Chuyện hài hước: Tấm bản đồ biến mất
Nguyễn Thị Oanh 5-5-2018 Vụ “mất tích” bản gốc quy hoạch chính thức của khu đô thị Thủ Thiêm tại thành phố HCM nghe thật hài hước, nhưng đó là cái sự hài “cười ra nước mắt” và không thể là chuyện “nghe qua rồi bỏ”! Tài liệu này, nếu có, khó mà tin có thể bị mất, bởi các lẽ sau: – Bản vẽ gốc phải được lưu trong máy tính. Dù có cách đây hơn 20 năm thì vào năm 1996, máy tính cũng đã được sử dụng khá phổ biến trong các cơ quan công quyền. Lẽ nào khi đó bản vẽ này chỉ được vẽ bằng tay một cách thủ công và chỉ có một bản duy nhất bị thất lạc? Mà ngay cả nếu hồi đó không có máy tính thì chẳng lẽ cũng không có cách nào lưu trữ các tài liệu khác tương tự?
– Các tài liệu quản lý luôn có nhiều bản gốc được lưu ở các cơ quan khác nhau của chính quyền. Ngay trong mỗi đơn vị cũng còn phải tuân thủ nguyên tắc lưu công văn đi và đến ở các phòng ban khác nhau chứ đừng nói tới cả bộ máy quản lý khổng lồ của nhà nước! Vì thế, không thể hiểu nổi khi một bản vẽ quy hoạch đất đai có tầm quan trọng tới mức Thủ tướng phải phê duyệt mà lại không có cơ quan nào còn lưu bản gốc! Nếu TP.HCM không lưu thì các bộ, ngành có trách nhiệm liên quan thuộc chính phủ cũng phải còn bản lưu. Tại sao nơi cuối cùng có thể hy vọng là Cục Lưu trữ quốc gia cũng không có bản quy hoạch này (!?).
Vậy chỉ có ba giả thiết được nghĩ đến:
1/ Bản vẽ này chưa bao giờ được ban hành.
2/ Bản vẽ này đã được ban hành nhưng không hề được lưu giữ và quản lý bản gốc theo quy định chung, nên đã bị mất từ lúc nào mà không ai biết!
3/ Bản vẽ này đã bị những kẻ nào đó thống nhất “thủ tiêu” trong quá trình triển khai.
Trường hợp thứ nhất khó có thể xảy ra vì theo báo chí thông tin thì bản quy hoạch này đã được ban hành “kèm theo bản ký chính thức của quyết định 367 ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ được sao gửi đến nhiều nơi, từ Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ và cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, HĐND, UBND TP.HCM, bộ trưởng – chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ” (Tuổi Trẻ, 4/5/2018).
Nếu giả định là trường hợp thứ hai thì nó cho thấy thực trạng quản lý, lưu trữ hồ sơ của các cơ quan nhà nước ở ta thật đáng báo động và cần phải thực hiện tổng rà soát lại ngay! Một “chính phủ kiến tạo” với cuộc cách mạng 4.0 như quyết tâm của Thủ tướng hiện hữu lẽ nào lại chấp nhận năng lực của một bộ máy quản lý đất đai mà trình độ còn thua cả cách quản lý theo chế độ “bằng khoán điền thổ” thô sơ nhưng hiệu quả từ thời kỳ Pháp thuộc cách nay hàng thế kỷ?
Và cuối cùng, nếu giả thiết thứ ba đúng thì câu chuyện sẽ không còn đơn giản như là một ví dụ về sự yếu kém và tắc trách trong quản lý nhà nước nữa, mà cần phải được chuyển cho cơ quan pháp luật tiến hành điều tra để xử lý tới nơi tới chốn. Bao năm qua, Thủ Thiêm vốn là điểm nóng nổi bật về tranh chấp đất đai ở quận 2, TP.HCM với hàng trăm vụ thưa kiện và dân oan vì bị giải tỏa trắng hoặc cưỡng chế mất nhà, mất đất. Giờ thì nhờ “cháy nhà ra mặt chuột”, nhiều người mới thắc mắc không hiểu chính quyền thành phố đã dựa vào cơ sở nào để thu hồi đất của dân giao cho các dự án địa ốc, trong khi không có bản đồ quy hoạch gốc hợp pháp cho khu vực này?
Thật khôi hài khi cùng một sự việc mà ông Chánh Văn phòng UBND TP.HCM thì khẳng định là “chưa tìm ra” chứ không phải “đã mất”. Một ông thứ trưởng Bộ Xây dựng lại cho rằng “có rất nhiều bản đồ quy hoạch chứ không phải chỉ một”. Còn vị Trưởng ban tiếp công dân của Thanh tra chính phủ thì xác định chắc nịch với báo chí rằng “Làm gì có mà tìm!” (Dân trí, 3/5/2018).
Trước bối cảnh dư luận đang quan tâm mong ngóng “lửa đốt lò” sẽ lan đến TP.HCM với sự phanh phui trách nhiệm của cựu Bí thư Lê Thanh Hải về các vụ xẻ thịt đất công đầy tai tiếng ở đây, sự bất nhất trong phát ngôn của một số viên chức cao cấp thuộc các cơ quan có liên quan như trên càng làm dấy lên những đồn đoán về một âm mưu cố tình “khai tử” tấm bản đồ quy hoạch đã được phê duyệt chính thức, nhằm xóa bỏ dấu vết nhám nhúa của những cuộc ăn chia từ hối mại quyền thế. Hoặc nếu không thì chí ít cũng là nhằm giúp cho các nhóm lợi ích dễ bề xâu xé đất đai để hưởng lợi từ đề án quy hoạch lại khu vực giàu tiềm năng phát triển nhất của Thành phố!
Tuy nhiên, trên hết tất cả, vụ “mất tích” tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm thêm một lần nữa là bằng chứng cho thấy khi chính thể cầm quyền không điều hành đất nước dựa trên sự minh bạch và trách nhiệm giải trình (Transparency and Accountability) thì cái câu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” sẽ mãi chỉ là một khẩu hiệu “nguỵ dân chủ”. Nguy hiểm hơn, khi đất đai đã được pháp luật quy định “thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Điều 53 Hiến pháp năm 2013), nhưng nếu Nhà nước không thể hiện được tính công khai, minh bạch trong quản lý thì chính Điều 53 này sẽ bị các nhóm lợi ích sử dụng làm công cụ để chiếm đoạt và thâu tóm đất đai. Bao nhiêu cuộc tranh chấp đất đai thậm chí đổ máu, bao nhiêu vụ án oan nghiệt đã xảy ra vì dân “tức nước vỡ bờ” với việc thu hồi, giải toả hoặc cưỡng chế từ phía chính quyền… Tất cả đều là do Điều 53 và cũng chỉ xuất phát từ Điều 53!
Thế nên đằng sau việc mất tấm bản đồ quy hoạch là một câu chuyện không hề nhỏ về quản trị đất nước trong xã hội chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét