CÁI ÁC TỪ ĐÂU MÀ CÓ
FB Luân Lê - Cũng chỉ 6 ngày tết vừa qua thôi, mà có tới 37.000 trường hợp phải nhập viện vì tai nạn giao thông và đánh nhau. Quả là kinh hoàng và đáng lo ngại cho một xã hội như vậy.Tuân Tử nói: Nhân chi sơ tính bản ác.
Hôn Bách nói: “Con người khi mới được sinh ra vốn không thiện cũng không ác. Thiện hay ác là do hoàn cảnh tạo nên.
Rousseau nói: Bản chất tự nhiên của con người là thiện, chỉ khi trải qua tổ chức xã hội mới biến thành ác.
Như vậy có thể thấy, việc thiện hay ác của một người được quyết định phần lớn bởi hoàn cảnh sống và việc được giáo dục đến đâu.
Vậy chúng ta sẽ phải đặt ra câu hỏi gì với hiện trạng bạo lực tràn lan trong xã hội hiện nay, ở trong mọi linh vực, mọi ngành nghề và mọi lứa tuổi trong lòng đất nước?
Lý do của bạo lực nó có nguyên nhân lớn chính từ việc giáo dục và hoàn cảnh sống. Và một xã hội được duy trì bằng những hình thức áp chế nhu cầu, cả về tư tưởng và tâm sinh lý của con người, lại không tôn trọng luật pháp trong hành xử, mà tệ hơn là nó có thể mua chuộc được lực lượng công quyền, thì đương nhiên những hiện tượng bạo lực sẽ được dung dưỡng và ngày càng nảy nở lớn hơn.
Mọi cái ác không được trừng trị thì chắc chắn những hành động xấu xa đó sẽ cứ thế lan ra và lấn át những điều tốt đẹp trong xã hội.
Con người cần phải được sống trong một môi trường giáo dục bằng tình yêu thương, chứ không phải bằng những hình tượng bạo lực cách mạng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; rồi cảnh cha mẹ, thày cô áp đặt tự do tư tưởng và mưu cầu của con cái, học sinh; ra ngoài xã hội cũng bị áp đặt bao nhiêu lời đe doạ và sự sợ hãi về những vấn đề được cho là không được quyền bàn tới. Vậy nên bao nhiêu ẩn ức cứ thế dồn nén và chực chờ để bùng phát thành những hành động tiêu cực khi đúng thời điểm và tới hạn.
Trong những lễ hội đời thường người ta cũng lý luận một cách hồ hởi rằng cướp lộc có văn hoá, việc xô lấn, dẫm đạp nhau để cướp lộc là nét đẹp truyền thống mang tính bản sắc, những hủ tục ghê rợn như đập đầu trâu, chém đầu lợn, vẫn diễn ra hàng ngày, nên người ta coi những thứ hành xử đó là bình thường nên sẽ cứ duy trì nó trong tâm thức mà không biết rằng nó sẽ dần được thúc đẩy thành những hành động tàn bạo và man rợ hơn, khi thích hợp.
Trong gia đình, chuyện cha đánh mẹ, anh chị em cãi lộn đánh nhau nhưng không được giải quyết, thậm chí những cảnh cha mẹ đánh đập con cái nhân danh yêu thương cũng được coi như là những cách dạy dỗ con cái, tất cả những hành động và nếp sống man di (lại khá phổ biến) đó khiến những đứa trẻ lớn lên bị tổn thương tâm lý, bị ám ảnh bởi bạo lực và luôn có xu thế sẽ hành xử bạo lực.
Chúng ta làm sao có thể kỳ mong một xã hội nhân văn, tràn đầy yêu thương và tình đoàn kết của con người khi mà xã hội ấy luôn sống thiếu trung thực với nhau, luật pháp bị coi khinh, chạy chức chạy quyền và thậm chí chính nơi đó tạo ra bất công, những nhận thức thấp kém trong hành xử (rất bạo lực) lại vẫn được duy trì rất thường xuyên và phổ quát trong xã hội!
Trong những hành xử hàng ngày, ta mở mắt ra là thấy những cảnh xô xát đến rợn người. Từ những câu chuyện bên bàn nhậu, va chạm giao thông, tranh chấp tài sản, đánh ghen ngoại tình, lễ hội sát hại động vật, tranh cướp lộc xuân, thày cô đánh mắng học trò, học sinh đánh nhau, người trẻ đánh người già, bệnh nhân đánh bác sỹ, đánh đập trộm cắp,...hầu như mọi chuyện đều dẫn con người ta tới những hành xử bạo lực, thượng cẳng chân hạ cẳng tay để đối dãi với nhau một cách rất tàn ác, mà nó lại không bị chế tài hữu hiệu ngăn chặn lại, mà thậm chí còn được cổ vũ và lý giải bởi những căn nguyên hết sức thô thiển.
Cũng chỉ 6 ngày tết vừa qua thôi, mà có tới 37.000 trường hợp phải nhập viện vì tai nạn giao thông và đánh nhau. Quả là kinh hoàng và đáng lo ngại cho một xã hội như vậy.
Chính quyền phải là nơi đặt ra luật pháp văn minh, phải nghiêm minh trong việc áp dụng và chấp hành pháp luật, phải là điểm tựa của dân chúng và là nơi triệt trừ cái xấu, cái ác, thế mới mong có thể tạo ra một quốc gia tươi đẹp và tử tế. Còn ngược lại sẽ là sự tha hoá và suy đồi, loạn lạc không thể nào kiểm soát được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét