Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Vụ bán 32,4 ha đất: Truy cứu trách nhiệm hình sự (?)

Vụ bán 32,4 ha đất công sản: Cần truy cứu trách nhiệm hình sự
23/04/2018, (NTD) - Như báo Người Tiêu Dùng đã đưa tin, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã họp nghe Văn phòng Thành ủy báo cáo việc chuyển nhượng phần diện tích trên 32,4 ha tại khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Được biết đây là đất công sản nhưng Công ty Tân Thuận bán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ mạt, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng cho nhà nước, gây bức xúc cho dư luận xã hội. Qua đó, yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng, không đồng ý việc bán chỉ định. Tuy vậy, theo đánh giá của các luật sư quá trình đàm phán sẽ gặp nhiều khó khăn.

Khu đất rộng hơn 34,2 ha được bán cho Công ty
 Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ mạt. (Ảnh: Hiếu CT)

Có thể phải khởi kiện ra tòa

Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Thế giới Luật pháp, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích: Nếu theo Điều lệ của Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) việc chuyển nhượng này phải do chủ sở hữu công ty, tức Thành uỷ TP.HCM, thông qua thì việc chuyển nhượng này phải được chấp thuận bằng văn bản bởi cấp có thẩm quyền của Thành uỷ TP.HCM.


Nếu giao dịch này không được cấp có thẩm quyền của Thành uỷ thông qua thì chắc chắn giao dịch này sẽ bị vô hiệu. Hậu quả của việc giao dịch vô hiệu là các bên sẽ trả lại cho nhau những gì đã nhận. Bên nào có lỗi gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Nghĩa là Công ty Quốc Cường Gia Lai phải trả lại 34,2 ha đất này cho Công ty Tân Thuận và Công ty Tân Thuận phải trả lại toàn bộ số tiền mà Công ty Quốc Cường Gia Lai đã thanh toán.

Trong trường hợp này, bên chịu thiệt hại là Công ty Quốc Cường Gia Lai nhưng không có nghĩa là Công ty Tân Thuận phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đó cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Việc bồi thường phải xét đến yếu tố lỗi và mức độ lỗi của các bên liên quan.

Theo tôi, nếu các bên đạt được thoả thuận việc huỷ bỏ hợp đồng thì không vấn đề gì. Trong trường hợp các bên không đạt được thoả thuận về việc huỷ hợp đồng chuyển nhượng 34,2 ha đất này thì phía Công ty Tân Thuận phải khởi kiện ra toà án để yêu cầu huỷ hợp đồng. Những cá nhân liên quan, kể cả những cá nhân đã và đang công tác ở Thành uỷ TP.HCM, có trách nhiệm bồi hoàn lại cho Công ty Tân Thuận số tiền mà Công ty Tân Thuận phải bỏ ra để bồi thường cho Công ty Quốc Cường Gia Lai khi huỷ bỏ hợp đồng này. Ngoài trách nhiệm hoàn trả lại số tiền mà Công ty Tân Thuận đã bồi thường cho Công ty Quốc Cường Gia Lai thì sẽ bị chế tài theo các quy định nội bộ của Thành ủy TP.HCM.

Thu hồi khi khởi tố/truy tố/xét xử và thi hành án vụ án hình sự

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Về trách nhiệm của Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Theo quy định tại điều 36 NĐ 52/2009/NDDP về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, thì: Cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có quyền yêu cầu các cơ quan, cá nhân được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán xuất trình các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thanh lý, sử dụng tài sản nhà nước. Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có quyền xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào hồ sơ vụ việc mua bán thì rõ ràng đã có sự vi phạm nghiêm trọng trong việc bán chỉ định tài sản nhà nước này trong đó việc không thực hiện bán đấu giá theo quy định đã gây ra thất thoát rất lớn đối với tài sản nhà nước. Tránh nhiệm để xảy ra sai phạm này trước hết thuộc về Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận và cơ quan chủ quản là thành ủy TP.HCM.

Đối với Công ty Quốc Cường Gia Lai nếu có căn cứ chứng minh được có sự cấu kết, thông đồng trong việc mua bán tài sản trên trái pháp luật cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật tùy thuộc vào mức độ, hành vi vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Về việc bán đất công sản gây thất thoát tiền của nhà nước, luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng: “Hiện nay, với sự vào cuộc rất quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền thì việc thu hồi tài sản công trong đó có tài sản là quyền sử dụng đất bị thất thoát, sử dụng sai mục đích, lãng phí tham nhũng là ưu tiên hàng đầu. Việc thu hồi tài sản phải theo trình tự thủ tục pháp luật, trong đó có thể theo hướng các tổ chức/cá nhân nhận thấy có vi phạm và mong muốn tự nguyện khắc phục. Trường hợp các tổ chức/cá nhân không tự nguyện thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thu hồi trong quá trình tố tụng khi khởi tố/truy tố/xét xử và thi hành án vụ án hình sự.

Nguyên Vũ – Cao Tuấn (lược ghi)
http://www.nguoitieudung.com.vn/vu-ban-324971-m2-dat-cong-san-gia-re-mat-can-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-d66862.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét