Rông dài chuyện Thịt Chó ở Châu Âu
Ở châu Âu, một số người Việt nuôi chó để canh nhà. Có con chó khôn trung thành yêu chú đến mức không bao giờ sủa và cắn người Việt, nó lại cứ nhắm người Tây mũi lõ sủa nhức tai, hoặc cắn làm chủ bị rắc rối với pháp luật. Sau mới biết chó quen mùi nước mắm. Chó rất thính hơi. Người Việt bao giờ nấu ăn cũng có giọt nước mắm. Dù sạch đến đâu, chó cũng ngửi ra dày dép để cửa đều bị ám chút chút mùi nước mắm. Sau chủ thề không nuôi chó, vì quá vất vả với kiện tụng.
Một quảng cáo thẩm mỹ viện chó ở Pháp
Người Châu Âu ngày nay thường hay chê người châu Á về việc ăn thịt chó –môt loài động vật mà họ nâng niu thuần dưỡng trong nhiều việc có ích. Thỉnh thoảng vài hội bảo vệ động vật lên án việc nhốt giam giết thịt chó và treo đầu chó giữa chợ ở các nước này.
Thực ra trào lưu yêu chó chỉ xuất hiện khi đời sống đầy đủ ở châu Âu vào giữa thế kỷ 20. Theo thống kê, trên thế giới số chó và số người trên thế giới là tương đương hiện nay. Vì ngoài chó cảnh, chó dẫn người mù, chó bảo vệ nhà, chó nuôi để tìm thủ phạm buôn ma túy, vũ khí… chó còn nuôi dưỡng nhiều nơi để sinh sản đem bán, chưa kể đàn chó hoang dại ở nhiều nước. Nước Pháp ngày nay có hội bảo vệ quyền động vật do cựu diễn viên nổi tiếng Brigitte Bardot làm chủ tịch đã từng chi cả triệu euros để thiến các chó hoang chạy nhông nhông ở Rumanie và một số nước.
Chó ngày nay lên ngôi được chiều chuộc ở châu Âu. Hầu hết các cửa hàng siêu thị đều có bán thức ăn dành riêng cho loại động vật này. Có cả những cửa hàng bán đồ quần áo, trang sức, chuyên « thẩm mỹ viện » cho chó. Chó được cắt tóc, chải đầu, uốn sấy, cắt móng chân móng tay cầu kỳ như người.
Chó trở thành bạn trung thành đồng hành của nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên trong thành ngữ của Pháp còn có câu : chó chết vì chủ nhưng chủ không chết vì chó. Chuyện chó hy sinh vì chủ thì nhiều những ít khi thấy chủ chết vì chó. Xã hội càng tân tiến, con người càng cô đơn. Chó trở thành người bạn chia sẻ cô đơn với người. Ngay ăn mày ngoài phố đôi khi cũng cùng chó ngồi giữa đường chờ bố thí. Con chó ngây thơ xoe tròn mắt nằm ngoan ngoãn bên chủ. Chủ đói nghèo ăn xin cũng chia sẻ miếng ăn cùng chó.
Nữ ca sĩ Dalida nổi tiếng với bài hát « Để sống không cô đơn », người ta sống với chó và ảo tưởng, và kỷ niệm xưa… để khỏi cô đơn, để trôi đi mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông… cô đơn.
Chó và chủ xin ăn ngoài đường
Thời xa xưa, người châu Âu cũng ăn thịt chó. Do sự sinh tồn, con người cũng chỉ là một động vật cao cấp, nên chuyện ăn thịt các loại động vật để sống là lẽ tất yếu, và là ý thức bẩm sinh của một động vật. Trong tiếng Pháp, ý thức nói lóng nghĩa đen đồng nghĩa với dạ dày. Balzac nhà văn nổi tiếng đã từng viết khi một cha cố toan giảng đạo đức cho một đứa trẻ chót ăn cắp đang run cập cập vì đói rét, đã được một người khuyên : thưa ngài, trước khi giảng về đạo đức hãy cho nó ăn để đỡ đói và rét đã ». Dạ dày một phần quyết định ý thức. Trong đói triền miên, để sinh tồn, thì động vật nào cũng phải đi tìm thức ăn.
Nên không thể lấy chuyện ăn thịt chó để đánh giá đạo đức con người. Những người ăn chay, theo đạo Phật sống trong chùa bị cấm ăn tất cả các loại thịt. Giết động vật là thuộc một trong điều cấm kị của Phật. Các nước đạo Hồi không ăn thịt lợn. Ở Ấn độ thờ bò, không ăn thịt bò. Nhưng không thể quy đồng những ai ăn thịt, hay ăn thịt lợn hay bò là vô đạo đức. Tất cả là thói quen và sở thích của từng dân tộc.
Thời La Mã, nền văn minh Aztèque và nhiều nơi, đã ăn thịt chó. Al-Mugaddasi nhà địa lý sinh 945 trước công nguyên ở Jerusalem (Israel) từng đi nhiều nơi là người đầu tiên miêu tả ăn thịt chó ở Thổ Nhĩ Kỳ. Châu Âu đầu thế kỷ 20 vẫn còn rải rác nhiều nơi ăn thịt chó trong đó có Pháp. Hai cuộc đại chiến thế giới xảy ra ở châu Âu, nạn đói xảy ra, thiếu thực phẩm, thịt chó không hề bị chê. Chiến tranh Pháp Phổ (1870) ở Paris còn nhiều cửa hàng thịt chó, chơ chó ở phố Saint Honoré được ghi chép lại trong lưu trữ lịch sử Paris. Trong ngôn ngữ Pháp có từ cynophagie để chỉ ăn thịt chó. Đầu thế kỷ 20 nước Pháp trong tình trạng khủng hoảng kinh tế vì đại chiến thế giới lần thứ nhất. Thịt chó giai đoạn này không những chỉ bán ở Pháp mà còn được ghi chép từng bán ở Hà Lan. Gần đây, làn sóng di cư của người Á trong đó có Trung Quốc, Việt Nam càng ngày càng đông ở Đức, năm 2004, có một dự án xin phép mở cửa hàng bán thịt chó ở Hambourg Đức, nhưng không được chấp nhận vì sự phản đối mạnh của những hội đoàn bảo vệ động vật. Ở Áo, có dự án cửa hàng thịt chó trên mạng nhưng đó chỉ là dự án nghệ thuật.
Biển quảng cáo bán thịt chó ở Paris đầu thế kỷ 20
Đại chiến thế giới thứ nhất, lính hy sinh trên mặt trận được chở về, nhà thơ nổi tiếng Guillaume Apollinaire (1880-1918) trong bài « Nhà táng »» đã có câu thơ «Nhiều đứa vào quán rượu/ Vài đứa bỏ chúng tôi/ Đến cửa hàng thịt chó/ Mua cơm tối để ăn. » Bài thơ là bằng chứng thịt chó là một trong những món ăn tiêu thụ đầu thế kỷ 20 ở Paris. Nhà văn Victor Hugo đã kể trong tiểu thuyết của ông « Dân Paris ăn tất cả mọi thứ vào năm 1870, khi Paris bị quân đội Đức vây, mèo chó, và tất cả đều chui vào dạ dày như trên con tàu cứu thế Noé ngay xưa ».
Ở Hải ngoại (thuộc địa Pháp), thịt chó cũng là một món ăn ở giữa thế kỷ 20 vì Đông Dương còn là của Pháp 1954. Việt Nam là xứ ăn thịt chó. Một số nhà văn thời thuộc địa Pháp trở về đã tả món ăn thịt chó. Không ít người muốn nếm thử để biết vị thịt chó ra sao ở thuộc địa. Chính quyền thuộc địa không hề cấm ăn thịt chó. Taihiti thuộc Pháp, thịt chó được coi là món ăn quý, ngon nên còn dùng để cúng tế Thượng Đế. Các buổi tế lễ, chó bị giết hàng loạt, các vị linh mục đã chén thịt chó thoái mái và còn đem phần về cho gia đình. Ở đó, những người bán hàng rong thịt chó khắp nơi cho đến 1959 mới bị cấm.
Nhiều người châu Âu qua Việt Nam, Trung Quốc, Triều tiên đã thử nếm thịt chó và khen ngon thơm. Một vị giáo sư Pháp đã tâm sự « tôi nếm thịt chó, thịt rắn ở Hà Nội, rất ngon ». Đó là dịp để họ tìm hiểu ẩm thực và văn hóa bản xứ. Để hiểu và hòa nhập họ đã nếm thử các món ăn địa phương. Ẩm thực cũng là văn hóa.
Nhiều người châu Âu qua Việt Nam, Trung Quốc, Triều tiên đã thử nếm thịt chó và khen ngon thơm. Một vị giáo sư Pháp đã tâm sự « tôi nếm thịt chó, thịt rắn ở Hà Nội, rất ngon ». Đó là dịp để họ tìm hiểu ẩm thực và văn hóa bản xứ. Để hiểu và hòa nhập họ đã nếm thử các món ăn địa phương. Ẩm thực cũng là văn hóa.
Ở Trung hoa địa lục, tại làng Yulin, còn giữ phong tục lễ hội thịt chó vào ngày 21 tháng sáu hàng năm. Ngày lễ, hàng ngàn con chó bị đem ra nướng. Do nhiều hội đoàn bảo vệ động vật phản ứng, việc giết chó công khai giữa thanh thiên bạch nhật đã hạn chế ở mức tối đa.
Hiện nay ở Pháp có những cửa hàng được đặt tên rất kỳ lạ « Chó hút thuốc », « Chó trên trăng ». Việt Nam có thành ngữ « nhục như chó » vì chó có thói quen bẩm sinh là ăn đồ thải của con người. Nhưng chú chó Laika Nga lại đi vào lịch sử và được vinh danh trong lịch sử hàng không vũ trụ, và trong sách học. Laika con chó đầu tiên thay người lên vũ trụ. Nhờ Laika và sự dũng cảm cùng trí thông minh của các nhà vũ trụ học, ngày nay chúng ta có kết nối mạng trên thế giới, thông tin truyền đi nhanh chóng.
Tình yêu chó rất đa dạng trên thế giới. Ở Hà Nội và một số thành phố lớn ở Việt Nam ngày nay chó không chỉ lên thớt như nhiều người châu Âu nghĩ. Chó được âu yếm và chiều chuộng còn hơn châu Âu, vì không những có khách sạn dành riêng cho chó như châu Âu mà chủ nhân còn mời bạn bè đến ăn linh đình để làm lễ cầu siêu cho chó. Một người Tàu đã bỏ ra 1,4 triệu euros tậu con chó quý Tây Tạng ngày 19/5 năm 1914. Một tỉ phú Mỹ trước lúc ra đi, đã viết di chúc để lại 1 triệu đô cho con chó cưng kế thừa, và ai chăm xóc nó tận tình sẽ được hưởng lúc nó mất. Trông chó, khách sạn chó là một nghề kiếm sống hiện nay khi chủ đi xa buộc phải để cún cưng ở lại.
Chú chó gốc Tây Tạng đạt kỷ lục đắt nhất thế giới 1 triệu 4 euros
Nhiều nơi ở châu Âu có nghĩa chó rất sang trọng như một công viên đầy hoa và rợm bóng cây.
Nghĩa địa chó nổi tiếng ở Assnière sur Seine (Ngoại ô Paris)
Chuyện chó rông dài và thú vị như dồi chó. Mỗi phong tục, mỗi cá nhân yêu chó một cách. Tuy nhiên những người yêu chó cũng gặp nhiều trở ngại khi du lịch. Mỗi con chó phải có hộ chiếu và giấy khám sức khỏe, và vé riêng khi lên máy bay, qua biên giới. Nhiều khách sạn và quán ăn không chấp nhận chó. Chủ chó thường phải chọn giải pháp camping, đóng lều, cũng là để chó có chỗ chạy tung tăng. Yêu chó, nếu không có sổ y bạ tiêm chủng thì hãy cẩn thận, lơ mơ là đền bù khi chó vô tình cắn hay cào người lạ.
Ở châu Âu, một số người Việt nuôi chó để canh nhà. Có con chó khôn trung thành yêu chú đến mức không bao giờ sủa và cắn người Việt, nó lại cứ nhắm người Tây mũi lõ sủa nhức tai, hoặc cắn làm chủ bị rắc rối với pháp luật. Sau mới biết chó quen mùi nước mắm. Chó rất thính hơi. Người Việt bao giờ nấu ăn cũng có giọt nước mắm. Dù sạch đến đâu, chó cũng ngửi ra dày dép để cửa đều bị ám chút chút mùi nước mắm. Sau chủ thề không nuôi chó, vì quá vất vả với kiện tụng.
Yêu chó hay ăn thịt chó đều là tùy cách suy nghĩ của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc. Tất cả đều đáng trân trọng vì đó chính là sự đa dạng của cuộc sống trên quả đất tròn.
Trần Thu Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét