Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Về trích dẫn khống và khả năng tiếng Anh của ông Nhạ

Bao nhiêu Tiến sỹ giỏi phương pháp luận và tiếng Anh hơn ông Nhạ?
Ông Nhạ sau khi được cho là tự đạo văn mình thì đã có một giáo sư Pháp gốc Việt và cộng sự bỏ công viết một bài phân tích tỉ mỷ các bài báo khoa học của vị “tư lệnh ngành giáo dục” Việt nam. Trong đó có hai điểm mà không phải chỉ ông Nhạ mà e rằng có rất rất nhiều người trong số hàng vạn thạc sỹ – tiến sỹ hiện nay ở Việt nam đã mắc phải mà chưa bị ai khui ra như trường hợp ông Nhạ đó là hành vi trích dẫn khống và viết tiếng anh không chính xác. Báo cáo phân tích sơ bộ về sự giả khoa học của ông Phùng Xuân Nhạ do Gs Nguyễn Tiến Dũng cùng các đồng sự thực hiện.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Trích dẫn khống
Về hành vi “trích dẫn khống”, Giáo sư Dũng đã nêu rõ là không có ghi rõ nguồn của các trích dẫn và phải trích dẫn đúng để cho người đọc tiện bề theo dõi hoặc tra cứu. Theo giáo sư Dũng thì “ Ông Phùng Xuân Nhạ đã không biết đến hoặc không tôn trọng những chuẩn mực khoa học tối thiểu này trong các bài báo của mình”.

Trong các bản hướng dẫn cách viết luận văn thạc sỹ có hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng tài liệu tham khảo vào bài viết và cách trích dẫn ra sao. Người viết được yêu cầu phải ghi rõ ý tham khảo trích dẫn và chỉ rõ nguồn trong danh mục tham khảo. Bản hướng dẫn còn nêu rõ “Nếu sử dụng tài liệu của người khác và của đồng tác giả (bảng biểu, hình vẽ, ý tưởng..) mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì luận văn không được duyệt để bảo vệ.”

Bên cạnh đó còn có hướng dẫn cần phải làm gì khi trích dẫn ý kiến hoặc tài liệu của một người khác như thế nào để không bị vướng vào lỗi đạo văn khi trích dẫn ít hơn 2 câu hay 4 dòng đánh máy hoặc dài hơn.

Quy định rõ ràng là như vậy, nhưng dường như lại ít được tuân thủ nghiêm túc. Không hiếm trường hợp các thạc sỹ hay tiến sỹ học miền Bắc sẽ lấy bài của một ai đó từ trong Nam mang ra Bắc để nộp mà không bị phát hiện. Hoặc họ sẽ sao chép từ bài của một ai đó có sẵn trên mạng để không phải mất công nghiên cứu hay tra cứu nhiều như trường hợp luận văn tiến sỹ trở thành luận văn thạc sỹ; hoặc luận văn của học sinh sẽ trở thành bài nghiên cứu khoa học của thầy sau khi được thầy xào nấu.

Khi bị phát hiện họ có thể biện hộ một cách khó tin là quên trích nguồn, còn báo chí lại nương tay để gọi đó là hành động sao chép từ nhiều nguồn khác mà tránh không nhắc đến từ đạo văn. Nhưng với những người làm công tác khoa học như vậy thì chỉ có thể nói hoặc người ta cố tình quên hoặc họ không có chút liêm sỷ của một người trí thức cũng như không có đạo đức nghề nghiệp. Và tất cả chỉ vì hướng tới một cái danh hão khi không có thật lực và lại dựa trên nền tảng của sự trí trá.

Còn phần giáo viên/ giáo sư hướng dẫn họ có phát hiện ra những những lỗi hiển nhiên về phương pháp luận mà không nỡ đánh rớt học viên vì đã lỡ hứa nâng đỡ hướng dẫn; hay bản thân họ cũng không có đọc hết bài nghiên cứu hay là do họ không được trang bị phần mêm hỗ trợ trên máy tính?

Khả năng ngôn ngữ có hạn?

Người ta cũng hết sức nghi ngờ khả năng tiếng Anh của ông Nhạ, môt người đã nhận được học bổng Fullbright và tốt nghiệp thạc sỹ ở Manchester tức là cả hai trường đều có tiếng tăm chứ không phải trường bèo như trường của Phạm Xuân Anh đã từng theo học và bị đánh tơi bời là bằng không đủ tiêu chuẩn hay thậm chí là bằng giả.

Ông Nhạ đã từng là tâm điểm của sự đàm tiếu của cộng đồng mạng khi phát biểu lẫn lộn “n,l”. Với sự lẫn lộn như vậy trong tiếng mẹ đẻ thì khi nói tiếng Anh cũng sẽ không tránh khỏi nói ngọng. Nhưng nói ngọng có thể cho qua và thông cảm được, còn viết sai ngay cả lỗi đơn giản thì giờ đây lại phải nghi ngờ chất lượng bằng của ông Nhạ.

Với tiếng Anh như vậy thì làm sao ông Nhạ có thể học và bảo vệ thành công luận án Thạc sỹ ở Manchester? Nếu là thực chất đủ để bảo vệ thành công luận án thạc sỹ ở Anh thì cho dù giọng Manchester có hơi khó nghe hơn giọng London chút ít nhưng mà văn viết vùng Manchester, vùng London hay ở Mỹ thì lại không khác gì nhau là mấy.

Đó là chưa kể đến việc dịch bài từ tiếng Việt sang tiếng Anh một cách gượng gạo. Giáo sư Dũng đã chỉ ra các “ cấu trúc câu lủng củng” khi dịch từ Việt sang Anh. Phần lớn với những người không có khả năng viết trực tiếp bằng tiếng Anh thì họ sẽ phải viết tiếng Việt trước và sao đó cho dịch sang tiếng Anh với yêu cầu phải dịch sát. Người làm biếng họ sẽ cho google dịch, người ít làm biếng hơn thì dịch từng từ một; người giỏi hơn cũng sẽ cố gắng dịch nhưng vẫn sẽ không thoát ra được lối nói tiếng Anh của người không được tiếp xúc, tiếp cận với người chính quốc nhiều.

Với người đã từng học thạc sỹ ở Anh và ở Mỹ thì tiếng Anh của ông Nhạ phải “tây” hơn người chưa bao giờ có cơ hội ngồi nghe thầy Anh ở Anh và thầy Mỹ ở Mỹ trực tiếp truyền thụ kiến thức. Nếu không nói là phải lên được đến mức gần như người chính quốc mà đã vậy lại còn bị những lỗi ngô nghê trong bài báo khoa học tiếng Anh thì quả là chuyện khó tin. 

Vậy thì giờ có cần phải đi thẩm định lại bằng cấp ở Manchester và Fullbright của ông Nhạ cho rộng đường dư luận như báo chí đã truy ra tới tận nơi cấp bằng cho ông Nguyễn Xuân Anh?

Với mấy vạn thạc sỹ - tiến sỹ trên cả nước có bao nhiêu người đã từng "học tập và làm theo gương" ông Nhạ? Trong số đó ai dám nhìn lại các luận văn, bài báo khoa học hay công trình nghiên cứu của chính họ để thừa nhận công khai họ đã từng mắc những lỗi như trên cho lòng được thanh thản? Hay lại tặc lưỡi, “ Tại ổng xui do đấu đá nên mới bị đưa ra cho dân cư mạng moi móc, chớ làm người thường, không đụng chạm gì thì đâu ai bới móc ra?”

Phương Thảo
* Ở nước ngoài, sinh viên nếu bị phát hiện đạo văn khi làm bài khoá luận sẽ bị đánh rớt ngay lập tức môn học đó mà không được phân bua biện hộ gì cả.
(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét