Vụ ông Đinh La Thăng và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Luật sư Thiệp vẫn bảo lưu quan điểm bào chữa là xuất phát từ việc chỉ đạo ngừng thoái vốn của Thủ tướng Chính phủ. Việc quy kết của đại diện VKS đã ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín và làm dư luận đánh giá sai về một con người như ông Đinh La Thăng.Chiều 24/3, sau khi bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV PVN, khẳng định mình chỉ "cố tình làm đúng" chứ không "cố tình làm sai" như khẳng định của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội (VKS), luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng VKS đưa ra quan điểm luận tội không phải theo nguyên tắc "suy đoán vô tội" theo đúng tinh thần của cải cách tư pháp.
© AP PHOTO/ HOANG DINH NAM/POOL
Nói về thân chủ của mình, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nói:
"Ở ông Đinh La Thăng, ai cũng có một nhận xét chung là một người rất quyết liệt, chứ không ai nói ông Đinh La Thăng độc đoán, chuyên quyền. Việc quy kết của đại diện VKS đã ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín và làm dư luận đánh giá sai về một con người như ông Đinh La Thăng. Điều đó cũng chứng minh, đại diện VKS không áp dụng nguyên tắc "suy đoán vô tội" trong vụ án này".
Về quan điểm của VKS cho rằng "dù biết OceanBank là ngân hàng yếu kém, tính thanh khoản thấp, nhưng Đinh La Thăng vẫn quyết định góp vốn", luật sư Thiệp cho rằng OceanBank là ngân hàng ít vốn nên thanh khoản thấp, chứ không phải làm ăn không hiệu quả.
"Vốn bé nên muốn vực dậy thì phải tăng thêm vốn. Thực tế, sau khi PVN góp vốn thì OceanBank đã phát triển như thế nào. Đến năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá OceanBank là ngân hàng loại A. Bởi vậy, không thể nói OceanBank là yếu kém được" — luật sư lập luận, dẫn chứng.
"Việc tìm kiếm đối tác góp vốn để thay thế việc thành lập Ngân hàng Hồng Việt không chỉ HĐQT biết mà cả Tập đoàn đều biết. Người nói không biết chỉ là né tránh điều tiếng khi sự việc xảy ra. Việc hàng ngàn nhân viên của Tập đoàn góp vốn vào Ngân hàng Hồng Việt thì tại sao họ lại không biết, không quan tâm đến vấn đề này. Khi PVN tìm được một đối tác đáp ứng được những yêu cầu của mình mới có việc kí kết, sắp xếp lại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ".
Về kết luận số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng, luật sư Thiệp vẫn bảo lưu quan điểm bào chữa là xuất phát từ việc chỉ đạo ngừng thoái vốn của Thủ tướng Chính phủ. Theo luật sư Thiệp, nếu việc thoái vốn được thực hiện thời điểm năm 2014 thì PVN đã thu được 800 tỷ đồng tiền vốn và lãi hơn 244 tỷ cổ tức. Thậm chí, còn phải tặng thưởng huân chương cho các bị cáo về đầu tư sinh lời cho vốn của Tập đoàn.
"Căn cứ nào xác định việc 800 tỷ đồng của PVN tại OceanBank mất đi do việc góp vốn? Việc điều hành không đúng dẫn đến mua 0 đồng không liên quan gì đến các bị cáo đang ngồi đây. Việc mua 0 đồng hay việc dừng thoái vốn mới là nguyên nhân dẫn đến mất đến 800 tỷ đồng? Đây mới là điều chúng ta cần làm rõ" — luật sư nhấn mạnh.
Về nội dung đại diện VKS cho rằng hậu quả rủi ro sẽ được loại trừ trách nhiệm nếu các bị cáo không có hành vi cố ý làm trái, một luật sư khác của bị cáo Đinh La Thăng là luật sư Phan Trung Hoài đã nhắc lại lời tự bào chữa của bị cáo Đinh La Thăng: Những chứng cứ theo hướng buộc tội thì VKS trích dẫn, còn những chứng cứ theo hướng gỡ tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì không được đề cập đến.
"Trong phần luận tội và đối đáp sáng nay (24/3), chúng tôi chưa nhận thấy đại diện VKS nhắc đến các vấn đề: Nếu hành vi ký thỏa thuận, ký Nghị quyết HĐQT trong khi chưa có ý kiến của Thủ tướng là hành vi, là nguyên nhân dẫn đến việc PVN mất vốn khi đầu tư vào OceanBank, gây hậu quả nghiêm trọng, vậy sẽ phải giải thích thế nào khi cả hai lần góp vốn đều có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, sau khi có ý kiến chấp thuận rồi PVN mới góp vốn?", luật sư Phan Trung Hoài đặt câu hỏi với VKS.
© AFP 2018/ VIETNAM NEWS AGENCY
"Đây là vốn điều lệ ghi về mặt hình thức hay bắt buộc OceanBank phải có 4.000 tỷ đồng vốn điều lệ? Đây là vấn đề rất quan trọng, có liên quan đến vấn đề mua ngân hàng 0 đồng. Đây có phải là nguyên nhân chính yếu dẫn đến mất vốn không? Trong Quyết định 663, khi mua 0 đồng đối với OceanBank, chỉ nói chấm dứt tư cách cổ đông, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của cổ đông, trong đó có PVN, nội dung của quyết định không nói rằng PVN bị mất 800 tỉ đồng vì thực tế khi PVN chấm dứt tư cách cổ đông, NHNN đã thay mặt làm đại diện phần vốn điều lệ của PVN tại OceanBank sau này".
Theo luật sư Phan Trung Hoài, tư cách cổ đông và phần vốn góp chỉ chuyển từ PVN sang cho NHNN quản lý và tiếp tục, nó được phản ánh trong vốn điều lệ là 4.000 tỉ đồng.
Theo: Infonet
https://vn.sputniknews.com/vietnam/201803265077202-vu-dinh-la-thang-tat-ca-xuat-phat-tu-chi-dao-cua-thu-tuong-nguyen-tan-dung/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét