Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

Khu resort và ngôi mộ chung ở Côn Đảo

Khu resort và ngôi mộ chung ở Côn Đảo
Thụy Mân - Có lần tôi viết một bài tựa đề “Lớn lên cùng với ma”, kể về những kỷ niệm lúc nhỏ, lớn lên cùng với ma nhưng chưa bao giờ gặp ma. Nói chung, tôi ít khi tin vào những câu chuyện tâm linh, dù một vài lần trong đời cũng đã chứng kiến những chuỗi sự việc mà không biết phải giải thích thế nào cho hợp lẽ khoa học.
Giờ nói về một đề tài khác: Facebook. Facebook đối với cộng đồng dân Việt nói riêng, là một điều kỳ diệu. Nó nối kết những người không quen biết bằng những sợi dây mật thiết và tin cậy mà đôi khi người ta không tìm thấy được ở xã hội chung quanh.



Người ta có thể tin nhau, dù là chưa bao giờ gặp mặt, người ta có thể tâm sự, chia xẻ với nhau những điều thầm kín mà trong môi trường xung quanh họ, vì nhiều lý do, họ không thể thổ lộ với bất cứ ai.

Tôi đã có một vài người bạn như vậy trên Facebook.



Một lần một người bạn nhắn tin cho tôi, kể cho tôi nghe một câu chuyện ám ảnh anh khôn nguôi. Kỳ đó vợ chồng anh đi du lịch Côn Đảo. Nơi họ ở rất đẹp, là một trong các resorts nổi tiếng ở đó. Nhưng không hiểu sao, hoàn toàn chỉ bằng cảm tính, cô vợ có một cảm giác không yên trong thời gian nghỉ ngơi ở đây, cái cảm giác như lúc nào cũng có những đôi mắt vô hình nhìn mình từ đằng sau. Đêm tối trước ngày trả phòng, một người bạn khác của hai vợ chồng đi cùng chuyến đó, trong lúc đang ngồi xếp dọn đồ đạc để chuẩn bị hôm sau ra về, ngẩng lên chợt thấy một người đàn ông mặc sơ mi nâu, đeo cà vạt đang nhìn cô ấy qua cửa kiếng. Cô hoảng hốt thét lên, người chồng chạy vào, chẳng thấy ai, cho là cô bị thần hồn nát thần tính.

Câu chuyện có lẽ sẽ dễ quên, nếu như hai vợ chồng anh ấy không post hình đi chơi của mình lên, và tình cờ một người, một phụ nữ hoàn toàn không quen (đang sinh sống tại Úc) vào comment, đại thể là nơi ấy rất đẹp nhưng cô không thể sống ở đó được vì bị một nỗi ám ảnh rất lớn: cha của cô là một cảnh sát, một trong những công chức, quân nhân sống và làm việc trên đảo trước năm 1975, đã bị hành hình vào một đêm tối ở nơi ấy.



Rợn da gà, người bạn của tôi nhớ lại cái cảm giác xốn xang không yên của vợ mình những ngày ở resort, anh mới inbox nhắn tin trao đổi với cô gái ấy. Thế là một câu chuyện được tháo nút:

Sau khi miền Nam bị chiếm, những người từng làm việc cho chính quyền miền Nam gồm công chức, quân đội, nhân viên làm ở trại tù đều bị tập trung lại và bị nhốt. Con số này khoảng 70 người. Ngày 23 tháng 12 năm 1975, chính quyền mới ở Côn Đảo thông báo cho gia đình của những người này rằng họ sẽ được đưa vào đất liền để cải tạo. Thân nhân của họ nghe vậy thì hay vậy, và cũng không được thông báo gì thêm sau đó. Và rồi không một người nào trong số 70 người ấy trở về với gia đình!

Sự thật về đêm hôm đó, người thân của nhóm này không ai hay biết. Chỉ nhiều năm sau, cái màng sương âm u và kinh hoàng che giấu cái chết cùng một lúc 70 người đó được vén ra qua lời kể của một kẻ tâm thần, một trong những người đã ra tay hạ sát các chú bác này. Gã kể lại rằng những người tù này bị đập vào đầu, nhiều người chết, nhiều người vẫn chưa chết hẳn, nhưng vẫn bị vùi sống xuống hố đã đào sẵn.



Khu nầy cách xa khu dân cư chính của đảo đến khoảng 10 cây số, một địa điểm hoàn toàn hoang vắng, vô cùng tiện lợi cho mục đích của những kẻ sát nhân.

Nhiều năm nữa đi qua... Người thân của những người bị giết chết đau cái nỗi đau không nói được nên lời . Thân phận họ hoàn toàn là thân phận con sâu cái kiến, họ không đủ chứng cứ để kêu oan. Kêu ở đâu? Kêu ai? Khi mình là "ngụy", khi mình là thân nhân của người thua cuộc? Đâu đâu cũng là kẻ chiến thắng, mang quyền sinh sát người khác trong tay? Luật là của người thắng cuộc, lẽ phải thuộc về họ!

Nhưng đất trời lại có những cách sắp đặt khác: Khi khu resort ở một địa điểm rất đẹp gần biển, vắng vẻ và xa vùng dân cư này được xây lên, đội xây dựng tìm thấy một đống xương người trong cái ngôi mộ tập thể. Điều đáng nói là trong số những bộ xương này, có một cặp chân giả mà người trên đảo nhận ra đó là chân giả của “anh Sơn, con chú Chín Khương”, nên người ta bàng hoàng nhận ra đây là ngôi mộ chung của nhóm 70 người đi "cải tạo" ngày đó. Người ta mới dời đống xương này, đem chôn chung vào hai ngôi mộ bên đường, cách khu resort một đoạn...

***

Một lần nói về mê tín dị đoan, về thế giới ma quỷ và những ân đền oán trả với đứa em, nó giải thích: Chị sống xa nhà đã lâu, không hiểu được hết cảnh bên nhà nên mới không tin ma quỷ.

Đất nước mình sau mấy cuộc chiến tranh, người chết oan uổng nhiều vô số kể, những cái chết tức tưởi đau thương, nỗi oan khiên của những linh hồn không siêu thoát được vì phần số chưa tới, và cũng vì phần số chưa tới mà những hồn ma bóng quế này không chốn nương thân, và như thế họ cứ lẩn quẩn chốn trần gian, vòng ân oán lại tiếp diễn như không bao giờ dứt.



Viết bài này tôi không nhằm bôi xấu ai, chỉ vì lời đề nghị của người bạn, như cùng nhau gởi một nén hương, một lời cầu nguyện cho những linh hồn xấu số, không một lời từ giã vợ con trước lúc ra đi, được sớm siêu thoát khỏi những nỗi đau, những nỗi oán hận, oan nghiệt của một kiếp người!

California 20 tháng 3, 2018
Thụy Mân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét