Ngày Tết, bàn về lì xì
Tuệ Anh (TBKTSG) - Chẳng biết từ bao giờ, phong tục lì xì (mừng tuổi) du nhập vào nước ta đã được giữ gìn cho đến nay như một truyền thống tốt đẹp. Thế nhưng, vẫn có những bất cập khi phong tục này bị lợi dụng trở thành văn hóa “phong bì”, và đâu đó, hiện tượng xem trọng “sức nặng” vật chất hơn giá trị tinh thần đã hiện diện trong xã hội hiện đại.Cảm ơn ông bà cha mẹ lì xì đầu năm. Ảnh internet |
Lì xì Tết, nên hay không? là nội dung chính của bàn tròn văn hóa trực tuyến được thực hiện trước thềm năm mới Bính Thân với sự tham dự của chuyên gia kinh tế PHAN CHÁNH DƯỠNG, nhà nghiên cứu triết học BÙI VĂN NAM SƠN, chuyên gia tâm lý LÝ THỊ MAI, anh NGUYỄN TUẤN QUỲNH - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Alpha Books, đạo diễn - diễn viên HỒNG ÁNH.
Lì xì - niềm vui nhỏ, ý nghĩa lớn
Mở màn cho cuộc thảo luận bàn tròn Lì xì Tết, nên hay không?, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn cho rằng lì xì là mỹ tục, là thiên đường của tuổi thơ rất nên duy trì. Ông nói: “Lì xì, theo GS. Nghiêm Toản, bắt nguồn từ chữ “lợi thị”, có nghĩa là mối lợi, điều tốt lành, vận tốt, vận may. Không phải ngẫu nhiên trong ngày Tết, người ta không “mừng tuổi” cho trẻ em bằng quà tặng, hiện vật như các dịp vui khác, mà lại bằng phong bao đựng ít đồng tiền mới. Phong bao vừa kín đáo, riêng tư, vừa đẹp đẽ như hình ảnh mùa xuân. Nhưng, chính đồng tiền mới mang trọn ba ý nghĩa nói trên: tiền không chỉ là vật ngang giá, là phương tiện trao đổi phổ biến mà còn là con số tượng trưng nên, khác với hiện vật, có thể nhân lên đến vô hạn! Bao lì xì ngày Tết là mỹ tục, là “thiên đường nhỏ” của tuổi thơ, rất nên duy trì trong ý nghĩa trọn vẹn ấy của nó”.
“Bao lì xì ngày Tết là mỹ tục, là “thiên đường nhỏ” của tuổi thơ, rất nên duy trì trong ý nghĩa trọn vẹn ấy của nó”.
Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn
|
Ông cũng chia sẻ bài học đầu đời về sử dụng tiền liên quan đến món tiền lì xì thuở ấu thơ: “Khi lên sáu tuổi, tôi đã giấu mẹ dốc hết “gia tài” lì xì khá lớn để mua cho kỳ được một món đồ chơi là con “bông vụ” tuyệt đẹp của đứa bạn trong lớp. Công việc “mua bán” đó bị... bại lộ; đứa bạn phải trả lại tiền cho tôi, còn tôi mất con bông vụ. Về sau, tôi mới biết con bông vụ được bán rẻ mạt ngoài chợ. Bài học đầu đời về đồng tiền! Chỉ khi chính mình trải nghiệm mới thấy hết giá trị”.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho rằng, về mặt xã hội, lì xì là một phong tục tô điểm thêm cho không khí vui xuân, thế nên, dù phong bao ít hay nhiều tiền, nhận được lì xì là điều đáng quý. Đó là lý do phong tục này vẫn nên được duy trì.
Tuy nhiên, nói về sự bất cập khi lì xì bị lợi dụng thành văn hóa “phong bì”, ông cho rằng không nên bỏ đi truyền thống tốt đẹp này mà chỉ nên phê phán hiện tượng lạm dụng. Ông nói: - Quá trình truyền thừa phong tục này đã có sự kết hợp ý nguyện hay mục đích khác nhau của từng dân tộc, từng gia đình, từng con người cụ thể cho từng sự việc khác nhau. Nên nhớ rằng truyền thống tốt đẹp nào cũng có thể bị người xấu lợi dụng, kể cả truyền thống yêu nước, thương dân. Do đó, không vì thế mà ta phê phán và bỏ đi truyền thống lì xì tốt đẹp đã có trong xã hội.
“Ai đó lợi dụng lì xì trẻ em để hối lộ người lớn là lỗi của họ và họ chẳng đáng cho chúng ta bàn tới, nhưng tự thân tục lì xì luôn hàm chứa những ý nghĩa tích cực, miễn người lì xì có cái tâm tốt đẹp”.
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai
|
Còn với anh Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Alpha Books, lì xì là nghĩa vụ và cũng là niềm vui của một lãnh đạo công ty như anh vào dịp năm mới. Anh cho biết: “Hàng năm, tôi vẫn đổi một ít tiền mới để lì xì. Tôi không chỉ lì xì cho các em nhỏ mà còn lì xì cho người thân, nhân viên của mình với ý nghĩa là lời tri ân và chúc may mắn trong năm mới. Tôi nghĩ vẫn nên giữ phong tục này vì nó mang lại niềm vui nho nhỏ ngày đầu xuân cũng như thể hiện sự quan tâm đến người xung quanh”.
Đồng quan điểm với ba khách mời trên, đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh cho rằng vẫn nên lì xì trong dịp Tết vì đây là một phong tục tốt đẹp, thế nhưng chị lại có thái độ khá gay gắt với việc coi trọng giá trị vật chất trong bao lì xì.
Chị nói: “Với trẻ con nhà tôi, mỗi dịp Tết đến, được mặc áo mới nhận bao lì xì đỏ và lời chúc từ ông bà, cha mẹ là vui rồi, chẳng ai câu nệ trong đó có bao nhiêu tiền. Theo tôi, giá trị tinh thần trong bao lì xì mới là điều quan trọng. Người trẻ trong gia đình tôi thường được dạy rằng bao lì xì là cái lộc đầu năm, mà lộc thì không tính bằng số lượng nên đừng đem ra đong đếm. Giống như đầu năm ta lên chùa hái lộc, nhiều khi trong bao đỏ chỉ có 200 đồng nhưng ai nhận được cũng vui vẻ, vì lộc chùa đại diện cho những điều may.
Tôi cũng có thói quen sau mỗi dịp Tết lại tập hợp tất cả những bao lì xì để ngồi ngắm nghía. Bao nào đẹp, có in hình con giáp của mình (con rắn) sẽ được tôi ưu tiên giữ lại như một bộ sưu tập của riêng mình. Những bao lì xì có lời chúc được tôi đặc biệt ưu ái giữ gìn và nâng niu.
“Truyền thống tốt đẹp nào cũng có thể bị kẻ xấu lợi dụng, kể cả truyền thống yêu nước, thương dân. Do đó, không vì thế mà ta phê phán và bỏ đi truyền thống lì xì tốt đẹp đã có trong xã hội”.
Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng
|
Tôi nghĩ cái tâm của người tặng cho mình mới là đáng quý. Bây giờ, theo sự phát triển của xã hội, bao lì xì đã bị quy thành giá trị vật chất. Trẻ con được dạy về giá trị của đồng tiền, cứ “hết mùng” lại đem ra tổng kết xem năm nay mình nhận được bao nhiêu. Thật đáng tiếc khi một phong tục đẹp và cái tâm của người tặng lại bị đem ra đong đếm”.
Những cải biên của lì xì - tốt hay xấu?
Kế thừa tục lì xì xưa, lì xì nay được cải biên để phù hợp với xu thế hiện đại. Khi xưa đời sống khó khăn, bao lì xì có ý nghĩa tinh thần hơn vật chất thì hiện nay, khi nhiều gia đình đủ đầy, sung túc hơn, bao lì xì đã có sự phân biệt ít nhiều. Những người trẻ lên thành thị lập nghiệp không về quê ăn Tết được thì xem bao lì xì đầu năm như một sự “bù đắp” cho người lớn.
Nói về chủ đề này, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, cũng là một người mẹ, người bà đã từng trải qua sự giao thoa văn hóa xưa và nay của tục lì xì cho biết: “Khi xưa, gần như chỉ các bậc trưởng thượng lì xì cho cháu con hoặc em út của mình chứ không phải như ngày nay, thứ bậc dọc ngang không còn phân biệt, ai cũng đều có thể lì xì, thậm chí cấp dưới phải “bóp bụng” lì xì cho cấp trên như một hình thức “cống nạp”. Thứ hai, số tiền lì xì xưa thường rất ít chứ không nhiều và việc lì xì được giới hạn chỉ trong ba ngày đầu năm mới chứ không kéo dài như ngày nay”.
Trong khi đó, ông Phan Chánh Dưỡng cho rằng phần nào lì xì đã mang ý nghĩa vật chất đằng sau ý nghĩa phúc - lộc đầu năm.
Ông ngậm ngùi nhớ lại Tết xưa: “Ở quê tôi ngày xưa, lì xì chỉ gói gọn trong buổi sáng mùng một Tết. Con cháu thường thức dậy rất sớm, mặc bộ đồ đẹp nhất rồi đứng chờ để chúc phúc ông bà, cha mẹ, sau đó được nhận lì xì kèm lời chúc đầu năm. Sau này khi tôi lên thành phố sống, giao tiếp rộng hơn, người thân đến vui xuân cũng nhiều hơn và mang theo trẻ con, việc lì xì cho trẻ con của khách cũng từ đó được hình thành. Tuy nhiên lì xì đối với trẻ con thường chỉ mang tính tượng trưng. Lời giáo huấn hay lời khích lệ học hành... mới là quan trọng. Về phần con cháu lì xì lại cho người lớn, dường như chỉ xuất hiện ở người đã có gia đình, hoặc đã có công ăn việc làm. Việc lì xì cho trưởng bối cũng dừng lại ở người thân trực hệ như cha mẹ, ông bà, cô chú, cậu dì thuộc diện khó khăn. Giá trị tiền lì xì thì tùy theo khả năng kinh tế của mỗi gia đình”.
“Nếu chúng ta thật sự quan tâm và muốn giúp đỡ nhau thì hãy làm điều đó bất cứ lúc nào có thể, đừng đợi đến Tết và đừng làm mất ý nghĩa tốt đẹp của bao lì xì”.
Đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh
|
Nghệ sĩ Hồng Ánh, người luôn coi trọng giá trị tinh thần của bao lì xì, lại có vẻ không ủng hộ việc xã hội hiện đại biến bao lì xì thành cái cớ để trao tặng vật chất cho người khác.
Chị nói: “Có cha mẹ xem lì xì Tết là cơ hội để cho con chút vốn liếng làm ăn, cũng có người xem bao lì xì là cơ hội để giúp đỡ vật chất cho những người thân khó khăn hơn mình. Có người còn coi trọng sĩ diện, dịp Tết là dịp để mở mày mở mặt với họ hàng nên bao nhiêu tiền bạc tích góp trong năm đều cho hết vào những bao lì xì, Tết trở thành gánh nặng và là dịp để hơn thua nhau... Tôi nghĩ, nếu chúng ta thật sự quan tâm và muốn giúp đỡ nhau thì hãy làm điều đó bất cứ lúc nào có thể, đừng đợi đến Tết và đừng làm mất ý nghĩa tốt đẹp của bao lì xì.
Khi lì xì cho người khác, tôi cũng không đặt nặng vật chất mà quan trọng yếu tố tình cảm. Tôi thường chọn những bao lì xì đẹp, phải là màu đỏ hoặc vàng tượng trưng cho điều may mắn rồi tự tay viết những lời chúc lên đó. Món tiền lì xì của tôi thường có giá trị thấp, nhưng tiền phải mới, phải đẹp.
Với người thân trong gia đình, tôi thường chuẩn bị thêm một món quà được gói thật cẩn thận. Tôi nghĩ, cái tâm của người tặng cho mình mới là đáng quý”.
“Tôi nghĩ vẫn nên giữ phong tục này vì nó mang lại niềm vui nho nhỏ ngày đầu Xuân cũng như thể hiện sự quan tâm đến người xung quanh”.
Giám đốc Công ty Alpha Books Nguyễn Tuấn Quỳnh
|
Trong khi đó, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn lại có vẻ không quá khắt khe với những biến tướng của lì xì. Ông cho rằng cuộc sống luôn phức tạp và đa diện. Những hình thức “biến tướng” của lì xì, do đó, không có gì lạ. Miễn sao chúng là tình yêu thương chân thật, là sự chia sẻ chân thành và tế nhị. Ta không nên “khó tính” quá!
Giáo dục cháu con từ tập tục lì xì
Không chỉ là phong tục đẹp mang lại may mắn cho cả người cho và người nhận, việc nhận lì xì và cách chúc Tết cũng là dịp để người ta quan sát thái độ ứng xử của con trẻ, từ đó dự đoán tính cách để giáo dục trẻ tốt hơn. Với khách đến thăm nhà, thông qua cách hành xử của trẻ nhỏ với bao lì xì có thể hiểu thêm về cách giáo dục trẻ cũng như văn hóa của từng gia đình.
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai có vẻ khá hứng thú ở góc độ này, bà cho biết: “Người lớn ngày xưa khi lì xì xong, thường lặng lẽ quan sát thái độ của cháu con đối với phong bao tiền lì xì. Đây mới là điều hệ trọng nhất. Có cháu vừa nhận lì xì, lập tức xé phong bao và chạy ùa đi mua một chút gì đó để ăn hoặc để chơi dù trong nhà chẳng thiếu. Cháu muốn thể hiện quyền sở hữu và quyền được chi tiêu theo sở thích riêng của cá nhân mình.
Có cháu nhận lì xì xong, âm thầm mở phong bao và cẩn thận đếm đi đếm lại số tiền mình được nhận rồi đem cất. Đó là dự báo của một tính cách kỹ lưỡng về tiền bạc trong tương lai. Có cháu nhận lì xì xong, vui cười nhảy lò cò chạy lại đưa nguyên phong bao nhờ mẹ hoặc ba cất giữ, sau đó chẳng còn màng tới nữa. Đó là dự báo sự hình thành của một tính cách phóng khoáng và vô tư”.
Theo bà Mai, muốn dạy trẻ nên người, các bậc ông bà cha mẹ phải hiểu trẻ và một trong số những biểu hiện rõ ràng nhất của tính cách ban đầu là thái độ trước đồng tiền. Tuy chưa phải tất cả, nhưng thông qua việc thực hiện tục lì xì, chúng ta có thêm cơ sở tin cậy để hiểu trẻ hơn. Thực tế sinh động xưa nay vẫn luôn cho hay, thái độ trước đồng tiền chính là thái độ trước cuộc sống. Chẳng phải ngẫu nhiên tục lì xì được đời đời nối nhau trân trọng lưu giữ. “Ai đó lợi dụng lì xì trẻ em để hối lộ người lớn là lỗi của họ và họ chẳng đáng cho chúng ta bàn tới, nhưng tự thân tục lì xì luôn hàm chứa những ý nghĩa tích cực, miễn người lì xì có cái tâm tốt đẹp”, bà Mai nói.
Với anh Nguyễn Tuấn Quỳnh, việc giáo dục con về lì xì được anh thực hiện sớm để các cháu không có sự so bì, đánh giá khi nhận lì xì: “Với các con của mình, tôi luôn chia sẻ ngay từ nhỏ để các cháu hiểu tiền lì xì chỉ là những đồng tiền may mắn, mình chỉ nên giữ nó chứ không nên xài. Sau này, khi con tôi lớn hơn, tôi cũng nhấn mạnh yếu tố “niềm vui”, “lộc đầu năm” chứ không được phép so bì, đánh giá. Tới nay thì các bé không quá quan tâm đến việc được lì xì nhiều hay ít”.
Với tuổi thơ đã từng được sở hữu và xài tiền khá độc lập, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơncho rằng người lớn không nên áp đặt mà chỉ cần hướng dẫn khéo léo để trẻ có ý thức một cách tự nhiên. “Cụ Nguyễn Hiến Lê có nhận xét khá hay: trẻ em, dù là con nhà nghèo hay nhà giàu, đều có những niềm vui và nỗi buồn giống nhau! Một an ủi cho trẻ em nhà nghèo: chúng không cảm thấy buồn khổ hơn con nhà giàu, bởi chúng vẫn có nhiều niềm vui khác bù lại! Theo tôi, hãy nên để yên cho trẻ em sống trọn vẹn tuổi thơ thần tiên và ngắn ngủi của chúng trong sự tự quyết và tự lập, dù còn vụng dại”, ông nói.
http://www.thesaigontimes.vn/141710/Ngay-Tet-ban-ve-li-xi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét