ Kiểm toán Nhà nước truy thu cổ tức Sabeco, theo Đoàn giám sát, hiện nay không có quy định về việc chia cổ tức trước khi cổ phần hóa hoặc thoái vốn, dẫn đến khi cổ phần hóa, thoái vốn nhiều doanh nghiệp mang phần cổ tức phải chia nhà nước để đi bán. "Đề nghị làm rõ về căn cứ pháp lý, sự phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước", Đoàn giám sát cho hay.

Cơ quan này cũng yêu cầu Chính phủ báo cáo bổ sung việc trả lương cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước,xem xét xem chế độ đãi ngộ chính sách đã phù hợp chưa; cần có giải pháp, lộ trình cụ thể để gắn được trách nhiệm cá nhân với hưởng thụ, tránh những thu nhập không chính đáng gây ra nhiều hệ lụy.


Thanh Long
http://vietnamfinance.vn/quoc-hoi-de-nghi-danh-gia-ro-viec-quan-doi-lam-kinh-te-20180504133233396.htm

1 nhận xét:

  1. Cái này chắc cũng chỉ là cái kiểu tăng giá sản xuất theo lời chỉ bảo của thằng hồ ấy mà...

    Trả lờiXóa