Làm gì để loại bỏ “giấy phép con” đối với hoạt động thiện nguyện?
LĐO | 07/10/2017 | Việc các cấp chính quyền địa phương gây phiền hà, cản trở đối với các hoạt động thiện nguyện là trái luật, gây thiệt thòi cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử sự việc xã Hữu Khuông (Tương Dương, Nghệ An) mặc dù có hơn 80% hộ nghèo, từ chối món quà từ thiện 1 tấn gạo, 250 thùng mì tôm đang gây “sốc” dư luận. Về mặt pháp luật, việc trao, nhận quà từ thiện là giao dịch dân sự, không trái pháp luật và đạo đức xã hội, và là một việc đáng khuyến khích. Việc từ chối, ngăn cấm các hoạt động thiện nguyện là trái pháp luật.Cuộc sống người dân và các em học sinh xã Hữu Khuông (Tương Dương, Nghệ An) còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TDT. Thông tin trên Lao Động online về việc UBND xã miền núi Hữu Khuông (Tương Dương, Nghệ An) từ chối nhận quà của đoàn từ thiện từ Hưng Yên, gồm 1 tấn gạo, 250 thùng mì tôm làm nhiều người ngạc nhiên, bất bình.
Theo trình bày của địa phương, họ không dám đón đoàn từ thiện vì “huyện chưa cho phép”. Sau đó, họ lại đưa ra các lí do như cán bộ bận, vận chuyển khó khăn, “đã nhận được nhiều quà”, và do đoàn từ thiện không cung cấp danh sách, thành phần đoàn…
Xã có nhiều lí do, nhưng dân nghèo chỉ có một hậu quả duy nhất, là không được nhận những nhu yếu phẩm trong thời gian giáp hạt, trong khi cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn. Nhà hảo tâm thì bị “dội một gáo nước lạnh”, và rất khó trở lại.
Lâu nay, nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện vẫn phàn nàn việc bị chính quyền địa phương từ chối, hoặc gây khó khăn trong việc hỗ trợ họ tiếp cận với người dân, để trao tiền, quà, thuốc men, khám sức khỏe… Điều này tạo ra dư luận về việc cán bộ có tiêu cực, thiếu trách nhiệm với dân, gây bức xúc, tạo lực cản đối với với các hoạt động thiện nguyện.
Về mặt pháp luật, công dân có quyền tự do cư trú, tự do đi lại, và được làm những gì pháp luật không cấm. Việc trao, nhận quà từ thiện là giao dịch dân sự, không trái pháp luật và đạo đức xã hội, và là một việc đáng khuyến khích. Việc từ chối, ngăn cấm các hoạt động thiện nguyện là trái pháp luật.
Tuy nhiên, một thực tế là có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động thiện nguyện nhằm những mục đích không có lợi cho cộng đồng, trục lợi, thậm chí hoạt động lừa đảo, chống phá. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cảnh giác” quá mức của một số cán bộ cơ sở, và tạo ra các rào cản trái phép.
Hiện, chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức, hoạt động của các hoạt động thiện nguyện. Vì vậy, dẫn đến nhiều cách hiểu, cách ứng xử tùy tiện, gây bức xúc, phản cảm.
Trong khi, hoạt động này diễn ra thường xuyên, phổ biến và vô cùng cần thiết cho xã hội.
Thiết nghĩ, để loại bỏ các “giấy phép con” trong hoạt động thiện nguyện, Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy định và hướng dẫn cụ thể về hoạt động thiện nguyện, nêu rõ trách nhiệm, quy trình, hồ sơ, thủ tục, và các hình thức khen thưởng, chế tài, để tạo ra hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hoạt động này ngày càng phát triển.
QUANG ĐẠI
https://laodong.vn/dien-dan/lam-gi-de-loai-bo-giay-phep-con-doi-voi-hoat-dong-thien-nguyen-568707.ldo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét