Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Tăng thuế xăng dầu: Bộ Tài chính không biết gì về quản lý?

Tăng thuế xăng dầu: Bộ Tài chính từ bỏ hay không biết gì về quản lý?
Trong khi quỹ BVMT đang dư 3.240 tỷ đồng thì tại sao lại đề xuất tăng thu? “Có lẽ, đây là một trong vô số các đề xuất của Bộ tài chính (BTC) thể hiện rõ nét nhất về vai trò lẫn năng lực quản lý của cơ quan nằm quyền sinh tử đối với lĩnh vực kinh tế Việt Nam hiện nay. Đề xuất của BTC không dựa trên nguyên tắc quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, hay nói cách khác là không hề biết đến nguyên tắc quản lý kinh tế vĩ mô trong chính sách thuế.

Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, người tiêu dùng lãnh đủ?
Gía cả phụ thuộc thị trường, đối với các sản phẩm, hàng hóa chiến lược phải áp dụng quản lý giá cả là biện pháp can thiệp vĩ mô của nhà nước để điều tiết, phục phụ phát triển kinh tế chứ không phải chỉ để thu lợi từ chênh lệch giá.”.

Theo TTO “Sau khi đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 5.000-8.000 đồng/lít chưa nhận được sự đồng tình của dư luận, Bộ Tài chính lại tiếp tục đề xuất mức thuế này lên mức kịch trần theo quy định hiện hành 4.000 đồng/lít”.

Các lý giải cho việc đề xuất tăng thuế xăng dầu kịch trần mà BTC đưa ra là: “..việc tăng thuế BVMT sẽ góp phần giảm tác động do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và điều chỉnh mức thuế MFN hiện hành bằng mức thuế ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tư do nhằm tránh mức thuế khác nhau đối với cùng một sản phẩm.

Ngoài ra, việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu như trên sẽ đảm bảo giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam tương đồng với giá bán xăng dầu của các nước trong khu vực, góp phần hạn chế buôn lậu xăng dầu.

Bộ Tài chính dẫn chứng, hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và châu Á nói chung..” (trích TTO).

Có lẽ, đây là một trong vô số các đề xuất của Bộ tài chính (BTC) thể hiện rõ nét nhất về vai trò lẫn năng lực quản lý của cơ quan nằm quyền sinh tử đối với lĩnh vực kinh tế Việt Nam hiện nay.

Toàn bộ nội dung những lý do và cách mà BTC viện dẫn cho đề xuất không hề có bất cứ bóng dáng vai trò quản lý nhà nước lẫn hàm lượng trình độ quản lý vĩ mô. Mặc dù với những lý do mà BTC đưa ra, nhiều khả năng Chính phủ sẽ đồng ý vì như vậy, trước mắt nhà nước sẽ có một khoản thu ước tính hơn 15.000 tỷ đồng/năm – một khoản tiền khá lớn mà cho ngân sách đang thâm hụt nghiêm trọng hiện nay. Tuy nhiên, đề xuất này chỉ ra mấy vấn đề:

Thứ nhất: BTC đề xuất tăng thuế chỉ để thu tiền, ngoài ra không vì bất cứ mục đích nào khác. Quyền lợi và vai trò của “Nhân Dân viết hoa” không là cái gì cả, người dân sẽ chỉ biết móc tiền ra trả và gánh chịu tất cả những hậu quả kèm theo đó mà không được biết gì khác (!)

Thứ hai: Đề xuất của BTC không dựa trên nguyên tắc quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, hay nói cách khác là không hề biết đến nguyên tắc quản lý kinh tế vĩ mô trong chính sách thuế.


Năng lượng là một trong những sản phẩm có vai trò chi phối hoạt động kinh tế của xã hội. Có sức tác động trực tiếp, nhanh chóng và mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế. chi phí sản xuất, chi phí lưu thông hàng hóa đều chịu ảnh hưởng gần như ngay tức khắc bởi giá cả năng lượng vì nó có vai trò quyết định vào giá thành sản xuất và chi phí bán hàng. Gía năng lượng cao, đương nhiên giá cả hầu hết các sản phẩm phải dùng năng lượng để sản xuất sẽ cao, chi phí vận chuyển để lưu thông cũng sẽ cao. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo ra lạm phát. Vì vậy, năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng được coi như một thước đo về chỉ số phát phiển kinh tế xã hội của quốc gia.

BTC không những không có đề xuất nào hữu ích cho chiến lược tổng thể mà lại chú trọng việc tăng thu, bất chấp các tác động tiêu cực liên quan. Đề xuất một chính sách mà không có một số liệu nào phân tích về ảnh hưởng liên quan giá và các đánh giá tác động ngành - Điều then chốt và căn bản nhất trong quản lý kinh tế vĩ mô. Phải chăng BTC không biết hay biết mà lờ đi, chỉ cần thu để vừa có thể ghi điểm lấy công và vừa âm thầm đâm sau lưng chính sách của Chính phủ ?

Một ví dụ dễ thấy nhất mà bất cứ ai cũng có thể hiểu về tác động và hậu quả cho kiểu tăng thu mà không căn cứ vào nguyên tắc quản lý vĩ mô của BTC: Đó là thu thuế đất: Thị trường địa ốc giai đoạn 2003-2007 sa vào tăng trưởng nóng vì giá ảo thì cũng chính BTC cũng chỉ vì mục đích tăng thu nên liên tục đề xuất điều chỉnh tăng thuế đất lên với lý do "thất thoát nguồn thu" thay vì phải đề xuất cho Chính phủ giải pháp kiềm chế sự phát triển không cân xứng của địa ốc thông qua chính sách quản lý, phân bổ nguồn vốn đầu tư cho địa ốc, xiết chặt cơ cấu quỹ đất phát triển địa ốc.v.v. thì lại chỉ đề xuất tăng thuế mà không có bất cứ đánh giá nào khác liên quan. Dẫn đến nhà nước đua tăng thu cùng với nhà đầu cơ đua nhau nâng giá. Kết quả là thị trường địa ốc vỡ, kéo theo toàn bộ nên kinh tế rơi tự do cho đến nay vẫn chết lặng chưa có lối thoát. 

Thế nhưng, chỉ thấy BTC đưa ra hàng loạt các báo cáo đổ lỗi cho “khủng khoảng kinh tế” chứ không có bất cứ báo cáo nào chỉ ra trách nhiệm liên quan mà BTC góp phần không nhỏ là các đề xuất thu thuế chuyển đổi mục đích đất và các loại phí liên quan quá cao, có tăng nhưng không có giảm. Khi mức thuế chuyển mục đích sử dụng đất ở khu vực thị trấn, thành thị vượt qua cả mức giá mà năng lực thị trường có thể hấp thụ thì bảo sao không chết (?!) Chỉ cần đối chiếu bảng giá đất các tỉnh thành qua các năm và hiện nay để tham khảo sẽ thấy đâu là sự thật. Riêng thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất lên tới trên dưới 10 triệu/m2 ở thị trấn, thị xã (thành thị cấp 3-4), mấy chục triệu đối với đất đô thị loại 1-2. Dân mấy người đủ khả năng trả khi giá chưa tính kèm với khoản đầu tư và lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Thứ ba: Cơ sở đề xuất không dựa vào dữ liệu chính xác và không tuân thủ nguyên tắc xây dựng dữ liệu trong đề xuất quản lý kinh tế.

Người viết không tìm hiểu được ngay giá xăng dầu của "các nước có chung đường biên" với Việt Nam như Lào, Campuchia, TQ... hiện tại ra sao nhưng giá tại Thái lan thì hiện vẫn thấp hơn VN trong một thời gian dài từ trước tới nay. Chưa nói việc lấy giá của các nước để làm cơ sở tính giá trong nước như viện dẫn của BTC là kiểu lý sự của dân buôn ngoài chợ chứ không phải của cơ quan quản lý nhà nước. Tại sao? Vì tất cả các khoản thuế đều được tính trên nguyên tắc thu theo tỷ lệ trên lợi nhuận liên quan có được, giá chỉ là dữ liệu qui chiếu để tính ra số tiền thu được.

Gía cả phụ thuộc thị trường, đối với các sản phẩm, hàng hóa chiến lược phải áp dụng quản lý giá cả là biện pháp vĩ mô của nhà nước để điều tiết, phục phụ phát triển kinh tế chứ không phải chỉ để thu lợi từ chênh lệch giá. Mua rẻ, giá thành sản xuất rẻ thì bán rẻ.. đó mới là nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Trong dẫn chứng của BTC về “các nước chung đường biên” thì Lào, Campuchia.. là 2 nước không có khai thác dầu mỏ, cơ cấu kinh tế ngành và chiến lược kinh tế ngành của Lào và Campuchia khác Việt Nam. Đối với Trung quốc, đây là thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới nhưng hiện nay hiện cũng đồng thời là thị trường sản xuất điện – chủ yếu thủy điện - đang phát triển rất mạnh mạnh, nên chính phủ TQ điều chỉnh để vừa giảm lệ thuộc tiêu thụ xăng dầu trong sản xuất công nghiệp, vừa khuyến khích sử dụng điện. Nếu có đánh thuế xăng dầu có cao hơn thì cũng là điều hợp lý và đương nhiên.

Đối với “các nước trong khu vực”, BTC dẫn so sánh với Singapo, Philippin; Hồng Kông thì Singgapo và Hồng Kông là hai quốc gia phát triển kinh tế dựa vào dịch vụ tài chính; cảng biển và du lịch – Những ngành kinh tế ít liên quan xăng dầu. Philippin đang phát triển mạnh điện gió và chuyển hướng đẩy mạnh du lịch…

Mặt khác, trên khía cạnh chính trị và xã hội thì giá rẻ là lợi ích cụ thể cho người dân. Buôn bán đã có lời nhưng vẫn tăng giá để kiếm lời nhiều hơn là hành vi vô đạo đức. Như vậy, ngay trong việc viện dẫn giá cả các nước mà BTC đưa ra cho thấy nó đơn giản là cách nghĩ của con buôn chứ không hề mang tính chất điều tra, nghiên cứu nghiêm túc lẫn khía cạnh nhiệm vụ chính trị của nhà nước.

Duy nhất một lý do mà BTC đưa ra có vẻ hợp lý là liên quan bảo vệ môi trường (BVMT). Nhưng ngay trong lý do này, BTC cũng cho thấy sự hời hợt khi dựa vào một khái niệm mang hơi hướng vĩ mô. Nhưng đây có phải là một giải pháp đúng và hiệu quả hay không ?

Có thể nói thẳng rằng vấn đề lớn nhất trong công tác BVMT của VN không phải ở tiêu thụ xăng dầu mà là ở qui hoạch và sự tàn phá môi trường tự nhiên.

Về qui hoạch: Việc tập trung các khu công nghiệp và phát triển công nghiệp kiểu cũ tập trung vào các khu vực thành thị, cộng với chính sách lấy đô thị làm trung tâm kinh tế dẫn đến sự tập trung quá đông người vào đô thị là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường nặng. Thực tế ai cũng biết ở VN, ô nhiễm môi trường mức nguy hiểm cũng chỉ tập trung ở đô thị lớn và ô nhiễm do xăng dầu chiếm phần lớn là từ sử dụng cho phương tiện giao thông – trong khi ở các nước công nghiệp lại là do tiêu thụ xăng dầu trong vận hành sản xuất.

Về vấn nạn tàn phá môi trường tự nhiên: Các nghịch lý trong chính sách quản lý đất đai, đặc biệt là liên quan đất rừng cộng với yếu kém trong công tác bảo vệ, phát triển rừng khiến cho diện tích cây xanh càng ngày càng bị thu hẹp. Khu dân cư, đô thị thiếu qui hoạch cây xanh trong khi rừng bị thu hẹp dẫn đến năng lực xử lý môi trường của tự nhiên mất tác dụng thì ô nhiễm môi trường tồn tại và gia tăng. Nói cách khác, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường ở Việt Nam phụ thuộc qui hoạch và biện pháp ngăn chặn vấn nạn tàn phá môi trường tự nhiên mới là chính sách thật sự hiệu quả chứ không phải bằng việc đề xuất một chính sách tăng thu các khoản thuế, đẩy giá xăng dầu và bất chấp quyền lợi của người dân như vậy.

Trong khi quỹ BVMT đang dư 3.240 tỷ đồng thì tại sao lại đề xuất tăng thu?

tác giả: Thiên Điểu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét